Chủ Nhật, 2024-12-22, 3:13 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 19 » Tự do Báo chí ở Việt Nam (phần 1)
6:04 PM
Tự do Báo chí ở Việt Nam (phần 1)

Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-08-18

Trả lời phỏng vấn nhân chuyến thăm Anh quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố "Việt Nam có tự do báo chí rất tốt, rất cởi mở, rất thông thoáng”. Giới trẻ nghĩ gì về thực tế sinh hoạt báo chí tại Việt Nam?
 

AFP PHOTO
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng cho rằng "Việt Nam có tự do báo chí rất tốt, rất cởi mở, rất thông thoáng”. AFP PHOTO


Nỗi bức xúc của công luận chưa kịp nguôi ngoai trước sự kiện 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt giam cùng với 7 nhà báo khác đồng loạt bị tước thẻ hành nghề vì những bài viết phản ảnh vụ tham nhũng PMU18, thì đầu tháng này, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng ban hành Chỉ Thị số 25 khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng" đối với báo chí.

Trong khi đó thì hồi Tháng Ba, trả lời phỏng vấn nhân chuyến thăm London (Anh quốc), người đứng đầu nhà nước Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, xác định "Việt Nam có tự do báo chí rất tốt", "rất cởi mở", "rất thông thoáng."

Đáp yêu cầu của một số thính giả đề nghị Diễn Đàn mở chủ đề thảo luận về "tự do báo chí tại Việt Nam", nhân dịp chính phủ đang mời gọi nhân dân đóng góp ý kiến Dự Thảo Luật Báo Chí (sửa đổi) sắp đệ trình Quốc Hội vào cuối năm, bắt đầu từ tuần này, Trà Mi  mời quý vị theo dõi và tham gia loạt thảo luận nhiều kỳ, ghi nhận ý kiến giới trẻ khắp nơi xung quanh đề tài này.

Trước hết, các bạn trẻ tham gia Diễn Đàn hôm nay tự giới thiệu về mình.

Quỳnh: Mình là Quỳnh, mình đang làm việc ở Hà Nội.

Vân Anh: Mình là Vân Anh, đang học báo chí và đang làm báo chí. Hiện tại mình đang công tác tại Đà Nẵng.

Lê : Trần Ngọc Anh tự là Lê, du học sinh Việt Nam, đang du học tại Đài Loan.
Tuyên bố của TT Nguyễn Tấn Dũng

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian tham gia thảo luận chủ đề nói về tự do báo chí tại Việt Nam. Vào Tháng Ba vừa qua Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân chuyến thăm Luân Đôn, đã khẳng định rằng "Việt Nam có tự do báo chí rất tốt, rất cởi mở, rất thông thoáng:, thì bây giờ mời các bạn nghe lại lời phát biểu này nhé:

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam chúng tôi có luật báo chí. Chúng tôi chỉ yêu cầu báo chí thực hiện theo đúng luật báo chí của Việt Nam. Có thể nói ở Việt Nam có tự do báo chí rất tôt. Chúng tôi chỉ yêu cầu tất cả báo chí làm theo đúng luật pháp mà nhà... đã ... hiện hành ở Việt Nam. Không phải là nhiều nước có luật báo chí. Luật báo chí của Việt Nam là một cái luật báo chí rất cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi nói rằng là, cũng đều nói với tôi rằng là Việt Nam có luật báo chí có thể nói rất là thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có."
"

Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi nói rằng là, cũng đều nói với tôi rằng là Việt Nam có luật báo chí có thể nói rất là thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có.
TT Nguyễn Tấn Dũng



Trà Mi: Đó là lời phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mà Trà Mi xin được tóm tắt là có 3 cái ý, tức là ông nhấn mạnh là Việt Nam có tự do báo chí rất tốt, rất cởi mở, và rất thông thoáng, thì bây giờ trước tiên xin mời ý kiến của các bạn về về lời phát biểu này. Các bạn có đồng tình hay là có điểm nào chưa đồng tình thì xin mời các bạn.

Vân Anh : Cho Vân Anh xin được nói đi.

Trà Mi: Mời Vân Anh.

Vân Anh: Vân nghĩ thì đây là lời phát biểu hoàn toàn không có gì là sai, tuy nhiên ở một góc độ nào đó thì mỗi con người chúng ta có một cách nhìn nhận khác. Nhưng mà, theo Vân nghĩ thì bao giờ cái gọi là tự do, thông thoàng, cởi mở thì bắt buộc nó phải nằm trong một khuôn khổ người ta gọi là "tự do trong khuôn khổ".

Khi mình còn là sinh viên, mình có một cái gọi là cái nhiệt huyết, mình nghĩ là mình sẽ có những vấn đề gì đó mình cần đưa ra, mình cần bức xúc thì mình có thể nói.

Nhưng mà khi mình đã đi làm đó, bước vào một tờ báo chính thức thì tự nhiên trong đầu mình sẽ hình thành ra một cái gì đó gọi là cái định hướng, cái tôn chỉ mục đích nó đưa mình thêm một cái vòng, nên mình không thể tự do thông thoáng mà thêm những cái mà mình có thể cảm nhận, mình hãy nghĩ sao mình phải viết nó được.

Chốt lại cái vấn đề là tự do, thông thoáng, hay gì đó đều nằm trong khuôn khổ mà người ta gọi là tự do trong khuôn khổ báo chí.

Trà Mi: Vâng. Vân Anh, theo ý kiến riêng của bạn thì bạn có đồng ý với cái việc tự do trong khuôn khổ hay không?

Vân Anh : Mình cũng nghĩ đôi khi nó cũng làm cho mình không được thoải mái, không được tự do trong cái việc viết, nhưng mà đôi khi nó cũng lại cho mình một cái nhận định đúng. Ừ, thì bởi vì mình đã đứng trong một cái vòng quay mà, mình không thể thoát ra khỏi.

Chẳng hạn như nước Việt Nam mình là CHXHCN Việt Nam thì mình không thể nào có cái mạnh tay mạnh chân, hay là nói những vấn đề nó chệch đi định hướng. Theo Vân nghĩ thì Vân cũng có đồng tình nhưng thỉnh thoảng cũng có những cái nó kiềm nén cái khả năng viết của mình, cái khả năng mà mình muốn thể hiện.

Trà Mi : Vâng. Ý của Vân tóm lại có nghĩa rằng là bạn không mấy hài lòng nhưng mà vẫn chấp nhận vì đó là cái vòng quay chung, cái guồng máy chung tại Việt Nam hiện nay?

Vân Anh : Dạ. Đúng rồi.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Vân Anh. Xin mời các bạn khác góp ý thêm.
"

Việt Nam mình là CHXHCN thì không thể nào nói những vấn đề nó chệch đi định hướng. Theo Vân nghĩ thì Vân cũng có đồng tình nhưng thỉnh thoảng cũng có những cái nó kiềm nén cái khả năng viết của mình, cái khả năng mà mình muốn thể hiện.
Vân Anh, một ký giả trẻ

Quỳnh : Mình là Quỳnh. Mình nghĩ là ngay cái nội hàm của từ "tự do" bạn phải hiểu là con người càng tự do sẽ càng sáng tạo, nay chúng ta lại nói "tự do theo khuôn khổ" thì nghe ra buồn cười lắm. Mình nghĩ cái tự do nó sẽ có tiêu chí.

Theo mình nghĩ thì tự do báo chí có nghiã là tư nhân cũng được làm báo. Thế nhưng mà rõ ràng Việt Nam vẫn chưa cho tự do báo chí. Và luật pháp vẫn do sự khống chế của một đảng nào đó thì làm sao mà báo chí tự do được. Và người dân hoàn toàn không được lập các cơ quan báo chí, cơ quan nói lên tiếng nói của mình.

Giả sử một trường hợp, nếu bây giờ một người dân bị oan, họ muốn nói với báo chí nỗi oan của mình, nhưng báo chí thì lại là báo chí không phải của tư nhân, báo chí của quốc doanh, báo chí của nhà nước, báo chí của người lãnh đạo, người cầm quyền, thì làm sao người cầm quyền bênh vực cho người dân được. Họ phải bênh vực cho họ trước chứ! Đúng không?

Trà Mi: Quỳnh không nghĩ là Việt Nam có tự do báo chí, như vậy có nghĩa rằng bạn không đồng tình với câu phát biểu của Thủ Tướng Dũng?

Quỳnh : À, vâng. Tất nhiên là một công dân Việt Nam thì phải nói là tôi hãnh diện với những thành tích kinh tế mà Thủ Tướng Dũng đã làm cho Việt Nam, thế nhưng nếu Thủ Tướng Dũng nói ở Việt Nam có tự do báo chí, thậm chí nói là tự do báo chí tốt như vậy thì là nói dối.

Một nhà lãnh đạo lớn mà nói dối như vậy thì thật rất là xấu hỗ cho dân tộc. Một nhà lãnh đạo thì phải "danh chính ngôn thuận", "đường đường chính chính", và dám làm thì dám nói, chứ không lấp liếm nói dối như vậy người ta cười cho.

Trà Mi: Bạn cho rằng ở Việt Nam chưa có tự do báo chí thì chút nữa mình sẽ bàn luận thêm. Tại sao bạn cho rằng là chưa có tự do? Bây giờ xin ý kiến của các bạn khác trước khi bàn luận sâu thêm những luận điểm khác biệt nhau của Vân Anh và Quỳnh vừa đưa ra. ý kiến của Lê ra sao?

Lê : Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có lý của ông vì nếu các bạn chỉ nhìn vào những con số như là cả nước hiện nay có 702 cơ quan báo chí, 813 ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình, một hãng thông tấn quốc gia, một đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử, và hơn 15.000 nhà báo được cấp thẻ, cho nên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể rất tự tin khi nói điều đó. Nhưng mà cái vấn đề là nó nằm ở cái luật báo chí Việt Nam.

 
Một người chạy xích-lô theo dõi các tin tức từ kỳ họp Quốc hội qua báo chí, trong lúc ngồi chờ khách trên đường phố Sài Gòn.
Hình như ở bất cứ một cái đât nước nào thì người dân phải làm việc theo pháp luật, điều đó là điều đúng. Ở Việt Nam cũng thế thôi. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng chúng tôi có một nền báo chí cởi mở và chúng tôi chỉ yêu cầu báo chí làm theo đúng những gì mà luật yêu cầu.


Cái vấn đề chỉ nằm ở chỗ là luật báo chí của Việt Nam có cởi mở hay không mà thôi, thì phải nói là luật báo chí Việt Nam hiện nay không cởi mở và nó sẽ còn bị siết chặt quản lý hơn trong cái dự thảo luật báo chí sắp đưa ra quốc hội sắp tới đây. Ý kiến của mình là mình không đồng ý với lời phát biểu của Thủ Tướng.
Luật báo chí của Việt Nam

Trà Mi: Vâng. Cảm ơn ý kiến của Lê. Bàn thêm về cái luận điểm mà Lê vừa góp ý là luật báo chí ở Việt Nam có cởi mở hay không thì điều này mong được các bạn góp ý thêm. Ghi nhận của các bạn về luật báo chí ở Việt Nam như thế nào? Vân Anh?

Vân Anh : Dạ. Một lần đó em dẫn con nhỏ bạn thôi, nó đi thư viện. Có một con bạn bên cạnh mới phát biểu: "Ê mày, cái tờ báo này là tờ tư nhân à?", thì cái người trực tiếp vấn nó mới hỏi lại em: "Con bé này có học báo chí không?", nghĩa là trong cái tư tưởng định hình trong tụi em là không được phát biểu câu "báo chí là báo chí tư nhân".
"

Luật báo chí Việt Nam hiện nay không cởi mở và nó sẽ còn bị siết chặt quản lý hơn trong cái dự thảo luật báo chí sắp đưa ra quốc hội sắp tới đây. Ý kiến của mình là mình không đồng ý với lời phát biểu của Thủ Tướng.
Lê, du học ở Đài Loan

Không hề có cái ý tưởng đó chị. Nếu mà đã nói câu đó (thì) có nghĩa là bạn này không hiểu gì về báo chí. Nghĩa là hình như trong cái đất nước của em nó không có báo chí tư nhân. Theo như cái ý kiến mà bạn thứ nhì bạn ấy nói thì mình nghĩ là nó không được đúng.

Nói chính xác là mình đã làm báo chí thì, nghĩa là mình hoạt động đó nó có một tổ chức. Mình nghĩ là mình hoàn toàn ủng hộ cái ý kiến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi vì mình nghĩ ông phát biểu như thế thì cũng không có gì là sai, nhưng mà ý của mình là cái người trực tiếp là... ngoại cuộc.

Đúng là nó có tự do hay không thì mình cũng không dám nói lắm, nó cũng không có hài lòng. Một số anh chị em báo chí là, à muốn viết theo kiểu này, nhưng mà cái cơ quan - người lãnh đạo cao nhứt của một tờ báo nói "Anh không được viết theo kiểu đó", nghĩa là anh phải hợp với cái vòng quay, anh phải hợp với cái tôn chỉ của tờ báo, nghĩa là anh cũng đã bị mất đi một chút tự do.

Nhiều người cũng có bất mãn với vấn đề đó, nhưng mà họ ở trong tờ báo đó rồi thì họ phải luôn luôn xây dựng cho tờ báo đó. Nghĩa là em nghĩ là nó không tự do chỉ là không tự do trong một chút thôi, chứ còn báo chí thì nó vẫn là tự do, nghĩa là mình hoạt động đúng giống như cái câu "Khi mình muốn có được tự do thì mình phải hiểu được hết về nó". Cũng giống như vấn đề này, mình hiểu được luật thì mình có thể cảm thấy mình thấy tự do, không vi phạm mà.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Vân Anh. Các bạn khác có gì muốn đóng góp thêm với Vân Anh hoặc là phản bác lại những luận điểm của Vân Anh đưa ra thì mời các bạn góp ý.

Quỳnh : Mình nghĩ là mỗi người có một cái quan niệm về tự do báo chí và muốn được hưởng một cái tự do báo chí khác nhau. Mình cũng không phản đối Vân Anh. Có thể Vân Anh nghĩ rằng như vậy là đã đủ. Nhưng mình là một người quan tâm đến các nền tự do thì mình thấy là ở Việt Nam không cho báo chí tư nhân vào cuộc đó là làm mất đi một tiềm năng trí tuệ về báo chí rất lớn để cho tư nhân được cơ hội góp trí lực và khả năng năng động của mình vào nền báo chí quốc gia.

Mình nghĩ rằng cho tư nhân làm báo là một hành động thể hiện sự tự tin và tin tưởng vào tất cả người dân Việt Nam là mọi người đều có một ước muốn đóng góp cho một nền báo chí quốc gia thực sự lành mạnh. Và chúng ta biết là Việt Nam có hơn 700 tờ báo và rất nhiều cơ quan ngôn luận thế nhưng mà nói đẳng cấp quốc tế thì xin thưa là báo chí Việt Nam không có trên bản đồ báo chí quốc tế.
"

Bạn nghĩ gì về sinh hoạt báo chỉ ở Việt Nam? Hãy gửi ý kiến của Bạn đến Ban Việt ngữ RFA: địa chỉ email vietweb@rfa.org, hoặc thư thoại (202) 530 7775.
Chúng ta không có một tờ báo nào mà nước ngoài có thể biết đến cả. Chúng ta vẫn nghe các nhà lãnh đạo nói "báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng" thì làm sao mà có thể vươn ra tầm thế giới được!

Trà Mi: Cuộc thảo luận của các bạn trẻ còn nhiều điểm tranh luận thú vị và sôi nổi khác nữa sẽ đựơc tiếp nối trên Diễn Đàn trong chương trình tối Thứ Hai tuần sau. Mời quý vị đón nghe.   

Quý thính giả muốn góp tiếng với "Diễn Đàn Bạn Trẻ", xin thư về địa chỉ email vietweb@rfa.org, hoặc gọi vào hộp thư thoại (202) 530 7775, kèm theo số phone để chúng tôi tiện liên lạc mời quý trực tiếp tham gia. Bạn nghe đài ở Việt Nam thì xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1143 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0