Thứ Ba, 2024-11-05, 8:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 17 » Ai sẽ bảo vệ các công an, thanh tra và nhà báo?
7:27 AM
Ai sẽ bảo vệ các công an, thanh tra và nhà báo?
 
Nhân dịp có thêm những nhà báo bị tước thẻ hành nghề

Võ Thị Hảo

Tôi kể chuyện này

Một ngày xấu trời của năm 2008, tại một ngõ hẻm ở thành phố Hà Nội, có một tên kẻ cướp cầm dao lao vào cướp xe của một phụ nữ đang đi trên đường. Người phụ nữ bị đâm vào tay, ngã vật xuống, miệng kêu thất thanh. Không ai cứu chị. Nhiều người chỉ đứng nhìn. Tên cướp định lao vào đâm tiếp để giằng lấy xe. Những người đi trên đường vẫn bình thản đi tiếp, vờ không biết chuyện gì xẩy ra. Tên cướp vung dao hung hãn doạ đâm chết bất kỳ kẻ nào dám can thiệp.

Bỗng có một người đàn ông lao tới. Anh ta trông bộ dạng gầy yếu. Những hàng xóm ở chung quanh biết rất rõ anh ta. Anh ta là chủ của căn hộ số 3 nằm ngay trên mặt ngõ hẻm, nơi xẩy ra vụ cướp. Mọi người biết rõ anh ta là Nguyễn Văn Năm. Hộ khẩu ghi rõ thế. Quê quán, vợ con, nghề nghịêp của anh ta, hàng xóm không lạ gì.

Anh ta lao vào tên cướp. Tên cướp sơ hở, chiếc xe đổ xuống. Tên cướp ngã theo. Nhưng với phản xạ nghề nghịêp, hắn đã kịp đâm vào sườn của Nguyễn Văn Năm. Tên cướp chạy tháo thân, để lại hiện trường với chiếc xe máy nằm chỏng chơ và hai người bị thương.

Rồi nạn nhân và người cứu mạng được đưa đi cấp cứu.

Còn lại hịên trường là công an và những người chứng kiến cùng những người đổ đến xem sau khi sự việc xẩy ra.

Nhiều người khen anh Nguyễn Văn Năm là tốt bụng.

Nhiều người chê anh Năm là dại. Ách giữa đàng tự quàng vào cổ. Chẳng giải quyết được việc gì đâu. Cướp giết hiếp là chuyện cơm bữa .

Cũng có một số người (giấu tên) nói rằng, cần phải nghi ngờ cái hành động của Nguyễn Văn Năm. Họ phân tích rất hùng hồn, vì họ giấu tên. Họ phân tích rằng:

Anh Năm này rất rất phức tạp và đáng ngờ. Vì trước khi lao vào cứu người, anh ta đã không đeo mặt nạ . Vì anh ta không đeo mặt nạ, nên hành vi của anh ta rất phức tạp vì đã để mọi người biết tên họ của anh ta. Và việc lao vào cứu người chỉ đơn thuần là hành động tiếp thị cho bản thân anh ta mà thôi.

Theo họ, để có thể không bị xếp vào diện phức tạp, chí ít anh Năm phải làm:

1- Tròng mặt nạ vào để che lấp hoàn toàn khuôn mặt

2- Mặc áo choàng đen rộng thùng thình hoặc quấn mo nang vào che khuất toàn bộ thân mình.

3- Hoàn toàn ngậm tăm không nói để người ta không nhận ra giọng.

4- Khi đi ra khỏi nhà số 3, anh Năm phải đi bằng cách độn thổ, để hàng xóm hoàn toàn không thể nhận ra anh ta là Nguyễn Văn Năm, chủ của ngôi nhà số 3.

Sau khi ngụy trang kỹ như thế, nặc danh như thế, anh ta mới được phép lao vào cứu người.

Khi không thực hiện đầy đủ 4 hành vi trên, thì Nguyễn Văn Năm- một anh giáo viên- thực ra rất phức tạp. Hừ, anh ta dám không đeo mặt nạ, để hàng xóm nhận ra tên tuổi. Thực ra anh ta cứu nạn chỉ để đánh bóng bản thân!

Trong khi đó, Nguyễn Văn Năm thì đau đớn với vết thương của tên cướp. Giá mà anh ta khôn ngoan như một số nhà phân tích giấu tên ở trên, cứ để mặc thì người phụ nữ đã bị đâm chết và anh ta không bị thương và không bị mang tội là cố tình làm thế để đánh bóng bản thân.

Nhân ngày có thêm những nhà báo bị tước thẻ hành nghề

Thái độ của quý vị thế nào trước mẩu chuyện trên? Chính kiến của quý vị thế nào?

Khi tôi đưa mẩu chuyện trên đây cho một số người đọc, mọi người phẫn nộ kêu lên: Thật phi lý! Xương máu của người ta đấy! Thấy người gặp nạn, không lao vào cứu, sao lại còn nói là anh Năm tiếp thị bản thân. Cách lý giải gì mà kỳ vậy?

Thật phi lý, ai cũng thấy!

Nhưng trong thực tế, cách bình luận đó vẫn xẩy ra. Thường xuyên.

Đó là cách một số người trong chúng ta bày tỏ lòng yêu thương và trách nhiệm của mình với cộng đồng đấy!

Và những tên kẻ cướp ngồi nghe mà cười thầm. Chúng không mong gì hơn!

Cũng như những kẻ tham nhũng và gieo rắc tệ nạn xã hội, những kẻ cướp đoạt quyền sống của người dân không mong gì hơn sự thờ ơ, sự sợ hãi, sự nghi ngờ tất thảy mọi điều được gọi là đạo đức và lương tri trên thế gian này của tất cả mọi người. Đe nẹt triệt hạ bằng dao súng là công việc của tay phải. Và tung hỏa mù cào bằng tất cả, khiến cho mọi người tuyệt vọng và nghi kỵ lẫn nhau, nghi kỵ cái gọi là sự chân thành và lương tri trên thế gian này, đó là công việc của tay trái.

Cả hai bàn tay đều đẫm máu. Và trong đó, không loại trừ sẽ có ngày có cả máu của những nhà hoài nghi giấu tên như trên.

Vì chính những nhà hoài nghi cũng cần bình an, công lý như mọi người thôi.

Bây giờ, có một số bạn đọc không hiểu sự việc, đang dùng cách lý giải tương tự về việc có một số nhà báo bị bắt, bị tước thẻ hành nghề và cả về việc những người công an tham gia điều tra vụ PMU 18 và một số vụ việc khác.

Họ cũng đang loan truyền trong cộng đồng tin xấu về các nhà báo này nhưng chưa đưa ra được một căn cứ nào.

Tôi không lạ. Tôi biết sẽ có những người nói thế. Thậm chí còn hơn thế.

Chỉ cảm thấy buồn tênh vì có nhiều linh hồn đang sống mà đã chết cả niềm hy vọng vào sự chân thành và lương tri của con người và cứ suy bụng ta ra bụng người.

Họ không tin rằng, mặc dù bị vùi dập, mặc dù chúng ta được huấn luyện một cách kỹ lưỡng từ nhỏ đến già để làm lưu manh, làm nô lệ, nhưng lương tri đất Việt thực ra vẫn còn sót lại đấy.

Những người chính trực, giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha – vẫn còn.

Những người cầm bút trung thực vẫn còn.

Cũng như khí thiêng đất nước chưa thể bị triệt tiêu và nhật thực không thể mãi nuốt chửng mặt trời công lý!

Điều đáng tiếc là khi buộc tội ai đó, chỉ trích ai đó, nhiều người có thói quen giấu tên.

Họ không biết rằng công khai với tên tuổi khai sinh để là dấu hiệu đầu tiên của lòng thành thật và dám chịu trách nhiệm.

Cái cử chỉ công khai tên tuổi đó cũng tương tự một người đứng trứơc toà, đặt tay lên cuốn Kinh thánh và thề rằng: tôi xin thề nói ra sự thật và chỉ sự thật mà thôi!

Vì lòng tin và sự thật là cái điểm tựa đầu tiên và cuối cùng để con người ta không dìm nhau chết ngụp trên thế giới này vốn mong manh và dễ sụt lở như đứng trên lớp băng mỏng.!

Không có lòng tin và khi sự thật bị nhạo báng, ta sẽ sống với ai đây?

Là một người Việt Nam, những vấn đề này trở đi trở lại trong tôi. Đã lâu lắm rồi.

Để phải trở thành những người cạn kiệt lòng tin, chúng ta chua xót biết bao nhiêu!

Sự ngờ vực và cách nói một đằng làm một nẻo, sự lý giải lệch lạc về cuộc sống, về xã hội, sự chối bỏ lương tri và lòng tự trọng, đã tứơc đoạt sức mạnh linh hồn của chúng ta.

Nếu tôi chối bỏ lòng tin vào lương tri và nhắm mắt bưng tai, hai bàn tay đút túi, mặc kệ cho nhưng điều bất công tha hồ xẩy ra ngay trước mắt, thì tôi sẽ trở thành thảm hại và tôi sẽ ký sinh trên mạng sống của người khác. Và tôi cầm bút để làm gì?

Khi đó, tôi sống mà như đã chết.

Hôm 1/8/2008, báo chí đưa tin có một số nhà báo bị tứơc thẻ hành nghề. Cũng lại vì liên quan đến vụ PMU 18.

Chào những Bùi Thanh, những Dương Đức Đà Trang, những Quốc Phong, những Huỳnh Kim Sánh, những Việt Dũng…Những người đã yêu nghề, không chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình, để xây dựng nên những tờ báo hiếm hoi còn tồn tại tính lý tưởng và trách nhiệm công dân qua việc luôn gắng gỏi đưa được càng nhiều phần của sự thật càng tốt đến công chúng dù phải luồn lách qua tầng tầng lớp lớp rào chắn và bưng bít.

Tôi nhớ đến những Kim Hạnh, những Lê Văn Nuôi, những Huỳnh Sơn Phước, những Quang Vĩnh –những người làm báo có lý tưởng, đã xây dựng nên một tờ Tuổi trẻ là tờ báo đáng tin cậy và là tờ báo được đa phần bạn đọc trong nước đánh giá là có lương tri và rất nhiều khi đã đứng về phía sự thật và lẽ công bằng. Nhờ có họ, nhiều vụ tiêu cực tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, nhiều chính sách đã được cải thiện theo hướng có lợi hơn cho đất nước và qua đó cũng đã có lợi hơn cho nhà cầm quyền.

Các bạn không phải không biết, như tôi và mọi người cùng biết, là nếu ta chọn cách làm báo tô hồng, ca tụng, lạm dụng, lưu manh, đưa chuyện cướp giết hiếp, xa lánh sự thật, dễ sống hơn biết bao nhiêu.

Nhưng các bạn đã lựa chọn. Và tôi và rất nhiều công chúng tin các bạn.

Rằng, dù thế nào đi nữa, các bạn vẫn luôn là những nhà báo có lương tri.

*Ai sẽ bảo vệ các công an, thanh tra và nhà báo? Ai sẽ bảo vệ dân oan?

Những người nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra và đưa tin bài về sự thật.

Những công an, thanh tra và những người khác chuyên làm trong lĩnh vực chống tội phạm, tham nhũng và tệ nạn xã hội.

Những công dân ngay thẳng lương thiện khác hịên chưa bị tổn thương hoặc bị những thế lực mafia trở tay quật ngã…

Các bạn! Rồi đây ai bảo vệ các bạn đây?

Chưa thấy gì để đảm bảo rằng vào một ngày trời không đẹp nào đó, sau một thời gian cặm cụi nằm gai nếm mật, không quản máu xương cho cộng đồng để chống tiêu cực tham nhũng, chống kẻ cướp và lũ giặc nội xâm, khi bạn ngẩng lên, có thể bạn đã bị đưa tay vào còng số 8 vì bị quy tội “ lợi dụng chức vụ quyền hạn…” hoặc tội “xâm phạm riêng tư của công dân…”.

Ai sẽ chìa tay cho một chiến sĩ công an hoặc một nhà báo, một thanh tra, một công dân dũng cảm dám chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, nếu một ngày nào đó có một vài người có quyền thế hơn bỗng quyết định rằng anh ta đã phạm vào tội “ lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” và tội “ xâm phạm bí mật đời tư của công dân…”?!

Vì đương nhiên, không một cuộc điều tra nào, một cuộc tố cáo nào có thể chối bỏ vịêc tìm hiều về hành vi của cá nhân đối tượng trong mối tương quan cộng đồng và xã hội.

Không ai không có những sơ hở tối thiểu, trong khi chính bản thân mình đang phải tập trung hết sức lực lao về phía hiểm nguy. Nhưng người ta vẫn lao lên. Vì trách nhiệm, vì nghề và nghiệp, và vì cộng đồng, và cả vì những lời kêu gọi của Đảng và nhà nước chống tiêu cực và tham nhũng nữa.

Và ai ngờ được rằng trong khi đó, luôn có những lưỡi lê ngầm theo sát bạn, bất ngờ thọc vào sườn.

Có cả súng bắn trộm

Có cả “ném đá giấu tay”. Và cái võ “ném đá giấu tay” thì nhiều người trong chúng ta đã quá nổi tiếng là thiên hạ không ai sánh kịp.

Bạn sẽ ngã xuống!

!Và khi bạn ngã xuống, không loại trừ có những người trong cộng đồng của bạn - Những thường dân thôi, cũng được lợi tí chút trong công cuộc làm nô lệ, mà bạn đã chiến đấu để bảo vệ họ- sẽ tới. Không để cứu bạn, mà đến, để xỉ vả, hắt nước bẩn vào người bạn và ném đá vào bạn.

Hãy đừng ngạc nhiên. Và đừng bỏ công cuộc của mình.

Vì chúa Giê-su xưa cũng đã từng bị ném đá rồi bị đóng đinh chỉ vì đã cứu chuộc loài người

Lấy gì để đảm bảo rằng những người trung thực, đang phải đối mặt với hiểm nguy, và nhiều người khác, không bị đâm lê khi hở sườn và không bị ném đá khi ngã xuống!

Những người ấy đang nghĩ gì? Những người rất có thể bị thọc lưỡi lê vào sườn ấy!

Rất có thể, những cơn nổi gai sống lưng đang tàn phá họ. Tương tự những đợt sốt rét đang phá huỷ hồng cầu nhịêt huyết trong họ. Không phải vì họ sợ. Mà vì nỗi cô đơn.

Cô đơn trước cộng đồng.

Ta liều thân, không quản khố khăn nguy hiểm vì mọi người, vì muốn gạt bỏ những tế bào ung thư đang tàn phá đất nước.

Vậy mà, lạnh lẽo làm sao và cô đơn làm sao! Trước sự thờ ơ, cái cách lý giải và sẵn sàng ném đá, sẵn sàng hắt nước bẩn vào người khác trong cái cộng đồng mà anh ta đang bảo vệ.

Và như thế, ai sẽ bảo vệ dân đây? Nếu công an và thanh tra, tòa án…vì sợ hãi mà để mặc kẻ ác hoành hành?

Và ai sẽ bảo vệ cả công an, thanh tra, tòa án, dân oan, bảo vệ công lý, bảo vệ đất nước này, khi công luận vì quá sợ hãi và cô đơn mà câm lặng?

Võ Thị Hảo


Nguồn: CLBNBTD
http://clbnbtd.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=766
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1151 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0