Thứ Sáu, 2024-03-29, 11:18 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 19 » Bản tin ngày 19/08/2008 của thegioinguoiviet.com
10:04 AM
Bản tin ngày 19/08/2008 của thegioinguoiviet.com
"Tìm hiểu về Mỹ" để tăng cường hợp tác
Cuộc thi dành cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường ĐH của Việt Nam, kéo dài trong vòng 10 tháng, theo đó mỗi công trình nghiên cứu đoạt giải sẽ giành được 5.000 USD tiền thưởng.
Dự kiến tên 5 người đoạt giải sẽ được công bố vào cuối tháng 6/2009. Trong 6 tuần đầu tiên, Học viện Ngoại giao là cơ quan đại diện nhận các ý tưởng nghiên cứu tham gia chương trình.
Bà Kim Ninh, trưởng đại diện Quỹ châu Á, đơn vị tài trợ cho cuộc thi, nói: "Lịch sử đặc biệt giữa hai quốc gia khiến quan hệ Việt - Mỹ có những điểm khác biệt với những quan hệ khác. Bản thân sự quan tâm của người Mỹ đối với Việt Nam không đơn giản vì sự phát triển nhanh. Người Mỹ cũng quan tâm đến cái nhìn của người Việt Nam đối với nước Mỹ".
Cuộc thi Tìm hiểu về nước Mỹ nhằm thúc đẩy một cái nhìn mới về nước Mỹ, một tầm nhìn được xây dựng trên khuôn khổ phát triển mới của tình hình thế giới trong toàn cầu hóa cũng như tính khó dự đoán của nước Mỹ với tổng thống mới vào năm 2009.
Cuộc thi cũng nhằm thúc đẩy nguồn nghiên cứu mới của Việt Nam. Bà Kim Ninh cho biết, cuộc thi có khung nghiên cứu rất rộng, về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước Mỹ, tạo sân chơi rộng cho sự năng động, sáng tạo của giới nghiên cứu Việt Nam.
GS. Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tìm hiểu sâu rộng về tình hình khu vực, thế giới và từng quốc gia, phải hiểu để hợp tác, nhất là với những nước có vai trò gần như quyết định với các vấn đề quan hệ quốc tế cũng như chính sách đối ngoại các nước như Mỹ.
Hơn nữa, đã đến lúc cần đẩy mạnh nghiên cứu khu vực học một cách bài bản, có hệ thống, xóa bỏ tình trạng nghiên cứu riêng lẻ của Việt Nam hiện nay. Đồng thời, theo ông Quảng, đây cũng là cơ hội để khởi động lại ý tưởng thiết lập một mạng lưới nghiên cứu quốc tế của Việt Nam.
Ông Quảng cho biết, tùy thuộc vào chất lượng, các kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng thích hợp. Nếu sản phẩm nghiên cứu có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, ban tổ chức sẽ chuyển lên cơ quan chức năng xem xét sử dụng.
C.Hà


Liệu hơn 2.200 tỉ đồng có trôi theo dòng nước?
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sàigon: Cả 4 đốt đều nứt
Bốn đốt hầm Thủ Thiêm đã được đúc xong chờ ngày lắp ghép thành hầm dài nhất Đông Nam Á vượt sông Sài Gòn. Tuy nhiên, trên cả 4 đều xuất hiện vết nứt. Một số vị trí, các vết nứt này ngày càng xuất hiện nhiều, dài hơn, rộng hơn.
Đốt hầm Thủ Thiêm được đúc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Ảnh: Mai Vọng
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nằm trong dự án đại lộ Đông - Tây (dài gần 22 km, tổng trị giá 9.800 tỉ đồng). Hầm có chiều dài 1.490m, đoạn hầm dìm dưới sông dài 370m chia làm 4 đốt hầm (kích thước mỗi đốt dài 92,4m, rộng 33,2m, cao 9m; độ dày bản đáy và nắp 1,5m, vách hai bên dày 1m, tất cả bằng bê tông cốt thép).
Hạng mục hầm ngầm và đường dẫn hầm Thủ Thiêm trị giá hơn 2.200 tỉ đồng, do nhà thầu Obayashi Corporation thi công, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản. Ngày 13-9-2007, đơn vị thi công đã đổ mẻ bê tông đầu tiên đúc đốt hầm này. Đến tháng 6-2008, cả 4 đốt hầm đã được đúc xong tại bãi đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Cả 4 đốt hầm đều nứt
Tháng 5-2008, khi việc đúc các đốt hầm đã gần hoàn tất, trong một bản báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình đại lộ Đông - Tây, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (gọi tắt là Hội đồng nghiệm thu nhà nước) đã nêu lên những con số đáng lo ngại về hàng loạt vết nứt ở các đốt hầm Thủ Thiêm. Qua kiểm tra thực tế, các chuyên gia phát hiện: cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện nhiều vết nứt trên tường và bản nắp.
Vị trí các đốt hầm Thủ Thiêm

Các vết nứt ở thành tường thẳng đứng kéo dài từ 2m - 3m, bề rộng lớn nhất của vết nứt rộng đến 1 mm (trong khi đó, theo tiêu chuẩn JSCE 2002 do nhà thầu Obayashi đưa ra thì mức độ bề rộng vết nứt cho phép đối với hầm là dưới 0,28 mm). Bề sâu vết nứt chưa xác định cụ thể do cơ quan kiểm định đang tiến hành đo đạc. Các vết nứt cũng xuất hiện ở vị trí giữa các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm. Các vết nứt này thẳng đứng kéo dài gần như hết chiều cao đốt hầm, bề rộng vết nứt đến 0,3 mm.
Đáng chú ý, báo cáo của các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu có đoạn: "Các vết nứt ngang, dọc, xiên trên bề mặt bê tông hầm dìm làm ngấm dột nước mưa trên nóc đã làm suy giảm cường độ khối bê tông và ảnh hưởng tới khả năng chịu lực cũng như tuổi thọ công trình. Cơ quan thường trực hội đồng đã có văn bản yêu cầu về việc xử lý và khắc phục ngay các vết
nứt này từ tháng 11-2007 nhưng Ban quản lý dự án và các nhà thầu chưa nghiêm túc tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục hiện tượng bê tông hầm dìm bị nứt. Các giải trình trước đây của chủ đầu tư và nhà thầu về sự xuất hiện của các vết nứt bê tông hầm dìm là chưa thỏa đáng".
Vấn đề nghiêm trọng
Đầu tháng 7-2008, chúng tôi đã có bài viết nêu lên những lo ngại về vết nứt ở 4 đốt hầm của hầm Thủ Thiêm đang được đúc ở Đồng Nai. Khi đó, ông Đào Xuân Ngọc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, khẳng định: "Những vết sâu thì bơm, tiêm; những vết cạn thì quét bằng phụ gia chuyên dụng. Sau này, hầm sẽ được căng cáp và theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi căng cáp thì các vết này sẽ mất đi". Một số cán bộ trong Ban quản lý dự án thì khẳng định trên báo chí, đó chỉ là những vết rạn chân chim, không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, theo công văn số 2421 của Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM ký ngày 31-7 gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước thì vấn đề không hề đơn giản như ông Ngọc và một số cán bộ của Ban quản lý dự án từng nói. Trong phần Quan trắc theo dõi sự phát triển của vết nứt, công văn số 2421 nêu rõ: "Kết quả quan trắc trên 4 khối của đốt 1 cho thấy: vết nứt có tăng lên về số lượng, chiều rộng và chiều dài. Dự báo đối với các đốt khác vết nứt cũng phát triển tương tự theo thời gian và vị trí".
Công văn này cũng dẫn ý kiến của tư vấn PCI cho rằng: tình trạng xảy ra của các vết nứt ở tường bên và bản đỉnh sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền của bê tông trong tương lai. Nhà thầu chưa đánh giá đầy đủ đến khả năng chịu tải của đốt hầm sau khi dìm, đắp trả và khai thác vận hành.
Vì vậy, tư vấn không thể đánh giá được độ bền vào thời điểm hiện tại nếu không có biện pháp sửa chữa thích hợp. Tư vấn PCI cũng lo ngại có nhiều vết nứt ở bản đỉnh có hiện tượng thấm nước khi trời mưa. Theo thời gian, nước sẽ ăn mòn lớp cốt thép và gây ra sự phân tầng lớp bê tông bảo vệ, mảng bê tông đáy bản đỉnh bị tách ra có thể rơi xuống các phương tiện đang lưu thông.

Hầm hở chữ U tiếp tục lún 10 mm/tháng
Đối với hầm hở chữ U (hầm dẫn xuống hầm kín - là 4 đốt hầm đang xảy ra các vết nứt nói trên), công văn số 2531 của Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM ngày 8-8 gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước nêu rõ: "Quá trình lún kết cấu hình chữ U đã xuất hiện liên tục trong một vài tháng sau khi đổ bê tông và đã dừng lại vào giữa tháng 5-2007. Tuy nhiên, khi tháo khung vây bằng cọc ván thép thì xảy ra lún lần 2 và lún tiếp tục xuất hiện với tốc độ 10 mm/tháng"
Theo KÁP THÀNH LONG - Thanh Niên


Tìm được "Văn tế võ lâm" trên đất võ Yên Thế
(LĐ) - Trong chuyến điền dã ở xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc Giang) vừa qua, ông Trần Văn Lạng - GĐ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bắc Giang - đã được một người dân tộc Tày gọi đến, làm lễ cúng tổ tiên rồi trao cho ông Lạng một quyển sách cổ.
Anh Lư Dũng - người lưu giữ cuốn sách - cho biết: Nhà anh có rất nhiều sách cổ, vì "thời mới không biết chữ Nho" nên đã đem cho đi không ít. Riêng quyển "sách cúng" nhỏ bé này, các cụ nhà anh dặn phải giữ gìn cẩn thận, bao giờ chọn được người xứng đáng thì mới trao. Khi ông Lạng và các cộng sự về dịch, thì ra đó là tài liệu quý báu mà các nhà nghiên cứu đã nhiều năm kiếm tìm chưa thấy tăm hơi: "Văn tế tổ sư võ phái".
Trên xứ Kinh Bắc (cũ) văn vật, truyền thống thượng võ của Yên Thế đã được biết đến từ nhiều đời, với câu ca: "Trai Cầu Vồng Yên Thế" - những người tài kiếm cung, giỏi võ thuật. Đặc biệt là chiến công hiển hách của anh hùng Hoàng Hoa Thám và các nghĩa binh của ông giữa núi rừng Yên Thế, từng 30 năm làm giặc Pháp bạt vía kinh hồn đã được sách sử chép rất kỹ. Tuy nhiên, hàng trăm năm qua, các võ sư cứ về trời dần, các lò võ tan rã, trong khi vẫn chưa thể tìm được bằng chứng văn bản về việc Yên Thế là cái nôi của các lò võ cổ. Từ đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu dòng võ cổ truyền của vùng đất từng nức tiếng tài võ nghệ Yên Thế ngày càng mong manh.
Và, đến nay, quyển sách có từ hơn 100 năm trước, in nguyên văn bài "Văn tế võ lâm" ở Yên Thế, đã được tìm thấy. Sách nhỏ, khổ 12cm x 6,5cm gồm 61 tờ bằng 112 trang, viết toàn chữ Hán (ảnh). Trong sách, mỗi trang có 6 dòng, mỗi dòng có 15 chữ được viết trên giấy lệnh hội (một loại giấy dó, mỏng, mềm, bền). Chữ Hán được viết chân phương, dễ đọc, dù rằng qua sử dụng cả trăm năm, nhiều tờ đã mòn, rách. Một trong những nội dung quan trọng của sách, là bài "Văn tế tổ sư võ phái" - được soạn năm Thành Thái thứ sáu, tức là năm 1894. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phong và ông Trần Văn Lạng cùng dịch bài văn tế.
Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm cuốn sách cổ ra đời, khi bài văn tế được xướng lên, đúng là thời kỳ mà cụ Hoàng Hoa Thám đang phất cờ đánh giặc Pháp, sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm cơ sở nghiên cứu về các lò võ "danh bất hư truyền" từ nhiều đời ở Yên Thế, về vùng đất và những chiến công của nghĩa quân cụ Đề.
Đỗ Doãn Hoàng


Xuất khẩu... bia mộ
Tấp nập sản xuất bia mộ xuất khẩu ở Nhà máy đá granite Tín Nghĩa.
(LĐ) - Nhiều người thợ và cả lãnh đạo Nhà máy đá granite Tín Nghĩa (nhà máy - thuộc Cty Tín Nghĩa - Đồng Nai) không tin nổi, bia mộ "ta" sẽ mang về nguồn ngoại tệ không nhỏ, mở ra một hướng đi mới mẻ đầy tiềm năng...
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 2 container bia mộ (60 bộ bia mộ bằng đá) xuất sang Nhật và chuẩn bị có 2 container nữa được xuất khẩu (XK).
Sự thể bắt đầu từ tháng 4.2008, một thương gia Nhật (chủ một DN bia mộ lớn của Nhật) sang Việt Nam, đến thăm nhà máy và ngỏ ý. Lãnh đạo nhà máy đã gật đầu trong sự ngạc nhiên, hồi hộp. Bạn hàng cử 2 chuyên gia chuyên làm thiết kế bia mộ, mang sang cả bản vẽ mẫu mã chi tiết sang huấn luyện 8 công nhân (những người khéo tay làm hàng mỹ nghệ đá nhất do nhà máy tuyển chọn) chỉ để sản xuất những bia mộ XK.
Lâu nay, nhà máy vẫn sản xuất bia mộ cho thị trường nội địa, chủ yếu là miếng đá vuông, mỏng để ốp vào mộ. Vì vậy, đây cũng là lần đầu tiên những công nhân nhà máy làm bia mộ bằng đá khối được xẻ theo từng chi tiết của bản thiết kế, rồi ghép chồng lên nhau mà không cần dùng bất cứ một thứ nguyên liệu kết dính nào để hình thành nên một khối mộ nặng khoảng nửa tấn.
Kỹ sư Sơn - trưởng nhóm thợ - cho hay, người Nhật cũng rất tin "phong thuỷ", nên mỗi đợt hàng không giống nhau đồng loạt mà phân chia ra rất nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Vì vậy, sản phẩm bia mộ của họ đòi hỏi kỹ thuật chính xác của các chi tiết đến từng milimét. Mặc dù kỹ thuật được chuyển giao tận tình, nhưng không phải trong vài ba ngày là thao tác được.
Nửa tháng trời học nghề, 60 bộ bia mộ được 8 công nhân của granite Tín Nghĩa sản xuất trong gần 1 tháng trời đã vào 2 container đi Nhật. Khách hàng ưng ý đến mức, khoảng 1 tuần sau khi nhận đợt hàng đầu tiên, vị thương gia lại tiếp tục đặt thêm 2 container nữa và cuối tháng này sẽ cử chuyên gia sang thẩm định hàng hoá.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài - GĐ nhà máy, 1 mét khối đá granite sẽ làm được 6 bộ mộ. Giá thành một khối đá khoảng 2.000USD nên với mức giá chỉ hơn 350USD/bộ mộ đã xuất đi cho chuyến hàng đầu tiên thì nhà máy có lời nhưng chưa cao. Trong khi đó, trên các web của Nhật Bản, giá một ngôi mộ như thế này từ 5.000-8.000USD. "Hiện tại, đối tác mới chỉ gửi cho chúng tôi 7 mẫu thiết kế nhưng sắp tới sẽ nhiều hơn, hình dạng bia mộ sẽ phong phú hơn" - ông Hoài nói và cho hay, không chỉ 2 container hàng chuẩn bị xuất, khách hàng Nhật sẽ tiếp tục đặt hàng dài dài. Bởi nhu cầu chỉ riêng một đối tác đang làm việc với nhà máy cũng cần tới 8 container hàng/tháng (gần 250 bộ mộ).
Vì vậy, Cty "mẹ" Tín Nghĩa đã chấp thuận cho nhà máy đầu tư hàng trăm ngàn USD xây dựng hẳn một nhà xưởng và dây chuyền sản xuất bia mộ đá XK cho khách hàng này. Đây mới là sự khởi đầu để mở ra cơ hội lớn.
Ngô Sơn


Thu mua lúa gạo ở ĐBSCL:
Nhiều tầng nấc “ăn trên lưng nông dân”
TP- Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng phải thu mua hết lúa hàng hóa, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi từ 40% trở lên, giá lúa hơi nhích lên. Tuy nhiên, giá cao khó đến với nông dân bởi hệ thống thu mua của các DN xuất khẩu hiện qua nhiều tầng nấc trung gian.
Ảnh : PV

Tại Vĩnh Long, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện còn tồn 400.050 tấn lúa. Tỉnh này có 2 đơn vị được giao chỉ tiêu thu mua lúa tồn đọng trong dân là Cty XNK Vĩnh Long và Cty Lương thực Vĩnh Long.
Ông Lê Quang Dũng, một lãnh đạo của Cty XNK Vĩnh Long cho biết, Cty đang mua bình quân 1.000/tấn ngày và đã mua được 5.000 tấn. Giá mua 6.300 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với trước. Tuy nhiên đó là giá gạo nguyên liệu được mua với các thương lái.
Còn nông dân bán lúa chỉ được giá dưới 4.500 đồng/kg. Ông Châu Thanh Tùng, Trưởng ấp Hóa Thành, xã Đông Thành (Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: ấp có 220 hộ có ruộng, vụ hè thu đạt sản lượng 619 tấn, đến nay vẫn còn 130 hộ chưa bán được lúa, lượng lúa tồn còn hơn 400 tấn. Gia đình ông Tùng còn 2 tấn lúa chưa bán được.
Ông Tùng cho biết, nông dân chỉ có thể bán lúa cho “hàng xáo” giá từ 4.000 - 4.300 đồng/kg. Sau đó, “hàng xáo” bán cho thương lái và thương lái mới đem bán cho doanh nghiệp. Ông Tùng nói: “Xã Đông Thành có 6 ấp, bà con đều bán lúa như vậy cả, nhưng bán được còn là may. Nghe tin doanh nghiệp mua lúa giá cao mừng lắm nhưng chỉ thấy họ trên ti vi thôi”.
Tại Cần Thơ, nông dân đang bán lúa với giá 4.600-4.800 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng so với tuần trước. Anh Nguyễn Khánh Lớn, chủ một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh lúa gạo tại quận Cái Răng cho biết: “Chúng tôi mua lúa trong dân rồi bán lại cho các doanh nghiệp lớn để kiếm lời. Gần 1 tháng nay, các doanh nghiệp lớn không mua nên chúng tôi cũng không thể mua lúa trong dân”.
Tại An Giang, bà Hoàng Thị Hường ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) cho biết: “Tuần này giá lúa đã nhích lên 4.500 đồng đến 4.600 đồng/kg, tăng hơn tuần trước 100- 200 đồng. Chúng tôi nghe nói các doanh nghiệp thu mua lúa của dân với giá 5.500 đồng/kg nhưng thực tế chưa thấy doanh nghiệp nào về địa phương mua lúa giá đó”.

Doanh nghiệp kêu ca, nông dân mếu máo
Ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty Thương mại – Du lịch tỉnh Kiên Giang giải thích: “Thực tế Chính phủ chưa có ưu đãi gì cho doanh nghiệp khi thực hiện thu mua lúa gạo trong dân. Cty chúng tôi có trách nhiệm mua 20.000 tấn gạo bằng nguồn vốn vay 150 tỷ từ các ngân hàng thương mại, lãi suất quá cao, từ 1,61% - 1,65% một tháng, tính toán không khéo sẽ lỗ nặng”.
Ông Lê Việt Hải, GĐ Cty Mekong (trực thuộc Thành ủy Cần Thơ) cho biết: “Hiện mỗi ngày chúng tôi chỉ thu mua khoảng 500 tấn gạo của thương lái với giá từ 5.900 đồng đến 6.500 đồng/kg để phục vụ các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Kho của chúng tôi cũng đang tồn hàng chục tấn gạo và chưa có hợp đồng tiêu thụ mới. Đến giữa tháng 9, hoàn tất các hợp đồng đã ký, nếu chưa ký được hợp đồng mới thì chúng tôi sẽ phải ngừng mua”.
Anh Nguyễn Khánh Lớn, chủ một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh lúa gạo tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ), than thở: “Tôi có kho chứa 2.000 tấn, hiện vẫn còn tồn 1.000 tấn gạo từ vụ đông xuân không biết bán cho ai, đành phải “xé nhỏ” để tiêu thụ ở các chợ. Làm như vậy là đã lỗ nặng, tuy nhiên cũng không còn cách nào khác. Còn chuyện mua lúa vụ hè thu thì không thể. Doanh nghiệp nhỏ chúng tôi đã cụt vốn, dù các ngân hàng có cho vay thì cũng không dám vay vì không bán được lúa gạo lại phải trả lãi thì chết”.
Ông Dương Nghĩa Quốc, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thừa nhận: “Thực tế không có DNNN nào có đủ năng lực tung người đi mua trực tiếp lúa cho dân. Tất cả đều phải qua hệ thống thương lái nhỏ. Do đó, giá cả do thị trường quyết định. Giá lúa tại Đồng Tháp hiện còn thấp, dao động ở mức 4.300- 4.500 đồng/kg. Đồng Tháp hiện còn trong dân khoảng 600.000 tấn lúa hàng hóa”.
Trong lúc đó, ông nông dân Lê Thành Phận ở xã Phương Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang) mếu máo: “Lúa khô loại tốt giá 4.500 đồng/kg thì nông dân chỉ mong huề vốn, tuy nhiên bán được là vui rồi. Khó là đang mùa mưa, thương lái không mua lúa ướt mà đòi lúa khô. Chủ máy sấy thì tăng giá từ 5% lên 8% (1 tấn lúa sấy, nông dân phải trả 80 kg lúa) và phải xếp hàng chờ. Nông dân chúng tôi làm sao có lúa khô để bán. Các năm trước không có tình cảnh này”.
Kiến Giang - Hồng Lĩnh


Sau 33 năm thống nhất đất nước:
Hà Nội còn 137 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia
Lao Động số 189 Ngày 18/08/2008 Cập nhật: 7:42 AM, 18/08/2008
(LĐ) - Ngày 16.8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã về làm việc tại 4 xã miền núi là Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình - nay thuộc HN).
Vấn đề nổi lên là vẫn còn 137 hộ ở xóm Hương và xóm Hội - thuộc xã Yên Trung chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, Chủ tịch UBND TP đã giao cho Cty điện lực HN tập trung triển khai xây dựng để cuối tháng 10.2008 đưa điện về cho bà con.
T.S
----------------
Dưới sự lãnh đạo "anh minh, sáng suốt" của Đảng, sau 33 năm:
Nhờ ơn Bác, Đảng "sáng ngời"
Bà con miền núi cả đời tối tăm!


Nhiều nơi lại bị cúp điện
TT - Ngày 17-8, người dân tổ 38 ấp 1 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ảnh liên tục trong bốn ngày qua họ bị cúp điện từ 19g-24g.
Theo bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân ở đây, đầu tháng tám đã xảy ra trường hợp như trên kéo dài hơn mười ngày, sau đó được khắc phục nhưng chẳng bao lâu sự việc tái diễn. Bà Nhung cho biết đã điện báo điện lực Bình Chánh nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Ở khu vực đường Phan Anh (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) cũng bị cúp điện từ 7g-17g trong ngày 15-8 theo kiểu cúp rồi có, có rồi cúp, khiến nhiều thiết bị sử dụng điện hư hỏng. Đại diện Điện lực Tân Phú nói trong ngày 15-8 khu vực đường Phan Anh có cúp điện, đã được thông báo trước. Lý do điện "cà giựt" là sau khi sửa chữa xong điện được cung cấp trở lại nhưng do phải chuyển tải dòng điện sang một đường dây khác nên bị gián đoạn.
TRẦN CHÁNH NGHĨA


Có tiền không có nghĩa là thông minh:
Hãng hàng không 'Tang Toc' muốn đổi tên
Nhạc sĩ Hà Dũng - ông chủ hãng hàng không tư nhân thứ 2 tại VN vừa đặt vấn đề mua lại thương hiệu Viet Airways mà Jetstar Pacific Airlines đang sở hữu để thay cho cái tên bị coi là mang nhiều yếu tố không may mắn Air Speed Up (Tăng Tốc, tiếng Việt không dấu là Tang Toc).
Viet Airways là thương hiệu do hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific Airlines) sở hữu từ năm 2006 đến nay. Nếu đàm phán thành công thì đây sẽ là thương vụ mua bán thương hiệu giữa hai hãng hàng không nội địa đầu tiên tại VN.
Nhạc sĩ Hà Dũng. Ảnh: PL TP HCM.
Hãng hàng không Speed Up (Tăng tốc) do Nhạc sĩ Hà Dũng đứng tên và làm chủ được Chính phủ đồng ý cấp giấy phép từ hồi trung tuần tháng 5. Thế nhưng gần nửa năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa tính đến chuyện quảng bá hình ảnh ra công chúng chỉ vì... vướng cái tên.

Speed Up - Tăng Tốc nếu hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và chỉ dành cho người dân trong nước thì chẳng có gì để nói. Thế nhưng khi chuyển đổi sang cách viết của tiếng Anh thì từ "Tăng Tốc" biến thành "Tang Toc" và dễ bị suy luận thành từ "Tang Tóc".
Theo nhạc sĩ Hà Dũng, so với Air Speed Up, Viet Airways tuy không phải là cái tên "nổi đình nổi đám" trong ngành hàng không, song theo ông Hà Dũng nó dễ gọi, dễ nhớ, gần gũi và dễ nhận biết đây là hãng hàng không của Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, phía Jetstar Pacific Airlines cho biết đã nhận được lời đề nghị từ phía nhạc sĩ Hà Dũng. Tuy nhiên, hãng chưa có ý kiến chính thức về việc có nhượng lại thương hiệu Viet Airways này hay không. Bởi theo quy định của hãng, thương hiệu là tài sản sở hữu trí tuệ, việc mua bán hoặc nhượng quyền tài sản đó phải được Hội đồng quản trị và các cổ đông chấp thuận.
Sở dĩ Pacific Airlines có "của để dành" này là vì năm 2005, khi đang đàm phán bán cổ phần cho một đối tác đầu tư nước ngoài, Pacific Airlines đã tới tính việc "tự làm mới mình" bằng một thương hiệu khác để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Hãng đã thuê một chuyên gia thương hiệu hàng không xây dựng và thiết kế thương hiệu Viet Airways. Sau đó, thương hiệu này đã được đăng ký bảo hộ bản quyền trên phạm vi toàn cầu với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi Qantas Airways của Australia đầu tư vốn vào Pacific Airlines, hãng đã quyết định mua quyền sử dụng thương hiệu Jetstar (hãng hàng không giá rẻ thuộc Qantas) thay cho việc đầu tư vào một thương hiệu mới. Jestar Pacific Airlines tiếp tục giữ bản quyền với cả hai thương hiệu Pacific Airlines và Viet Airways.
Hồng Anh


Sơn Tây (Hà Nội): Hơn 3.000 con lợn chết do... mất điện và nắng nóng
Ngày 18/8, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: hiện tượng hơn 3.000 con lợn chết trong thời gian gần đây ở Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, xã Cổ Đông, thành phố Sơn Tây ( Hà Nội) không phải là do dịch bệnh.
Mà nguyên nhấn chính là do thời tiết nắng nóng, một số trang trại của HTX thường xuyên bị mất điện, dẫn đến tình trạng chuồng trại không thoáng mát, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mật độ đàn lợn lại quá lớn trong mỗi chuồng nên bị nhiễm độc và chết nhiều.
Được biết, ngay sau khi nhận được tin báo có hiện tượng lợn chết, cán bộ thú y của HTX và Chi cục thú y Hà Nội đã đến kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm kịp thời.
Như vậy, mặc dù trong thời gian này, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, song đàn gia súc, gia cầm ở Hà Nội vẫn an toàn.
Chi cục thú y Hà Nội đang tăng cường công tác giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa dịch bệnh; duy trì hoạt động của 11 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát tán mầm bệnh hoặc để vật nuôi, thực phẩm không có giấy phép kiểm dịch được tự do lưu thông.
Theo Thanh Trà
TTXVN


Dân lên tiếng
Hai tháng không đặt xong 50m đường ống nước!
(LĐ) - Quận Đống Đa được cấp 100 tỉ đồng để đặt mới đường ống cấp nước. Từ giữa năm ngoái, người ta đã đến đo đạc và vẽ sơ đồ.
Tháng 5.2008, cho người tới vạch chỉ và đào đặt được vài nhánh đường ống dẫn nước tại một vài ngách ở ngõ 167 phố Tây Sơn (Đống Đa). Còn ngách 31 dài khoảng 50 mét được đặt ống nhựa rồi lấp đất cách đây đã hơn 2 tháng, ống nhựa đã bị xe cộ đi lại đè bẹp gí. Còn một số ngách khác thì đến nay vẫn "án binh bất động". Tổ dân phố và nhân dân hỏi phường thì phường cho biết là do chủ đầu tư dự án, mà dân thì chẳng biết chủ dự án là ai?
Tình cờ được gặp người cầm bản sơ đồ đi qua hỏi cho xem, thì được trả lời là bí mật; mà theo quy định thì việc thi công những công trình liên quan đến phúc lợi của nhân dân có quyền được giám sát, mà không được biết thiết kế đường nước thì làm sao mà giám sát được?
Đan Tâm
Nên chấm dứt độc quyền đối với ngành điện
Vài năm trước, trong ngành viễn thông, khi chỉ có hai mạng di động Vinaphone và Mobifone, việc tính cước viễn thông cũng tương tự như việc cắt điện thường xuyên, không báo trước và rất coi thường khách hàng như ngành điện hôm nay.
Nhưng nay đã khác, khi có thêm nhiều nhà cung cấp thì tình hình trên hoàn toàn không còn nữa, các nhà cung cấp phải liên tục đưa ra các gói cước mới càng ngày càng rẻ để thu hút khách hàng. Hơn nữa, các nhà cung cấp viễn thông phải tăng mức đầu tư, xây dựng nhiều trạm thu phát ở mọi nơi, kể cả ở địa bàn nông thôn, vùng cao, vùng khó...
Nếu chấm dứt tình trạng độc quyền bán điện, cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc sản xuất, nhập khẩu, cung ứng điện cho thị trường thì tôi tin rằng những vấn đề bức xúc suốt bao nhiêu năm nay sẽ được giải quyết triệt để.
Chúng ta đừng lo rằng khi Nhà nước không nắm được ngành điện, sẽ không đảm bảo được an ninh quốc gia. Ngành viễn thông và rất nhiều ngành quan trọng khác, Nhà nước đã cho phép chấm dứt độc quyền mà an ninh quốc gia vẫn được giữ vững thì ngành điện cũng có thể làm được, đâu có lo gì.
Bạn Nguyễn Vũ
------
Chấm dứt độc quyền là cơ hội để nền kinh tế được phát triển. Về phương diện quốc gia, chấm dứt độc tài lãnh đạo là cơ hội vươn lên của đất nước. Những kẻ bất tài, bất xứng, nhất định phải bị đào thải nếu có cạnh tranh công bằng.
Category: Tin tức | Views: 1871 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0