Vụ PCI hối lộ các quan chức cộng sản ở Sài Gòn đã được báo chí Nhật Bản
và báo tiếng Việt ở khắp thế giới loan tin từ nửa tháng nay. Ðó là một
mối nhục chung cho cả nước. Một người Việt sống ở Nhật than rằng khi
nghe người Nhật nói đến vụ đó anh chỉ muốn chui xuống đất mà trốn, vì
xấu hổ! Người Nhật lo bảo vệ uy tín quốc gia của họ, muốn trừng trị
những người đút lót để bảo vệ danh dự cho dân tộc họ. Cho nên báo chí
Nhật Bản đã điều tra kỹ, nêu tên họ những người đưa tiền và nhận tiền
hối lộ của công ty tư vấn kỹ thuật PCI.
Nửa tháng trôi qua, cho tới giờ phản ứng của đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn
là coi như không có gì hết. Không những thế, hôm rồi một viên chức cao
cấp ở Hà Nội còn lên tiếng trách cứ chính phủ Nhật không chịu kiểm soát
báo chí trong nước họ, để báo chí tự do loan tin làm mất uy tín nhà
nước cộng sản Việt Nam! Khi lời trách móc này được loan báo, cả nước
Nhật sẽ phải bật cười! Vì không ai có thể tưởng tượng ông thứ trưởng
ngoại giao của một quốc gia có 85 triệu người lại có thể nói lên một ý
kiến lố bịch như vậy! Ðã xấu hổ rồi lại càng nhục nhã hơn!
Từ Tháng Sáu, cơ quan công tố Tokyo đã nhờ Bộ Ngoại Giao Nhật chuyển hồ
sơ vụ PCI hối lộ sang Hà Nội, với bản dịch tiếng Việt cho dễ hiểu, để
nhờ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cộng tác trong cuộc điều tra. Chưa thấy
họ làm cái gì hết. Ngày 10 Tháng Bảy vừa rồi, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ
Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm họp báo ở Hà Nội. Một ký giả Nhật Bản
hỏi, xin ông cho biết về tình hình điều tra vụ PCI đi tới đâu rồi. Ông
Phạm Gia Khiêm trả lời tỉnh khô: Chưa nhận được thông tin chính thức,
cũng chưa nhận được lời yêu cầu của chính phủ Nhật Bản về vụ này!
Ký giả tờ báo Aka Hata (Cờ Ðỏ, báo của đảng Cộng Sản Nhật) viết: “Một
thông tin quan trong liên quan đến Bộ Ngoại Giao diễn ra trên 2 tuần
lễ, thế mà người đứng đầu bộ này nói là chưa nhận được thông tin và
những lời yêu cầu của chính phủ Nhật Bản!” Và nhà báo kết luận: “Hoặc
là ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm bị cấp trên giấu kín không
cho biết tin này! Hoặc là ông ta biết nhưng né không trả lời. CẢ HAI
trường hợp đó đều cho thấy ông ta không xứng đáng tư cách một bộ trưởng
ngoại giao!”
Lại thêm một nỗi nhục nữa! Nhục cho cả nước, chứ không riêng gì những
người cầm quyền chịu nhục. Ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng, lại là
người đứng đầu ban bài trừ tham nhũng của đảng và nhà nước cộng sản.
Không biết ông có thấy như thế là nhục hay không?
Hôm qua bản tường trình trên Nhật báo Người Việt cho biết từ năm 2000
các quan chức ở Sài Gòn đã đòi công ty PCI muốn trúng thầu thì phải hối
lộ họ 15% tổng số dự án xây Ðại Lộ Ðông Tây. Nhưng kỳ kèo bớt một thêm
hai, cuối cùng thuận giá 10%! Dự án này trị giá 3 tỷ Yên, do chính phủ
Nhật viện trợ, là tiền của dân Nhật đóng thuế góp nên. Lấy 10% là
khoảng 300 triệu Yên, gần 3 triệu đô la! Các viên chức chỉ huy PCI đã
khai với công tố viện họ nộp tiền làm 10 lần, có lúc vào năm 2005 PCI
nộp chậm trễ bị ban quản lý dự án (PMU) thôi thúc và dọa nạt!
Nước Nhật có hệ thống công lý của họ. Họ muốn bảo vệ uy tín quốc gia
nên làm luật cấm các công ty của họ hối lộ các chính phủ ngoại quốc. Có
như vậy thì mới khỏi bị các nước khác phản đối, vì việc cấm hối lộ bảo
đảm các xí nghiệp đấu thầu được cạnh tranh thẳng thắn, ngay thật, trong
danh dự. Nay muốn kết tội những người cầm đầu công ty PCI, người Nhật
cần mời các quan chức cộng sản Việt Nam ra đối chứng. Làm sao buộc tội
được những người đút lót nếu không tìm ra ai là người nhận đút lót? Khi
đó, chỉ có thể buộc tội những người Nhật này vào tội biển thủ tiền của
công ty và của chính phủ Nhật!
Nếu ông Huỳnh Ngọc Sĩ được đảng Cộng Sản cho phép đi Tokyo ra tòa làm
chứng (chi phí chuyên chở, khách sạn sẽ do chính phủ Nhật Bản đài thọ)
thì ông ta sẽ nói gì? Ông ta có thể chối bay, khai rằng ông không bao
giờ nhận một đồng hối lộ nào của PCI cả! Ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng
ngoại giao Hà Nội cũng khẳng định “ban quản lý dự án không hề có hành
vi tiêu cực nào cả!” Luật pháp Nhật đâu có cho phép chính phủ bắt ông
Sĩ phải uống thuốc nói sự thật! Cuối cùng, tòa án Tokyo chỉ có thể buộc
tội các người đứng đầu công ty PCI ở Việt Nam khi căn cứ vào những lời
người nọ đổ tội cho người kia, ông Huỳnh Ngọc Sĩ có thể đi du ngoạn
Tokyo một chuyến miễn phí!
Nhưng Huỳnh Ngọc Sĩ cũng chỉ là một bánh xe nhỏ trong guồng máy chạy
trên đầu dân Sài Gòn trong thời gian xẩy ra vụ hối lộ này. Ðứng đầu cả
thành phố lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy. Ông Lê
Thanh Hải là chủ tịch ủy ban nhân dân, tức là đô trưởng, cầm đầu bộ máy
hành chánh, kinh tế, xã hội. Việc xây dựng một xa lộ chạy qua Sài Gòn
sang đến Thủ Thiêm không thể nào không qua bàn tay hai ông ấy. Còn
Huỳnh Ngọc Sĩ chỉ là phó giám đốc sở giao thông vận tải, kiêm giám đốc
ban quản lý dự án PMU Ðại Lộ Ðông Tây. Mạng lưới chia chác giữa các
quan chức ở Sài Gòn chắc còn phải có khoản dành cho các quan trong Bộ
Giao Thông Vận Tải ở Hà Nội nữa! Trước đó ông Triết đã đứng đầu tỉnh
Bình Dương, còn để lại một mạng lưới từng chia đất rừng cao su với
nhau, nhiều đàn em vẫn còn nắm quyền cao trong đảng, có anh đi xây chùa
lớn để thờ hình Hồ Chí Minh trong chánh điện! Còn ông Lê Thanh Hải đã
từng chỉ huy công an xung phong chuyên thầu những vụ thi công, đã nổi
tiếng về vụ Cầu Văn Thánh 2 cũng như vụ đất ở Thủ Thiêm. Bây giờ, ông
Triết làm chủ tịch nhà nước, cùng với ông Hải, cả hai vào ngồi trong Bộ
Chính Trị cả rồi. Ai sẽ là người điều tra các ông trong Bộ Chính Trị?
Không có ai hết. Vì đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo, cho nên
không có một định chế nào độc lập bên ngoài để kiểm soát các quan chức
cao nhất đảng!
Ở nước Nhật, một công ty chi mươi triệu đô la không có dấu vết là một
chuyện nhỏ. Nhưng ở nước người ta thì nền đạo lý dạy việc bất thiện dù
nhỏ cũng phải tránh, trong hệ thống phân quyền tòa án có vai trò độc
lập, ngoài xã hội thì báo chí được tự do; cho nên các quản đốc công ty
PCI mới bị truy tố để làm gương “khuyến thiện trừng ác.” Còn ở nước ta,
tất cả quyền hành nằm trong tay một nhóm người. Họ có quyền đổi trắng
thay đen, bao che cho nhau, tha hồ tham nhũng. Và họ thẳng tay bịt
miệng báo chí, bắt giữ những ký giả điều tra tham nhũng, tước quyền
hành nghề của các nhà báo muốn sống theo lương tâm! Cứ như thế thì
không bao giờ hết tham nhũng!
Tham nhũng là dùng quyền hành để hưởng lợi về tiền tài, vật chất cho
mình. Quyền hành thuộc lãnh vực công, trên nguyên tắc phải dùng để mưu
cầu công ích. Lợi dụng quyền hành để hưởng lợi riêng, dĩ công vi tư là
bản chất của tham nhũng. Môi trường thuận tiện nhất để tham nhũng phát
triển là chế độ độc tài, là độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế.
Cách ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả nhất là tạo nên một xã hội có các
định chế quyền lực cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Báo chí tự do là vũ
khí chống tham nhũng hiệu quả nhất.
Tham nhũng nằm trong xương tủy của đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ khi nắm
quyền họ đã tạo nên những định chế cho đảng viên tập quen thói nhũng
lạm. Thói xấu đó được nuôi dưỡng từ những hợp tác xã, những cửa hàng
mậu dịch. Quyền hành dễ sinh ra tham nhũng, độc quyền thì chắc chắn
phải đẻ ra nhũng lạm. Khi một đảng kiểm soát tất cả mọi mặt, thì hễ ai
nắm được tý quyền hành là biết ngay phải sử dụng quyền để mưu lợi
riêng. Hệ thống độc quyền tham nhũng đó được phát triển để chi phối đời
sống của mọi người dân để kiểm soát họ về mọi mặt. Nhưng hệ thống tham
nhũng của đảng Cộng Sản đạt những thành tựu to lớn nhất từ khi được họ
ráp vào với lối làm kinh tế tư bản thời hoang dã! Một guồng máy độc
quyền đẻ ra tham nhũng, không có cách nào tự nó lại thay đổi được. Vì
thay đổi là nó tự hủy diệt!
Ðối với các quan chức cộng sản, hệ thống cai trị độc quyền của họ là
tài nguyên quý báu sinh lợi không bao giờ hết, là lý tưởng, là lẽ sống
của họ, là không khí họ thở hàng ngày, họ không biết cách sống nào
khác. Cho nên mới có ông thứ trưởng ngoại giao than phiền chính phủ
Nhật Bản sai lầm khi cho báo chí tự do đăng tin tức mà các nhà báo tự
tìm ra! Vì cả đời ông ta chỉ biết một lối sống là đảng Cộng Sản kiểm
soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông trong cả nước! Tại sao chính
phủ Nhật Bản không biết làm như đảng Cộng Sản của ông ta? Hay là nước
Nhật cũng cần được đảng của ông ta lãnh đạo giúp? Cả đời ông ta không
biết là thế giới loài người đã thay đổi, nước Nhật đã dân chủ hóa, báo
chí Nhật Bản đã được tự do từ lâu rồi!
Khi xưa Phan Bội Châu sang Nhật đã có lúc trông thấy người Nhật họ ăn ở
lương thiện, trung tín, trọng danh dự, mà sinh lòng hổ thẹn. Vì cụ tự
hỏi dân Việt mình không biết bao giờ đạo đức mới tiến được bằng dân Phù
Tang. Một trăm năm sau, dân Nhật vẫn giữ nếp trung tín, tiết nghĩa; còn
dân Việt mình thì lại tụi lùi cả về mặt đạo đức. Vì đâu nên nỗi? Tất cả
chỉ vì một hệ thống độc đảng độc quyền!
Ngô Nhân Dụng
Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...sp?a=83066&z=7