Nga nghi ngờ những chuyến hàng viện trợ của Mỹ
Bộ Tham mưu Nga hôm 14/8 bày tỏ lo ngại về số hàng mà Mỹ chuyển bằng
đường không tới cho Grudia, và rằng liệu đó có đúng là hàng viện trợ
nhân đạo hay không.
Moscow nghi ngờ số hàng mà Mỹ chuyển bằng đường không tới cho Grudia (Ảnh: Rian)
Mỹ đã phái hai chiếc máy bay quân sự C-17 tới Grudia vào tối 13/8 và
sáng sớm 14/8 như một phần trong sứ mệnh nhân đạo của Lầu Năm Góc.
Trong bản tuyên bố ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố, Washington
sẽ dùng máy bay và lực lượng hải quân để phân phát hàng cứu trợ đồng
thời yêu cầu Nga rút quân khỏi Grudia.
Tại một cuộc họp báo hôm qua, Tướng Anatoly Nogovitsyn, Phó lãnh đạo Bộ
Tham mưu Nga, đã kêu gọi giới truyền thông buộc quan chức Mỹ phải đưa
ra những thông tin đáng tin cậy về vai trò của Mỹ tại Grudia.
"Điều gì diễn ra ở đó. Chúng ta, những người Nga, đặc biệt quan tâm tới
điều đó. Máy bay vận tải của quân đội Mỹ được cho là đã chuyển hàng cứu
trợ tới sân bay Tbilisi. Tuy nhiên, hai ngày trước đây, các báo cáo cho
hay, chúng ta đã phá hủy khu vực này", ông Nogovitsyn nói.
Nhà quân sự trên bác bỏ tin mà quan chức Grudia và báo chí phương tây
đưa ra rằng quân đội Nga đã cho nổ tung cảng Poti ở Biển Đen, Grudia.
"Điều đó là không đúng. Nga không thực thi bất cứ hành động quân sự nào
trong hai ngày qua, chỉ tiến hành trinh sát". Tướng Nogovitsyn cũng bác
bỏ thông tin rằng Nga đã triển khai xe tăng tới thành phố chiến lược
của Grudia là Gori, nằm gần biên giới Nam Ossetia. Nhưng, xe bọc thép
cùng với lính đã có mặt ở Gori để trông coi đạn dược bị bỏ lại sau gần
một tuần giao tranh.
"Có nhiều vũ khí cần phải canh gác để chúng không bị mất và đem ra
dùng", Nogovitsyn nói và cho biết thêm binh sĩ Nga có một nhiệm vụ khác
ở thành phố này là bảo vệ giao thông liên lạc và vận chuyển người bị
thương. Theo quan chức này, quân đội Nga đã liên lạc với chính quyền
thành phố về vấn đề trên.
Tướng Nogovitsyn tuyên bố, Nga đã ngừng tập hợp quân trong vùng nhưng
chưa ấn định thời hạn rút lui. "Kế hoạch rút quân vẫn chưa được phê
chuẩn. Nhưng việc tập hợp binh sĩ đã bị ngừng lại".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sáng 14/8 tuyên bố, Nga sẽ tăng thêm
quân gìn giữ hòa bình ở Nam Ossetia. Moscow duy trì lực lượng gìn giữ
hòa bình tại vùng ly khai này kể từ những năm 1990 khi Abkhazia và Nam
Ossetia tách khỏi Grudia sau những cuộc xung đột đẫm máu.
Khi được hỏi liệu giao tranh có ảnh hưởng tới tốc độ hiện đại hóa quân
đội Nga hay không, Tướng Nogovitsyn nói, Nga sẽ rút ra kết luận nghiêm
túc từ những sự kiện như trên.
Các nước phương Tây đã chỉ trích Nga về việc dùng quân không thích hợp
trong cuộc phản công chống Grudia nhằm giành lại quyền kiểm soát Nam
Ossetia đồng thời cảnh báo nó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế. Về phần
mình, Moscow cáo buộc phương Tây thành kiến, và Nga không có lựa chọn
nào khác ngoài việc tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực
để bảo vệ dân thường.
Hoài Linh (Theo Rian, Reuters)
Tảng băng mới trong quan hệ Nga - Mỹ - Ba Lan
Thời điểm ký kết thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Ba Lan về việc cho Mỹ
triển khai tên lửa đánh chặn gây tranh cãi trên đất Ba Lan quả là đáng
tò mò, chắc chắn làm đóng băng quan hệ đang ấm dần giữa Ba Lan và Nga,
cũng như làm xấu đi hơn nữa quan hệ Nga - Mỹ.
Sơ đồ hệ thống tên lửa phòng thủ Mỹ.
Giọt nước làm tràn li
Tại lễ ký ở Warsaw, cả quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Rood và
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã phủ nhận mọi sự liên quan giữa
lễ ký này và chiến sự ở Grudia. Chỉ mới 24 giờ trước đây, ông Sikorski
tuyên bố Mỹ đã đưa ra một đề xuất mới, tốt hơn trong suốt vòng đàm phán
mới nhất để đáp lại việc Ba Lan bác bỏ các điều khoản hồi tháng 7/2008.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã nói về một mối liên hệ rõ
ràng trên tờ Dziennik của Ba Lan: "Trên hết, dường như Mỹ đã thay đổi
quan điểm do tình hình ở vùng Caucasus. Trong mắt Washington, cuộc xung
đột tại đó đã chứng tỏ rằng Nga không phải là một đối tác ổn định đối
với Mỹ’’.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận trên đã kéo dài gần hai năm, với việc
Chính phủ Ba Lan miễn cưỡng thúc đẩy thỏa thuận này trước sự phản đối
mạnh mẽ và những lời đe dọa trả đũa từ Moscow. Về phần mình, Washington
đã khước từ một số yêu sách của Ba Lan, đặc biệt là việc bán cho Ba Lan
các hệ thống phòng không tiên tiến. Tuy nhiên, những lo ngại này đã bị
gạt ra một bên khi chiến dịch quân sự của Nga ở Grudia bị phương Tây
coi là dấu hiệu Nga quyết tâm tái khẳng định ảnh hưởng của nước này tại
Liên Xô cũ.
Mỹ nói rằng lá chắn tên lửa này sẽ bảo vệ Mỹ cũng như châu Âu bằng cách
chặn các cuộc tấn công tên lửa tầm xa từ cái mà Mỹ gọi là "các nước thù
địch’’, chẳng hạn như Iran và Triều Tiên. Nằm giữa các nền dân chủ
phương Tây như Đức ở phía tây, Belarus và lãnh thổ Kaliningrad của Nga
ở phía đông, các quan chức Ba Lan coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh
của nước này còn lớn hơn cả Iran.
Mặc dù là một thành viên của EU và Nato song Chính phủ Ba Lan tin rằng
chỉ có Mỹ mới có thể đảm bảo an ninh cho quốc gia này. Đó là lý do tại
sao trong nhiều tháng qua Warsaw đã thúc ép Mỹ giúp hiện đại hóa quân
đội, đặc biệt là hệ thống phòng không. Giờ thì Mỹ đã đáp ứng các yêu
cầu chính của Ba Lan và đổi lại Ba Lan chấp nhận để Mỹ đặt 10 tên lửa
đánh chặn tại một căn cứ trên bờ biển Baltic.
Theo thỏa thuận, Mỹ tuyên bố sẽ giúp Ba Lan ngay lập tức trong trường
hợp Ba Lan bị một bên thứ ba tấn công. Mỹ cũng hứa giúp Ba Lan hiện đại
hóa các lực lượng vũ trang. Và quan trọng hơn cả là Mỹ đã đồng ý đặt
một số tên lửa Patriot và binh sĩ Mỹ trên đất Ba Lan.
"Chúng ta sẽ có hai chứ không phải một trại lính Mỹ tại Ba Lan. Chúng
ta sẽ có một căn cứ bảo vệ toàn bộ khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
chống lại các tên lửa đạn đạo tầm xa. Chúng ta cũng sẽ có một nhóm tên
lửa Patriot 96 được triển khai tại một địa điểm ở Ba Lan, theo yêu cầu
phòng vệ của Ba Lan. Đây là sự khởi đầu của việc tăng cường khả năng
phòng thủ cho Ba Lan và làm cho liên minh Ba Lan - Mỹ trở nên vững
chắc’’, ông Sikorski nói.
Ngoại trưởng Ba Lan cũng nói với ông John Rood: "Chỉ có những kẻ xấu xa mới nên sợ thỏa thuận của chúng ta’’.
Hậu quả
Nga đã phản ứng giận dữ, nói rằng thỏa thuận này sẽ làm xấu đi quan hệ
với Mỹ - mối quan hệ vốn đã bị kéo căng hết mức trong những ngày qua kể
từ khi nổ ra chiến sự ở Grudia. "Chính thỏa thuận này, chứ không phải
sự chia rẽ Nga - Mỹ về vấn đề Nam Ossetia, có thể làm gia tăng căng
thẳng giữa hai nước’’, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga phát
biểu tại Moscow.
Kremlin cho rằng hệ thống tên lửa phòng thủ Đông Âu sẽ làm mất cân bằng
quân sự trong khu vực và là một con ngựa thành Trojan nhằm chống lại
Nga. Mỹ đang vi phạm các thỏa thuận hậu Chiến tranh lạnh không triển
khai quân tại các nước thuộc khối Đông Âu cũ.
Hệ thống này có quy mô nhỏ lúc ban đầu song có thể được mở rộng. Và
trạm radar ở CH Séc, một bộ phận của lá chắn tên lửa Mỹ tại Đông Âu, có
thể được sử dụng để do thám Nga. Nga cũng đe dọa chĩa tên lửa vào các
căn cứ quân sự của Ba Lan nếu nước này để Mỹ triển khai lá chắn tên lửa
Đông Âu.
Quan hệ giữa Moscow và Warsaw đã ấm dần sau khi Thủ tướng Ba Lan Donald
Tusk lên nắm quyền vào cuối năm 2007. Ông Tusk đã có chuyến thăm Nga
trước khi tới Nhà Trắng. Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm các sản phẩm thịt và
nông phẩm của Ba Lan trong khi Warsaw không còn phản đối việc khởi động
các cuộc đàm phán về hiệp định đối tác mới giữa Nga và EU.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự ở Grudia nổ ra, Ba Lan đã lớn tiếng ủng hộ
Tổng thống Saakashvili của Grudia, đồng thời kêu gọi cả Nato và EU có
những hành động mạnh tay. Giờ với việc ký kết thỏa thuận với Mỹ, quan
hệ Nga - Ba Lan sẽ bị đóng băng, ít nhất là trong thời gian tới. Phản
ứng đầu tiên của Nga trước việc Mỹ, Ba Lan ký thỏa thuận sơ bộ trên là
Ngoại trưởng Nga Lavrov đã hoãn chuyến thăm Warsaw.
Và với tình hình ở Grudia hiện nay, quan hệ Nga - Mỹ chắc cũng chịu
chung số phận mặc dù các thỏa thuận trên phải được Quốc hội Ba Lan và
Quốc hội CH Séc phê chuẩn.
Minh Sơn (theo BBC, NYT, IHT)
Sau đợt không vận, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Gruzia
(LĐ) - Ngoại trưởng Mỹ C.Rice đã tới Tbilisi hôm 15.8 để thuyết phục
Tổng thống Saakashvili ký thoả thuận hoà bình với Nga. Còn Ngoại trưởng
Nga S.Lavrov thì tuyên bố thẳng thừng rằng, Gruzia khó giành lại toàn
vẹn lãnh thổ đối với hai tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia.
Kosovo là tiền lệ
Ngày 15.8, quân đội Nga vẫn ở sâu trong lãnh thổ Gruzia, vài giờ trước
khi Ngoại trưởng Mỹ tới để thuyết phục Tbilisi ký thoả thuận hoà bình
do Pháp đề xuất. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - "kiến trúc sư" của
hiệp định ngừng bắn - cho rằng chữ ký của Tổng thống Saakashvili là yếu
tố quan trọng trong trường hợp này. Nhưng ông Saakashvili có vẻ vẫn còn
hoài nghi. Ông cho biết, cần phải "nghiên cứu kỹ hơn" trước khi ký và
chờ xem bà Rice mang đến những gì.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đưa ra một thông điệp thẳng
thừng: "Hãy quên chuyện đàm phán về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của
Gruzia, bởi vì tôi tin là giờ đây sẽ rất khó có thể thuyết phục Nam
Ossetia và Abkhazia đồng ý với logic rằng họ sẽ bị buộc trở lại Nhà
nước Gruzia".
Nga chỉ rõ trường hợp Kosovo - một tỉnh ly khai của Serbia, tự tuyên bố
độc lập và được nhiều nước phương Tây công nhận, đã tạo ra tiền lệ pháp
lý cho hai tỉnh ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia. Tổng
thống Nga Dmitry Medvedev đã gặp các lãnh đạo của hai tỉnh ly khai và
tuyên bố Mátxcơva sẽ ủng hộ bất kỳ quyết định nào của Nam Ossetia và
Abkhazia về vị thế chính trị của họ.
Hoa Kỳ đã phản ứng lại tuyên bố của ông Lavrov, gọi đó là lời hăm doạ
và khẳng định quan điểm không đổi trong việc ủng hộ chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ của Gruzia. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo,
Nga có nguy cơ làm tổn hại quan hệ với Mỹ trong vòng 2 năm tới. Nhưng
ông Gates cũng khẳng định rằng, Mỹ không có ý định sử dụng lực lượng
quân sự ở Gruzia.
Phấp phỏng
Các quan chức Gruzia hôm 15.8 cho biết, nhiều xe tăng và xe vũ trang
của Nga đã hướng về phía Kutaisi - thành phố lớn thứ hai ở Gruzia. Đoàn
xe dừng ở cách thành phố 35 dặm và đóng quân tại đây. "Chúng tôi không
rõ họ làm gì ở đó, tại sao lại chuyển tới địa điểm ấy và họ sẽ đi đâu
tiếp theo" - Thủ tướng Gruzia Lado Gurgenidze lo lắng.
Mỹ nhận định, việc di chuyển của quân đội Nga tới Kutaisi có thể là vấn
đề gây lo ngại, nhưng hai quan chức quốc phòng Mỹ đều quả quyết, Ngũ
Giác Đài không phát hiện ra bất cứ sự di chuyển nào của quân đội và xe
tăng Nga. Chưa có phản ứng nào từ phía Nga về thông tin trên.
Trong 2 ngày qua, quân đội Nga tiếp tục tìm kiếm và phá huỷ các thiết
bị quân sự của Gruzia tại một số địa điểm. Ơ thành phố chiến lược Gori,
quân đội Gruzia vẫn chĩa súng vào binh lính Nga. Tại đây, các phóng
viên ghi nhận những vụ nổ nhỏ lẻ. Xe tăng và binh lính Nga hôm 15.8 lại
phong toả lối vào thị trấn Gori phía tây Tbilisi.
Mặc dù là người phát động cuộc chiến trước, nhưng giờ đây, Tổng thống
Gruzia Mikhail Saakashvili lại tỏ ra sốt ruột. "Thế giới nên suy nghĩ
thận trọng về những gì đang diễn ra ở đây. Chúng ta cần phải dừng ngay
tất cả mọi thứ có thể dừng được" - ông nói.
Trí Minh (Theo AP, Reuters)
Mỹ và Anh tẩy chay Nga
Cuộc tập trận chung giữa Nga và NATO dự kiến vào cuối tháng này phải
huỷ bỏ, do hai nước chủ chốt trong khối quân sự là Mỹ và Anh từ chối cử
chiến hạm tới tham dự, nhằm phản đối Matxcơva trong cuộc chiến Gruzia.
Khu trục hạm USS McCampbell (giữa) của Mỹ, tàu dự kiến tham gia tập trận FRUKUS 2008. Ảnh: Wikipedia.
Theo kế hoạch, cuộc diễn tập chung của lực lượng hải quân 4 nước mang
tên FRUKUS sẽ diễn ra tại vùng biển Nhật Bản từ ngày 15 đến 23/8. Tham
gia dự kiến có chiến hạm săn tàu ngầm Marshal Shaposhnikov (Nga), tàu
chiến hạng nhẹ Vendemiaire (Pháp), khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường
USS McCampbell (Mỹ) và tàu khu trục HMS Kent (Anh).
Phát ngôn viên hạm động Thái Bình Dương của Nga xác nhận tin huỷ tập
trận hôm qua. Trước đó, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ sẽ tránh xa hoạt động
quân sự chung này do cuộc xung đột tại Gruzia. Cả Washington và London
đều chỉ trích hành động quân sự của Matxcơva trong cuộc chiến bùng nổ
từ đêm 7/8.
Trong chiến dịch đáp trả và đẩy lui quân đội Gruzia ra khỏi Nam
Ossetia, đồng thời củng cố lực lượng gìn giữ hoà bình Nga, Matxcơva đã
điều động khoảng 10.000 binh sĩ và hàng trăm xe bọc thép tiến vào vùng
đất ly khai này. Họ nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát Tskhinvali,
thủ phủ của Nam Ossetia và đem quân tiến vào lãnh thổ Gruzia.
Sau khi Nga đem quân vào Nam Ossetia cũng như lãnh thổ Gruzia, Tổng
thống Mỹ George Bush cáo buộc: "Nga đã xâm lược quốc gia láng giềng có
chủ quyền và đe dọa một chính phủ dân chủ do dân bầu". Ông còn cho rằng
Matxcơva cần tôn trọng quyền toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Gruzia.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: "Mọi người đều
biết rõ nước Nga hiện diện tại lãnh thổ của Gruzia trên các cơ sở hoàn
toàn hợp pháp và thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình theo những thoả
thuận quốc tế đã đạt được. Chúng tôi trước sau như một cho rằng, nhiệm
vụ chính của chúng tôi là duy trì hoà bình. Về mặt lịch sử Nga đã và
vẫn sẽ là nước bảo đảm an ninh cho các dân tộc Kavkaz".
Trước đây, cuộc tập trận chung nói trên mang tên RUKUS được khởi động
từ năm 1988, đóng vai trò như một phương tiện đối thoại giữa Liên Xô,
Anh và Mỹ thời đó. Hoạt động quân sự này có các kịch bản huấn luyện cả
trên biển lẫn trên bộ. Pháp chính thức tham gia cuộc tập trận kể từ năm
2003 và hoạt động thường niên này được đổi thành FRUKUS.
Thông thường, cuộc tập trận chung có sự tham gia của khoảng 1.000 binh
sĩ đến từ 4 nước. FRUKUS năm 2007 diễn ra tại Bắc Đại Tây Dương và Nga
đã cử khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Admiral Chabanenko thuộc Hạm
đội phương bắc tham gia.
Đình Chính (theo Ria Novosti)
Bộ trưởng Gates bác bỏ khả năng Mỹ dùng vũ lực chống Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates hôm qua (14/8) đã lên tiếng
cảnh báo Nga đang làm nguy hại đến mối quan hệ với Mỹ “trong những năm
sắp tới” nếu nước này không ngừng các hành động chống lại Georgia.
Tuy nhiên, ông này cũng bác bỏ “bất kỳ khả năng nào về việc Mỹ sẽ dùng
đến các lực lượng quân đội trong tình huống này”. “Mỹ đã nỗ lực 45 năm
nay để tránh một cuộc xung đột quân sự với Nga. Vì thế, chẳng có lý do
nào để thay đổi chính sách đó trong ngày hôm nay", Bộ trưởng Gates nhấn
mạnh.
Tuy nhiên, ông Gates cũng tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ đánh giá lại “toàn bộ
các hoạt động hợp tác quân sự với Nga" đồng thời khẳng định hai cuộc
tập trận chung giữa 2 nước đã bị huỷ bỏ.
"Từ mùa thu năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và tôi đã bắt
đầu tham gia một cuộc đối thoại dài hạn có tính chiến lược với Liên
bang Nga. Chúng tôi đều chờ đợi rằng mặc dù có những bất đồng nhưng
chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ những lợi ích chung ở những lĩnh vực mà
chúng tôi cùng hợp tác như những đối tác thực sự", ông Gates cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates. (Ảnh: AFP)
"Nhưng hành động của Nga trong tuần vừa rồi đã buộc chúng tôi phải đặt
câu hỏi về nền móng của cuộc đối thoại đó và nó đã gây ra những hậu quả
đối với các mối quan hệ an ninh trong tương lai, cả song phương và cả
với NATO".
Bộ trưởng Gates cũng đề cập đến phái đoàn viện trợ nhân đạo của Mỹ do
lực lượng quân sự dẫn đầu đang thực hiện nhiệm vụ ở Georgia. Ông này
nhấn mạnh rằng Mỹ mong Nga không can thiệp vào những nỗ lực cung cấp
viện trợ nói trên.
Trong khi đó, một vị tướng cấp cao của Nga hôm qua đã cho biết Moscow
nghi ngờ không biết những chuyến hàng mà Mỹ đang chuyển đến Georgia có
thật là hàng viện trợ nhân đạo hay không, các hãng tin Nga đưa tin.
"Máy bay của quân đội Mỹ được cho là đang chở hàng viện trợ nhân đạo
đến sân bay Tbilisi", hãng tin RIA Novosti trích lời tướng Anatoly
Nogovitsyn, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, cho biết. "Chúng tôi
cực kỳ lo ngại về điều đó", ông Nogovitsyn nói.
Theo Kiệt Linh
"Tổng thống Pakistan chuẩn bị từ chức"
Đối mặt với sự lãnh đạm của các đồng minh và quân đội, Tổng thống
Musharraf của Pakistan sẽ từ chức trong vài ngày tới để tránh bị luận
tội, các chính trị gia Pakistan và các nhà ngoại giao phương Tây cho
biết hôm 14/8.
Tổng thống Musharraf (Ảnh: AP)
Sự ra đi của ông Musharraf chắc sẽ gây ra những bất ổn mới tại quốc gia
này, khi hai đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền đấu tranh giành
quyền lực. Chi tiết về cách ông Musharraf ra đi và liệu ông sẽ vẫn ở
Pakistan sau khi từ chức hay không đang được thảo luận.
Ông Musharraf được mong đợi sẽ từ chức trước khi liên minh cầm quyền
yêu cầu Quốc hội luận tội ông vào đầu tuần tới, Nisar Ali Khan - một
quan chức cấp cao thuộc đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - cho biết.
Quan chức Sheikh Mansoor Ahmed thuộc đảng Nhân dân Pakistan - đảng
chính trong liên minh cầm quyền - cũng nói rằng Musharraf có thể sẽ ra
đi trong vòng 72 giờ tới.
Liên minh cầm quyền đã gây sức ép đòi Musharraf từ chức nếu không sẽ bị
luận tội. Ông Musharraf lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 1999
song đã bị cô lập kể từ khi liên minh của ông thất bại trong cuộc tổng
tuyển cử hồi tháng 2/2008.
Tuần này, một tờ báo Pakistan đưa tin Tổng thống sẽ tuyên bố quyết định
từ chức vào Ngày Độc lập (14/8). Thay vào đó, ông Musharraf đã kêu gọi
hòa giải để giải quyết các vấn đề kinh tế và chủ nghĩa Hồi giáo cực
đoan.
Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Dana Perino cho biết "Chúng
tôi đã nghe về những thông tin này và tiếp tục giám sát tình hình", và
nói thêm rằng Mỹ coi đó là một vấn đề của người Pakistan.
Minh Sơn (theo AP, IHT)
Phạt tù 5 bị cáo đặt thuốc nổ Tượng đài VN-Campuchia
Ngày 14/8, 5 bị cáo tham gia vụ đặt thuốc nổ phá hoại Tượng đài Hữu
nghị Việt Nam-Campuchia ở trung tâm thủ đô Phnom Penh ngày 29/7/2007 đã
bị Toà án thành phố Phnom Penh tuyên phạt các mức án từ 15 đến 17 năm
tù giam.
Hai bị cáo Sok Kim Sowath và Kim Toeun cùng lĩnh án 17 năm tù về hai
tội danh khủng bố và sử dụng chất nổ trái phép. Ba bị cáo Soeung Hang,
Soeung Vy và Lim Phen bị phạt 15 năm tù vì tội tham gia hoạt động khủng
bố.
Trong bản cáo trạng, Toà án thành phố Phnom Penh nêu rõ 5 bị cáo này là
người ở các địa phương trong nước, được các thế lực thù địch nước ngoài
trả tiền thuê tiến hành vụ phá hoại nói trên nhằm gây mất ổn định chính
trị trong nước cũng như phá hoại tình hữu nghị giữa Campuchia với các
nước láng giềng.
Theo TTXVN
Mang tiền xu đi mua ôtô
Một ông lão tại bang Ohio (Mỹ) mới đây khiến các nhân viên tại hãng bán
xe mất hơn một giờ ngồi đếm các đồng tiền xu do ông mang đến để mua một
chiếc Chevrolet Silverado trị giá 16.000 USD.
Nhân viên tại hãng bán xe tại vùng Cincinnati, ngoại ô thành phố
Springdale, giật mình khi ông lão 70 tuổi James Jones mang đến 16 hộp
cà phê cũ chứa đầy đồng xu để trả một nửa số tiền mua xe.
Ông lão này "tẩy chay" tiền mặt vì không tin vào các tờ bạc giấy. Một
nửa còn lại cho chiếc xe bán tải Chevrolet Silverado được trả bằng séc.
Nhân viên bán hàng David Crisswell tại Cincinnati cho hay, cửa hàng
phải huy động nhiều nhân viên đếm các đồng xu thuộc đủ loại, gồm 10
cent, 25 cent, 50 cent và 1 USD trong vòng 90 phút. Tổng trị giá số
tiền xu khoảng 8.000 USD.
Con trai ông Jones cho hay, ông lão từ xưa đến nay chỉ thích tiêu tiền
xu. Anh này cũng tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết ông bố có tiếng là dè
xẻn của mình quyết định thay chiếc xe bán tải mà ông đã sử dụng từ năm
1981. Trước đó, chiếc xe này từng mất phanh và khiến ông lão phải vào
viện.
Thu Nga (theo AP)
|