Thứ Ba, 2024-12-24, 8:57 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 21 » Những Bí Mật Của Hồ Chí Minh ở Hồng Kông
8:41 AM
Những Bí Mật Của Hồ Chí Minh ở Hồng Kông

Trần Viết Đại Hưng

Theo ký giả Dennis J. Duncanson ( trong tạp chí “ The China Quarterly, tháng 1-3 năm 1974), thì từ lâu người ta vẫn thường nghĩ rằng khi thay mặt cho Quốc tế Cộng sản ( Comintern) để đứng ra thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương ở Hồng Kông vào giữa tháng 2 đến tháng 10 năm 1930, Hồ chí Minh (HCM) vẫn ở trong sự giấu giếm, giả trang và cuối cùng bị phát hiện và bắt giữ bởi nhà cầm quyền thuộc địa. Những gì xảy ra cho ông khi ông ở trong tù, ông ở tù trong bao lâu, những điều đó vẫn thường được nhắc nhở và liên hệ đến. Nhưng không may thay, chuyện này không bao giờ được làm một cách chính xác và đôi khi được làm với sự tưởng tượng.


Thật ra, một phần cũng là vì nỗ lực trọn đời của HCM nhằm lừa dối nhân dân về lý lịch bản thân, những hoạt động và mục đích, lỗi lầm trong biến cố ở Hồng Kông, ngay cả nhà sử học Bernard Fall sau này cũng sai lầm khi viết về chuyện này. Có thể đơn cử một ví dụ là khi ông Hồ chết vào năm 1969, báo “ The Times “ đăng lời cáo phó cho rằng khi ông Hồ bị tù ở Hồng Kông đã được ông Stafford Cripps bào chữa cho. Lập tức Luật sư D.N.Pritt viết thư cải chính cho rằng chính ông mới là người lo chuyện pháp lý cho ông Hồ, đặt vấn đề là chính quyền Hồng Kông có được phép giam giữ ông Hồ hay không, trong khi ông Cripps thay mặt cho chính quyền Hồng Kông, đại diện cho chính phủ Anh ở Luân đôn. Nhưng ông Pritt cũng phạm phải sai lầm vì lý do: không những chuyện đại diện chính phủ Anh tranh đấu cho tù nhân là chuyện không thích hợp đối với chính phủ Hồng Kông lúc đó, mà thời gian xảy ra ( tháng 6 năm 1932) thì ông Cripps đã rời khỏi văn phòng được 10 tháng rồi. Như chúng ta thấy dưới đây, chức vụ tư vấn pháp luật của ông Cripps được chấp nhận bởi người đại diện chính phủ Anh ở Hồng Kông là ông Messrs Burchells. Theo chuyện kể của ông thì trí nhớ ông có phần lẫn lộn, ông lầm thời gian được nói đến là 1930-1931 trong khi thời gian được bàn cãi đến là 1931-1932; và thật ra ngay cả một tác giả cẩn thận như H. Brimmel cũng phạm lỗi lầm tương tự 10 năm trước đây.

Không ai ghi nhận được hành tung của HCM trong những năm này. Ngay cả hồ sơ cảnh sát, hồ sơ nhà nước công quyền và những luật sư ở Hồng Kông cũng như những người ở Singapore ...Nói chung tất cả hồ sơ có dính líu đến câu chuyện này đều bị phá hủy trong thời gian bị quân Nhật chiếm đóng. Những người cố vấn pháp luật cho ông Hồ ở Luân Ðôn thì mất hết hồ sơ trong những lần thu dọn sổ sách. Tuy nhiên, tóm gọn 50 năm cai trị của Anh ở Hồng Kông cũng đã để lại những bài báo tiếng Anh có những bài tường thuật liên quan đến vụ án của ông Hồ. Có ký giả đã nói chuyện với bà vợ của cố Luật sư F.H. Loseby, người cố vấn pháp luật cho Hồ chí Minh và một nhân viên cảnh sát có nhiệm vụ khám phá tông tích của Hồ. Từ những thông tin này tổng hợp lại, ta có thể làm sáng tỏ một vài nghi vấn cũ và trên hết là sửa chữa những lỗi lầm vốn đã được nhiều người chấp nhận trước đây.

HCM bị cảnh sát Hồng Kông bắt là vì liên quan đến việc một người bạn Pháp tên Joseph Ducroux trong Quốc tế Cộng sản ở Singapore bị bắt. Năm 1931 có sự thay đổi lớn lao đến những luật lệ cai trị của thực dân trên khắp thế giới, trong đó có thực dân Pháp và Anh. Hơn nữa, mùa hè năm 1931 có nhiều chuyện thay đổi ngoạn mục đối với chính trị của thế giới- của sự tuyệt vọng hay hy vọng tùy theo người yêu mến sự thiết lập trật tự hay mong muốn phá vỡ nó đi. Có biến cố về bạc ở Trung Hoa, sự thất bại của nhà băng Genève và những chi nhánh nhỏ hơn ở Mỹ, sự khủng hoảng ngân sách ở Anh và sự sụp đổ của chính phủ Ðảng Lao Ðộng của ông MacDonald, và sự việc Tổng thống Mỹ Hoover ngưng trả tiền bồi thường cho Ðức, với sự chống đối mãnh liệt của Pháp. Năm đó Stalin dồn mọi nỗ lực, qua tổ chức Quốc tế Cộng sản, để khai thác “ sự khủng hoảng sâu đậm của chủ nghĩa tư bản”, đặc biệt là ở vùng Viễn Ðông, đồng thời có chuyện Tổng thống Mỹ Hoover công nhận Liên xô. Khi Ducroux xuất hiện ở vùng Ðông Nam Á châu thì những viên chức Anh đã thăm dò ra ngay đầu mối mọi chuyện. Họ bắt Ducroux ở Singapore là khi khai thác tin tức của Ducroux thì dẫn đến chuyện bắt HCM ở Hồng Kông.

Văn phòng hải ngoại Anh đã biết tới Ducroux là một nhân viên của Quốc tế Cộng sản ( Comintern) từ năm 1923, và khi chính phủ Anh biết được chuyện trong năm 1930, ông ta sẽ đi tới phía Ðông, hướng về phía Ấn Ðộ, họ lo lắng muốn chận ông ta lại. Ðầu tiên ông bị phát hiện là đã ghé Colombo và bị xua đuổi đi. Xong rồi ông đến Thượng Hải, có ghé thăm Hồng Kông và Singapore giữa tháng 4 năm 1930 và tháng 4 năm 1931. Ducroux dùng ít nhất một bí danh “ Serge Lefranc” và thú nhận trước tòa ông có giấy thông hành của cả hai tên, tên thật và tên bí danh. Nhiệm vụ của ông là liên lạc với thành phần nhân sự thay thế chi nhánh lo về Thái Lan và Ðông Nam Á Châu của Ðảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo lời kể lại của Ducroux về chuyến đi không may của ông, ông đến vùng Ðông Dương của Pháp chừng một tháng vào đầu năm 1931, sau khi tiếp xúc và nhận chỉ thị của Hồ chí Minh ở Hồng Kông. Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã cho tiến hành cuộc nổi dậy đầu tiên là Xô-viết Nghệ Tĩnh, xúi giục những sự tàn bạo đổ máu đối với những kẻ phản bội trong giai cấp thống trị.

Tổng bí thư Trần Phú đã được phái từ Mạc tư khoa ( Moscow ) đến Thượng Hải, đã nắm rõ nguyên tắc hành động của những cuộc nổi dậy này. Mật thám Pháp theo dõi những chỉ thị gửi đến cho ông từ Dalburo ( văn phòng Phương Ðông của Quốc tế Cộng sản) ở Thượng Hải, cũng như từ một hay hai chỉ thị từ Hồ chí Minh ở Hồng Kông. Cảm hứng từ nước ngoài truyền đến cho những tổ Xô-viết ở Ðông Dương là chuyện không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng Ducroux không tiết lộ những gì ông đóng góp cho họ.

Trần Phú hay Lý Quí ( bí danh là “ Năm Lé “ , là một thầy giáo tiểu học tại thành phố Vinh ở Bắc Việt Nam, là một cựu Ðảng viên của Tân Việt Cách Mạng Ðảng. Năm 1924,Trần Phú gia nhập Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Hội, (tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam), được Lý Thụy ( Hồ chí Minh), vốn là một cán bộ kỳ cựu của Quốc tế Cộng sản ở phần phía Nam của văn phòng Viễn Ðông. Phú vào học ở trường võ bị Hoàng Phố và được Hồ giới thiệu cho đi học trường Ðại Học Thợ Thuyền Stalin Phương Ðông ở Mạc tư khoa. Vào tháng 10/1930, Phú chủ trì một hội nghị ở Hồng Kông để đổi tên Ðảng. Vào mùa xuân năm 1931,Pháp bắt những cấp lãnh đạo Ðảng, Trần Phú bị đưa vào tù và chết vì bệnh lao phổi ở đó năm 1931.

Ðại Học Thợ Thuyền Phương Ðông hay trường Stalin được Lênin thành lập vào ngày 21 tháng 4 năm 1921 với mục đích huấn luyện cán bộ cho miền Ðông Á trở thành những cán bộ Cộng sản vô sản chuyên chính. Mỗi học viên được học kỹ về lịch sử Ðảng Cộng sản của Liên xô và một căn bản vững chắc về sự diễn dịch của Stalin về chủ thuyết Mác-Lênin. Ngoài ra, học viên còn được huấn luyện về cuộc sống tập thể, lao động sản xuất, động viên và tổ chức quần chúng, tuyên truyền..

Vào đầu năm 1924, viện này có 1222 học viên của 65 quốc gia với một ban giảng huấn gồm 150 người. Ngân sách của trường là 50000 rúp-pê mỗi năm.

Năm 1931, chính phủ Pháp cho biết có 30 học viên Việt tốt nghiệp từ trường đó. Trong số đó có những nhân vật tên tuổi như : Bùi công Trừng, Nguyễn khánh Toàn, Hà huy Tập, Dương bạch Mai, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trần ngọc Danh ( Ranh), Trần văn Giàu .. v.. v

Ducroux còn có thêm nhiều công tác khác nữa, và ngày 27 tháng 4 năm 1931 đã đến Singapore trên chiếc tàu “ Tổng thống Adams “ mà cảng đến cuối cùng là Hồng Kông. Theo lời viên cảnh sát Onraet, người đã gài bẫy và làm chứng về Ducroux thì nhiệm vụ của Ducroux là siết chặt thêm hàng ngũ của Ðảng Cộng sản Mã lai, cụ thể là coi xem 50000 dollars của “ vàng Moscow” đã dùng vào chuyện gì . ( Số “ vàng Moscow “ này do những người cách mạng Bôn-sê-vích lấy được năm 1917 và xuất cảng sang Tây Âu trong những bao ngoại giao từ 1918 trở về sau, dưới sự chỉ đạo của Zinoviev và được Ðại sứ Ðức ở Liên xô là Adolf Joffe thi hành. Cả Joffe và Trosky đều huênh hoang về số “ vàng Moscow” này.). Ducroux giả trang làm một khách du lịch thương mại dưới cái tên “ Serge Lefranc”. Nhưng ông nhanh chóng bắt liên lạc với một người di dân tên Fu Ta-ching vốn là một người thân cận của Hồ chí Minh trong việc thành lập Ðảng Cộng sản Thái Lan năm 1929, và ông là người nói thông thạo tiếng Anh. Ông này hiện đang bị mật thám Anh theo dõi vì đã liên lạc với một Ðảng viên Cộng sản Nam Dương tên Tan Malaka trong thời kỳ nổi dậy năm 1925-1927 dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Onraet, Dickinson, Prithvi Chand lập một chiến dịch truy tầm và bắt được Ducroux vì Ducroux sơ ý bỏ rơi những tờ giấy bỏ đi có ghi tin tức. Cùng bị bắt với Ducroux có Fu Ta-ching và 15 thành viên của Ðảng Cộng sản Mã Lai. Tất cả đều bị truy tố với tội không đăng ký lưu trú nên bị coi là bất hợp pháp. Một số người bị tố cáo nhận tội, sáu người không nhận tội cũng được tha và có một người bỏ trốn nhưng Fu bị tù 6 tháng, Ducroux bị 18 tháng và số 4 người còn lại bị mỗi người hai tháng tù. Yêu cầu của phe công tố đòi tịch thu tạm thời số 12000 dollars tiền vàng của Ducroux bị bác bỏ. Số tiền này được trao lại cho lãnh sự Pháp để sau này đưa lại cho Ducroux sau khi ra tù.

Ðiều rõ ràng cụ thể nhất tìm thấy được là giấy tờ trong người Ducroux có ghi những địa chỉ ở Hồng Kông và Thượng Hải. Những hoạt động của Quốc tế Cộng sản trong những năm trước đã làm cho lực lượng cảnh sát của thuộc địa thực dân ở Ðông Nam Á châu liên lạc với Ủy ban hành chánh ở Thượng Hải để điều tra, và Onraet đã đánh điện những địa chỉ này về cho những giới chức thẩm quyền liên hệ. Vào ngày 15 tháng 6, người cầm đầu của tổ chức Dalburo là Paul Ruegg với bà vợ của ông bị bắt, tang vật có đống “ tiền vàng Moscow” ố trong đó có nhiều nén vàng. Năm ngày sau, bí thư của CCP là Hsiang Chung-fa bị Pháp bắt. Cho tới mới đây, chỉ huy của Dalburo là Gerhard Eisler, Ruegg là phụ tá cho ông, nhưng Eisler được Quốc tế Cộng sản cho làm đại diện Ðảng Cộng sản Mỹ. Chỉ có Pavel Mif là thoát lưới bắt bớ. Ruegg không bị kết án tội gì. Một bản cáo trạng của tòa án Thượng Hải cho biết có 1300 văn kiện từ những địa chỉ khác nhau được ông sử dụng, có liên quan ít nhiều đến vùng Ðông Nam Á châu, nhưng phần lớn với Trung Hoa. Sự chi tiêu của Dalburo đã tới con số 400000 dollars chỉ trong vòng vài tháng. Họ bị gửi đến thành phố Nam Kinh để ra tòa và bị tù chung thân. Năm 1934 , Luật sư Munzenberg kháng án và họ tuyệt thực để hỗ trợ và cuối cùng được tha. Họ về lại Mạc tư khoa và lại bị rắc rối một lần nữa vì đã ủng hộ Trotsky.

CHUYỆN HỒ CHÍ MINH BỊ BẮT

Trong lúc đó, Hồ chí Minh bị khám phá ra vào ngày 6 tháng 6 năm 1931 tại một địa chỉ gần khu Cửu Long ( Kowloon ) với một người đàn bà trẻ; cả hai đều dùng tên Quảng Ðông là Sung Man-ch’o và Li Sam.

Theo nhà sử học Pháp Daniel Hemery ( là người đã khám phá ra lá thư bằng chữ Hán mà Hồ chí Minh gửi cho người vợ Tàu Tăng tuyết Minh), trong trang 143 của cuốn sách “ Ho chi Minh : de l’Indochine au Vietnam “ do nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 1990 cho biết là vào ngày 1 tháng 6 năm 1931, Cảnh sát Anh tại Singapore bắt được một nhân viên người Pháp của Quốc tế Cộng sản ( Comintern) tên Joseph Ducroux ( bí danh Serge Lefranc). Từ chuyện bắt bớ này, họ truy ra một nhân viên Quốc tế Cộng sản khác.Vào 2 giờ sáng ngày 6 tháng 6 năm 1931, Cảnh sát Hồng Kông tới số nhà 186 đường Tam Kaw, Cửu Long ( Kowloon) để bắt một người đàn ông tên Sung Man Ch’o sống với một người đàn bà trẻ lên Ly Ung Thuan, đó là người đàn bà mà người đàn ông cho là cháu của ông ta. Cuối cùng thì cuộc diều tra cho biết Ly Ung Thuan không phải là người Tàu mà là người Việt tên Le thi Tam, vợ của Hồ tùng Mậu, là người dưới tay của Hồ . Mậu bị bắt trước đây và được thả sau đó vào ngày 30 tháng 6 năm 1931.

Hồ tùng Mậu ( 1896-1951): Sau này là người làm việc cho Hoàng văn Hoan, có quê quán ở làng Quỳnh Ðôi, Nghệ An. Ông nội là một quan lại, cha tham gia vào phong trào Văn Thân và chết ở trại tù Lao Bảo. Ông Mậu đến Trung Hoa vào năm 1919 và là người hoạt động dưới tay của cụ Phan bội Châu. Năm 1924, Cụ Phan bội Châu tin tưởng giao cho mậu chuyện phát tán những văn kiện về Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Khi cụ Phan về lại vùng Hanzhou thì Mậu bỏ cụ để đi theo Nguyễn ái Quốc ( Hồ chí Minh) và Cộng sản Quốc tế. Từ năm 1925, Hồ tùng Mậu được coi như là thủ lãnh của “ Việt Nam Thanh niên Cách Mạng đồng chí hội “ . Mậu chết vào tháng 7 năm 1951.

Ðiều cần thiết cần phải lưu ý ở đây là vào năm 1930, Hồ có huấn luyện thêm cho một cô gái tại phân bộ phía Nam của văn phòng Viễn Ðông của Quốc tế Cộng sản. Cô gái này là Nguyễn thị Minh Khai. Có người cho rằng Sung Man Ch’o là Tống văn Sơ tức Hồ chí Minh và Nguyễn thị Minh Khai còn có một tên khác là Lý huệ Sương.

Nguyễn thị Minh Khai ( 1910-1941) : Minh Khai là nữ cán bộ đầu tiên được huấn luyện tại trường Stalin nổi tiếng. Minh Khai quê quán ở Vinh, cha là Nguyen huy Binh là thư ký xe lửa, mẹ là Do thi Tho thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Có cô em gái là Nguyễn thị Minh Thái ( là vợ đầu của Võ nguyên Giáp). Minh Thái cũng gia nhập vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương để hoạt động chống Pháp và sau đó bị chết trong tù.

Năm 1927, Minh Khai gia nhập Tân Việt cách mạng đảng và là thành viên trong ban chấp hành tỉnh ủy Nghệ An. Năm 1929, cô rời xa gia đình đi hoạt động ở Bến Thủy, Nghệ An. Sau đó cô gia nhập Ðảng Cộng sản Ðông Dương và năm 1930 Minh Khai đến Hồng Kông và làm việc cho phân bộ phía Nam của văn phòng Viễn Ðông thuộc Quốc tế Cộng sản ( thường gọi là Dalburo), côợ sống gần gũi thân mật với Lý Thụy ( Hồ chí Minh) và có nhiều bí danh như “ cô Duy” , Trần thái Lan, Lý huệ Sương. Quan hệ giữa cô và Hồ chí Minh đã vượt ra khỏi tình đồng chí. Minh Khai có lẽ là người vợ Tàu mà Hồ chí Minh giới thiệu với một nhà báo Anh vào đầu thập niên 1930 và có lẽ là người mà Hồ tâm sự với sự thương cảm cùng Ðại úy cơ quan tình báo OSS Mỹ Allison Thomas vào tháng 7 năm 1947 rằng Minh Khai bị Pháp xử tử .

Theo tài liệu của Cộng sản Việt Nam, năm 1931 Minh Khai bị Quốc Dân Ðảng bắt và thả ra năm 1933. Cuối năm 1934, cùng với Lê hồng Phong và Hoàng văn Nọn, Minh Khai rời Trung Hoa đi Mạc tư khoa để tham dự Hội nghị lần thứ 7 của Quốc tế thứ ba tổ chức vào tháng 7 năm 1935. Khai lấy Lê hồng Phong làm chồng ở Mạc tư khoa. Rồi cô vào học trường Stalin.Vào tháng 3 năm 1936 cô trở lại Việt Nam cùng với Hoàng văn Nọn và hoạt động trong khu vực Sài gòn- Gia Ðịnh. Năm 1939, cô sinh một đứa con đặt tên là Lê hồng Minh ( tức con của Lê hồng Phong).

Vào ngày 30/7/1940, Minh Khai bị bắt. Dù cô không dính líu đến cuộc nổi dậy ngày 22/11/1940 ở miền Nam, Minh Khai bị tuyên án tử hình. Giám đốc bộ thuộc địa Gaston Joseph xin bản án ân xá cho cô nhưng Toàn quyền Decoux cương quyết thi hành bản án. Minh Khai bị xử bắn tại Hóc Môn, ngoại ô Sài gòn vào ngày 28/8/1941.

HCM bị bắt giam không có bản án vì có giữ những tài liệu dính líu đến Quốc tế Cộng sản, hồ sơ có ghi chữ “ tài liệu cần chuyển ngữ “ , nhưng khi ra tòa lại không thấy trưng bày những tài liệu này. Cùng với Ruegg, rõ ràng là HCM không phạm tội gì, giống như trường hợp Ducroux ở Singapore nhưng Ducroux bị bắt. Tội của Hồ và Ducroux nếu nói một cách cụ thể là coi như có âm mưu lật đổ từ xa. Tuy nhiên chính sách của Hồng Kông là không tha thứ cho chuyện dùng lãnh thổ nó để xúi giục gây rối loạn cho những quốc gia láng giềng: Hồng Kông có thể cho những người tỵ nạn chính trị được hưởng quy chế tỵ nạn, dễ dãi tha thứ cho âm mưu lạm dụng tự do, rộng mở của thuộc địa này. Những giới chức hài lòng chuyện tìm ra “ Sung” chính là “ Nguyễn “ và quyết định sau 6 ngày bắt giam Hồ là đưa ra án lệnh trục xuất ông ta.

Vì Nguyễn ái Quốc ( HCM ) là người được Pháp che chở và là dân của Ðông Dương nên thủ tục tống xuất thông thường là tống ông ta lên một chiếc tàu chuẩn bị đi đến một cảng nào đó ở Ðông Dương.

Ở giai đoạn này, phiên tòa của Ducroux ở Singapore đã xong nên hai cảnh sát viên Onraet và Dickinson hài lòng và tự tin đi đến Hồng Kông. Tại đây họ gặp một viên chức Anh từ Thượng Hải đến,và 2 nhân viên mật vụ Pháp đến từ Sài gòn, họ họp với nhau theo kiểu phối hợp của cảnh sát quốc tế Interpol bây giờ. Mật thám Pháp may mắn ruồng bố và bắt giữ một số cán bộ của Ðông Dương Cộng sản đảng trong đó có Trần Phú. Họ có những quan điểm đối chọi nhau về sự quyết tâm của bộ máy Quốc tế Cộng sản và đặc biệt về vai trò của Hồ chí Minh. Mật thám Pháp đã nhìn thấy sự hung ác ghê tởm của nhóm “ xô viết” ở Việt Nam nên muốn dẫn độ Hồ chí Minh về Việt Nam, trong khi phe cảnh sát ở Singapore có khuynh hướng không tin âm mưu của Cộng sản Quốc tế là chuyện đáng báo động đối với lực lượng cảnh sát. Nhà cầm quyền Hồng Kông giữ thái độ dễ dãi và rộng mở. Vào khoảng ngày 10 tháng 7 năm 1931 thì có lệnh trục xuất . Cảnh sát viên Dickinson có ra tòa làm chứng một lần và khi Hồ nghe tin có người Pháp đến Hồng Kông, ông khiếu nại là đã bị mật thám Pháp thẩm vấn trong khi đang bị người Anh giam giữ. Chính quyền Hồng Kông gửi những nhóm cảnh sát tới Hồng Kông để điều tra trước đây về nguyên quán . Sự khiếu nại của Hồ là một đòn đánh thành công vào sự hợp tác của cảnh sát truy lùng phe Quốc tế Cộng sản ở vùng Viễn Ðông trong 7, 8 năm nay.

Trong khi bị điều tra HCM tỏ ra hòa nhã và dễ mến. Hồ nói tiếng Anh, chứ không nói tiếng Quảng Ðông. HCM học tiếng Tàu tương đối chậm và vào năm 1925 khi nói chuyện với một hội nghị Quốc Dân Ðảng thì ông dùng tiếng Pháp. Những người thẩm vấn không ngạc nhiên khi thấy HCM còn yếu tiếng Quảng Ðông vì họ biết Hồ là người Việt Nam. Dù trước đây ông khai là ông sinh năm 1890 nhưng giờ đây ông nói ông chỉ có 36 tuổi. Ông chối ông không phải là Nguyễn ái Quốc và nói ông sinh ở một tỉnh của Trung Hoa đối diện với tỉnh Móng Cáy của Việt Nam. Ông nói ông có đi Pháp nhưng không đi Liên xô và không dính dáng gì đến Quốc tế Cộng sản. Ông tự nhận ông không phải là người Cộng sản mà là người quốc gia. Ông nói không có cái gì gọi là Ðảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ có 3 đảng “ quốc gia”, có sự khác nhau giữa mỗi đảng tùy theo quyền lực bên ngoài mà đảng đó hướng tới để tìm kiếm sự giúp đỡ hầu chống lại chủ nghĩa đế quốc. Một đảng thân Nhật, một thân Ðức và một thân Anh. Ông là người thuộc đảng thân Anh. Ông từ chối không biết đến ông Lefranc nhưng thú nhận có viết một tấm danh thiếp đề tên Lefranc mà cảnh sát viên Onraet kiếm thấy trong túi của Ducroux. Một cái thư của Lefranc gửi cho “ T.V.Wong” là chủ nhà của ông bị Onraet chặn giữ, ông nói thư ấy không có ý gửi cho ông. Ông thú nhận bức ảnh “ Nguyễn ái Quốc “ chính là ông ( đây là bằng chứng cho ông biết mật thám Pháp đang có mặt ở Hồng Kông), nhưng nói ông không đội cái nón như trong hình. Sự đối đáp lung tung của Hồ cũng tương tự như sự chối từ lý lịch của Tan Malaka để tránh né sự trục xuất làm cho cảnh sát nghi ngờ là đã có sự chỉ thị chung của Quốc tế Cộng sản cho cán bộ của họ. Sự chối bỏ này đã giúp cho can phạm ít nhiều khi ra tòa. Ông yêu cầu được trục xuất về Anh.

Vào lúc này, ông Luật sư Frank Loseby,vốn là một cố vấn trẻ ở Hồng Kông, đang cố gắng để đứng ra biện hộ cho ông Hồ. Rốt cuộc ông Hồ được thả ra. Sau này vào thập niên 60, ông Loseby có qua Hà Nội thăm ông Hồ trước khi ông Hồ qua đời.

Ngày xưa, khi đi làm cách mạng, lúc bị bắt và bị tù, HCM còn được các luật sư tận tình đứng ra bào chữa một cách đàng hoàng dù đó là thời của thực dân thống trị. Ngày nay, mỉa mai thay, trong thời đại HCM, những người bị án tù chính trị lại không có được một luật sự bào chữa chính thức như HCM đã có trong thời gian bị bắt ở Hồng Kông. Xem thế mới thấy con đường cách mạng mà HCM đã đi không mang lại dân chủ cho dân tộc Việt Nam mà chỉ đưa dân tộc vào trong một chế độ phản dân chủ, tối tăm mà con đường thoát ra duy nhất là phải tìm đủ mọi cách để giật sập chế độ rừng rú, độc tài này xuống. Dân Việt Nam đang từng ngày đổ máu để làm công việc vô cùng khó nhọc nhưng đầy vinh quang đó.

Mỗi ngày qua đi đều có sự thay đổi như tế bào trên con người. Những tế bào già nua, thối rữa phải rụng xuống để cho tế bào mới đâm chồi nảy lộc thay thế. Guồng máy chuyên chính nặng nề cũng có ngày phải sụp đổ vì không còn khả năng đứng vững để tồn tại với thời gian.

Mau hay chậm là tùy sức lực và quyết tâm hành động của chúng ta,những người còn nghĩ đến quê hương và dân tộc. Lịch sử đã cho thấy có triều đại nào đứng mãi với thời gian, triều đại Cộng sản cũng đang bước vào giai đoạn hấp hối, lâm chung. Chúng ta cần phải tỉnh táo để xử lý mọi chuyện đúng lúc, đúng nơi, hợp tình hợp lý để tiết kiệm xương máu cho nhân dân Việt Nam trong khi đương đầu với bạo quyền độc ác, tàn bạo. Một nhân dân đã chịu quá nhiều đau khổ và bất hạnh.

Hình: Ô. Hồ Chí Minh.
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 1403 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0