Thứ Năm, 2024-11-21, 7:03 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 18 » Thương lắm những búp trên cành!
11:39 AM
Thương lắm những búp trên cành!

Nguồn:  http://trangdenonline.com/ArticleDetail.asp?item_id=2493&

Tác giả: Mạnh Hà

Một ngày ở vùng  Lai Châu:
Thương lắm những búp trên cành!
 
 
 Tôi không sao quên được những ánh mắt trẻ thơ ấy. Chúng ám ảnh tôi qua từng giấc mơ, và cả những khi vui vẻ nhất trong những bữa tiệc chiêu đãi. Nhìn những mâm cỗ quá dư thừa, những con cá hàng kg còn nguyên trên mâm, những ly rượu bổ rót đến tràn ly... tôi lại thấy xót thương cho thân phận của những búp trên cành ấy!

Ánh mắt đầu tiên ám ảnh tôi là trong chuyến công tác ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Tránh những bữa rựợu dài bất tận, tôi lấy cớ có người bạn mời cơm, định bụng lẻn ra đầu bản làm một bát mì tôm, nào ngờ đi vòng vo mãi mà chẳng có một quán ăn nào. Mệt mỏi quá, tôi ra bờ suối ngồi nghỉ, lục ba lô lấy thanh lương khô cuối cùng ra lót dạ. Vừa cắn miếng đầu tiên, bỗng tôi cảm thấy như có cái gì đó đằng sau, ngoảnh mặt lại, thì thấy 3 đứa trẻ mình trần như nhộng, đầu tóc bù xù, gương mặt tiều tuỵ với 6 con mắt đang nhìn hau háu vào thanh lương khô trên tay tôi. Nhìn vào ánh mắt của chúng, tôi hiểu chúng đang muốn gì. Mỉm cười thân thiện, tôi vẫy tay ra hiệu cho chúng lại chỗ mình, nhưng như cảnh giác với người lạ, chúng lùi lại. Bẻ bánh lương khô làm 3 tôi tiến lại chỗ chúng. Chúng giơ tay đón lấy nhưng chưa hết cảnh giác. Chúng nhìn nhau, và phát một tràng tiếng dân tộc, không hiểu lắm nhưng tôi thấy chúng rất vui.
 
Thằng bé lớn nhất tiến lại phía tôi, nó chỉ vào chiếc máy ảnh và hỏi: Súng à chú? Thì ra nó nói được tiếng Kinh. Xoa đầu nó,  tôi bảo: Là máy ảnh. Nó lắc đầu không hiểu. Tôi liền giơ máy về phía 2 đứa kia bấm xoành xoạc mấy kiểu. Hai đứa trẻ chẳng hiểu mô tê gì, chạy về phía gốc cây to nép mình nhìn ngơ ngác. Bật màn hình lên tôi đưa cho thàng bé lớn xem. Nó thốt lên, rồi đưa tay vẫy 2 đưa kia lại xem...

Sau một hồi nói chuyện tôi và chúng trở lên thân thiện, tôi biết chúng là người dân tộc La Hủ. Biết tôi chưa ăn gì, chúng chạy lên đồi nhổ mấy khóm sắn. Chúng tôi cùng nướng sắn rồi ngồi ăn. Thú thực, trong đời tôi chưa bao giờ tôi thấy sắn nướng lại ngon đến thế.

Buổi chiều, tôi theo chúng về bản, vào nhà chúng, mà hình như không phải nhà, gọi là lều mới đúng. Nhìn quanh một lượt, một cảnh tượng thật sơ xác. Tài sản lớn nhất có lẽ là cái kiềng và mấy cái nồi méo mó.
 
 
Lòng tôi càng thêm trĩu nặng! Tôi hỏi, thế bố mẹ đi đâu? Bố mẹ đi nương cả rồi, chỉ có mấy anh em ở nhà thôi, thằng bé lớn trả lời. Lục trong ba lô còn 2 gói mì tôm, tôi bảo chúng nấu mà ăn tối. Thằng lớn lễ phép nói: Cháu xin chú. Vừa ra đến cửa, hai thằng nhỏ đã lao vào giành gói mì tôm trên tay thằng lớn. Tôi biết với chúng mì tôm là cái gì đó xa xỉ lắm.
 
Dọc đường vào bản Ứ Ma, hình ảnh ba thằng bé ở trong một ngôi nhà như thế cứ ám ảnh tôi mãi, tôi chạnh lòng nghĩ đến tuổi thơ tôi, cũng từng ở trong cảnh nhà tranh vách đất nhưng có lẽ so với chúng tôi còn hạnh phúc hơn nhiều!
 
Đổ dốc thêm khoảng hơn một cây số đường ngoằn ngèo, luồn qua khu rừng nguyên sinh ẩm ướt, cuối cùng tôi đến được bản Ứ Ma. Vài chục nếp nhà tranh nằm nép mình bên sườn núi, những rác rưởi, phân động vật thả rông… tạo nên thứ mùi thật khó tả!
 
Cả bản xôn xao khi thấy người lạ xuất hiện. Đám trẻ con hầu hết không quần áo, hoặc trên mình chỉ mang một trong hai thứ, mặt mày chúng trông bẩn thỉu, lem luốc và chi chít vết ruồi vàng bọ chó cắn. Những người đàn ông La Hủ thân hình tiều tuỵ, tóc tai bờm sờm, mắt lờ đờ như đói ăn.

Tôi hỏi thăm đường đến nhà mấy giáo viên cắm bản, nhưng chẳng có ai biết nói tiếng Kinh cả. Nhìn về phía cuối bản, tôi bỗng thấy một lá cờ đỏ bay phấp phới, đoán rằng đấy chắc là khu vực lớp học, tôi lại nặng nề lê bước về phía đó. Mấy thầy cô giáo thấy tôi xuất hiện, họ không khỏi ngỡ ngàng. Với họ, sự xuất hiện của người Kinh ở bản biên giới này hình như hiếm lắm.
 

Thấy tôi đứng lặng người đi, thầy Nguyễn Đình Thiên, trưởng nhóm giáo viên cắm bản ghé tai tôi nói nhỏ: "Đàn ông ở đây gần như 100% nghiện thuốc phiện, họ lười lắm không chụi làm ăn gì đâu. Ở đây hầu như các gia đình đói ăn quanh năm, nguồn lương thực duy nhất là ngô và sắn, nhưng ngô cũng không đủ đến mùa tới, phần lớn phải chống đói bằng sắn mất vài tháng, có nhà ngô hết trước khi sắn kịp thu hoạch. Nhà nước cứu trợ rất nhiều nhưng chẳng ăn thua gì". Giờ thì tôi đã hiểu vì sao những đứa trẻ ở đây tội nghiệp đến thế.

Có lẽ cuộc sống người dân tộc La Hủ ở Pa Ủ cũng đơn giản như chính những ngôi nhà mái tranh vách phên của họ. Đơn giản đến lo ngại như những liếp phên cứ rung lên bần bật bởi gió rừng. Ở những túp lều bé nhỏ đến chật chội vì quá đông người đó, mỗi nơi lại có một câu chuyện về hoàn cảnh và những số phận con người. Cuộc sống của mỗi gia đình ngày hai bữa sáng, tối phải lót dạ một cách dè dặt với canh sắn, ngô đồ, còn măng và rau sắn thì dường như ngự trị bữa ăn…, để có một nồi cơm độn sắn cũng hết sức khó khăn!
 
 
Một ngày dài trôi qua. Đêm cuối cùng trên đất Pa Ủ sao mà khó ngủ! Tôi lại miên man với bao suy nghĩ về những mảnh đời và số phận của những đứa bé nheo nhóc, phải đến trường với cái bụng nép kẹp...
 
Mạnh Hà
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1744 | Added by: danchu | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 89
Khách: 89
Thành Viên: 0