Trần Khải
Đó là một thói quen khó dời đổi của nhà nước CSVN: bịt miệng báo chí
mỗi khi thấy bất lợi. Hành vi đưa tay thô bạo bịt miệng dĩ nhiên là
không đẹp gì trong thời buổi truyền thông bùng nổ khắp thế giới, nhưng
đó là phản ứng có thể tin là gần như phản xạ của các quan chức thông
tin tại Việt Nam hiện nay.
Mới đầu tháng này, đàì RFA loan tin rằng Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và
Truyền Thông CSVN Đỗ Quý Doãn đã ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của
7 cán bộ và phóng viên. Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin này hôm thứ Sáu
01/08/2008 và cho biết lý do của sự việc này là vì các đương sự có vi
phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí. Bản tin
liệt kê, theo RFA,
“Những cán bộ và phóng viên bị thu hồi thẻ nhà báo gồm các ông Nguyễn
Quốc Phong, phó tổng biên tập báo Thanh Niên, Bùi Văn Thanh, phó tổng
biên tập báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Kim Sánh, tổng thư
ký tòa soạn báo Thanh Niên, Dương Đức Đà Trang, trưởng văn phòng đại
diện báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và ông Trần Đình
Dũng tự Việt Dũng, phóng viên báo Khoa Học và Đời Sống.
“Hai trường hợp khác bị khởi tố về tội tham ô tài sản và thiếu trách
nghiệm, gây hậu quả nghiêm trọng là hai bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó
tổng biên tập báo Người Cao Tuổi và bà Hoàng Tuyết Oanh, cán bộ báo
Người Cao Tuổi.” (Hết trích)
Bản tin cũng ghi lời Luật sư Trần Lâm, rằng “đây
là một chủ trương kiểm soát báo chí vì đã có 2 nhà báo ngồi tù vì loạt
phóng sự liên hệ tới vụ án tham những PMU 18 tại Bộ Giao Thông - Công
Chánh...”
Nghĩa là, khui tộị tham nhũng, sẽ bị tịch thu thẻ nhà báo?
Điều này nghĩa là, các báo quốc nội cần tránh các đề tài tế nhị như
tham nhũng, vì là “vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin
trên báo chí.”
Tuy nhiên, báo Nhật Bản The Yomiuri Shimbun số ngày 8-8-2008 loan tin rằng cơ quan PMU của thành phố Sài Gòn đã
“đòi huê hồng 15% từ công ty Pacific Consultants International
(PCI) trên 2 dự án để sẽ cho công ty này thầu độc quyền hồi 8 năm
trước, theo lời một giám đốc PCI.”
Lúc đó, PCI mới nài nỉ, thương thuyết để xin giảm còn 10% thôi. Ông
Giám Đốc PCI Haruo Sakashita, 62 tuổi, thương thuyết với PMU và được
cho xuống 10%...
| Huỳnh Ngọc Sỹ | Và
như thế là hơn 800 ngàn đô la đã nộp cho quan chức CSVN. Đàì BBC kể
rằng cán bộ cầm tiền cống nộp của PCI là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám
đốc Sở Giao thông Công chính của thành phố Sài Gòn, kiêm Giám đốc Ban
Quản lý PMU Đông - Tây.
Trong khi báo chí Nhật Bản sôi nổi khai thác như thế, báo chí quốc nội
Việt Nam vẫn im lặng. Và phải tới vài tuần sau khi báo Nhật lần đầu
khui ra, vào ngày 17/08/2008, thông tấn nhà nước TTXVN mới đưa ra bản
tin kiểu làm dịu dư luận nhẹ nhàng hơn. Bản tin nhan đề “Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Nhật Bản để làm rõ vụ việc” có những đoạn trích như sau:
“...Gần đây báo chí Nhật Bản và nước ngoài đưa khá nhiều tin về việc
công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản bị nghi vấn
hối lộ quan chức Việt Nam để trúng thầu dự án Đại lộ Đông-Tây, Thành
phố Hồ Chí Minh, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Hồ Xuân Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn
đánh giá cao và chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng
như Chính phủ và nhân dân nhiều nước khác đã dành viện trợ ODA cho Việt
Nam trong nhiều năm qua...
...Về việc một số báo chí Nhật Bản nói quan chức PCI có hành vi hối lộ
để được trúng thầu trong dự án hành lang Đông-Tây, Thành phố Hồ Chí
Minh, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho biết, khi phía Nhật Bản nêu vấn đề
này, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan của Việt Nam rất coi trọng
và đã xem xét một cách nghiêm túc. Ông nhấn mạnh rằng, phía Việt Nam đã
nói rõ với phía Nhật Bản rằng tuy giữa hai nước chưa ký Hiệp định song
phương về hỗ trợ tư pháp nhưng Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Nhật
Bản để làm rõ vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và
các thoả thuận hữu quan giữa hai nước. Phía Nhật Bản có thể lập hồ sơ
uỷ thác tư pháp với nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Luật
Tương trợ tư pháp của Việt Nam năm 2007 để các cơ quan chức năng Việt
Nam có cơ sở pháp lý triển khai phối hợp tác với các cơ quan tương ứng
của phía Nhật Bản. Việt Nam cũng đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ
việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan
truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin, bài về việc
này; nếu có đưa tin thì phải khách quan, theo đúng quy định pháp luật
của mỗi nước....” (hết trích)
Ông Thứ Trưởng CSVN nói thẳng rằng Hà Nội không muốn báo chí Nhật đưa
tin về chuyện này, dù rằng đã ra tòa, các giám đốc PCI đã nhận tội, kể
rõ các đợt cống nộp ra sao.
Nghĩa là bịt miệng. Không khác gì hết. Không thu thẻ nhà báo, vì là
chuyện đăng trên báo Nhật Bản, nhưng Hà Nội không muốn thấy chuyện naỳ
trên mặt báo, dù là báo Việt hay báo Nhật Bản.
Thực ra, Nhật đâu có cần hỗ trợ tư pháp gì, vì Nhật không có ý phiền hà
gì quan lớn Huỳnh Ngọc Sỹ, mà chỉ muốn công ty Nhật PCI đừng vi phạm
luật cấm hối lộ -- và đây là luật của Nhật Bản áp dụng với công dân
Nhật.
Người ta thắc mắc rằng ông Huỳnh Ngọc Sỹ gốc bự cỡ naò mà được bảo vệ kỹ như thế.
Và vì sao ông Thứ Trưởng CSVN phải thò tay xuyên đại dương để tìm cách bịt miệng cả báo Nhật Bản?
Tuy nhiên, báo Nhật Bản hãy dè chừng. Nếu Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao CSVN
Hồ Xuân Sơn nói mà không ép-phê gì, thì có thể Thứ Trưởng Bộ Thông Tin
và Truyền Thông CSVN Đỗ Quý Doãn lại sẽ xuất chiêu. Lần này không tịch
thu thẻ nhà báo, mà có thể sẽ yêu cầu chính phủ Nhật đóng cửa các báo
như tờ The Yomiuri Shimbun? Để chờ xem ông Sơn bàn kế gì với ông Doãn.
|