Thứ Năm, 2024-03-28, 10:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 20 » DÒNG CHÚA CỨU THẾ - XỨ THÁI HÀ VÀ NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO
1:08 PM
DÒNG CHÚA CỨU THẾ - XỨ THÁI HÀ VÀ NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO
Copy từ Blog Anh Ba Sài Gòn
DÒNG CHÚA CỨU THẾ - XỨ THÁI HÀ VÀ NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO magnify

DÒNG CHÚA CỨU THẾ - XỨ THÁI HÀ
VÀ NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO

J.B. Nguyễn Hữu Vinh




Thái Hà, những động thái khác lạ



Trong những ngày gần đây, giáo dân Thái Hà đã đưa ảnh, tượng Đức Mẹ vào khu đất mà họ đang đòi lại. Nhiều tháng nay họ đã tập trung cầu nguyện bên ngoài hàng rào, biến một đoạn ngõ phố thành “Phố Đức Bà” với vô vàn thánh giá, ảnh tượng và hương nến được treo trên… hàng rào dây thép gai. Họ đã ngăn chặn việc mua bán, sang nhượng, quản lý của các cơ quan đang sử dụng khu đất nhưng đã “vi phạm Luật Đất đai năm 2003 và các quy định của Thành phố về quản lý, sử dụng đất đai”. (Theo Công văn số 4213/UBND-NNĐC ngày 2/7/2008 của UBND Thành phố Hà Nội).

    Giáo dân, với cách suy nghĩ đơn giản là: Đất này của chúng tôi, cha ông chúng tôi đã mua từ khi chưa có Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vậy lý cớ gì tự nhiên giao cho người khác mà không có văn bản pháp lý nào. Họ yêu cầu trả lại khu đất về chủ của nó: Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà.

   
    Vụ việc trở nên căng thẳng và phức tạp khi mấy ngày gần đây, các phương tiện thông tin Nhà nước và Thành phố Hà Nội đã liên tục đăng tải, phát chương trình kết tội giáo dân và tu sĩ ở đây đã “vi phạm pháp luật”? Còn giáo dân, họ quyết tâm hy sinh cho công lý và sự thật bất kể đêm, ngày, mưa, nắng. Những khó khăn, như càng kích thích thêm lòng tin và tinh thần hi sinh của họ. Khắp nơi, sự đồn đại và lan truyền không chỉ trong đồng bào Công giáo về sự kiện ở Xứ Thái Hà đã khiến dòng người đổ đến “Phố Đức Bà” ngày càng đông.

   
    Những điều lạ ở đây cũng đã xảy ra: Trước hết, giáo dân đã mang tượng, ảnh, thánh giá, hương nến vào khu đất trước sự chứng kiến cuả công an, của các ban ngành Thành phố Hà Nội mà không hề bị ngăn cản. Cho đến sáng 19/8, một số công nhân của Công ty may Chiến Thắng được điều động đến phá dỡ lều bạt, giật ảnh tượng ném xuống đất làm cho các giáo dân đang cầu nguyện cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trong khi đội ngũ công an dày đặc đứng nhìn dửng dưng.

    Điều lạ thứ hai, các phương tiện thông tin của Nhà nước với cả mấy trăm tờ báo, hàng chục đài phát thanh, truyền hình nhưng hình ảnh vụ việc nóng bỏng này đã không được ai nói đến. Khi một số báo chí, đài phát thanh truyền hình được huy động vào cuộc, thì đã lại làm việc theo lối bổn cũ soạn lại, lại nhào, nặn, bóp méo và xuyên tạc sự thật đến ngỡ ngàng. Điều đó càng làm cho những người đang cầu nguyện thấy mình đúng hơn, và chính nghĩa hơn. Với họ, những phương tiện truyền thông Nhà nước đã thông tin như vừa qua là không đáng tin cậy, là xuyên tạc, vu khống… điều này họ thể hiện công khai bằng lời nói, bằng hành động và trong những câu chuyện cười ra nước mắt nơi họ tập trung cầu nguyện, trong những câu chuyện trao đổi hang ngày, trước mặt các cán bộ, chiến sĩ và ngay cả nhiều lương dân và có cả các nhà báo chứng kiến.

Những câu hỏi: Tại sao?

    Người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao, một vụ việc tưởng chừng như đơn giản thế, ngay giữa thủ đô Hà Nội, đầy đủ các cơ quan quyền lực, pháp luật và là trung tâm chính trị của cả nước lại không thể giải quyết để những người dân cứ mãi dãi gió dầm sương, để hàng trăm, hang ngàn lượt cán bộ chiến sĩ phải ngày đêm túc trực với nỗi chán chường và mệt mỏi? Những việc ngay ở đây còn không thể giải quyết, vậy thì hàng đoàn người từ Cà Mau, Tiền Giang, Đồng Nai… và các tỉnh xa xôi khác ngày ngày diễu qua các phố mang biểu ngữ, băng rôn để khiếu kiện đòi lại đất đai nhà cửa là điều không lạ lùng.
   
    Tại sao, một chính quyền và một Nhà nước của dân, vì dân nhưng những nguyện vọng chính đáng của họ, chưa được một cơ quan nào giải quyết triệt để, thấu lý, đạt tình để sự việc thêm phần phức tạp? Hay tiêu chí đó chỉ là khẩu hiệu?

    Trong các văn bản gửi đi, gửi lại giữa Dòng Chúa cứu thế và các cơ quan công quyền thời gian qua, nổi bật một vấn đề: Hai bên chẳng ai nghe ai. Một bên bất chấp sự thật, bất chấp lý lẽ cũng như cơ sở pháp lý mà bên kia đã trưng ra để chứng minh đất đai của mình mà chỉ sử dụng mệnh lệnh, nghị quyết, quyết định quyền lực và giải thích theo cách mà mình thích. Một bên là Dòng Chúa cứu thế thì căn cứ những cơ sở, hồ sơ, nhân chứng… để chứng minh rằng việc đòi lại là chính đáng.
   
    Đọc những văn bản đó, tôi nghĩ rằng, hình như các cơ quan công quyền không có khả năng lắng nghe và không có cả những chứng cứ cụ thể, chỉ nói lấy được nhằm áp đặt mọi sự cho phía Dòng Chúa Cứu thế buộc phải chấp nhận, dù nó không đúng? Những người có tư duy đó họ quên rằng: Chính nhà nước này chứ không phải ai khác, đã hô hào từ rất lâu việc xây dựng Nhà nước dân chủ, pháp quyền. Vì vậy, người dân không dễ chấp nhận những điều họ không tâm phục, khẩu phục khi trong đó không chứa đựng những sự thật. Mọi người phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, vậy hà cớ gì các cơ quan nhà nước lại không theo đúng những điều mình đã nói ra để làm gương?

   
    Ngay trong các văn bản có tính pháp lý của các cơ quan hành chính, chính quyền phát hành về nguồn gốc và những vấn đề liên quan đến khu đất đã chứa đầy sự bất nhất và nói lên những điều thú vị:


    Trong Quyết định số 2476/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 30/6/2008 do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký, thì ngày họ cho là Linh mục Vũ Ngọc Bích ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước” là ngày 24/10/1961, việc bàn giao trên là để “thực hiện Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 73/TTg ngày 7/7/1962(?)” . Thế nhưng, trong Công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội do Phó Giám đốc Nguyễn Đăng Bình ký thì “ngày 24/11/1961(?)Linh mục Bích đã bàn giao khu đất Thái Hà qua nhà nước quản lý”?.

   
    Tôi cũng đã đọc Quyết định số 76/SQL-NĐ của Sở Quản lý Nhà đất Hà Nội có nội dung “giao đất cho Xí nghiệp Thảm len Hà Nội sử dụng khu đất và nhà sẵn có trong khu vực Nhà thờ Nam Đồng Thái – hà diện tích 16.296 m2” thì văn bản đó lại được ký ngày 30/1/1961(?)

   
    Tại sao có những điều khuất tất như vậy? Có thể đây là sự nhầm lẫn về ngày tháng do sơ suất được không? Khi mà những câu, chữ, tư liệu trên đó đã được đóng dấu quốc huy đỏ chót?

   
    Tôi nghĩ là không. Không có ai lại đi giao đất và tài sản cho đối tượng khác trước khi được bàn giao cho mình, cũng không một Nhà nước nào lại đi thực hiện một chỉ thị mà mãi hơn một năm sau khi thực hiện nó mới ra đời. Tất cả những điều đó đã tự bản thân nó bác bỏ nội dung mà các cơ quan công quyền đã cố tình đưa ra ép buộc bên có đất đai tài sản phải chấp nhận.


    Trước hết, đó là sự làm ăn tắc trách của ngay các cơ quan công quyền, sự không tôn trọng người dân, và cái lớn nhất là không tôn trọng sự thật. Người ta nói “đường đi hay tối, nói dối hay cùng” là vậy. Sự thật muôn đời vẫn là sự thật, dù nó không theo ý muốn của mình, nhưng sự dối trá, đến một lúc nào đó sẽ “lòi cái đuôi” mà thôi.


    Vì những vấn đề đó chưa được giải tỏa một cách thích đáng, nên người dân lại càng tin Nhà nước không có lý do gì để chiếm đoạt đất của họ, và cứ thế họ đòi. Vậy là nhà nước lại tốn công, tốn của và tốn nhân lực để canh giữ, để họp hành bàn cách đối phó. Người ta ước tính với biết bao lần họp hành của các cơ quan công quyền, bao nhiêu cảnh sát canh giữ ngày đêm, bao nhiêu xăng xe, phương tiện truyền thông cũng như nhiều chi phí khác của người dân, của xã hội… số tiền chi cho vụ Thái Hà này chắc cũng đã bằng giá trị khu đất, và cứ thế, ngân sách cứ chi, tiền dân cứ đổ.

   
    Đơn giản nhất, là nếu có một “biên bản bàn giao nhà đất qua nhà nước sử dụng” của Linh mục Bích, dù là ngày 24/10 hay 24/11/1961 thì cơ quan công quyền hà cớ gì không đưa cho họ tận mắt mục sở thị?


    Trả lời câu hỏi: “Các Cha đã bao giờ được nhìn văn bản Cha Bích ký bao giờ chưa”? Thì Linh mục Thật đã trả lời: “Chưa bao giờ, dù chúng tôi đã nhiều lần đòi hỏi. Trong cuộc họp do họ tổ chức, một cán bộ cầm trên tay một tờ giấy, ngồi ở trên bàn trên bảo rằng: Đây là giấy linh mục Bích ký bàn giao, ngay lúc đó, linh mục Khải yêu cầu cho xem và cấp cho Nhà thờ một bản photo copy, nhưng họ đã không cho xem và bảo rằng đây là “bí mật quốc gia”?



    Hỡi ôi cái lý luận của kẻ mạnh? Cái cách tranh luận và “làm việc” kiểu đó thì muôn đời sau cũng không bao giờ có chuyện giải quyết, nhất là trong giai đoạn “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nhà nước đưa lên như một phương cách làm việc của hệ thống công quyền.

Đôi điều suy nghĩ

    Thực chất của việc đòi lại đất đai tài sản của Dòng Chúa cứu thế Hà Nội, cũng như Tòa Khâm sứ, là hậu quả một quá trình hành động của Nhà nước chỉ biết sử dụng sức mạnh của súng đạn, của lực lượng chuyên chính vô sản mà bất chấp các quy định về luật pháp, hiến pháp và thiếu trầm trọng sự tôn trọng quyền lợi người dân. Hậu quả đó, ngày nay các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan trong cả nước đang phải hứng chịu.

    Nếu như trước đây, trong thời kỳ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, Nhà nước có những chính sách minh bạch, có những quyết định căn cứ vào pháp luật, vào hiến pháp để ra những văn bản thuyết phục, thì muôn đời các tổ chức tôn giáo cũng như hàng loạt hộ dân khiếu kiện hiện nay chỉ có nước “cấm khẩu”.

    Nhưng, nếu cứ những văn bản bất nhất như đã nói ở trên tiếp tục ra đời để cái nọ đá cái kia, thì lại tiếp diễn những hậu quả tiếp theo cho các thế hệ cầm quyền nối tiếp và như một bệnh dịch không có khả năng chấm dứt bằng một thứ thuốc thông thường.

    Tôi cứ nghĩ tại sao ngày 24/11/1961 lại có sự đồng loạt của Linh mục Nguyễn Tùng Cương, Linh mục Vũ Ngọc Bích cũng như nhiều linh mục khác đã như mở một ngày hội yêu nhà nước mà đua nhau “hiến, tặng, bàn giao” cho nhà nước các tài sản của Giáo hội? Sau khi tìm hiểu thì được biết: Đó là ngày kê khai tài sản nhà thờ, các cơ sở tôn giáo. Nếu vậy, thì việc kê khai phải khác với việc “bàn giao” về bản chất. Hèn chi văn bản của Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất Hà Nội đã ghi rằng: “Linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu đất Thái Hà qua Nhà nước thống nhất quản lý”? Khu đất Thái Hà bao gồm tất cả nhà thờ, bệnh viện, dòng tu, vậy sao Nhà thờ Thái Hà vẫn thuộc Dòng Chúa Cứu thế? một điều mà Nhà nước vô thần chắc chắn chẳng bao giờ muốn nó tồn tại?

    Nếu việc kê khai, đồng nghĩa với việc bàn giao, thì có nghĩa là Nhà thờ Lớn Hà Nội, Tòa Tổng Giám mục cũng như tất cả nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ… trên miền Bắc Xã hội chủ nghĩa đều đã được Nhà nước thống nhất quản lý và muốn biến nó thành chuồng bò, nhà kho đều đương nhiên đúng? Và khi đó bộ Từ điển tiếng Việt cần bổ sung gấp một từ “kê khai = bàn giao”.

    Không, không thể lập lờ đánh lận con đen theo cái lý của kẻ cầm súng. Mọi việc cần minh định rõ ràng. Chỉ có như thế, lòng người mới yên, xã hội mới yên bình thật sự.

Làm sao bây giờ?

    Cần khẳng định điều này: với sự cảnh giác của giáo dân và tu sĩ giáo xứ Thái Hà, Nhà nước mới phát hiện ra việc các đơn vị đang sử dụng đất đai tại khu vực đất của Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà đã vi phạm pháp luật. Điều này đã được văn bản của Thành phố Hà Nội xác định. Đó là công lao của họ. Nếu họ không vì tinh thần chung, không vì mến Chúa yêu người, thì không biết đến nay, khu đất đó đã được chia thành bao nhiêu lô và bao nhiêu tiền của đã đổ vào túi những ai và Nhà nước được lợi gì ở đó?

    Với người giáo dân, chỉ có tấm lòng kiên trinh và một niềm tin vững chắc vào công lý, sự thật nhưng đã phải tự đày đọa mình, hy sinh bản thân với sự vô tư và dũng cảm, để làm sáng tỏ một điều: Sự thật ở đâu? Công lý ở đâu? Không giải quyết được những câu hỏi đó, là trách nhiệm của nhà cầm quyền.

    Với khu đất ngay trung tâm thủ đô, hàng ngàn mét vuông bị bỏ hoang hóa bao nhiêu năm nay, những tổn thất biết bao là to lớn, trong khi hàng vạn trẻ em không nhà cửa, hàng ngàn người đang đầu đường xó chợ, hàng vạn sinh viên đang chen chúc với tệ nạn xã hội… thì có thể nói đó là một tội ác.

    Với hàng loạt cán bộ chiến sĩ ngày đêm cùng phải thi gan cùng tuế nguyệt nơi đầu đường góc phố, nắng mưa dãi dầm với tâm tư trĩu nặng, tiêu tốn tiền ngân sách là tiền dân một cách vô ích. Bởi những người đến cầu nguyện không hề la hét, không hề có biểu ngữ, không manh động, không ồn ào hoặc gây hấn, thì đó là trách nhiệm của người giải quyết vấn đề đã không có chuẩn mực để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

    Cách giải quyết vấn đề cần có một hướng thật đơn giản nhưng thật khó khăn.

    Sẽ hết sức đơn giản nếu chính quyền biết tôn trọng người dân, biết lắng nghe họ. Khi hệ thống cán bộ, công quyền thực hiện đúng câu Hồ Chí Minh đã nói là “Công bộc của dân” mới có thể tồn tại và cứu vãn được niềm tin vốn đã xói mòn quá nhiều theo năm tháng tồn tại của mình. Khi đó, cần nhìn thẳng vào một sự thật đã qua, những khiếm khuyết đã dẫn đến hậu quả này mà tìm cách khắc phục, trả lại những giá trị thật của chân lý, của niềm tin. Mạnh dạn sửa chữa những sai lầm đã có, khắc phục những hậu quả do hệ thống chính quyền từ họng súng gây ra, để đưa đất nước, nhân dân vào các khuôn khổ của luật pháp.

    Tất cả những chứng cứ, những nhân chứng được hai bên bình đẳng đưa ra chứng minh trước pháp luật bởi một Tòa án công minh. (Tôi nhấn mạnh là “một tòa án công minh” để tránh một Tòa án xử theo chỉ thị với án bỏ túi xưa nay)

    Và sự thật là “Cái gì của Seda phải trả lại cho Seda”.

    Sẽ hết sức khó khăn, nếu vẫn với quan điểm không dựa vào nhân dân, không tôn trọng họ mà chỉ dựa vào sức mạnh của súng đạn, của nhà tù và dùi cui theo kiểu độc tài phát xít. Tất cả những hành động theo hướng đó, chỉ ngày càng làm cho lòng dân bất ổn, niềm tin vốn đã ít ỏi lại càng mai một và đến một lúc nào đó, hậu quả của nó thật khôn lường cho xã hội khi có một xã hội không có niềm tin vào nhà cầm quyền.

    Những động thái của nhà cầm quyền mấy ngày qua, tiếc thay lại đang đi theo hướng khó khăn này. Hệ thống truyền thông được huy động càng nhiều, ra sức tô vẽ bóp méo sự thật, cũng chưa hẳn đã là cách mà nhà cầm quyền có thể gặt hái được những kết quả theo ý muốn của mình.

    Bởi họ cần biết một điều, với hệ thống báo chí của đất nước này hiện nay, đố ai có dám bảo đảm lòng tin của người dân đang đặt vào đó. Kể cả những người xưa nay vốn đã có lòng tin thần thánh vào chế độ, vào hệ thống truyền thông chính thống của nhà nước, thì qua các vụ án gần đây về tham nhũng về bắt bớ nhà báo, về các vấn đề xã hội bị cấm, bị phạt, bị ký luật… người dân đã hiểu được nhiều những gì đằng sau những bài báo, và nó đang phục vụ mục đích của ai.

    Với những thông tin về những vụ việc này trên báo chí nhà nước, chỉ có một tác dụng cho những người quan tâm rằng ở Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, Hà Nội, đang có những vụ việc mà mình cần đến. Vậy thôi.

    Thật ra, nhà nước đã biết lợi dụng tôn giáo, đã tạo ra hàng loạt các linh mục quốc doanh, các tôn giáo quốc doanh để phục vụ họ, nhưng tác dụng thì chẳng có bao nhiêu. Ngược lại, điều nhà nước có thể lợi dụng được ở người Công giáo đó là niềm tin của họ vào Sự thật, Công lý, Công bằng và tình yêu thương… thì nhà nước đã không biết cách lợi dụng để giải quyết vấn đề. Phải chăng, họ không quen sử dụng những thứ này?

    Với niềm tin vào Công lý và Sự thật, cầu mong các vấn đề này được giải quyết trong tình yêu thương và tha thứ lẫn nhau, để mọi con người đều được tôn trọng, phẩm giá được nâng cao, tình yêu thương có cơ hội phát triển.

Hà Nội, Ngày 19 tháng 8 năm 2008






Nguồn: Dòng Chúa cứu thế Việt Nam

Các tin bài liên quan:

- CÔNG AN BẢO KÊ CHO CÔNG TY MAYTẤN CÔNG GIÁO DÂN THÁI HÀ

- ĐÀN ÁP THÁI HÀ, DÀN CẢNH QUAY PHIM

- THÔNG TIN NHÀ NƯỚC CHIẾU CỐ THÁI HÀ

- Giáo dân Thái Hà đã đưa Mẹ vào lãnh địa Đức Bà !

Category: Công giáo khắp nơi | Views: 1243 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0