Thứ Sáu, 2024-03-29, 1:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 17 » Cuối tuần nói chuyện gôn (golf)
6:48 PM
Cuối tuần nói chuyện gôn (golf)
Nguyên HânTổng hợp

Sân gôn mọc như nấm ở Việt Nam

Việt Nam hiện chỉ có 13 dự án sân gôn đang hoạt động, nhưng giấy phép mới cấp để xây dựng thêm sân gôn thì như nấm trong thời gian gần đây, đặc biệt là gần thủ đô Hà Nội và chung quanh trung tâm thương mãi ở miền Nam là thành phố Sài Gòn. Sân gôn mới được cấp giấp phép xây dựng và hoạt động với tốc độ nhanh có thể nói là cứ mỗi một tuần là có thêm một giấp phép cho xây dựng sân gôn mới kể từ đầu năm 2006.

Ở tỉnh Long An, gần Sài Gòn, đã cấp 18 giấy phép xây sân gôn, và những doanh nghiệp nhà nước cũng đã xin phép để xây thêm nhiều sân gôn hơn nữa, chỉ nội Công ty Tàu biển Vinashin của nhà nước không thôi là đang dự định xây thêm năm sân gôn, theo bản báo cáo của Bộ Đầu tư và Kế hoạch.

Cán bộ địa chính xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An chỉ vào bản đồ qui hoạch dự án xây dựng sân gôn rộng 296ha tại ấp 1 và 2 ở địa phương này. Nguồn: Tuoitre.com.vn
Hằng ngàn nông dân đã mất đất và miếng ăn cũng vì nạn xây sân gôn này, những công ty phát triển đầu tư thường mua đất và trả cho nông dân với gía rất “bèo” khoảng hai hoặc ba đô-la cho mỗi mét vuông.

Không những người nông dân chịu thiệt thòi, mà ngay cả môi trường. Một sân gôn 18 lỗ ngốn 5.000 mét khối nước để tưới một ngày, là lượng nước đủ cho 20.000 hộ dùng trong ngày, và sử dụng gấp ba lần lượng thuốc trừ sâu, phân bón và những hóa chất khác dùng cho đất canh tác có cùng diện tích, theo ông Lê Anh Tuấn, ở Trung tâm Kỹ thuật Bảo vệ Môi trường của Đại học Cần Thơ.

Đất nông nghiệp của Việt Nam giảm từ 4 triệu 5 xuống còn 4 triệu 1 héc-ta giữa năm 2000 và 2006 do sự gia tăng những khu vực nhà ở và những khu kỹ nghệ, theo Bộ Nông nghiệp cho hay hôm tháng Sáu. Và giờ đây, có hơn 140 sân gôn, hoặc hiện đang hoạt động hoặc đang ở trong giai đoạn xây dựng, sẽ lấy thêm đi tất cả gần 50.000 héc-ta đất canh tác, theo bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đưa lại trên Vietnam News.

Golfers ở Việt Nam – Người là ai?

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (BKTSG), hiện cả nước có trên 5.000 thành viên câu lạc bộ chơi gôn, trong đó chỉ có khoảng 2.000 người chơi thường xuyên, tập trung nhiều nhất ở những thành phố lớn, chủ yếu là ở Hà Nội và Sài Gòn. Ở câu lạc bộ gôn Hà Nội, có hơn 50 phần trăm số hội viên này là người ngoại quốc hoặc người Việt mang quốc tịch nước ngoài hiện đang sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, phần còn lại là quan chức cao cấp nhà nước và thành phần làm ăn thành công, những đại gia thời đại. Câu lạc bộ Long Thành (Sài Gòn) thì 30 phần trăm hội viên là người ngoại quốc.

Golfers, người là ai? Nguồn: Golf.com
Từ Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cho đến Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Rang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... đâu đâu cũng có sân gôn. Quanh Hà Nội đã và đang xây dựng bảy sân, đồng bằng Bắc bộ sẽ có tới 25 sân, Nam Trung bộ hàng chục sân. Đáng chú ý là phần lớn sân gôn Viet Nam không xây trên các đồi cát ven biển hay đồi dốc cằn cỗi không canh tác được mà tọa lạc trên những khu vực nhiều nước, vẫn canh tác được và có cảnh quan đẹp.

Tuy sân gôn nhiều như vậy nhưng phần lớn lỗ vốn, hiện chỉ có vài sân có lời ở gần Sài Gòn. Sân gôn thường chỉ đông khách vài ngày trong tuần nhưng phải đầu tư hạ tầng, thuê đất, tưới nước chăm sóc liên tục nên có chi phí tính trên người chơi rất cao. Nếu chỉ xét riêng về kinh doanh môn gôn thì hầu hết các sân hiện đang lỗ vốn vì chưa tìm đủ người chơi.

Gôn ở Việt Nam đến từ đâu?

Theo tác gỉa Damien Cave, trong khoảng thời gian 1920-1930 người Pháp có xây một vài sân gôn loại bỏ túi gần Sài Gòn để chơi cho “đỡ ghiền”. Chỉ có một số rất ít người Việt chơi môn thể thao này, ngoại trừ vua Bảo Đại là người có lẽ đã biết và mê môn này thời đi học ở Pháp. Chính ông là người đã cho xây sân gôn 9 lỗ ở Đà Lạt về sau này để chơi giải trí với những người bạn Pháp. Trong thời gian chiến tranh trước 1975, sân gôn Đà Lạt vẫn được nhiều người Mỹ ghé chơi.

Nhưng môn gôn này, vốn được nhà nước cộng sản xem như là món giải trí, tiêu khiển của giai cấp bóc lột, của giới trưởng giả … học làm sang nên sau 1975, nên nhà nước chính thức cấm và các sân gôn ở miền Nam bị bỏ bê, và từ đó các sân gôn (đồi cù) ở Đà Lạt trở thành đồng cỏ cho bò gặm.

Theo Damien, chính sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Bang Sô Viết đã làm hồi sinh môn gôn ở Việt Nam. Khi Việt Nam không còn nhận được viện trợ từ khối cộng sản, họ buộc phải “đổi mới hay là chết” bằng cách mở cửa cho nền kinh tế đi theo thị trường tự do, mở màn cho hằng loạt doanh nhân nước ngoài đổ vào làm việc ở Việt Nam trong thập niên 1990, và chính những người này thúc đẩy cho một vài sân gôn được phép hoạt động trở lại.

Cố nhiên chuyện sân gôn bành trướng không phải vì nhu cầu giải trí của người ngoại quốc đến làm việc ở Việt Nam, mà từ phía nhà nước Việt Nam. Khi những nhà đầu tư gôn đã “làm hỏng” viên chức đảng và nhà nước cấp cao, bằng cách … bày cho các quan lớn này biết chơi.

Gôn ở Việt Nam đến từ đâu? Holywood's Broken-Dream Boulervard? Nguồn: Golf.com
Một trong những chuyên viên về gôn đã đến làm việc và đầu tư ở Việt Nam trong lãnh vực này là ông Puchalki cho hay nhiều năm về trước, hai sân gôn Dalat Palace và Ocean Dunes ở Phan Thiết đã bắt đầu tổ chức những lớp dạy chơi gôn cho một số đảng viên và viên chức nhà nước cấp tỉnh. Năm 1997, ông Puchalski đã mở một “lớp chuyên tu” về gôn (golf clinic) ở Đà Lạt, đã trả tiền và mời các quan lớn cấp trung ương từ Hà Nội vào “huấn nghệ” để nâng cao tay nghề… Từ đó, các quan bắt đầu “mê và ghiền gôn” nên những nhà đầu tư về gôn bắt đầu thấy dễ dãi hơn từ phía nhà nước.

Xây sân gôn, ai hưởng lợi?

Việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội được thực hiện từ 1/8/2008 - do đó trong thời gian này UBND TP Hà Nội chủ trương chưa giao chủ đầu tư xây dựng thêm dự án sân golf nào mới.

Nhưng theo UBND TP Hà Nội, số lượng này so với một số vùng lãnh thổ trong khu vực thì vẫn chưa phải là nhiều!

Trong bản báo cáo Thường trực Thành ủy gần đây, lãnh đạo Hà Nội nêu ví dụ: Thái Lan có hơn 400 sân golf, trong đó riêng Thủ đô Bangkok và khu ngoại ô (bán kính 70km) có gần 200 sân; Singapore diện tích chỉ vỏn vẹn 648,1km2 mà có tới 15 sân golf từ 18 - 36 lỗ; Malaysia có 38 sân golf trong đó riêng Thành phố Kuala Lumpur (diện tích 243,5km2) có 11 sân golf; Hongkong có 17 sân golf; Indonesia 32 sân golf...

Hơn nữa, cũng theo UBND TP Hà Nội, một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... có mùa đông khắc nghiệt, người chơi golf thường di chuyển đến những nơi khí hậu nhiệt đới để chơi golf trong thời gian khoảng 3 tháng mỗi năm. Do đó, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đã nắm bắt được nhu cầu này và phát triển khá nhanh các sân gôn, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch.

Đây là lý do UBND Hà Nội căn cứ vào để biện minh cho việc xây thêm sân gôn trong phạm vi thủ đô. Tuy nhiên, bản báo cáo này không đề cập đến lợi tức thu được từ những sân gôn này, và tổng số lợi tức thu vào chiếm được bao nhiêu phần trăm trong lợi tức của ngành du lịch hàng năm?

Nhưng môn chơi gôn và xây dựng sân gôn được phát triển nhanh ở Việt Nam trong những năm gần đây, không thuần túy chỉ vì lý do lôi cuốn khách du lịch, hay vì sự đòi hỏi của người ngoại quốc đến làm ăn ở Việt Nam. Lý do chính là tham những, vì quy hoạch đất và mua đất của dân để xây sân gôn là con đường hợp pháp nhất để lấy đất của dân và làm giàu.

Với số lượng người chơi gôn ít, không đủ tiền thu vào để trang trải phí tổn xây và bảo trì sân gôn, thế thì lý do nào làm những doanh nghiệp nhà nước vẫn mở thêm sân gôn? Khác với những sân gôn ở các nước khác, Việt Nam thường xây sân gôn đi kèm với khu nhà ở như khách sạn, condo, apartment đi kèm như là những khu resort. Đương nhiên, gía cả của những bất động sản này sẽ tăng gấp nhiều lần bởi nó nằm bên cạnh sân gôn. Chính những khu nhà ở này là cái mà viên chức có thể tham nhũng và chia nhau một khi dự án được chấp thuận.

Một caddy lái xe và một caddy đội nón lá đi theo vác gậy... Qúa oách và qúa đã! Hình chụp ở sân gôn Đông Mô, Hà Nội, nơi mà hội phí hiện nay là 60.000 đô-la cho mỗi hội viên. Nguồn: kingsislandgolf.com
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Văn phòng Chính phủ về kết quả rà soát các dự án đầu tư sân golf tại địa phương, chỉ riêng sáu dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các dự án sân gôn ở Lâm Đồng, tổng diện tích đã trên 5.000ha, trong đó phần dành cho sân gôn chỉ 991ha, còn lại cho các mục đích khác, chủ yếu vẫn là xây biệt thự, nhà nghỉ để bán và cho thuê.

Với ba dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép, Công ty Jinsung Vina có kế hoạch xây 200 căn biệt thự tại khu nghỉ dưỡng - sân gôn Bảo Lộc (chưa kể giai đoạn hai mở rộng thêm trên 250ha); Acteam International xây 250 biệt thự tại dự án Spring city Dalat Vietnam (huyện Đơn Dương); và Công ty đầu tư Hàn - Việt lên kế hoạch 500 biệt thự trong dự án khu nghỉ mát, sân gôn Đà Lạt tại huyện Đức Trọng.

Một trường hợp điển hình của xây sân gôn, ai hưởng lợi: Sân gôn Tam Đảo (trích)

"Năm 2003, dự án đầu tư sân gôn Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đầu tư với khá nhiều ưu đãi. Đất sân gôn được chia làm hai loại: đất thuê và đất giao. Ngay sau khi sân gôn đi vào hoạt động từ ngày 7-1-2007, Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo dành hơn một nửa diện tích (khoảng 96ha) đất giao để làm hạ tầng khu biệt thự, phần đất thuê còn lại được chủ đầu tư dành cho sân gôn.

Trong 96ha đất biệt thự, chủ đầu tư đã chia thành 290 lô đất, mỗi lô có diện tích 950-1.500m2 và được rao bán ngay sau khi sân gôn đi vào hoạt động. Biệt thự sân gôn Tam Đảo nằm tại chân đập hồ Xạ Hương (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được xây dọc hai sườn đồi dưới chân núi Tam Đảo, bao quanh sân gôn cao cấp 18 lỗ và là một phần của khu nghỉ mát Tam Đảo. Do nằm kế cận với khu bảo tồn thiên nhiên, bên cạnh có hồ nước, suối, thác nước tự nhiên nên ngay sau khi công ty rao bán nhiều người đã đổ xô đến đây mua nền.

Một nhân viên của Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo tại Hà Nội cho biết: toàn bộ 290 lô đã được bán hết, hiện công ty cơ bản đã bàn giao xong đất. Theo bà Nguyệt Anh - trưởng phòng kinh doanh nhà Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo, mỗi lô đất ở khu vực sân gôn Tam Đảo có giá khoảng 1 tỉ đồng (mỗi mét vuông giá 850.000-1 triệu đồng). Như vậy với 290 lô, Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo đã thu được khoảng 300 tỉ trong khi công ty này chỉ đầu tư khoảng 400 tỉ vào toàn bộ dự án sân gôn, trong đó 200 tỉ trực tiếp đầu tư cho sân gôn.

Không chỉ tại sân gôn Tam Đảo, sân gôn Đầm Vạc (thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có tổng diện tích giai đoạn 1 là 80,73ha, bên cạnh việc xây sân gôn, chủ đầu tư - Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị (trụ sở tại thị xã Vĩnh Yên) cũng dành 22,89ha để làm khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm. Dự kiến sân gôn này sẽ hoàn thành trong năm 2008. Do được coi là dự án đô thị sinh thái nên khi hoàn thành, sân gôn Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm sẽ có sân gôn 18 lỗ; khu nhà vườn, mỗi nhà đều có sân vườn ở phía trước, diện tích 200-250m2. Liền kề là khu biệt thự có diện tích sàn cho mỗi ngôi là 280-320m2."

Tiền thuê gậy (clubs) mỗi lần chơi là 30 đô-la? Xin miễn, có gì xài đó! Hơi ngắn chút, không sao! Nguồn: OhMyGolf.com
Được biết, lương tháng của một công nhân ở Việt Nam làm cho hãng xưởng ngoại quốc hiện nay là 72 đô-la. Một trận chơi gôn 18 lỗ ở sân gôn Kings’ Island Golf Club nằm ở Đông Mô, Hà Tây tốn 100 đô-la tiền green fee, tiền thuê gậy (club) là 30 đô-la, tiền thuê gôn cart là 35 đô-la, caddie fee 20, tổng cộng 185 đô-la cho một trận chơi gôn.

Điều đó có nghĩa, mất hai tháng "tuyệt thực, tuyệt ẩm, tuyệt giao" - nói trắng (phếu) ra là đi làm về là leo lên giường nằm ngủ chờ sáng mai dậy đi làm tiếp trong hai tháng trời để một người công nhân Việt Nam được "vung gậy" trong một buổi chiều!

Hiện nay, nhà nước cộng sản Việt Nam dự định sẽ hạn chế việc xây thêm sân gôn đang xâm lấn những cánh đồng lúa “để bảo đảm nguồn an ninh thực phẩm quốc gia và bảo vệ hằng ngàn nông dân nghèo”, báo chí nhà nước cho hay hôm thứ Hai ngày 28 tháng Bảy, 2008.

“Chính quyền địa phương nên ngừng cấp giấp phép cho xây dựng sân gôn mới nếu những dự án này sẽ xây trên đất canh tác được dùng để cấy hai vụ mùa cùng năm,” theo Vietnam Investment Review.

Đây là một quyết định đúng, nhưng có áp dụng được hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được, vì tình trạng “trên nói dưới không nghe” hiện rất phổ biến ở Việt Nam, nhất là khi đụng chạm đến quyền lợi kinh tế.

© DCVOnline

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1125 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0