Thứ Ba, 2024-11-05, 8:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 21 » Câu chuyện đen tối đằng sau những huy chương vàng của Trung Quốc
8:31 AM
Câu chuyện đen tối đằng sau những huy chương vàng của Trung Quốc
Khưu Bình lược dịch từ Epoch Times 18/8/08

Các lực sĩ Trung Quốc tiếp tục giành các ngôi vị cao quý tại Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng đó không hẳn là thành quả của tài năng và luyện tập. Chế độ cộng sản Trung Quốc là một động lực lèo lái đằng sau các chiến thắng đoạt huy chương vàng, và bằng chứng tiết lộ cho thấy chế độ đã lợi dụng quyền cai trị độc tài để chuyển đưa một số lượng rất lớn tài nguyên giàu có của quốc gia, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sức khoẻ của các vận động viên và lệ thuộc nặng nề vào việc dùng thuốc kích thích, nhằm mục đích đoạt huy chương vàng Thế vận.

Nhiều người tiên đoán là Trung Quốc sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nước dẫn đầu thế giới trong việc đoạt được nhiều huy chương vàng nhất. Cựu giám đốc quản trị Uỷ ban Thế vận Hoa Kỳ Jim Scherr nói rằng trước sự tiến bộ của Trung Quốc, đoàn Thế vận Hoa Kỳ phải chuẩn bị tâm lý cho việc có thể mất đi thứ hạng  đầu trong các nước đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh.

 
Zou Chunlan, cựu vô địch cử tạ, nạn nhân của một hệ thống huấn luyện
 dùng thuốc kích thích, đang làm việc tromg một nhà tắm công cộng


Kể từ năm 1984 khi Trung Quốc lần đầu tiên tham dự Thế vận hội Los Angeles, thì họ đã để lộ ra một sự thèm khát mạnh mẽ trong việc đoạt huy chương vàng, và có nhiều tiến bộ rất đáng chú ý trong các nỗ lực cuả họ. Tại Thế vận hội Athens 2004, Trung Quốc thậm chí vượt qua cả Nga Sô để trở thành quốc gia đoạt được nhiều huy chương đứng hàng thứ nhì. Trung Quốc đoạt được 32 huy chương vàng năm đó, chỉ kém Hoa Kỳ có 4 huy chương vàng. Bây giờ tại Bắc Kinh, Trung Quốc hy vọng rằng lợi thế sân nhà sẽ giúp họ có thêm một động cơ cần thiết để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong việc đoạt huy chương vàng.

Hệ thống Thể dục thể thao quốc gia của Trung Quốc

Bí mật trong sự đi lên của Trung Quốc về việc đoạt được nhiều huy chương vàng là gì? Một chương trình thể dục thể thao được biết qua cái tên Hệ thống Thể dục Thể thao Quốc gia là then chốt cho cái được coi là vinh quang này. “Nếu không có  Hệ thống Thể dục Thể thao thì chúng tôi không thể nào đạt được sự thành công rạng rỡ”, theo lời Phó bí thư Tổng cục Thể dục Thể thao Trung quốc cho biết.

Theo các báo cáo của nhà nước, Hệ thống TDTT của Trung Quốc dùng một lượng tài chính và nhân lực rất to lớn của quốc gia để huấn luyện một số nhỏ các vận động viên hàng đầu. Kết quả là sự tiến bộ rất nhanh chóng của các vận động viên chỉ trong một thời gian ngắn với chú tâm vào mục tiêu giành các huy chương. Trong khi hệ thống này được chứng minh là có hiệu quả, thì nó cũng gây ra nhiều tai hoạ. Chẳng hạn như, một phần rất lớn dân số Trung Quốc vẫn sống trong nghèo đói. Trong khi những người dân nghèo này phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để có một cuộc sống đạm bạc, thì một nguồn tài chính vô hạn của quốc gia được đổ vào hệ thống TDTT này. Trung Quốc không ngần ngại một tốn kém nào cho tham vọng giành vinh quang tại Thế vận hội.
 
Hệ thống này đã được Liên Xô thiết lập ra trước đây, và sau đó được các chế độ độc tài cộng sản khác như Ðông Ðức và Lỗ Ma Ni bắt chước y chang. Nhưng sau khi khối cộng sản Ðông Âu xụp đổ, thì chỉ còn có Trung Quốc là tiếp tục dùng hệ thống này.

Hệ thống TDTT quốc gia chỉ quan tâm duy nhất đến việc theo đuổi để thắng nhiều huy chương Thế vận bằng bất cứ giá nào, và không cần biết đến tinh thần thực sự của cuộc tranh tài.  

Nhà nước Trung Quốc công khai thú nhận rằng mục tiêu của hệ thống này đơn giản chỉ là giành được nhiều huy chương. Ở những quốc gia khác, uỷ ban Thế vận là các tổ chức độc lập; nhưng Uỷ ban Thế vận Trung Quốc và Hệ thống TDTT thực ra chỉ là một cơ quan với hai danh xưng khác nhau.  

Nhiều người đã đòi hỏi Trung Quốc cải tổ lại chương trình Thế vận của họ, vì nó đã giết chết tinh thần tranh đua thể dục thể thao. Dưới đây là vài thí dụ về những tai hại của một hệ thống như vậy:

Một nguồn tài nguyên quốc gia lớn lao được đầu tư vào các lực sĩ Thế vận

Trong khi Ðiều hành thể dục thể thao là một chương trình tưởng là được dùng cho toàn dân trong các sinh hoạt thể dục thể thao, thì mỗi năm hàng tỷ nhân dân tệ được chi tiêu vào việc huấn luyện các vận động viên thượng thặng của Trung Quốc, hầu như là chẳng còn gì cho các sinh hoạt thể dục thể thao và lợi ích của mọi người dân khác.

Theo bài báo tựa đề “Trường thể dục thể thao của Trung Quốc: Ðiên vì huy chương vàng” của tạp chí Time, thì trước năm 2001, ngân sách hàng năm dành cho Tổng cục thể dục thể thao quốc gia là 428 triệu nhân dân tệ (khoảng 54 triệu Mỹ kim). Trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh, ngân khoản này đã tăng lên 714 triệu nhân dân tệ cho mỗi năm. Theo viên giám đốc Học viện Nghiên cứu TDTT trực thuộc Tổng cục TDTT thì mỗi huy chương vàng mà Trung Quốc giành được trong các cuộc tranh tài quốc tế phải tốn kém đến 7 triệu Mỹ kim. Tổng cộng phí tổn cho Thế vận hội Bắc Kinh ít nhất là 40 tỷ đô la. 

 
Tay bơi nữ Yuan Yuan, bị bắt quả tang mang thuốc kích thích vào Úc,
trong Giải vô địch bơi lội thế giới năm 1998 ở Perth City


Các nhà phê bình đã vạch ra cho thấy rằng ngân khoản dành cho Tổng cục TDTT quốc gia được trích từ nguồn thuế đóng góp của người dân, nhưng lại chỉ độc quyền dùng cho các lực sĩ Thế vận, gây ra hậu quả là việc thiếu thốn các phương tiện tập luyện TDTT trên toàn quốc. Cảm thấy chán nản và bất lực, người dân khắp nơi ở Trung Quốc đều nói rằng điều này làm phí phạm tiền bạc đóng thuế của nhân dân.  

Hàng trăm ngàn vận động viên trở thành nạn nhân

Hệ thống TDTT quốc gia của Trung Quốc tuyển chọn các trẻ em có tài năng về thể dục thể thao trên toàn quốc. Các em này được huấn luyện đặc biệt nhằm mục đích giành được càng nhiều huy chương càng tốt. Trong khi hệ thống này sản xuất ra một tỷ lệ thành công khá cao, nhưng các “sản phẩm phụ” bị thải ra là một con số kinh khiếp của nhiều cuộc đời bị phí phạm.

Ở Trung Quốc, để tuyển chọn được một tiềm năng huy chương vàng, nhà cầm quyền phải sàng lọc qua hàng ngàn ứng viên. Thông qua các cuộc khám nghiệm khe khắt, các ứng viên đầu tiên được lựa chọn ra từ nhiều trẻ em trong các trường trung và tiểu học rồi gởi tới các trung tâm huấn luyện thể chất để được tăng cường huấn luyện đặc biệt.  Có hơn 3000 trường huấn luyện thể chất thiếu nhi trên toàn quốc với 400 ngàn trẻ em, các em nhỏ tuổi nhất chỉ mới có 7 hay 8 tuổi. Rồi nhà cầm quyền chọn ra các em xuất sắc nhất trong số này và đưa đi huấn luyện riêng biệt. Những em tuyển lựa đặc biệt này được chải chuốt săn sóc cho các cuộc tranh tài quốc gia và quốc tế.

Một phóng viên của tạp chí Time đã đến thăm 3 trung tâm huấn luyện ở tỉnh Shandong: các Trường huấn luyện thể chất Qingdao, Weifang; và Trường huấn luyện bóng bàn Luneng.  Bài báo đề cập đến một em gái 14 tuổi tên Chen Yun đến từ vùng nông thôn, em được xem là có tài năng và tuyển chọn vào tập luyện môn cử tạ sau khi được đo lường kích thước ở vai, chân và vòng bụng.  Một em trai khác được tuyển vào môn bắn cung vì em có khả năng tập trung, bờ vai rộng, và thị giác tuyệt hảo. Cả hai em lúc đầu hoàn toàn chẳng biết gì về các môn thể thao mà các em được chỉ định luyện tập, nhưng chỉ vì phù hợp với các tiêu chuẩn thể chất do các huấn luyện viên đưa ra.  Thí dụ như, em nào có phản xạ nhanh và sự phối hợp xuất sắc giữa mắt và tay thì được chọn cho môn bóng bàn. Cũng theo bài báo trên thì tất cả các khẩu hiệu, bích chương dán trên tường tại các trung tâm huấn luyện này đều mạnh mẽ khuyến khích các học viên hãy “Giành thắng lợi cho Tổ quốc”.  

Cả 3 trung tâm này đều là trường nội trú. Học viên của Trường huấn luyện bóng bàn Luneng chỉ được phép gặp cha mẹ mỗi năm không được hơn 2 tuần. Các em phải tập luyện ít nhất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ một ngày, đôi khi các buổi tập luyện kéo dài vào cả buổi tối. Mặc dù các viên chức của nhà trường khẳng định rằng trường chỉ chủ yếu chú tâm vào việc học hành, nhưng thật ngạc nhiên, người phóng viên của báo Time không hề thấy có một quyển sách giáo khoa nào trong trường. Một bé trai đang tập luyện để trở thành một ngôi sao điền kinh cho người phóng viên biết, ngoài việc tập luyện, thì em chẳng làm gì cả ngoài việc ngủ.      

Thật đáng buồn, hầu hết tất cả các vận động viên trẻ này không bao giờ thấy một cuộc tranh tài cho đến ngày họ giành thắng lợi cho đất nước.  Thậm chí ngay cả những cá nhân đã từng đoạt huy chương trong quá khứ có thể sẽ gặp phải một tương lai khổ sở. Theo báo Thể dục thể thao Trung Hoa, 80 phần trăm vận động viên quốc gia thiếu trình độ giáo dục và hoàn toàn không có cách nào để kiếm sống một khi những ngày huấn luyện để thi đấu đã trôi qua. Vì tập luyện quá cam go khi còn trẻ, nhiều vận động viên đã vướng phải những bệnh tật bám theo cả cuộc đời họ, hoặc thậm chí bị tật nguyền, chẳng hạn như cựu nữ vô địch cử tạ Zou Chunlan.

Thảm cảnh của Zou Chunlan

Cựu vô định cử tạ quốc gia Zou Chunlan thuộc tỉnh Jilin đã từng đoạt được 7 huy chương vàng và phá vỡ một kỷ lục thế giới. Nhưng cô chỉ được học có 3 năm tiểu học. Sau khi về hưu khỏi môn cử tạ vào năm 1993, Zou vào làm viêc tại một nhà tắm công cộng nhưng đời sống kinh tế rất khó khăn. Còn tồi tệ hơn, Zou bị chấn thương cả thân mình và các bắp thịt không co giãn được, cho nên cô không thể mang vác nặng mặc dù cô từng là một lực sĩ cử tạ. Ngay sau khi cô tham gia đội thể dục thể thao của tỉnh Jilin lúc 16 tuổi, người ta bảo cô phải dùng kích thích tố nam tính (male hormone) để tăng cường khả năng thi đấu. Cô được cung cấp các viên thuốc này mỗi ngày trong suốt 6 năm trời. Thân thể cô phát triển nhiều đặc tính của nam giới và không thể thụ thai sinh đẻ được. Zou nói rằng nhiều vận động viên khác về hưu như cô đều trải qua những điều tương tự. Ðược biết Trung Quốc có 3000 vận động viên về hưu hàng năm.   
 
Một tác hại khác của hệ thống TDTT quốc gia Trung Quốc là nó làm nẩy sinh ra một nhóm đặc quyền đặc lợi, phối hợp quyền lợi cuả các lực sĩ  thượng thặng, các huấn luyện viên và cán bộ quản lý vào với nhau. Các huy chương vàng đem lại nhiều thanh danh và tiền bạc cho các lực sĩ và huấn luyện viên, đồng thời những cán bộ liên hệ cũng được thăng quan tiến chức nhanh chóng.  Một hệ thống đã thúc đẩy mọi người phải đào ra huy chương bằng bất cứ giá nào, là nguyên nhân khiến cho nạn tham nhũng lan tràn. Lừa dối  và tai tiếng đã trở nên rất phổ biến vào năm 2005, trong dịp Ðại hội TDTT toàn quốc lần thứ 10, khiến các vận động viên Trung Quốc phải loại trừ khỏi hàng ngũ của họ những kẻ vi phạm nặng nề nhất. Nhiều người cho rằng chính hệ thống TDTT đã tạo ra các vấn đề này, mãi mãi giết chết tinh thần thi đấu trong các cuộc tranh tài.

Ðồng thời, các vụ tai tiếng dùng thuốc kích thích trong hàng ngũ vận động viên Trung Quốc không bao giờ được báo chí trong nước đề cập đến. Nhiều bằng chứng khả nghi cho thấy sự tiến bộ của các đoàn thể dục thể thao Trung Quốc trong thập niên 1980s và 1990s có dính dáng đến việc xử dụng thuốc kích thích để tăng cường khả năng thi đấu, nhất là đối với các vận động viên nữ.

Xử dụng thuốc kính thích trong hàng ngũ vận động viên nữ.

Khi đoàn bơi lội nữ Trung Quốc giành được nhiều thứ hạng cao trong các cuộc tranh tài quốc tế trong thập niên 1990s, cả thế giới phải sửng sốt. Ở Thế vận hội Barcelona 1992, đoàn bơi lội Trung Quốc đoạt 4 huy chương vàng, 5 bạc và 1 đồng. Tại giải vô địch bơi lội thế giới ở Rome năm 1994, 7 tay bơi nữ Trung Quốc đoạt được 12 trong tổng số 16 huy chương và tạo vài kỹ lục thế giới. Nhiều người đã nghi ngờ về sự thành công bất ngờ này của Trung Quốc.  Tại Á vận hội (Asian Games) năm 1994 tổ chức ở Hiroshima, 11 lực sĩ Trung Quốc bị khám phá là đã dùng thuốc kích thích, trong đó có hai tay bơi vô địch thế giới Li Bin và Yang Aihua, và họ đã bị thu hồi huy chương.

Nhưng đây vẫn chưa phải là lần cuối cùng các vận động viên Trung Quốc bị khám phá dùng thuốc kích thích. Tay bơi nữ Wu Yanyan, người đã từng tạo kỹ lục thế giới môn bơi 200 mét hỗn hợp, đã bị khám phá dùng thuốc kích thích và cấm không được tranh tài tại Thế vận hội Sydney 2000. Sau năm 1994, đoàn bơi lội Trung Quốc chỉ đoạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại Thế vận hội Atlanta 1996. Ở Sydney, họ không giành được một huy chương nào.  Tay bơi Luo Xuejun, người duy nhất đoạt được huy chương vàng cho Trung Quốc ở Thế vận hội Athens 2004 đã thú nhận rằng “cái hồ bơi của đoàn bơi lội Trung Quốc không được sạch sẽ cho lắm”.

Ðội điền kinh quân đội nổi tiếng do huấn luyện viên Ma Junren của đội điền kinh tỉnh Liao Ning cầm đầu, đã nhanh chóng huấn luyện được một loạt các lực sĩ điền kinh nữ có đẳng cấp thế giới trong các môn chạy cự ly dài và cự ly trung bình, giành được nhiều huy chương vàng trong nước. Người nổi tiếng nhất trong nhóm này là Wang Junxia, đoạt huy chương vàng môn 5000 mét ở Thế vận hội Atlanta 1996. Ðược biết là một phần trong chế độ luyện tập, huấn luyện viên Ma Junren buộc các lực sĩ phải uống thuốc hỗ trợ sinh lực.    

Mặc dù sự thành công này, vào năm 2000, nhiều vận động viên của đội này không được tuyển vào đoàn lực sĩ Thế vận Trung Quốc. Có nhiều tin tức cho rằng đó là vì lý do dùng thuốc kích thích, nhưng điều này đã không được nhà cầm quyền Trung Quốc làm sáng tỏ. Có trị giá hàng triệu đô la, huấn luyện viên Ma Junren vẫn giữ chức cụ Phó giám đốc Uỷ ban TDTT tỉnh Liao Ning và phụ trách việc huấn luyện môn điền kinh cự ly dài và cự ly trung bình cho đến năm 2004. Nhưng bây giờ mọi người đều biết sự thành công của các vận động viên dưới trướng ông Ma Junren là nhờ xử dụng thuốc kích thích.

Ở Tây phương, các lực sĩ dùng thuốc kích thích thường là do quyết định cá nhân, nhưng tại Trung Quốc, đây là một sự thực hành theo nguyên tắc có hệ thống hẳn hoi. Theo lực sĩ cử tạ Zou Chunlan, các huấn luyện viên của đội cử tạ thuộc sở TDTT tỉnh Jilin buộc các nữ vận động viên dùng thuốc kích thích đã gây ra nhiều biểu hiện dị ứng như mọc râu trên mặt và lông trên thân thể, cùng với giọng nói bị trầm xuống. Các huấn luyện viên phải thú nhận rằng họ đã cho các vận động viên này dùng kích thích tố nam tính sau khi các biểu hiện dị ứng xuất hiện, nhưng cứ khăng khăng rằng nó không có hại gì cho cơ thể. Mặc dù được bảo là thuốc kích thích rất an toàn, nhiều nữ vận động viên vẫn lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài, nhưng cảm thấy bất lực không tránh được phần này. Một số ít đã ném bỏ thuốc. Theo cô Zou thì các vận động viên ngưng dùng thuốc nửa tháng trước cuộc tranh tài và quay sang dùng loại thuốc tiêm khác để dấu diếm kích thích tố khi bị thử nghiệm và vượt qua các cuộc kiểm tra thuốc kích thích.    

Sau khi vụ xì-căng-đan dùng thuốc kích thích của Zou bị lộ tẩy, các cán bộ trong  Uỷ ban TDTT tỉnh Jilin đe dọa cô. Họ cho cô biết nếu cô nói ra sự thật, tất cả các huy chương vàng mà cô đã đoạt sẽ bị coi như là giả dối.

Khi khối cộng sản Ðông Âu xụp đổ, nhiều huấn luyện viên của Ðông Ðức bỗng nhiên bị thất nghiệp, nhưng không lâu sau đó họ được Trung Quốc thuê mướn.

Sự tiến bộ vượt bực mà đoàn bơi lội nữ Trung Quốc biểu lộ đã bắt đầu xảy ra ngay sau khi Trung Quốc thu nhận các chuyên gia TDTT hồi năm 1985.  Năm kế tiếp đoàn bơi lội Trung Quốc giành được nhiều thắng lợi trước Nhật Bản, vô địch Á Châu lúc đó, trong các cuộc tranh tài quốc tế.

Ðông Ðức trở thành một mô hình kiểu mẫu cho Trung Quốc. Trước khi xụp đổ, Ðông Ðức từng là một trong các nước đạt được nhiều thành tích cao nhất về TDTT. Suốt 20 năm trời, Ðông Ðức đứng hàng thứ 3 trên thế giới về số huy chương giành được ở các Thế vận hội, chỉ sau có Hoa Kỳ và Liên Xô. Sức mạnh đằng sau các thành tích của Ðông Ðức là đoàn nữ vận động viên điền kinh và bơi bội. Sau khi bức tường Bá Linh xụp đổ, phép lạ của Ðông Ðức bị lộ tẩy –hầu hết các huy chương vàng thắng được là do dùng thuốc kích thích. Chính quyền Ðông Ðức đã cung cấp một cách có hệ thống nhiều loại thuốc khác nhau cho hơn 10 ngàn lực sĩ của họ, cùng lúc đó nghiên cứu tìm các phương cách có hiệu quả để vượt qua các cuộc kiểm tra. Việc dùng các loại thuốc bất hợp lệ đã giúp các vận động viên Ðông Ðức gặt hái nhiều thành quả cao ở các Thế vận hội, nhưng nó cũng làm cho họ bị bệnh tật hoặc tàn phế, các nữ lực sĩ vai u thịt bắp không có khả năng sinh đẻ, và thậm chí trong vài trường hợp đưa đến chết chóc.   

Sau khi Ðông và Tây Ðức thống nhất, các nạn nhân của chương trình dùng thuốc kích thích đã kiện bộ trưởng thể thao Ðông Ðức và cố vấn y dược, đòi hỏi bồi thường cho những hậu quả xảy ra cho thân thể họ. Nhưng thay vì bị trừng phạt, các huấn luyện viên và chuyên gia y khoa này lại xuất cảng kế hoạch của họ. Trong 10 năm qua, có 27 nữ vận động viên Trung Quốc bị khám phá là đã dùng thuốc kích thích –một tỷ lệ vượt xa khỏi tỷ lệ của tất cả các nước khác cộng lại.

Những tiếng nói phản đối Hệ thống TDTT quốc gia Trung Quốc

Cho đến nay, Tổng cục quản lý TDTT Trung Quốc vẫn thâu nhận những huấn luyện viên đầy tai tiếng của Ðông Ðức. Tháng 2/2006, Helga Pfeiffer, cựu nữ huấn luyện viên bơi lội –và là một tay lão luyện của hệ thống dùng thuốc kích thích trong TDTT của Ðông Ðức –thấy xuất hiện ở lễ khai trương Trung tâm huấn luyện Oriental Greenboat ở Thượng Hải. Cựu giám đốc “Ðội nghiên cứu 415” Pfeiffer được một số người biết qua hỗn danh “Nữ hoàng của việc dùng thuốc trong TDTT”.  Trong hồ sơ bảo mật của Ðông Ðức, Pfeifer là một thành viên cốt cán của của Kế hoạch quản lý dùng thuốc trung ương. Sau khi thống nhất với Tây Ðức, Pfeifer bị buộc tội là đã bắt các tay bơi trẻ phải dùng thuốc kích thích. Bây giờ ở Trung Quốc, Pfeiffer tìm cách lẩn tránh các tội trên, trong khi tiếp tục thực hành những kế sách tương tự.

Sau Ðại hội TDTT toàn quốc năm 2005,  ở khắp nơi trong Trung Quốc, nhiều người đã bắt đầu phê phán chính sách TDTT hiện thời của nhà nước. Những tiếng nói này kêu gọi cải tổ lại chương trình huấn luyện, huỷ bỏ Hệ thống TDTT quốc gia do “huy chương lèo lái” và thay vào đó là một chính sách TDTT phục vụ cho lợi ích sức khoẻ người dân. Nhưng khi Trung Quốc giành được quyền đứng ra tổ chức Thế vận hội 2008, giới thẩm quyền Bắc Kinh lại bộc lộ ra một quyết tâm còn lớn hơn nhắm vào mục tiêu vượt qua mặt Hoa Kỳ về số huy chương vàng đạt được. Sức mạnh đằng sau “Hệ thống TDTT quốc gia” được tăng cường, thậm chí một số lượng to lớn hơn của tài nguyên quốc gia được dành riêng cho việc giành huy chương vàng Thế vận.

Tạp chí Time nói rằng kế hoạch huy chương vàng của Trung Quốc là đưa tài nguyên vào một số lớn các môn thi đấu có thể dễ dàng giành được chiến thắng, chẳng hạn như cử tạ và kiếm thuật (fencing) có 10 huy chương vàng, và chèo thuyền có 16 huy chương vàng. Mặc dù các môn thể thao này hầu như chẳng dính dáng gì đến sự thích thú của người dân Trung Quốc, nhưng một lượng lớn nguồn tài nguyên được đổ vào để bảo đảm thành công trong cuộc tranh tài. So sánh với các nước Tây phương thì Trung Quốc đổ nhiều tài nguyên hơn vào các môn thể thao nữ, vì họ đoạt được nhiều huy chương hơn phái nam. Thí dụ như ở Thế vận hội Athens, trong tổng số huy chương vàng đạt được bởi các nữ lực sĩ trên toàn thế giới, thì các nữ lực sĩ Trung Quốc đoạt được 60 phần trăm.  
 
Sau Á vận hội 2002,  Trung Quốc đã đề ra “Dự án 119”, nhắm vào việc giành được 119 (bây giờ là 120) huy chương vàng trong các môn điền kinh, bơi lội và thể thao dưới nước. Với hy vọng là qua Dự án 119, Trung Quốc sẽ được coi như là một nước đứng đầu thế giới về TDTT, thay vì chỉ là một nước thích thu thập huy chương vàng ở các cuộc tranh tài không mấy quan trọng.

Không biết mục tiêu này có thể hoàn thành được không thì còn phải chờ xem, nhưng,  kế hoạch của Hệ thống TDTT quốc gia của Trung Quốc rõ ràng là đặt căn bản trên mô hình của Ðông Ðức ngày xưa.

Chủ yếu là nhắm vào mục tiêu đoạt được nhiều huy chương, kế hoạch đằng sau Hệ thống TDTT quốc gia của Trung Quốc được thừa hưởng từ Ðức quốc xã, Liên Xô, và khối Ðông Âu. Trung Quốc coi TDTT là một công cụ tuyên truyền dùng để kết hợp ý chí nhân dân, phô bày quyền lực cho chế độ và tăng cường hệ tư tưởng cũng như sự kiểm soát của họ. Khi Mao Trạch Ðông còn sống, thì hệ tư tưởng là chủ nghĩa cộng sản, nhưng ở lục địa Trung Hoa ngày nay, nó là chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Mặc dù sự chỉ trích về chương trình này mỗi ngày một tăng ở khắp nơi, nhưng phó giám đốc Tổng cục quản lý TDTT lại nói rằng: “Ðối với cá nhân tôi, thì tôi hy vọng là Hệ thống TDTT quốc gia có thể tiếp tục được xử dụng sau Thế vận hội 2008”.
Category: Quốc Tế | Views: 1224 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0