Thứ Ba, 2024-11-05, 8:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 17 » Lời tâm sự của một chiến binh cộng sản
0:53 AM
Lời tâm sự của một chiến binh cộng sản
Nguồn: http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=1885

Nhớ những ngày Nam bộ kháng chiến gian khổ, những ngày lội bộ Trường Sơn trường kỳ đánh Mỹ sống chết chỉ trong gang tấc, rồi cảm giác được bù đắp không thể tả bởi niềm vui oà vỡ ngày toàn thắng 30.04 chấm dứt những ngày dài đời lính gian khổ, những ngày chia cắt hai nửa quê hương trong máu lửa chiến tranh.

Những ngày ấy tuy gian khổ không tả xiết nhưng đám chúng tôi không hề do dự, tiếc nuối hay bận tâm về sự chọn lựa của mình. ĐCS & CNCS là lý tưởng của tôi và đồng đội, đồng chí của tôi.

Ấy vậy mà những năm tháng sau khi hoà bình được vãn hồi vào 1975, ngày này qua tháng nọ tôi đau đớn nhận ra một sự thật phủ phàng từ trải nghiệm thực tế cuộc sống. Cả thế hệ của chúng tôi đã bị lừa dối về một thiên đường mù XHCN. Đau khổ nhất là khi tôi phải hàng ngày chứng kiến cảnh con cháu của tôi cũng đang bị dối gạt ngay trước mắt mình.

Tôi không bao giờ quên cái cảm giác lần đầu tiên đang từ mù bỗng được hoá sáng.

Tôi và nhóm bạn chiến đấu cũ của tôi đều mang cùng tâm trạng này. Chúng tôi là bộ ba coi nhau như anh em ruột thịt một nhà. Hầu như chuyện gì chúng tôi cũng đều san sẽ với nhau. Chúng tôi mừng cho sự giải thoát chính mình khỏi những ngày đầu óc đắm chìm trong tăm tối, u mê nhưng cũng bàng hoàng khi nhận ra sự thật quanh mình. Người tỉnh như chúng tôi hãy còn quá ít oi. Người mê ngủ mới chiếm đại đa số. Người ngay thẳng, lương thiện thì ít nhưng kẻ cơ hội, luồn cúi, tham lam, tư lợi thì quá nhiều. Không chức, không quyền, không cậy nhờ thân thế, không luồn cúi làm bậy thì nghèo như tôi là chắc. Hoà bình lâu lắm rồi mà nỗi đau vẫn còn đó.

Hoà bình đã ngần ấy năm mà lòng tôi và những bạn bè chung chí hướng thấy lòng đầy bất an. Dù chương trình “xoá đói, giảm nghèo” cuối cùng đã với tới đám dân nghèo chúng tôi nhờ sự ra tay của các quốc gia hảo tâm, gia đình tôi vẫn còn nằm trong cái số đông phải thắt lưng buộc bụng để vật lộn, xoay sở với miếng ăn hàng ngày nhưng lại phải dành dùm tối đa cho việc học hành ngày càng đắt đỏ của con. Nỗi cay đắng vì nghèo ấy vậy mà không ghê gớm bằng cái âm hưởng chết chóc của sự suy sụp niềm tin. Cái chủ nghĩa tôi từng tôn thờ, sùng bái, một dạ sống chết và các con tôi đang ra sức học tập, nhồi nhét mà không chút mảy may nghi vấn lại là sự ghẻ lạnh, xa lánh của cả nhân loại văn minh. Một chủ nghĩa chỉ có giá trị lý thuyết suông không hơn, không kém mà rất nhiều lãnh tụ thế giới cùng thời với Hồ Chí Minh đã nhận ra chân tướng và xa lánh. Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, cái nôi CS lâu đời và hàng loạt các nước CS ở Đông Âu cùng sự biến tướng hình thái kinh tế phi XHCN của TQ, VN hiện nay là bằng chứng sống cho cái CNCS một thời là lẽ sống của tôi.

Tôi tự giận mình sao không có cái đầu và đôi mắt tỉnh táo sớm hơn. Tại sao người ta có thể mê muội lâu đến thế? Tại sao đến gần cuối đời tôi mới nhìn thấy ánh sáng chân lý? Tại sao lại là chúng tôi, là đất nước đã quá nhiều đau thương này? Rồi cũng cái “thằng tôi” trong tôi lại bảo với tôi. “Muộn còn hơn không. Đừng ngồi đó tự trách mình. Hãy làm những gì cần làm, những gì lương tâm mách bảo.” Thế là tôi và nhóm bạn của tôi đồng lòng với nhau ở khởi điểm vận động gia đình, bè bạn theo lời vẽ đường của “thằng tôi” lương tâm. Chúng tôi đã bắt đầu công tác “dân vận” của mình như thế đấy.

Tôi chọn vợ con mình làm đối tượng vận động đầu tiên. Bắt đầu “công tác tư tưởng” với vợ không đến nỗi quá khó khăn vì vợ tôi trạc tuổi với tôi và là chiến sĩ giao liên ngày trước. Nhưng với con gái và con trai đang trong độ tuổi trưởng thành của mình thì thật là điều không dễ chút nào.

Vơ chồng tôi có hai con. Một gái, một trai. Một đứa chuẩn bị thi ĐH, đứa còn lại cũng muốn theo chân chị gái của mình vài ba năm tới đây. Khi tôi mới bắt đầu cuộc “vận động tư tưởng ” đầu tiên là chúng đã tìm cách đứng dậy không muốn nghe tiếp. “Bố nói phản động rồi, không đúng đâu. Để hôm khác con sẽ giải thích cho bố nghe. Bài vở hơi nhiều nên để hôm khác nghe bố.” Lời con gái lễ phép thoái thác nhưng đầy tự tin “sẽ giải thích cho bố nghe” đã mở đường cho thằng em trai hùa theo “Sao hôm nay bố nói chuyện gì nghe phản động quá” và tìm cách rút lui theo chị.

Thế là tôi thất bại hoàn toàn sau trận mở màn. Tôi thấy vừa giận vừa thương con mình. Giận vì sức mạnh ghê gớm của tuyên truyền lâu gần 1/3 thế kỷ của đảng ta nếu tính cả ngoài bắc, trong nam. Thương là thương cho chúng cả tin, ngây thơ như tôi ngày trước. Thương cho đất nước này phải thua kém nhân loại văn minh vừa về tiềm lực kinh tế, vừa về trình độ dân trí mà không mấy ai hay. Nhưng cái đau bị tụt hậu về nhận thức, tầm nhìn là thứ đau da diết, dai dẳng hơn cả. Hai con tôi còn ngây thơ lại sáng dạ, thông minh nên chúng càng xứng đáng được sống trong một xã hội thật thà, lành mạnh, bình thường. Và còn bao nhiêu trẻ em VN khác cũng phải được hưởng cái điều tự nhiên như con em được lớn lên ở những đất nước bình thường khác nhờ không tin vào cái CNXH nguyên xi hay theo kiểu nửa nạc, nửa mỡ “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” hiện nay đang còn tiếp tục thao túng ở đất nước này. Dù biết đây là cuộc chiến đấu hoàn toàn bất cân xứng về thời gian tính, tôi vẫn tin vào chiến thắng của chân lý lẽ phải. Nhất định khó khăn tới đâu, tôi cũng sẽ không bỏ cuộc. Thế hệ con tôi phải là thế hệ nạn nhân cuối cùng của một thiên đường giả dối, vô vọng chỉ đẩy con người ngập sâu trong sa đoạ phẩm cách, đạo đức.

Tôi đem chuyện nhà mình ra kể cho những người bạn đồng hội, đồng thuyền với mình thì biết chuyện gia đình mình cũng là chuyện gia đình người.

“Thằng Khải đem kiến thức đã học ở trường ra để đấu lý với tớ, để chứng minh rằng tớ “phản động”. Vợ tớ thì nhìn tớ nghi ngờ.” Khôi, một đồng đội cũ giờ là thương binh, tâm tình.

Trung, thượng uý về hưu cũng góp tiếng. “Bé Thảo nhà mình cũng vậy. Những trang giấy trắng vô tội bị bôi bẩn như chúng mình ngày xưa cả thôi. Ngày xưa cậu và tớ cũng đều tin lời đảng gọi chứ có tin lời các ông bà cụ thân sinh khuyên đâu”.

“Giời giả báo chúng ta đây, những đứa con CS nhà nòi muốn thoát thân mà chưa thoát được vì cái nghiệp chướng mà chúng ta đã vướng vào. Tính từ lúc ĐCS lên ngôi từ 1932, tới nay đã thành 76 năm lão làng trong cái nghề nhồi sọ rồi còn gì. Chua lắm các ông ạ. Mình là cha mẹ chăm lo cho chúng cái ăn, cái mặc, học hành vậy mà chúng không tin không nghe, chỉ toàn tin lời Bác, Đảng. Cái xã hội XHCN quả là rối rắm, bất thường”. Mẫn không vợ không con, cũng bạn quen biết cùng thời lính, nay là nhân viên bảo vệ chua chát tiếp lời.

Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn biết an ủi, khuyên nhủ nhau phải bền tâm, vững chí. “Ông nào bỏ cuộc giữa chừng là kẻ hèn nhát, “sẽ không lớn nổi thành người,” như lời Mẫn phán.

Nói lần đầu, lần hai, lần ba, lần 4,… chưa thuyết phục nhưng thất bại từ những lần đầu ấy cũng giúp tôi dần dà học đươc cách lập luận cho chặt chẽ và mạch lạc hơn. Tôi bỏ công tìm tòi, tham khảo rất nhiều sách vở, tài liệu về thuật hùng biện và hai hệ thống xã hội đối lập chính trên thế giới hiện nay. Tư bản và Cộng Sản. Vợ tôi thành ủng hộ viên đắc lực của tôi không lâu sau đó. Vơ chồng tôi đã ngồi lại với hai con không biết bao nhiêu lần sau những lần đầu “bại nhiều hơn thành”. Tôi đã phải nghĩ cách để giúp hai con vào cuộc một cách hăng hái và tự nguyện hơn. Chúng tôi cũng rút ra được kinh nghiệm. Khi tranh cãi mọi người phải tuân theo nguyên tắc chung: bình đẳng, dân chủ. Đưa ra dẫn chứng thực tế để chứng minh cơ sở lập luận là nguyên tắc hàng đầu của gia đình tôi khi thảo luận. Đó cũng là cách giúp chúng tôi biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Dù ở cương vị người đi trước, vợ chồng tôi không bao giờ tìm cách lấn áp con trẻ để bắt chúng phải khuất phục mình. Chúng tôi hàn huyên, tranh luận ngay lúc đi biển, đi dạo, ở những quán nước kín đáo những khi cả nhà có dịp ra ngoài chung. Có những cuộc tranh cãi trong phòng ngủ của vợ chồng tôi hay tại phòng học cũng là phòng ngủ chung của hai con. Ban đầu người khơi mào chính là tôi. Về sau, có sự đổi ngôi. Hai con tôi lại là những kẻ hay chủ động “tấn công” trước. Có khi chúng tôi tranh luận mãi mê tới gần sáng mới thôi.

Khi con gái tôi được học bỗng đi học ngành Viễn Thông ở Úc năm sau thì lá thư đầu tiên gởi cho vợ chồng tôi từ nước Úc được bắt đầu bằng những lời “Bố mẹ vô cùng yêu quý của con. Cảm ơn mẹ lúc nào cũng là người mẹ hiền của con. Còn bố, người bố “phản động” mà giờ đây con càng thấy yêu quý và tự hào hơn. Những gì bố mẹ đã mở mắt cho con mới phản ảnh đúng về cái thế giới thật mà chúng ta đang sống. Nhờ có bố mẹ “phản động” mà con không bị thua kém bạn bè khắp nơi về nhận thức thời cuộc và thế giới. Con sẽ tiếp tục công việc của bố mẹ vì đó là cách duy nhất để cứu lấy mình và thế hệ con cái của con ra khỏi cái ý thức hệ tạo nên kẻ thù trong chính chúng ta. Nó làm cho chúng ta hiểu sai và ngộ nhận về thế giới chung quanh. Nó làm cho chúng ta không còn phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù. Nó cho phép sự độc tài quyền lực gây bất công xã hội. Nó cũng ngăn cản và kìm hãm nội lực phát triển của cá nhân và xã hội. Tất cả chúng ta; mỗi người, mỗi nhà cần có trách nhiệm lên tiếng và có những hành động thiết thực để kéo đất nước ra khỏi thảm họa của những áp chế tư tưởng bệnh hoạn, lỗi thời. Con muốn VN mình có được nền dân chủ và văn minh như xã hội mà con đang đến học. Bố mẹ hãy tiếp tục là những người đi đánh thức”. Con trai tôi, Vũ cũng nhận được bức thư này của chị mình cc cho nó qua email gởi cho chúng tôi cùng ngày. Tôi còn sung sướng hơn khi Vũ tiết lộ với tôi ngay sau khi đọc thư chị, “Con và mấy đứa bạn thân của con cũng đang làm như chị con đó bố ạ”.

Tôi đem bức thư con gái đọc cho đám bạn của mình nghe. Cả bọn đều hoan hỉ, lên tinh thần. Cũng kể từ ngày ấy, những lần tụ tập của tôi và nhóm bè bạn chiến đấu cũ không còn đầy ắp những lời than thân, trách phận đầy bi quan như xưa. Chúng tôi thấy mình trở nên có ích cho mọi người. Chúng tôi đã biết hành động. Và chúng tôi cũng đã làm được nhiều hơn là mình nghĩ.

Có những người gieo mầm mống bệnh hoạn, độc hại thì cũng phải có người lo ươm mầm giống mới khoẻ mạnh, hữu ích để cản phá sự lây lan của những mầm mống gieo rắc tai hoạ. Dù đây là cuộc chiến không cân sức và vô vàn khó khăn chống lại những tư duy lạc hậu, bảo thủ; kẻ thù số một của nhân loại văn minh đã hiện diện và ngự trị ở đất nước bất hạnh của chúng ta hơn nửa thế kỷ nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta và con cái chúng ta được trở lại làm người đúng nghĩa.

Bài viết bởi: Thanh Bình
Category: Chính trị | Views: 1263 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0