Thiếu ăn bên kho thóc đầy! | ||||
Hơn 1 tháng rưỡi nay, 126 hộ nông dân ở thôn Giáo Ái Bắc và Giáo Ái Nam của HTX Điện Hồng 1 (Điện Bàn, Quảng Nam) chạy vạy từng lon gạo hằng ngày trong khi lúa của họ vẫn chất đầy kho!
Chị Lê Thị Chút (thôn Giáo Ái Nam) kể, theo lời vận động của HTX Điện Hồng 1, vụ đông xuân 2007-2008 chị đã dành 1,5 sào trong 2 sào ruộng của gia đình để sản xuất giống lúa lai F1 Nhị ưu 838 cho Công ty cổ phần giống nông lâm nghiệp Quảng Nam (gọi tắt là Công ty giống QN). Lúa thu hoạch xong đã nhập về kho HTX, nhưng gần 3 tháng trôi qua, chị chỉ được HTX ứng 1,5 triệu đồng. Số tiền nhỏ nhoi đó không đủ trả tiền mua phân bón và trả công cho người gặt lúa...
Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, thông qua HTX Điện Hồng 1, vụ đông xuân 2007-2008, Công ty giống QN đứng ra hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với nông dân trên diện tích 11,5 ha. Công ty sẽ mua lại lúa giống theo quy đổi: 1 kg giống lúa lai F1 đủ tiêu chuẩn nhập kho tương ứng với 4 kg lúa thương phẩm theo giá thị trường tại thời điểm giao nhận. Trong suốt quá trình sản xuất đến khi thu hoạch, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân làm đúng theo quy trình. Ngày 22.5, Công ty và HTX Điện Hồng 1 đã mời xã viên liên kết họp tại nhà văn hóa thôn Giáo Ái Bắc để thống nhất về giá lúa. Tại đây, công ty thông báo mua lúa giống 23.000 đồng/kg, người dân không chấp nhận bởi theo họ giá thị trường thời điểm đó là 6.500 đồng/kg lúa thịt, tương ứng mỗi kg lúa giống phải là 26.000 đồng. Sau đó, bà con đã chấp nhận giảm còn 25.000 đồng/kg lúa giống, nhưng Công ty giống QN lại không đồng ý. Diễn biến sau đó gây bất bình cho người nông dân khi Công ty giống QN cho rằng lúa giống không đảm bảo chất lượng nên quyết định không mua. Điều lạ là dù cho rằng hợp đồng bị HTX phá vỡ, nhưng không những không đòi bồi thường mà Công ty giống QN còn yêu cầu được bỏ ra 200 triệu đồng để gọi là hỗ trợ nông dân. Yêu cầu này đã bị HTX Điện Hồng 1 từ chối.
Hiện nay, 32 tấn lúa giống nông dân thu hoạch được vẫn để trong kho của HTX và nguy cơ phải chuyển sang lúa thịt rất cao do kho không đủ điều kiện bảo quản lâu. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân đã dốc hết vốn ra làm lúa giống, nay phải chạy vạy từng bữa ăn. Ngày 24.6, HTX đã bỏ ra 224,5 triệu đồng ứng cho nông dân 1 triệu đồng/sào để có tiền tái đầu tư sản xuất vụ hè thu, nhưng số tiền này cũng như muối bỏ bể... Theo ông Ngô Phước, Phó chủ nhiệm HTX Điện Hồng 1, nếu Công ty giống QN không thực hiện đúng hợp đồng thì Ban quản lý HTX sẽ kiện ra tòa để đòi công bằng cho người nông dân. Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên ngày 15.8, ông Trần Vinh Quang, Giám đốc Công ty giống QN, cho biết lý do không thể mua 32 tấn lúa giống là thời gian thu hoạch lúa giống gặp thời tiết có mưa vào buổi chiều, công ty đã yêu cầu HTX đưa toàn bộ lúa giống về kho để sấy bằng điện nhưng Ban quản lý HTX không đồng ý mà vẫn tổ chức phơi giống tại sân phơi của HTX. "Khi công ty lấy mẫu lúa giống để kiểm tra thì độ nảy mầm chỉ đạt dưới 75%, trong khi yêu cầu của lúa giống là độ nảy mầm phải đạt từ 90% trở lên" - ông Quang nói. Về giá mua lúa giống, ông Quang cho biết do hợp đồng không quy định lấy giá thị trường cụ thể khu vực nào và ai sẽ làm giá nên công ty đưa ra giá thóc thịt 5.800 đồng/kg, cũng là giá công ty đã mua lại lúa giống tại các đơn vị có hợp đồng liên kết. "Tuy không mua lúa giống tại HTX Điện Hồng 1 nhưng công ty cũng quyết định hỗ trợ cho bà con 200 triệu đồng tiền mặt và không thu hồi số tiền ứng trước 105 triệu đồng, vị chi công ty đã mất trắng 305 triệu đồng trong hợp đồng bị phá vỡ này" - ông Quang nói. H.T |