Bài do tác giả BÙI TÍN gửi tới DCVOnline
_________________________________________________________________________________________
Số phận con người: Không thể bất công kéo dài đến vậy!
- Ông nội thật của Hồ Chí Minh.
- Vương Chí Nghĩa là ai?
- Hoa Quốc Phong là con cả Mao Trạch Đông
- Quyền sống bình thường của anh Nguyễn Tất Trung Tết Mậu Tý đến gần.
Người ta thường nghĩ về quê hương, về người thân, về bà con họ hàng,
về mồ mả tổ tiên... Thường vào dịp cuối năm, nhiều người tìm ra họ hàng
mới, người thân mới. Những khám phá mới, có khi bất ngờ, đến lạ lùng,
có trường hợp thú vị, lại có chuyện pha với đắng cay. Nhất là trong
những gia đình dòng họ lớn, có tăm tiếng, đã và đang đi vào lịch sử.
Hồ Sĩ Tạo là ông nội Hồ Chí Minh
Đây là tin có thật, do nhà văn Hồ Sĩ Sênh, bút danh Trường Lam, hội
viên Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An, đưa ra, qua một sáng tác được công bố
tại trại viết văn của Hội văn nghệ Nghệ An đầu năm 2007. Trường Lam đã
sưu tầm tài liệu khá công phu từ những người thật việc thật có quan hệ
chặt chẽ với ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, còn có tên Nguyễn Sinh Huy,
nguyên tri huyện Bình Khê, cha đẻ Nguyễn Sinh Côn (Cung) là ông Hồ Chí
Minh sau này, sau khi bị mất chức do tội ngộ sát, đã vào Nam bộ làm
nghề thầy lang khám bệnh bốc thuốc.
Điều trên bảo đảm tính chân thật của sự kiện.
Theo tiểu sử chính thức Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sinh Sắc là con ông
Nguyễn Sinh Nhậm quê ở Kim Liên, huyện Nam Đàn.Thật ra ông Nguyễn Sinh
Nhậm vợ chết sớm, ốm yếu, nhận lấy cô Hà Thị Hy thường gọi là cô Đèn,
''cheo'' cô về làm vợ mọn, khi cô đã có mang với ông Hồ Sĩ Tạo; ông
Nguyễn Sinh Nhậm đặt tên cho con cô Đèn, sinh vào năm 1863 là Nguyễn
Sinh Sắc, nhận là con của mình. Ông Nhậm chết sau đó 3 năm.
Nguyễn Tất Trung bên "Hòn đá chông chênh dịch sử Đảng" (xem chi tiết ở phần 2) - Ảnh tư liệu
Chính ông Hồ Sĩ Tạo mới là người cha huyết thống của ông Nguyễn Sinh
Sắc, là ông nội thật sự của ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ Sĩ Tạo sinh năm
1834 mất năm 1907, quê làng Quỳnh đôi huyện Quỳnh Lưu Nghệ An, đỗ Gỉải
Nguyên khoa Mậu Thìn (1868), làm quan, dạy học, có tiếng văn hay chữ
tốt cả một vùng Nghệ Tĩnh, tiếng vang trong Kinh, ngoài Bắc, quan hệ xã
hội rất rộng. Ông lại hào hoa phong nhã, thích ngâm thơ vịnh nguyệt, mê
ca trù, nhiều vợ đông con. Ông yêu mến cô Hà Thị Hy quê làng Sài huyện
Nam Đàn, xinh đẹp hát hay; ông lại dạy học ngay trong nhà cô.
Hồng nhan bạc mệnh, người tình của cô Hy tài hoa bao nhiêu thì chồng
danh nghĩa của cô là ông Nguyễn Sinh Nhậm yéu kém nhạt nhẽo bấy nhiêu.
Ông chết sau khi lấy bà chừng 3 năm; phận làm mọn thời ấy thật cực
nhục, cả họ Nguyễn Sinh khinh thị hắt hủi 2 mẹ con bà; bà phải bỏ nhà,
bỏ con ra đi. May là khi bà chết, có người thương xót mang xác bà về
quê và chính ông Hồ Sĩ Tạo lại tổ chức chôn cất và đọc lời điếu cho bà.
Chính ông Hồ Sĩ Tạo đã chăm lo bồi dưỡng cho ''đứa con hoang'' của
mình thành danh, qua gửi gắm ở những học trò cũ của mình đã thành thày
giỏi và quan chức có thanh thế trong triều đình, như ông Cao Xuân Dục.
Ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng năm Tân Sửu (1901), sau đó vào Huế nhận
chức Thừa biện bộ Lễ.
Vương Chí Nghĩa: em út của Hồ Chí Minh.
Năm 1907, ông Sắc được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê, đến 1911 ông tự
gây nạn lớn, khi trong cơn nát rượu ông ra lệnh đánh một số nông dân
chậm nộp thuế, làm một người chết. Ông bị kết trọng tội, suýt mất đầu.
Tuyệt vọng, bị sỉ nhục, ông rời bỏ kinh đô và quê nhà, đi biệt vào
phương Nam, tít vùng sâu Đồng tháp - Cao lãnh, tự xưng là Cụ Vương, làm
nghề bắt mạch, bốc thuốc.
Một lão nông tên là Mai Nhuận, có cả gia đình hàm ơn cụ Vương cứu
mạng trong nạn dịch lớn, tự nguyện gả cô con gái út cho cụ Vương để đỡ
đần cụ trong tuổi già cô đơn mà cô gái cũng đỡ vất vả. Mối tình vùng
sông nước giữa cụ Vương và cô gái họ Mai đã tạo nên một cậu con trai
kháu khỉnh mang tên Vương Chí Nghĩa, sinh năm 1927. Đây là người em út
chưa từng biết của ông Hồ Chí Minh.
Vương Chí Nghĩa dời nơi ở lên vùng Tây Nguyên, sống mai danh ẩn tích
để giữ an toàn cho dòng họ khi đất nước chưa độc lập, lại chia đôi và
chiến tranh. Vương Chí Nghĩa có 2 con trai: Vương Chí Hùng và Vương Chí
Việt (sinh tháng 12-1959), cùng 5 con gái, trong đó một người mang tên
Hồ Thị Minh Nguyệt đã cùng em là Vương Chí Việt xuất gia đi tu từ năm
1980. Vương Chí Việt mang pháp danh Thượng tọa Thích Chân Quang, hiện
chủ trì chùa Phật Quang ở Bà rịa - Vũng tàu, đã tốt nghiệp khoa ngoại
ngữ tiếng Anh. Mới đây năm 2007, Thượng tọa đã ra Nghệ An thăm viếng
các làng xã quê hương ở Quỳnh Lưu và Nam Đàn, nhận họ hàng với chú bác,
anh chị em, con cháu... trong niềm xúc cảm sâu đậm.
Hoa Quốc Phong là con cả của Mao Trạch Đông:
Lại bắt sang chuyện Tàu. Trước đây vài năm, báo chí Hồng Kông lên
tiếng nhiều lần cho rằng Hoa Quốc Phong từng là Thủ tướng Quốc vụ viện
Trung Quốc, rồi Chủ tịch Đảng CS Trung Quốc là con trai ngoài giá thú
của Mao Trạch Đông. Từ đó nhiều người bán tín bán nghi, vì trong các
triều đình cộng sản, thật với giả, giả với thật cứ lộn phèo với nhau,
nhiều chuyện khó tin nhất có khi lại là thật, có chuyện ngỡ là của
thiệt lại là của giả, của dởm.
Gần đây báo chí Hồng Kông khẳng định chuyện trên đây là sự thật 100
phần trăm, và in hẳn cuốn sách nhỏ phát hành nửa công khai trên lục
địa, kể đầu đuôi câu chuyện này. Talawas vừa đưa lên mạng.
Chuyện rằng năm 1920 khi Mao Trạch Đông 27 tuổi, xây dựng Tổ Thanh
niên Cộng sản ở Trường Sa, có quan hệ với một cô gái họ Diêu. Bố cô gái
buôn thuốc lá. Mao và cô gái họ Diêu sinh ra một bé trai ngoài giá thú
năm 1921 đặt tên là Hoa Quang Tổ; sau 2 năm cô gái họ Diêu ốm chết. Hoa
Quang Tổ được một số gia đình thay nhau nhận nuôi, đổi tên là Hoa Thành
Vũ, sau đó là Hoa Quốc Phong. (Một năm sau Mao mới gặp Dương Khải Tuệ
và sinh ra con chính thức Mao Ngạn Anh).
Ngoài Mao ra, một số lãnh đạo cao nhất của đảng CS Trung Quốc như
Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình ...đều biết chuyện này và chú
ý đào tạo, nâng đỡ quá trình trưởng thành của Hoa Quốc Phong. Năm 1950
Mao điều Hoa từ tỉnh Sơn Tây về tỉnh Hồ Nam quê nhà, với chức bí thư
địa ủy của địa khu Tương Đàm (địa khu là cấp trên của huyện, cấp dưới
của tỉnh). Hoa được đưa lên làm Trưởng ban Văn giáo tỉnh, Trưởng ban
Mặt trận tỉnh, và đến 1968 vào ban chấp hành trung ương, là Bí thư thứ
nhất tỉnh ủy Hồ Nam. Mọi việc đều giữ kín, không cho Hoa biết thân thế
thật của mình.
Cho đến đầu năm 1966, Mao chỉ thị cho Chu Ân Lai nói rõ cho Hoa biết
Hoa là con trai cả theo huyết thống của Mao và chỉ phổ biến trong nhóm
lãnh đạo cao nhất, đồng thời chỉ thị cho Hoa ''cứ giữ lý lịch như cũ,
không thay đổi quan hệ vốn có với Mao, vì lợi ích toàn cục của đảng''.
Hoa đã phải ký vào văn bản cam kết như thế.
Sau khi Lâm Bưu làm phản tháng 9-1971, Mao điều Hoa Quốc Phong về
Bắc Kinh, đưa vào Bộ chính trị, chức vụ là phó thủ tướng, khi Hoa vừa
50 tuổi.
Sau khi Mao chết tháng 9-1976, Hoa Quốc Phong được đưa vọt lên là
Chủ tịch ban chấp hành trung ương đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban quân sự
Trung ương vào tháng 7-1977, cho đến tháng 6-1981 thì bị đưa xuống Phó
chủ tịch, Hồ Diệu Bang lên làm Chủ tịch, đến Đại hội XII ( 9-1982) Hoa
ra khỏi trung ương, rồi về hưu sau đó ở Hồ Nam.
Hoa Quốc Phong nhiều lần khẩn khoản xin được bạch hóa lý lịch thật,
đổi sang họ Mao, nhưng đều bị từ chối, với lý do phải ''bảo vệ danh dự
của lãnh tụ và của đảng ''.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Hoa Quốc Phong nay 86 tuổi vẫn quan hệ
chặt chẽ với Mao Lina, em gái út của mình, nay đã 67 tuổi, con của Mao
và Giang Thanh; Hoa hiện sống ở Thiều Sơn, Hồ Nam quê của Mao và tự
mình xử sự như người tiếp nối tự nhiên của dòng họ Mao.
(Còn tiếp)
( trích nguồn Đàn Chim Việt Online )
|