Tin Việt Nam
Yên Bái: Trạm cảnh báo lũ chưa một lần… hú còi
Sau đợt lũ quét, lũ ống kinh hoàng năm 2005 ở Ba Khe (Cát Thịnh, Văn
Chấn), các trạm cảnh báo lũ trị giá hàng trăm triệu đồng đã được đầu tư
cho tỉnh Yên Bái. Nhưng đợt lũ vừa qua, những trạm cảnh báo này vẫn
chưa thể hú còi báo động.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm gì?
Sau Lào Cai, Yên Bái là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ
vừa qua. Báo cáo nhanh của tỉnh này tính đến ngày 14/8, tình hình thiệt
hại do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra là 36 người chết, 4
người mất tích; hơn 300 nhà dân bị sập, trôi mất hoàn toàn; số nhà bị
hư hỏng trên 1.000 nhà; hơn 4.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng, vùi lấp
và mất trắng; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Thiệt
hại về tài sản ước tính trên 400 tỉ đồng.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Văn phòng thường
trực phòng chống lụt bão của tỉnh, cho biết: Hiện toàn tỉnh Yên Bái có
290 trạm đo mưa đơn giản để cảnh báo lũ, được phủ hầu hết các thôn, xã
ở tất cả các huyện. Trong đó có 200 trạm được tỉnh Yên Bái đầu tư
khoảng 250 triệu đồng, 90 trạm còn lại do Chương trình phát triển Liên
hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Cuối năm 2007, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã lắp đặt cho tỉnh này
5 trạm cảnh báo lũ tự động tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Nghĩa Lộ,
Mù Cang Chải, Trạm Tấu, tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Theo ông
Hưng, khi có mưa lớn ở mức báo động 1 là 90mm, báo động 2 là 120mm và
báo động 3 là 150mm thì các trạm này sẽ tự động hú cói báo động. Tuy
nhiên trên thực tế, “đến nay cả 5 trạm này vẫn chưa một lần hú còi vì
nó vẫn đang... thử nghiệm”, ông Hưng thừa nhận.
Còn 290 trạm đo mưa đơn giản khi được giao xuống cho các Ban Phòng
chống lụt bão của các xã, những người tiếp quản hệ thống này (thường là
trưởng, phó ban hoặc chủ tịch, phó chủ tịch xã) phải cập nhật thường
xuyên đo lượng mưa theo tần suất 1h một lần và đưa ra cảnh báo cho
người dân biết.
Nhưng không hiểu vì sao, hầu hết người dân ở một số xã bị lũ quét đi
qua đều khẳng định với phóng viên rằng lũ đến quá nhanh, chỉ kịp bỏ của
chạy lấy người chứ trước đó không nghe thấy cán bộ xã nào cảnh báo về
lũ quét.
Chị Lương Thị Anh (thôn 1, xã Văn Tiến, Trấn Yên) bị sập nhà trong cơn
lũ quét. Chị cùng 6 đứa con may mắn thoát nạn do đã cẩn thận sang nhà
chị gái tá túc từ sáng sớm. Khi về nhà mới thấy nhà đã sập hoàn toàn.
Chị Anh cho biết, không thấy ai trong xã nói đến trận lũ quét này.
Theo Tuấn Hợp - Quảng Dân
Có khác gì những kẻ đang lãnh đạo đất nước?
Trình độ lớp 7, lập công ty để… lừa đảo
Mới học hết lớp 7 và không có nghề nghiệp ổn định nhưng năm 2005, Sơn
đã cùng với Hùng đứng ra thành lập Công ty TNHH. Trong quá trình hoạt
động, Sơn đứng ra mua bán đất, hắn cầm tiền đặt cọc mua đất của một số
người rồi tiêu xài hết mà không giao giấy tờ đất.
Ngày 13/8, Thượng tá Phạm Vĩnh Thịnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về
TTQLKT và CV Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Sau khi nhận được đơn thư
tố giác của nhân dân, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiến hành điều tra
và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam
đối với Nguyễn Thanh Sơn (54 tuổi), là Giám đốc Công ty TNHH Khánh Lâm,
trú tại số nhà 15 đường Lý Thường Kiệt, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình
Phước, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.
Không có năng lực tài chính vẫn thành lập công ty
Theo kết quả điều tra, tuy chỉ mới chỉ học hết lớp 7 và không có nghề
nghiệp ổn định nhưng vào khoảng tháng 12/2005, Nguyễn Thanh Sơn đã bàn
với Phạm Văn Hùng (42 tuổi), trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh
Bình Phước đứng ra thành lập Công ty TNHH Khánh Lâm với vốn đăng ký
điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng.
Ngày 31/1/2006, Nguyễn Thanh Sơn với danh nghĩa là Giám đốc Công ty
TNHH Khánh Lâm đã làm tờ trình xin UBND tỉnh Đắk Nông xin nhận 500ha
đất tại Tiểu khu 1541, 1536 thuộc xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức do Lâm
trường Quảng Tín quản lý để lập "dự án" tái tạo đất, phủ xanh đất trống
đồi núi trọc.
Nhận thấy với số vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 700 triệu thì không đủ
điều kiện để được xét duyệt dự án, nên tháng 2/2006, Nguyễn Thanh Sơn
đã nghĩ ra cách kết nạp thêm thành viên mới là Trịnh Thị Hòa (45 tuổi),
trú tại thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và nâng số
vốn đăng ký lên 11 tỷ đồng.
Sau khi thành lập Công ty thì cả 3 thành viên đều không góp vốn theo
điều lệ Công ty cam kết ban đầu, không mở hệ thống sổ sách tài chính kế
toán theo quy định của Luật Doanh nghiệp…
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sau khi hoàn tất các thủ tục và được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho
tiến hành khảo sát để lập dự án nông lâm nghiệp tại Tiểu khu 1538 thuộc
Lâm trường Quảng Tín quản lý. Qua quá trình thẩm định, kiểm tra năng
lực tài chính của Công ty, UBND tỉnh Đắk Nông đã không phê duyệt vì dự
án không có tính khả thi.
Tuy nhiên, tháng 2/2006, lợi dụng vào văn bản của UBND tỉnh Đắk Nông
chấp thuận cho Công ty TNHH Khánh Lâm tiến hành khảo sát lập dự án nông
lâm nghiệp tại Tiểu khu 1538, Nguyễn Thanh Sơn với danh nghĩa Giám đốc
Công ty TNHH Khánh Lâm đã đứng ra thỏa thuận, bán 16ha đất tại Tiểu khu
1538 cho bà Đặng Thị Dâng (50 tuổi), trú tại Đắk Xuyên, Đắk Nhau, Bù
Đăng, Bình Phước với giá từ 8 đến 12 triệu đồng/ha và Sơn đã thu của bà
Dâng 150 triệu đồng.
Cũng trong tháng 2/2006, Sơn đã bán cho ông Trương Hồng Chương ở huyện
Bù Đăng, tỉnh Bình Phước 20ha đất với giá 15 triệu đồng/ha. Ông Trương
Hồng Chương đã đặt cọc cho Sơn 50 triệu đồng, số còn lại khi nào nhận
đất sẽ thanh toán hết.
Sau khi cầm tiền của những người nói trên, Nguyễn Thanh Sơn đã sử dụng
vào việc tiêu xài cá nhân. Đợi chờ mãi không thấy Sơn đến giao giấy tờ
đất như đã hứa hẹn, các hộ dân lúc này mới biết mình bị lừa nên đã làm
đơn tố giác gửi lên các cơ quan chức năng cầu cứu.
Qua các vụ án trên cho thấy, công tác quản lý, xét duyệt, thẩm định các
dự án đầu tư vào tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua còn nhiều vấn đề bất
cập cần phải xem xét, chấn chỉnh nhằm tránh thiệt hại về nguồn tài
nguyên, môi trường, cũng như làm suy giảm lòng tin, uy tín khi kêu gọi
các doanh nghiệp vào tỉnh đầu tư phát triển kinh tế.
Theo Văn Thành - Minh Quỳnh
Kinh tế Việt Nam phát triển được mới là chuyện lạ
Một doanh nghiệp muốn đầu tư tại TT-Huế: Cần trên 50 loại giấy tờ
(LĐ) - Thông tin trên được nêu ra tại Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát
hiện trạng quy trình thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng của DN trên
địa bàn tỉnh TT-Huế và tham vấn giải pháp nhằm góp phần đơn giản hoá
các thủ tục.
Hội thảo do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của nhóm NH
Thế giới; Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam (VPSSP) và UBND
tỉnh TT-Huế đồng tổ chức ngày 14.8 tại Huế.
Cụ thể, ở TT-Huế, để hoàn tất toàn bộ quy trình từ khảo sát địa điểm,
đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép chứng nhận đầu tư, quyết
định giao/ thuê đất cho đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và
giấy phép xây dựng ở tỉnh, DN phải trải qua 9 thủ tục chính.
Phải chuẩn bị trên 50 loại giấy tờ tài liệu cần có cho các loại hồ sơ,
với hơn 60 lần đi lại đến các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp,
cũng như phải cần đến hơn 400 ngày để hoàn tất toàn bộ quy trình. Đó là
một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí đối với DN.
Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Cao - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế
- hứa: Trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả rà soát và ý kiến đóng
góp tại hội thảo. UBND tỉnh TT-Huế sẽ triển khai ngay các biện pháp cần
thiết nhằm đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục. Đồng thời sẽ tăng cường cơ
chế phối hợp giữa các ban ngành liên quan để phục vụ các nhà đầu tư.
H.V.M
Sự khác biệt giữa xã hội tự do và xã hội cộng sản:
Dịch vụ bảo hành: "Hành người mua là chính”
Dịch vụ sau bán hàng luôn là một tiêu chí để người tiêu dùng xem xét
lựa chọn sản phẩm. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn chưa được nhiều doanh
nghiệp Việt Nam coi trọng và người tiêu dùng (NTD) vẫn bị hành khi đem
sản phẩm bị lỗi đến các đơn vị sản xuất, nhà phân phối.
Đủ các kiểu "hành"
Đó là nhận xét của anh Hà Khánh khi mang chiếc máy tính xách tay hiệu
Toshiba đi bảo hành. Anh Khánh cho biết: dùng được khoảng 6 tháng, máy
thường bị treo, tìm đến cửa hàng đã bán máy tính, nhân viên cửa hàng
hạch sách và cho rằng máy hỏng là tại người không biết dùng. Khi anh
Khánh yêu cầu lập biên bản, nhân viên bán hàng mới đồng ý kiểm tra kỹ
thuật và phải đợi gần 3 tháng mới đổi được máy khác với lý do thiết bị
dòng máy này phải đổi từ hãng phân phối tận Singapore gửi sang.
Trong khi đó, anh Nam, giảng viên tại một trường Đại học cho hay: khi
đi bảo hành máy tính xách tay bị hỏng sau gần năm sử dụng, do không
khắc phục được sự cố nên cửa hàng đề nghị đổi máy nhưng yêu cầu người
mua phụ thêm tiền để lấy máy mới...
Tại các cửa hàng bán thiết bị điện tử, dễ nhận thấy cụm từ dịch vụ bảo
hành đang bị lạm dụng để dụ khách mua hàng, nhất là hàng điện tử, máy
tính, di động. Điển hình là với máy tính, NTD cứ thấy linh kiện cùng
loại ở đâu rẻ hơn là mua ở đó miễn sao về dùng được là được, rất ít
người để ý đến chuyện hàng chính hãng hay không chính hãng.
Thực tế ở các công ty kinh doanh máy tính luôn bán hai loại hàng khác
nhau: chính hãng và không chính hãng. Hàng không có tem chính hãng sẽ
rẻ hơn một vài USD, thời gian bảo hành cũng như nhau. Chẳng hạn như
mainboard, CPU,.. dù mua loại nào cũng được bảo hành 3 năm cả.
Nhưng khi khách hàng mua họ không biết rằng thực tế là hai mặt hàng đó
được bảo hành theo chế độ hoàn toàn khác nhau. Hàng mua không chính
hãng sẽ do đại lý bán mặt hàng đó bảo hành và khi bị lỗi bắt buộc phải
đưa đến đó mới được hưởng chế độ này. Chất lượng bảo hành sản phẩm đến
đâu thì chỉ có cửa hàng đó mới biết. Trong khi mua hàng chính hãng
(thường là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới) người mua có thể
đến thẳng công ty phân phối mặt hàng đó tại Việt Nam của nhà sản xuất
để bảo hành và chế độ bảo hành ở đây bao giờ cũng tốt hơn.
Bà Amy Wee, chuyên gia Singapore, hiện là Giám đốc maketing của Tổng
công ty thương mại Hà Nội cho biết: dịch vụ sau bán hàng được nhìn nhận
như là hoạt động chăm sóc khách hàng. Đây được coi là dịch vụ hỗ trợ
đối với khách hàng và cho thấy họ được tôn trọng, quan tâm. Nếu làm tốt
sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Amy
Wee, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến mảng dịch vụ này, đáng
chú ý là cách ứng xử của nhân viên khi khách mang hàng có lỗi đến phản
ánh. Nhiều nhân viên của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được huấn luyện
về dịch vụ sau bán hàng dẫn đến chất lượng phục vụ chưa đạt được sự tốt
nhất.
Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD): bình
quân mỗi năm, Hiệp hội nhận được khoảng 1.000 đơn khiếu nại của NTD,
tuy nhiên có tới 80% đơn khiếu nại này được giải quyết bằng hoà giải.
Lý do NTD chưa khiếu nại nhiều về những vi phạm do nhiều người còn chưa
biết quyền lợi của mình bị vi phạm, do cơ chế quản lý Nhà nước chưa
định hướng cho NTD bảo vệ mình như thế nào.
Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm của đơn vị sản xuất, phân phối chưa
triệt để nên NTD có tâm lý ngại lên tiếng, ngại khiếu kiện để tránh
phiền toái. Việc nhà sản xuất hay cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu
trách nhiệm khi NTD bị thiệt hại đang còn là vấn đề cần bàn với nhiều ý
kiến khác nhau. Hiển nhiên khi nhà sản xuất gây thiệt hại cho NTD thì
phải có trách nhiệm bồi hoàn. Nhưng những trường hợp như trên thì phía
cơ quan chức năng cho rằng NTD đã mua phải hàng giả, hàng lậu chứ không
phải hàng sản xuất từ chính hãng.
Trong các chế tài pháp lý bảo vệ quyền lợi NTD chưa có quy định nào về
việc NTD được bảo vệ khi dùng phải hàng giả, hàng lậu... Pháp lệnh Bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời từ năm 1999 nhưng trên thực tế NTD
muốn đòi quyền lợi khi có vi phạm từ phía nhà sản xuất, cung cấp hàng
hoá phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều thủ tục. Do đó, vô hình trung
làm NTD bỏ qua những tranh chấp về quyền lợi của mình khi có vi phạm.
Để hạn chế những vướng mắc trên, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công
Thương) đang lấy ý kiến về việc nâng Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD lên
thành Luật Bảo vệ Người tiêu dùng.
Theo phản ánh của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, thực tế khi có khiếu nại
nhưng đơn vị sản xuất, nhà phân phối sản phẩm không giải quyết thì cũng
chịu do chế tài xử phạt chưa nghiêm. Qua thống kê, khi NTD khiếu nại
nhận được sự tiếp thu nghiêm túc của nhà sản xuất chỉ chiếm khoảng 21%,
còn 30% không phản ứng gì, 33% tỏ thái độ khó chịu, 4% nhận được phản
ứng khiếm nhã. Chính những điều này gây khó khăn cho NTD khi muốn bảo
vệ quyền lợi của mình, đồng thời cho thấy dịch vụ sau bán hàng của các
doanh nghiệp còn rất yếu.
Theo Xuân Cường
Tin Thế Giới
Nga dọa tấn công Ba Lan
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Anatoly Nogovitsyn hôm qua tuyên
bố, Ba Lan đang tự biến thành mục tiêu tấn công của Nga vì chấp nhận
cho Mỹ đặt hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ.
Mỹ thử nghiệm tên lửa đánh chặn. Ảnh: AFP.
"Với việc đồng ý cho đặt lá chắn tên lửa, Ba Lan đang tự biến họ thành
mục tiêu. Điều này là chắc chắn 100%. Hệ thống đó sẽ trở thành mục tiêu
bị tấn công", hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời đại tướng Nogovitsyn
nhấn mạnh.
Đây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất của Nga từ trước đến nay về kế hoạch đặt
hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại hai nước Đông Âu là Ba Lan và
Czech, những quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô trước đây.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì cho rằng, thỏa thuận triển khai hệ
thống chống tên lửa nói trên là nhằm chống lại nước Nga.
Phó tổng tham mưu trưởng Nogovitsyn nói thêm rằng, học thuyết quân sự
do Nga đưa ra năm 2000 cho phép họ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại
đồng minh của những quốc gia có loại vũ khí hủy diệt này. "Học thuyết
đó viết rất rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống
lại những nước có loại vũ khí đó cùng đồng minh của họ, nếu họ giúp đỡ
nhau", tướng Nogovitsyn nói.
Hôm 14/8 vừa qua, Ba Lan và Mỹ ký thỏa thuận cho phép Washington đặt 10
quả tên lửa đánh chặn tại một căn cứ quân sự cũ ở bờ biển Baltic của Ba
Lan. Trước đó vào tháng 7, Mỹ cũng đạt thỏa thuận với Czech về việc xây
dựng một trạm radar phục vụ cho hệ thống lá chắn tên lửa tại nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski tuyên bố nước này sẽ
cho phép các thanh sát viên Nga vào làm việc, bởi họ muốn chứng tỏ với
Matxcơva rằng căn cứ đó không nhằm vào Nga. Còn Washington luôn khẳng
định hệ thống phòng thủ chỉ để bảo vệ Mỹ và châu Âu khỏi nguy cơ bị tấn
công bằng tên lửa từ một số quốc gia như Iran.
Tuy nhiên Nga luôn phản đối gay gắt kế hoạch trên và coi đây là mối đe
dọa đối với an ninh quốc gia. Matxcơva từng cho rằng hệ thống tên lửa
phòng thủ của Mỹ sẽ làm mất cân bằng về quân sự ở châu Âu. Ngoại trưởng
Nga Sergei Lavrov cũng đã hủy chuyến thăm tới Ba Lan, ngay sau khi thỏa
thuận tên lửa nói trên được công bố.
Bên cạnh đó, thỏa thuận mới giữa Washington và Warsaw sẽ càng đốt nóng
căng thẳng song phương Mỹ - Nga, vốn đang rất quyết liệt vì cuộc chiến
ở Gruzia.
Ngọc Sơn (theo AP, Reuters)
Nga Đã Ký Thoả Hiệp Ngưng Bắn Với Georgia
Igoeti,Georgia--Tổng thống Nga Dmitri Medvedev hôm thứ Bảy ngày 16/8 đã
đồng ý ký tên vào một thoả hiệp ngưng bắn với Georgia, một quyết định
dứt khoát phải có trước khi cuộc giao tranh tại đây được chấm dứt,
trong lúc quân lính Nga đã tiến sâu vào lãnh thổ Georgia chỉ cách thủ
đô của nước này khoảng 30 dặm Anh (khoảng trên 60 cây số)
Người phát ngôn của Medvedev là Alexei Pavlov đã tuyên bố thoả hiệp
ngưng bắn đã được Medvedev ký tại thành phố nghỉ mát Sochi -nơi ông có
nhà nghỉ hè- nhưng ngàoi ra không đưa thêm chi tiết nào khác về thoả
hiệp này. Hiện vẫn chưa rõ là Nga đã rút quân ra khỏi đây chưa, kể từ
khi Medvedev đặt bút ký vào thoả hiệp
Được biết tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili đã ký vào thảo thuận
này từ hôm trước. Nội dung của nó nhằm kêu gọi cả hai bên cùng rút về
vị trí mà họ đang đóng quân từ trước khi xảy ra cuộc giao tranh ngày 8
tháng 8, sau khi Georgia tấn công giành lại quyền kiểm soát khu vực ly
khai theo Nga trong vùng Nam Ossetia. Quân đội Nga đã nhanh chóng áp
đảo lực lượng bé nhỏ thân Mỹ này và sau đó tiến sâu hơn vào Georgia.
TT Bush: Nam Ossetia và Abkhazia tiếp tục thụôc về Gruzia.
Tổng thống Hoa kỳ George W Bush tuyên bố rằng các vùng đòi ly khai Nam
Ossetia và Abkhazia phải tiếp tục thụôc về lãnh thổ của Gruzia.
Ông Bush hôm nay nói với báo chí rằng cộng đồng quốc tế đã nói rõ là
hai vùng vừa kể nằm bên trong biên giới Gruzia. Ông cũng cảnh cáo phía
Nga rằng đây là một vấn đề không thể tranh luận.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố như thế sau cuộc họp với ngoại trưởng Condoleeza Rice và các giới chức cao cấp ngành an ninh.
Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký kết một hiệp định ngưng
bắn nhằm chấm dứt các hoạt động thù nghịch với nước Gruzia láng giềng.
Ông Medvedev ký văn kiện này ngày hôm nay, một ngày sau khi Tổng thống Mikhail Saakashvili của Gruzia ký vào hiệp định.
Kế hoạch ngưng bắn do Pháp điều giải qui định rằng các lực lượng Nga
rút về các vị trí mà họ chiếm gữ trước khi giao tranh bùng ra ở vùng
Nam Ossetia của Gruzia, một khu vực đòi ly khai được Moskova hậu thuẫn.
Mỹ sẽ triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan
TP - Ba Lan đã ký thỏa thuận sơ bộ cho phép Mỹ triển khai hệ thống
phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ được lắp
đặt 10 tên lửa đánh chặn tại một căn cứ ở bờ biển Baltic.
Tên lửa đánh chặn sẽ được Mỹ triển khai ở Ba Lan. Ảnh: BBC
Đổi lại, Mỹ cũng giúp hiện đại hoá lực lượng quân đội và củng cố khả
năng phòng không của Ba Lan. Ngoài lá chắn tên lửa ở Ba Lan, Mỹ còn có
kế hoạch lắp đặt hệ thống radar ở nước láng giềng CH Séc.
Mỹ đã ký thỏa thuận với CH Séc vào tháng 7 để lắp đặt hệ thống radar
như một phần trong kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa ở khu vực Đông
Âu. Mỹ mong muốn lá chắn này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2012.
Các nhà đàm phán Mỹ - Ba Lan bất ngờ đạt được thỏa thuận trên ngày 14/8
sau 2 ngày thảo luận ở Warsaw và sau suốt 2 năm đàm phán trước sự phản
đối mạnh mẽ của người dân địa phương và Chính phủ Nga. Mỹ giải thích hệ
thống này giúp họ tự bảo vệ và còn giúp châu Âu chống lại cuộc tấn công
bằng tên lửa từ những quốc gia như Iran.
Thoả thuận trên được ký vào thời điểm khá nhạy cảm khiến quan hệ Nga -
Mỹ trở nên căng thẳng hơn giữa lúc vấn đề Nam Ossetia – Gruzia vốn đã
phủ bóng đen. Matxcơva cho rằng kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa sẽ
làm đảo lộn thế cân bằng quân sự ở châu Âu và cảnh báo sẽ có biện pháp
đáp trả mạnh mẽ nếu Ba Lan và CH Séc đồng ý với Mỹ.
Hãng tin Interfax dẫn nguồn tin cấp cao từ Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố:
“Dự án này thực sự không liên quan tới đe dọa tên lửa từ Iran mà nhằm
chống lại Nga”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy chuyến thăm Ba
Lan theo lịch trình sau khi thỏa thuận trên được ký.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga cảnh báo không phải Nam
Ossetia – Gruzia mà chính thỏa thuận về lá chắn tên lửa sẽ khiến quan
hệ Nga - Mỹ căng thẳng hơn.
Theo hãng tin Interfax, phản ứng mạnh mẽ nhất của Nga là từ tướng
Anatoly Nogovitsyn, người lên tiếng cảnh báo rằng Ba Lan không thể
tránh khỏi bị trừng phạt. Tướng Anatoly thậm chí còn nói rằng Ba Lan có
khả năng bị tấn công, có thể bằng vũ khí nguyên tử.
H.D (Theo BBC, AP, Reuters, Interfax)
Biểu tình tiếp diễn tại Bắc Kinh
15/08/2008
Biểu tình tiếp diễn tại Bắc Kinh (MP3 1.23 MB) - Tải xuống (MP3)
Biểu tình tiếp diễn tại Bắc Kinh (MP3 1.23 MB) - Nghe trực tiếp trên mạng (MP3)
Những nhân vật tranh đấu cho Tây Tạng hôm nay đã dùng một biểu ngữ với
hàng chữ Tây Tạng Tự Do để che kín một bích chương Olympic tại trụ sở
của đài truyền hình quốc doanh Trung Quốc ở Bắc Kinh. Đây là vụ phản
kháng mới nhất trong một loạt những vụ biểu tình đã diễn ra từ khi
Olympic Bắc Kinh khai mạc hôm thứ Sáu tuần trước. Từ Bắc Kinh, thông
tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Biểu ngữ che kín bích chương Olympic tại trụ sở đài truyền hình quốc doanh Trung Quốc ở Bắc Kinh
Cảnh sát Trung Quốc hôm nay đã bắt 5 người biểu tình thuộc tổ chức có
tên là Sinh viên cho Tây Tạng Tự do. Tổ chức vừa kể nói rằng 2 người
biểu tình đã trèo lên tòa nhà đang xây dở dang của Đài truyền hình
Trung ương Trung Quốc để treo tấm biểu ngữ.
Ba người khác đứng dưới đất và một người trong nhóm người biểu tình đã
phát biểu như sau: "Trong khi Trung Quốc đang có bữa tiệc ra mắt thế
giới này, người ta quên rằng một cuộc đàn áp ác liệt của quân đội đang
tiếp tục được thực hiện ở Tây Tạng từ tháng ba tới nay."
Hiện chưa rõ số phận của những người biểu tình ngày hôm nay. Tuy nhiên,
những người nước ngoài biểu tình và bị bắt hồi gần đây đã bị giới hữu
trách t trục xuất ngay.
Hành động phản kháng này là vụ việc mới nhất của một loạt những vụ biểu
tình qui mô nhỏ của những nhân vật tranh đấu người nước ngoài và những
người ủng hộ Tây Tạng. Những người biểu tình chỉ trích Trung Quốc về
điều mà họ cho là sự đàn áp ở Tây Tạng và những hành vi chà đạp nhân
quyền và hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Tuần trước, một nhân vật tranh đấu người Mỹ, là vận động viên trượt
băng Joey Cheek, đã bị thu hồi chiếu khán nhập cảnh trong lúc anh đang
chuẩn bị tới Trung Quốc với tư cách cá nhân. Lực sĩ Olympic này đã
thành lập một nhóm có tên là 'Nhóm Darfur' nhằm thu hút sự chú ý của
mọi người đối với vụ khủng hoảng trong vùng Darfur của Sudan. Nhóm
Darfur là một trong nhiều tổ chức quốc tế đang kêu gọi Trung Quốc dựa
vào mối quan hệ mật thiết của họ với chính phủ Sudan để giúp giải quyết
vụ khủng hoảng Darfur.
Trước đây trong tuần này, cũng có một vụ biểu tình ở Bắc Kinh nhưng
không nhắm vào Trung Quốc. Một nhóm nhỏ các công dân Gruzia đã biểu
tình trước đại sứ quán Nga ở Bắc Kinh để phản đối các hoạt động quân sự
của Moskova ở Gruzia.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, cho hay: giới
hữu trách đã đến khuyên nhóm người biểu tình giải tán và không có xảy
ra điều gì đáng tiếc.
Ông Tần Cương cũng không quên lập lại câu trả lời tiêu chuẩn đối với
những vụ biểu tình ở Trung Quốc. Ông nói rằng việc thực hiện những vụ
xuống đường biểu tình phải tuân thủ các luật lệ và qui định của Trung
Quốc.
Trong khi đó, giới hữu trách ngành công an Trung Quốc chưa phúc đáp gì
về những câu hỏi được gởi đi bằng máy fax là họ đã chấp thuận bao nhiêu
đơn xin biểu tình trong thời gian diễn ra Olympic.
Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã loan báo việc dành riêng một số công
viên để tổ chức biểu tình, và dân chúng Trung Quốc cũng như người nước
ngoài muốn biểu tình ở các nơi đó đều phải nộp đơn xin phép.
TQ thừa nhận đã đưa ra hình ảnh giả tạo về thiếu nhi thiểu số |
|
|
| Lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Bắc Kinh
| Một giới chức Olympic Trung Quốc thừa nhận
rằng những người tổ chức lễ khai mạc hồi tuần trước đã đưa ra một hình
ảnh giả tạo của các thiếu nhi của các sắc dân thiểu số.
Đây là vụ tranh cãi mới nhất trong nhiều vụ tranh cãi liên quan tới buổi lễ ngoạn mục ở Bắc kinh hôm thứ 6 tuần trước.
Trước đây, những người tổ chức Olympic nói rằng các em bé đó là người
thuộc 56 nhóm thiểu số ở Trung Quốc được chính quyền công nhận.
Nhưng hôm qua, ông Vương Vĩ, phó Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Bắc
kinh thừa nhận rằng điều đó không đúng sự thật. Ông nói rằng những
người trình diễn đóng vai những người của các sắc dân khác nhau là
chuyện bình thường.
Ông Vương đã phát biểu như thế khi bị các ký giả ngoại quốc chất vấn
sau khi họ được một viên chức của một đoàn văn nghệ cho biết rằng tất
cả những em bé trình diễn hôm đó đều là người Hán.
Trong lễ khai mạc Olympic Bắc kinh, mấy mươi em bé trong trang phục cổ
truyền của người thiểu số đã mang lá quốc kỳ trao cho các binh sĩ thuộc
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Những cảnh này thường xuất hiện trong các buổi lễ ở Trung Quốc để phô trương tình đoàn kết dân tộc.
Những người chỉ trích nói rằng Trung Quốc lợi dụng Olympic đã che đậy
những mối căng thẳng giữa chính phủ với các sắc dân thiểu số.
Texas (Mỹ): giáo viên được phép mang súng đến lớp!
TTO - Kể từ mùa khai giảng tới, các giáo viên tại một trường học ở
Harrold (bang Texas) sẽ được phép trang bị súng khi lên lớp, theo thông
báo của ban giám hiệu nhà trường ngày 15-8. Đây là một quyết định chưa
từng có tại Mỹ.
Kế hoạch cho phép giáo viên được mang súng vào lớp học đã được các
thành viên trong hội đồng nhà trường Harrold Independent School, nơi có
khoảng 110 học sinh theo học, nhất trí thông qua. Phụ huynh học sinh
không phản đối kế hoạch trên.
Đây là một trường học vùng nông thôn cách thành phố Fort Worth khoảng
240 km về phía tây bắc. Theo hiệu trưởng David Thweatt, quyết định cho
phép giáo viên được mang súng khi đang đứng lớp có tác dụng bảo đảm an
toàn cho họ và cả học sinh. Ông Thweatt khẳng định dù đã lắp đặt nhiều
camera giám sát, nhưng vấn đề mà nhà trường cần đáp ứng là phải có
người được trang bị vũ khí để khống chế ngay lập tức khi một kẻ nào đó
bất thần nổ súng (trong khuôn viên trường học).
Hội đồng nhà trường thông báo các giáo viên muốn mang súng đến lớp phải
có giấy phép sở hữu vũ khí và phải tham dự các khóa đào tạo kỹ năng
cách xử lý các tình huống khó khăn (như chế ngự kẻ nổ súng), đồng thời
phải được ban giám hiệu đồng ý.
Sau nhiều vụ nổ súng tại các trường học ở Mỹ, làn sóng yêu cầu các giáo
viên và thậm chí cả sinh viên học sinh có thể được trang bị vũ khí đến
trường đã dấy lên mạnh mẽ tại nhiều nơi ở Mỹ. Quyết định cho phép giáo
viên được mang súng đến lớp của Trường Harrold là trường hợp đầu tiên.
ĐỨC TRƯỜNG (Theo Reuters)
Vận động viên Canada gốc Việt, Carol Huynh giành huy chương vàng Olympic
Huynh giúp đoàn Olympic Canada trút được áp lực căng thẳng săn huy chương
Một vận động viên Canada gốc Việt, cô Caral Huynh đã giành được huy
chương vàng Olympic Bắc Kinh, ở môn vật nữ hạng 48kg. Cha mẹ Huynh
là người tỵ nạn, chạy khỏi chế độ cộng sản Việt Nam hồi
thập niên 1970. Cô nói chiến thắng này cô dành tặng cha mẹ.
Carol Huynh chấm dứt cơn khát huy chương của đoàn Canada tại
Olympic Bắc Kinh với chiến thắng ở môn vật nữ hạng 48kg.
Vận động viên 27 tuổi, đứng vị trí thứ năm trong giải vô địch
thế giới năm ngoái, đã hạ đối thủ người Nhật, đương kim vô
địch Chiharu Icho sau hai hiệp đấu, với số điểm 6-1.
Trước đó, Huynh chưa bao giờ thắng Icho.
Huy chương đồng thuộc về vô địch Olympic Athens 2000 Irini Merleni
của Ukraine và vận động viên Maryiya Stadnik của Azerbaijian.
Việc đoàn Canada không giành nổi bất kỳ tấm huy chương nào, kể
cả huy chương đồng, trong tuần đầu tiên đã khiến truyền thông
Canada giận dữ chỉ trích.
Tờ nhật báo National Post cay đắng bình luận: “Chúng ta đang bị Togo qua mặt.”
“Một quốc gia trẻ trung, thịnh vượng và thông minh như Canada thì cần phải đạt được thành tích khả dĩ hơn.”
Thủ tướng Stephen Harper thậm chí đã vấp phải những câu hỏi
về những kết quả dưới mức trông đợi của đoàn vận động viên
Canada, và muốn “lạc quan” chờ kết quả của tuần thi đấu thứ
nhì.
Tấm huy chương vàng của Carol Huynh là phần thưởng bất ngờ đối
với quốc gia vốn chỉ hy vọng cô sẽ giành cao nhất là huy
chương đồng.
Cha mẹ Huynh là người tỵ nạn, chạy khỏi chế độ cộng sản
Việt Nam hồi thập niên 1970. Cô nói chiến thắng này cô dành
tặng cha mẹ.
Cô nói: “Việc cha mẹ tôi có mặt tại đây, tận mắt chứng kiến
cảnh tôi đạt được mơ ước của mình thì thật là đặc biệt.”
“Trong gia đình, tôi là người đầu tiên chào đời tại Canada. Cha mẹ tôi đã làm việc rất vất vả.”
Vận động viên Tonya Vebeek sau đó giành huy chương đồng hạng
55kg, nâng tổng số huy chương của đoàn Canada lên 2 chiếc, đều
từ môn vật nữ.
(Theo BBC)
Bạn có biết: Sau 1 tuần lễ thi đấu Olympic:
-Cuba là một đảo quốc nhỏ, dân số ít, cũng là "đồng chí với VN": 1 Vàng, 3 bạc, 4 đồng.
-Bắc Hàn là đồng chí của VN, dân số ít hơn, "chết đói quanh năm": 1 Vàng, 1 bạc, 3 đồng.
-Zimbabwe: Một xứ ở Nam Phi nổi tiếng nhờ loạn chém giết: 1 vàng, 3 bạc.
-Việt Nam: Một nước "văn minh, tiến bộ nhất hành tinh", với một "đoàn lực sĩ hùng hậu" ... chỉ có 1 huy chương bạc
Còn gì xấu hổ cho bằng!
Lãnh đạo CSVN có biết mở mắt để nhìn chung quanh?
6 bí quyết thành công của Hàn Quốc
Cổ động viên Hàn Quốc cổ vũ đội tuyển bóng chày tại
Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Ý chí và tinh thần đoàn kết là những yếu
tố tạo nên thành công cho quốc gia này - Ảnh: Reuters
TT - Từ một nước nghèo đói với thu nhập bình quân đầu người 60 USD/năm
vào năm 1948, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế
đứng thứ ba châu Á và thứ 13 trên thế giới với thu nhập bình quân đầu
người hơn 20.000 USD/năm. Điều gì tạo ra sự thay đổi thần kỳ ấy?
Nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Hàn Quốc (15-8-1948 - 15-8-2008), báo
Chosun Ilbo đã điểm lại sáu bí quyết làm nên thành công ở nước này.
1. Cơn sốt giáo dục
Năm 1950, cuộc chiến Triều Tiên nổ ra, kéo dài trong ba năm. Kết thúc
chiến tranh, tài nguyên duy nhất mà Hàn Quốc có chính là nguồn nhân
lực. Nhiều người cho rằng nhờ giáo dục mà Đại Hàn Dân Quốc mới có thể
làm lại từ đầu trong những hoàn cảnh như thế.
Chính phủ Hàn Quốc rất mạnh tay cho việc đầu tư vào con người. Số tiền
đầu tư cho giáo dục năm 1975 là 220 tỉ won, chiếm 2,2% tổng thu nhập
quốc gia (GNP) và 13,9% tổng chi tiêu ngân sách nhà nước. Đến năm 1986,
chi tiêu cho giáo dục đã đạt con số 3,76 nghìn tỉ won, chiếm 4,5% GNP
và 27,3% chi tiêu ngân sách (theo www.country-studies.com).
Đằng sau cơn sốt giáo dục là khát khao và sự hi sinh của những bậc cha
mẹ. Người dân Hàn Quốc chấp nhận khổ cực để con cái họ được học hành.
Giáo dục là cách đầu tư chắc chắn nhất để nâng cao vị trí của con người
trong xã hội, đồng thời là công cụ giúp con người trưởng thành. Giáo
dục góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự tăng trưởng
kinh tế ở Hàn Quốc.
2. Vai trò lãnh đạo
Vai trò nhà lãnh đạo đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu xây dựng
đất nước. Trong bối cảnh những định chế còn mỏng manh thì sự lãnh đạo
mạnh mẽ là rất cần thiết để đất nước tồn tại và phát triển. Tổng thống
đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) đã đảm bảo an
ninh cho đất nước bằng cách quản lý hiệu quả quân đội và cảnh sát, đồng
thời thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ. Tiếp theo đó, sự lãnh đạo của
tổng thống thứ ba Park Chung Hee từ 1961-1979, dù có những mặt gây
tranh cãi, song đã thành công trong việc đưa Hàn Quốc thoát khỏi đói
nghèo.
3. Niềm tin và lòng quả cảm
Chưa có một năm nào trong 60 năm qua mà Hàn Quốc không gặp khủng hoảng,
nhưng người dân nước này đều vượt qua tất cả. Có người nói đùa người
Hàn Quốc có gen đặc biệt, luôn biến vận rủi thành vận may. Sự quả cảm
và sức mạnh của thanh niên Hàn Quốc thể hiện trong Thế vận hội Olympic
chính là cỗ máy cho sự tăng trưởng của Hàn Quốc.
4. Ý chí
Kể từ thập niên 1960, người Hàn Quốc đã giải phóng mình khỏi thuyết
định mệnh và xây dựng cho mình ý chí "làm được tất cả”. Tính khí sôi
nổi, tự do và hết mình của người Hàn Quốc, một khi đã thoát khỏi sự bi
lụy, trở thành tiềm năng rất to lớn. "Bạn có thể làm được nếu bạn cố
gắng" chính là câu nói mà người ta thường nghe từ người Hàn Quốc.
5. Sự đoàn kết
Người Hàn Quốc dù biểu hiện bề ngoài có vẻ cực kỳ cá nhân, nhưng lại vô
cùng đoàn kết mỗi khi cần phát huy sức mạnh dân tộc. Trong Thế vận hội
Olympic Seoul 1988, đạo quân móc túi đã "đình công" và tuyên bố không
ăn cắp tiền của du khách, còn người dân thì sẵn sàng hưởng ứng những
ngày không lái xe. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, dân
chúng đã phát động chiến dịch quyên góp trang sức bằng vàng cho chính
phủ. Gần đây nhất, trong thảm họa tràn dầu ở bờ biển phía tây, hàng
trăm người dân đã tình nguyện đến hiện trường để làm sạch từng viên đá
một.
6. Văn hóa tốc độ
Chữ Hàn đầu tiên mà người nước ngoài làm việc ở Hàn Quốc học được là
"ppalli, ppalli", tức "nhanh lên, nhanh lên!". Văn hóa tốc độ là nét
rất đặc trưng của xứ sở kim chi. Nó từng bị chỉ trích là biểu tượng của
chủ nghĩa thực dụng. Gần đây, người ta đã có cái nhìn mới đối với thái
độ sống này. Nhiều người cho rằng chính sự thiếu kiên nhẫn là động lực
để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa và công nghệ thông tin
siêu tốc ở Hàn Quốc.
THANH TRÚC
|