Thứ Ba, 2024-12-24, 9:18 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 20 » Lạm phát tiếp tục gia tăng làm cho nền kinh tế Việt Nam thêm khó khăn
10:38 PM
Lạm phát tiếp tục gia tăng làm cho nền kinh tế Việt Nam thêm khó khăn

Tuesday, August 19, 2008

Hình trên: Hai người thợ mộc thất nghiệp ngồi đợi xem có ai gọi mình đi làm không, tại trung tâm thành phố Hà Nội. Lạm phát phi mã đang làm cho nền kinh tế Việt Nam thêm khó khăn, đời sống dân chúng thêm khốn đốn. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)



Hình dưới: Cửa hàng bán vàng mã tại Hà Nội ế ẩm vì lạm phát gia tăng, giá cả mọi loại hàng hóa đều tăng, người mua ít đi. Cả người chết ở cõi âm như vậy cũng bị thiệt thòi vì lạm phát. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)




HÀ NỘI 19-8 (TH).- Ngay cả các hồn ma đang ở bên kia thế giới cũng đang chịu thiệt thòi vì nạn lạm phát đang hành chốn dương thế Việt Nam, đặc biệt là năm nay.

Rằm Tháng Bảy là mùa Vu Lan báo hiếu, là “xá tội vong nhân”, người ta làm việc từ thiện phước đức. Nhiều người ở Việt Nam tin rằng thân nhân của họ ở trong cõi âm cũng có các nhu cầu như trên cõi dương. Năm nay, người ta mua đồ cúng cho người ở cõi âm từ tiền, xe cộ, nhà lầu và cả điện thoại di động.

Nhưng lạm phát phi mã đã làm mọi thứ hàng hóa tăng giá chóng mặt mà vàng mã cũng không là ngoại lệ. Bởi vậy, người ở cõi dương đã mua ít hơn hàng hóa gửi về cõi âm cho người thân.

Lạm phát trong Tháng Bảy gia tăng gần 27%, theo Tổng Cục Thống Kê CSVN. Riêng nhóm thực phẩm đã gia tăng tới gần 74% so với năm ngoái. Tình hình kinh tế tại Việt Nam đang ở lúc khá khó khăn kể từ khi mở cửa kinh tế từ hai thập niên trở lại đây.

Tháng trước, nhà nước cho tăng giá xăng 31% và giá dầu còn tăng bạo hơn nữa. Thị trường chứng khoán đã mất giá trị trên 50% và vẫn còn đang ỳ ạch.

Vì đồng tiền kiếm được quá khó khăn, sự chi tiêu của người dân về mọi mặt đã co cụm lại. Các cuộc đình công theo nhau nổ ra từ Nam tới Bắc.

Có người phải hủy bỏ đám cưới vì không có tiền sắm sửa.

Theo sự tường thuật từ một bài viết của báo International Herald Tribune (IHT), một số phụ nữ nhà quê làm các loại kẹo bánh đặc biệt để bán trong dịp Rằm Tháng bảy đã không kiếm đủ tiền xe để về nhà chứ đừng nói tới lời lãi.

Nhà cầm quyền Hà Nội đã phải bỏ bớt hàng trăm dự án đầu tư thuộc loại không cần thiết cũng như co lại chỉ tiêu tăng trưởng để lo đối phó với lạm phát. Tháng trước, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.5% trong năm nay nhưng nhiều chuyên gia quốc tế lại cho rằng con số đó có lẽ quá cao.

Theo sự dò hỏi của báo IHT, nhiều người đang mất niềm tin vào khả năng chèo chống guồng máy kinh tế của nhà nước. Dân chúng hoảng hốt đi mua tích trữ xăng vì nghe tin đồn tăng giá chỉ cách đây ít ngày. Nhà nước phải vội vàng ra thông báo khẩn nói đó chỉ là tin đồn. Tháng tư trước đây, dân chúng tại Sài Gòn và nhiều thành phố xếp hàng đợi mua từng ít gạo vì đột nhiên gạo tăng giá từng giờ.

Vì vật giá gia tăng và người ta chịu dựng không nổi, khi có tin đồn về giá cả hàng hóa gia tăng đều làm cho người ta sợ hãi.

“Nhà cầm quyền trung ương dường như bối rối, không biết cách đối phó với những khó khăn đang xảy ra và họ đưa ra các quyết định lầm lẫn trong điều hành kinh tế,” một luật sư trẻ yêu cầu giữ kín danh tính phát biểu như vậy.

Theo báo chí địa phương, hàng ngàn công nhân tại nhiều xí nghiệp sản xuất công nghệ đã bỏ về quê vì tiền kiếm được trong nhà máy đã không đủ sống. các cuộc đình công tiếp tục diễn ra không có dấu hiệu suy giảm biểu lộ rõ rệt nhất về sự bất mãn của người dân đối với các khó khăn kinh tế đè lên họ.

“Nhiều người từ nhà quê ra tỉnh kiếm việc trong các khu công nghệ nay họ quyết định quay lại nhà quê vì không sống nổi,” Ben Wilkinson, phụ tá giám đốc Chương Trình Việt Nam tại Ðại Học Hành Chính Công Quyền của Viện Ðại Học Harvard nhận xét.

Hồi Tháng Năm vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, đã phải nhìn nhận rằng số người có nguy cơ đói gia tăng gấp đôi năm ngoái.

Tính ra thành tiền đô la, đánh bóng đôi giầy ở Hà Nội từ 19 xu lên thành 25 xu, hớt tóc từ $1.25 lên thành $1.87, một tách trà nhỏ trên phố từ 3 xu lên thành 6 xu, một cái áo mưa mỏng dùng một lần rồi vất đi từ 12 xu lên thành 37 xu. Xa xỉ hơn, một lần đấm bóp trước đây giá $4.37 xu nay lên thành $6.25.

Rồi tiền gửi xe gắn máy trên lề đường cũng tăng giá. Bánh xe xẹp lốp, tiền bơm hơi tăng từ 6 xu lên thành 12 xu.

Theo các con số thống kê, giá vật liệu xây dựng tăng 24% kéo theo giá nhà đi thuê, hàng ngàn tàu đánh cá đã nằm bến vì càng ra khơi càng lỗ vốn. Tiền bán cá đã không đủ trả tiền công bạn thuyền và nhất là tiền dầu.

Vì đồng tiền nội tệ bất bênh, nhiều người có máu mặt đã chuyển từ tiền đồng sang mua đô la và vàng để dự trữ.

Nhà cầm quyền trung ương thì đổ lỗi cho chiều hướng tệ hại của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng các quốc gia khác tại Á Châu không một nước nào có lạm phát cao như tại Việt Nam. Theo giới chuyên gia quốc tế, các thương tích mà nền kinh tế Việt Nam đang chịu đựng là do tự mình làm ra, hậu quả của một chính sách điều hành bất hợp lý.

Trong khi đó, nền giáo dục lại không sản xuất ra được một lớp người có khả năng chuyên môn và thợ chuyên nghiệp đủ để thực hiện các dự án phát triển cũng như sản xuất.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần phải lột xác thêm một lần nữa trong chính sách kinh tế nếu không muốn rơi xuống vực thẳm.

Cho tới nay, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn còn coi kinh tế quốc doanh là “chủ đạo”. Chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo CSVN nên giải thể càng sớm càng tốt cái đám xí nghiệp quốc doanh “lời giả lỗ thật” này nhưng chúng vẫn nằm đó như những thứ chướng ngại không thể gỡ bỏ. Nó liên quan đến đặc quyền đặc lợi của cán bộ đảng viên, đến tham nhũng, đến bè cánh.

Nhiều chuyên gia dự đoán lạm phát tại Việt Nam trong tháng 8 có thể tăng lên hơn 30% dù mới đây nhà cầm quyền cho giảm giá xăng xuống 1000 đồng/lít. Nhưng lạm phát sẽ không bị chận lại với cái giảm chút ít như vậy.

“Tình hình kinh doanh vô cùng tồi tệ bây giờ,” Ðinh Vũ Hùng, 54 tuổi, người bán hàng mã cho người ta cúng Rằm Tháng Bảy nói với báo IHT tại khu phố cổ Hà Nội. “Chúng tôi làm các món hàng đẹp đẽ như thế này, nhưng vì giá gia tăng nên có rất ít người mua. Không phải chỉ có riêng chúng tôi ít người mua hàng, mà là tình trạng chung cho cả nước.”
Category: Kinh tế | Views: 1119 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 17
Khách: 17
Thành Viên: 0