Thứ Sáu, 2024-03-29, 12:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 17 » Mục tiêu nào cho tới cuối năm 2008
1:12 AM
Mục tiêu nào cho tới cuối năm 2008

Trần Dương
Gửi tới BBC từ Singapore
    
Chính phủ Việt Nam đang tìm các chính sách cho kinh tế, trong đó có lúa gạo

Từ thảo luận trực tuyến cuối năm 2007 do VietNamNet tổ chức, 10 vấn đề cho năm 2008 đã được đặt và bài viết này xin điểm lại tất cả và đề xuất những mục tiêu cho thời gian còn lại của năm.

Kiểm soát lạm phát: Thực tế 6 tháng đầu năm 2008 đã chứng kiến con số lạm phát 18,44%, trong khi mức tăng trưởng kinh tế chỉ ở 6,5%.

Tuy vậy, với việc giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh sau những đợt tăng giá “bốc hỏa” trước đó, với phương châm “nền kinh tế thị trường định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” cùng kinh nghiệm của Chính phủ sau đợt suy thoái vừa qua, hy vọng duy trì lạm phát ở mức thấp đến cuối năm 2008 là hoàn toàn có cơ sở.

Câu hỏi và thử thách

Công bằng doanh nghiệp: Sự bất bình đẳng trong “định hướng phát triển của các ngành cơ bản” và “mất cân bằng về phân bổ nguồn lực” giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cũng như thiếu công khai minh bạch chưa có tín hiệu biến chuyển.

Các tập đoàn kinh tế lớn trong nước không chịu nhận trách nhiệm về yếu kém trong hoạt động kinh doanh dù được hưởng nhiều đặc quyền.

Mở cửa nền kinh tế: Sự tận dụng “sức cạnh tranh của mở cửa gấp 10 lần mệnh lệnh” để cải cách các doanh nghiệp nhà nước chưa có kết quả.

Giáo dục: Dù nhu cầu “Cải tổ giáo dục không thể chậm trễ hơn nữa” được đặt ra và có đề xuất “hướng dạy nghề, mở rộng tiếp cận thị trường, để tư nhân, nước ngoài tham gia đào tạo, huấn luyện” và “giảm tải ở trường phổ thông”, trong nửa đầu năm 2008, giáo dục Việt Nam chưa cho thấy có thay đổi.

Nguồn nhân lực: “Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng” và việc “tuyển dụng và sử dụng hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là chưa minh bạch về chuẩn mực” cũng chưa cho thấy sự thay đổi.

Thực tế đã được chứng kiến làn sóng “cán bộ nhà nước bỏ cơ quan và chức vụ để ra làm việc cho tư nhân”. Theo một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước thì nguyên nhân chủ yếu là vì sử dụng, bổ nhiệm cán bộ mà “quan tâm cất nhắc là do xuất thân "con ông cháu cha" hoặc do “sở trường” quan hệ với cấp trên”.
     Quản lý là quản có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý
 
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói về báo chí



Đối ngoại: Những lá phiếu của Việt Nam với tư cách thành viên không thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn nghiêng theo ý kiến của các “ông anh” Nga và Trung Quốc cho thấy chưa có thay đổi gì trong chính sách đối ngoại trên trường quốc tế. Trong nước, việc chính phủ nghiêng theo xu hướng hợp tác với Trung Quốc hay Hoa Kỳ cũng chưa ngã ngũ.

Cải cách hành chính: Việc “tăng thêm giám sát, tham gia của người dân để cải cách hành chính thực sự hiệu quả” không có tiến triển bởi báo chí đã bị giáng một đòn nặng nề sau vụ bắt giữ hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên).

Thực trạng “cơ chế của Việt Nam không rành mạch về phân cấp phân quyền” cũng chưa có động thái cho thấy sự thay đổi.

Quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường: Việc “quy hoạch sai”, “úng lụt của TP.HCM, Hà Nội hay kẹt xe ... do lỗi quy hoạch” cho tới tháng 7/2008 vẫn là “đau đầu”.

Việc mở rộng thủ đô Hà Nội không được xem là tín hiệu tốt cho quy hoạch.

Chính phủ cũng chưa có những biện pháp hiệu quả cho vấn đề bảo vệ môi trường.

Chiến lược công nghệ quốc gia: Chính phủ được cho là cần “tạo điều kiện cho giới trẻ, khoa học, doanh nghiệp hoạt động suôn sẻ”. Trước việc Đảng Cộng sản nói “khuyến khích trí thức tham gia phản biện” nhưng lại coi trí thức tiến bộ là phản động, hay áp đặt sự lãnh đạo gượng ép lên giới luật sư, câu hỏi về “tạo điều kiện” vẫn còn bỏ ngỏ.
    
Nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng vấn đề nhân cách và giáo dục vẫn nổi cộm

Nhân cách dân tộc trong hội nhập: Trước “tình trạng xói mòn đạo lý, nhân cách dân tộc trong bối cảnh hội nhập”, cải cách hành chính và “hệ thống pháp luật nghiêm minh” được xem là lời giải.

Nhìn lại thời gian qua thì thất bại trong bài trừ tham nhũng, bất cập trong hệ thống pháp luật như Luật đất đai, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, việc kiểm duyệt chặt chẽ báo chí “đi đúng lề bên phải” và nhiều lần gây mất niềm tin của người dân khiến xây dựng nhân cách dân tộc trong hội nhập trở thành mục tiêu dài hạn.

Cũng về vấn đề nhân cách, các tác giả như Phạm Việt Hưng đưa ra giải pháp xây dựng một nền văn hóa cân bằng Tâm – Vật, Đoàn Khắc Xuyên cho rằng nhân cách cũng như dân trí, cần phải “thông qua ít nhất ba con đường: giáo dục; sự thi hành luật pháp nghiêm minh, nhất quán; và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự”.

Rất tiếc là cả ba con đường giáo dục, pháp luật và xã hội dân sự ở Việt Nam chưa cho thấy có triển vọng.

Mục tiêu tới cuối năm 2008?

Không được “dự báo” trong 10 vấn đề của năm 2008 như đăng trên VietnamNet (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2007/12/761201) nhưng vấn đề nông thôn, nông nghiệp và nông dân cùng với các vụ khiếu kiện đất đai lại đang hết sức nhức nhối. Nổi bật là vụ xử lý khiếu kiện đất đai ở ngay quận 9 TP. HCM vẫn còn nhiều bất cập.

Vậy đâu là những mục tiêu khả thi tới cuối năm 2008 mà Chính phủ có thể đạt được?

1. Kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất có thể

2. Xây dựng lộ trình để các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước tham gia cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp tư nhân và với quốc tế

Xóa bỏ đặc quyền kinh tế của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là việc làm cần thực hiện nhưng cần có thời gian để các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần thích ứng với môi trường mới.

Một lộ trình hợp lý trong thời gian không quá lâu cần được xem xét. Cạnh tranh công bằng trong môi trường kinh doanh quốc tế sẽ là mệnh lệnh bắt buộc các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, phải thực hiện minh bạch trong hoạt động. Đó cũng là một nhân tố giúp chống tham nhũng hiệu quả.

3.Có những biện pháp nghiêm khắc để loại bỏ cơ chế “con ông cháu cha”

Trước đây, tư tưởng coi trọng “hồng hơn chuyên” đã dẫn tới tình trạng cán bộ nhà nước yếu kém về năng lực, trở thành rào cản đối với người có tài ở các thế hệ tiếp theo. Hiện nay, cơ chế “con ông cháu cha” cũng đang là một mối nguy cơ đe dọa đối với chất lượng của đội ngũ cán bộ nhà nước.

4. Bỏ những quy định áp đặt với báo chí và giới luật sư

Người dân ai cũng thấy rõ báo chí là lá cờ đầu trong phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, báo chí nước ta hiện nay đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sau những vụ bắt giữ và kỷ luật các nhà báo. Bên cạnh đó, giới luật sư cũng không cần phải tuân theo những “chỉ đạo” hay mệnh lệnh bởi các mệnh lệnh không phải luôn luôn thống nhất với trí tuệ và trái tim yêu chuộng công lý của họ.

5. Tăng cường khả năng hội nhập với quốc tế

Hội nhập về kiến thức, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, giáo dục, môi trường kinh doanh v.v…, nâng cao khả năng ngoại ngữ cho người dân, đặc biệt là tiếng Anh, cần được chính phủ chú ý nhiều hơn. Tới nay, tiềm năng hội nhập và những lợi ích của hội nhập vẫn còn rất rộng mở cho Việt Nam. Ngoài ra, sớm giải quyết vấn đề hòa giải-hòa hợp dân tộc, hỗ trợ cho hội nhập, cũng cần được quan tâm.

Trần Dương hiện là du học sinh tại Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Category: Kinh tế | Views: 1125 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0