X-cafevn tổng hợp tin trong nước
Trong một Tờ trình gửi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn mới đây, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự báo: Nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, cuối năm nay không chỉ thịt lợn (chiếm tới 85% sản lượng thịt ở Việt Nam) mà còn với các loại thịt gia súc, gia cầm khác nữa cũng có nguy cơ phải nhập khẩu…
Ông Lê Bá Lịch cho biết: Ở Việt Nam, trong tổng lượng thịt thương phẩm cho tiêu dùng, thịt lợn chiếm hơn 80%, tiếp đến là thịt gà từ 11 – 12%, thịt trâu, bò từ 3 – 4% và các loại thịt khác khoảng 1 - 2%. Do hiện nay là mùa nóng, sức tiêu thụ thịt lợn đang chững. Nhưng quy luật vào những tháng cuối năm, mùa lạnh, sức tiêu thụ thường tăng cao, nhất là vào các dịp Noel, Tết dương lịch, âm lịch. Việc nhiều chủ trang trại quy mô lớn dừng nuôi lợn cộng với dịch bệnh tai xanh (riêng Thanh Hoá, qua 6 tháng đầu năm tiêu huỷ hơn 200 nghìn con), cúm gia cầm vẫn đang hoành hành đe doạ nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm nên cuối năm nay cũng sẽ không đủ cầu.
Theo ông Lê Bá Lịch, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam vừa có tờ trình với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 10 giải pháp để khuyến khích các chủ nuôi mở chuồng chăn nuôi trở lại. Trong đó đề nghị đưa mặt hàng sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản vào danh mục mặt hàng thiết yếu, được ưu tiên đầu tư sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì ở Việt Nam, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành thành phẩm. Nếu hạ được giá thức ăn thì hạ được giá thịt thành phẩm. Hiệp hội cũng đề nghị các Bộ Tài chính, giảm thuế VAT bằng 0% đối với nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (đậu tương, ngô, sắn…). Bộ Công thương tổ chức hệ thống phân phối, sàn giao dịch hàng nông sản, trong đó có mặt hàng thịt, trứng để hàng từ người sản xuất đến thẳng tay người tiêu dùng, ngăn tư thương chẹt giá; ngân hàng nghiên cứu cơ chế cho vay vốn và giảm lãi suất tiền vay xuống mức hợp lý để người nuôi có lãi…
Một trại chăn nuôi lợn
Hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, từ đầu năm đến nay trên địa bàn cả nước đã có khoảng 30- 40 doanh nghiệp sản xuất thức ăn, chăn nuôi nhỏ ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh,…
Vẫn theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do trong khi giá nhập nguyên liệu tăng cao mà giá thức ăn trong nước lại không theo kịp. Thức ăn hỗn hợp thịt lợn cuối năm 2007 có giá là 5,700 đồng/1kg nay tăng lên 7,500 đồng/1kg tăng 31%. Thức ăn hỗn hợp gà thịt cuối năm 2007 có giá 6,800 đồng/1kg, nay tăng lên 8,800 đồng/1kg; tăng 29%; thức ăn đậm đặc lợn thịt tăng 21%. Tổng cộng cả 3 loại thức ăn lại tăng là 127%. Nhưng, giá nguyên liệu nhập khẩu như ngô từ Mỹ, Achentina tháng 12/2007 là 90 USD/1 tấn, nay tăng lên 310 USD/1 tấn, bột cá từ Peru tháng 12/2007 có giá 185 USD/ 1 tấn nay tăng 357 USD/1 tấn, khô dầu đậu tương Ấn Độ, Mỹ tháng 12/2007 là 270 USD/1 tấn nay tăng lên 550 USD/1 tấn, Đicanxiphốtphát (ĐCP) từ Trung Quốc cuối năm 2007 là 420 USD nay tăng tới 920 USD, tăng tới 226%. Trung bình giá các loại hàng nhập khẩu này từ cuối năm 2007 đến tháng 6/2008 đã tăng lên tới 196%.
Do giá nguyên liệu nước ngoài tăng cao nên giá nguyên liệu trong nước cũng tăng theo. Cuối năm 2007 giá ngô là 4,2 triệu/tấn thì sang năm 2008 giá tăng lên 5 triệu/tấn, khô dầu đậu tương cuối năm 2007 có giá 7,8 triệu/1 tấn đến nay tăng lên 11,7 triệu/tấn, tương ứng bột cá 14 triệu/tấn tăng lên 16 triệu/tấn tăng 114,3%, cám gạo 3,8 triệu/tấn tăng 4,8 triệu/tấn tăng 126,3%... Tổng giá của 8 loại hàng nguyên liệu từ ngày 31/12/2007 đến tháng 6/2008 giá các mặt hàng tăng bình quân quá cao là 143,7%. Trong khi đó thì giá thức ăn chỉ mới tăng lên có 127%.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chuyên gia nông nghiệp cao cấp, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: Ngoài nguyên nhân trên, việc hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động còn do lãi suất trong các ngân hàng quá lớn, thủ tục hải quan, tài chính phức tạp, huy động USD để nhập khẩu của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn… Từ những nguyên nhân trên mà đã có không ít doanh nghiệp chọn giải pháp trước mắt là tự đóng cửa không sản xuất thức ăn chăn nuôi nữa.
Ngày 11-8-2008, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký Quyết định số 67/208/QĐ-BTC giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng whey (một loại thực phẩm dinh dưỡng) và whey đã cải biến, đã hoặc chưa cô đặc hoặc pha thêm đường hoặc chất ngọt khác thích hợp dùng làm thức ăn cho người và cho động vật được giảm từ 10% xuống còn 2%. Loại đậu tương phù hợp để làm giống thì vẫn giữ nguyên mức thuế suất 0%. Mặt hàng đậu tương đã hoặc chưa vỡ mảnh các loại khác được giảm từ 2% xuống còn 0%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất chăn nuôi những tháng đầu năm 2008 gặp nhiều khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh và do việc tăng giá các loại nguyên liệu đầu vào.
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân và phát triển chăn nuôi, bộ đã đề nghị đưa mặt hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi vào danh mục những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, giảm thuế suất nhập khẩu xuống 0% đối với một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; đồng thời yêu cầu Hải quan đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi thông quan...
(Theo : Cổng TTĐT Chính phủ - Bộ Công Thương - Vitinfo)
|