SÀI GÒN 18-8 (TH).- Quan chức CSVN cầm đầu dự án “đại lộ Ðông Tây” ở Sài Gòn đã ăn hối lộ từ $2 triệu đến $3 triệu đô la từ viên chức công ty tư vấn PCI của Nhật Bản.
Lời khai của ông Haruo Sakashita, thành viên của ban giám đốc công ty PCI (Pacific Consultants International) với cơ quan điều tra quận Tokyo như vậy.
Tin tức trước đây phổ biến trên báo chí Nhật Bản cho hay Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Sài gòn, người cầu đầu PMU tức Ban Quản Lý Dự án đại lộ Ðông Tây ở Sài Gòn, đã cầm số tiền hối lộ của PCI hai lần tổng cộng $820,000 USD.
Nhưng lời khai của Haruo Sakashita, 62 tuổi, với cơ quan điều tra quận Tokyo được trình bày tóm tắt trong một văn bản gửi cho nhà cầm quyền CSVN cho thấy viên chức CSVN đã nhận tiền hối lộ 10 lần trước sau với tổng số tiền từ $2 triệu đến $3 triệu USD.
Sakashita và 3 viên chức khác của PCI (Masayoshi Taga, 62 tuổi, nguyên tổng giám đốc; Kunio Takasu, 65 tuổi, nguyên giám đốc điều hành; Tsuneo Sakano, 58 tuổi, nguyên giám đốc điều hành văn phòng Hà Nội của PCI) đã bị tống giam hồi đầu tháng này vì hối lộ cho quan chức ngoại quốc (Việt Nam) để được trúng thầu tư vấn.
Một bản tin trước đây trên tờ nhật báo Yomiuri Shimbun nói quan chức CSVN đòi ăn hối lộ 15% trên trị giá gói thầu nhưng số tiền được điều đình xuống mức thấp hơn.
Một số tài liệu của cơ quan công tố quận Tokyo, Nhật bản, được dịch sang tiếng Việt và gửi cho nhà cầm quyền CSVN 'đề nghị hợp tác điều tra” vụ hối lộ này. Trong một văn bản, Viện Công Tố Tokyo đề nghị gửi điều tra viên sang Việt Nam để thẩm vấn trực tiếp người Việt Nam (Huỳnh Ngọc Sĩ) liên quan trực tiếp tới vụ điều tra hối lộ. Tuy nhiên, Hà nội lại đòi điều tra “phối hợp điều tra” và chỉ báo kết quả cho phía Nhật.
Nhật Bản là nước cấp viện nhiều nhất cho Việt Nam những năm gần đây dưới hình thức tín dụng ưu đãi ODA. Năm 2006, Nhật tài trợ cho Việt Nam $835 triệu USD, năm 2007 là $890 triệu USD và năm nay lên thành $1.1 tỉ USD. Phần lớn là các dự án xây dựng cầu, đường.
Dự án xa lộ Ðông Tây ở Sài Gòn (tổng chiều dài 22 cây số) là một dự án lớn bao gồm cả một con đường hầm nối liền trung tâm thành phố Sài Gòn và khu vực Thủ Thiêm đào bên dưới con sông Sài Gòn. Kinh phí toàn dự án khoảng $611 triệu USD trong đó vốn vay của Nhật khoảng $397 triệu USD hay 65%.
Hồi tháng 11/2007, báo Thanh Niên nói rằng “hầm vượt sông Sài Gòn” “đến tháng 6-2009 sẽ thông xe”. Nhưng ngày 18/8/2008, báo Thanh Niên nói “cả 4 đốt” nối các đoạn hầm “đều nứt”. Ngay cả các “hầm hở chữ U” tức phần “hầm dẫn xuống hầm kín” thì cũng đang “tiếp tục lún 10mmm/tháng”.
Hầm ngầm Thủ Thiêm do nhà thầu Nhật Obayashi Corp. thầu xây dựng và nhà thầu PCI tư vấn thiết kế.
Theo báo Thanh niên một số vết nứt của hầm vượt sông Sài Gòn “ngày càng xuất hiện nhiều, dài hơn, rộng hơn...”
Ngày 17/8/08, hãng thông tấn chính thức của Hà Nội loan tin nhà cầm quyền CSVN trách chính phủ Nhật Bản không kiểm soát báo chí để báo chí tự do loan tin quan chức CSVN ăn hối lộ số tiền lớn “gây nghi ngờ quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng”.
Nguồn tin này dẫn lời Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao CSVN trong một cuộc họp báo nói rằng “việc đấu thầu, chọn thầu đều thực hiện theo đúng qui định của pháp luật Việt Nam và chịu sự giám sát rất chặt chẽ của Ngân Hàng Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản. Ban quản lý dự án nói là không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa”.
Một số tờ báo Nhật nói viên chức PCI đưa tiền mặt cho Huỳnh Ngọc Sĩ nên nay Hà Nội thấy không có dấu vết gì ngoài lời khai của viên chức PCI nên thản nhiên chối tội ăn hối lộ.
Khi xảy ra vụ án PMU 18, Ngân Hàng Thế Giới, chính phủ Anh, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Quĩ Tiền Tệ Thế Giới cũng sửng sốt vì số tiền cờ bạc của tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng lên cả triệu đô la. Họ mở các cuộc điều tra nhưng cũng không thấy gì vì không thấy gì cụ thể, dù có một số nghi vấn.
|