CUỘC SỐNG RIÊNG TƯ
Chuyện
tình ái, vợ con của ông là điều được dư luận quan tâm, nhưng sách báo
của Đảng thường né tránh. Cả một đời vì nước vì non thì màng chi đến
những hệ luỵ nhân gian ấy! Nhưng điều này hoàn toàn không đúng ngay cả
đối với ông: có lần ông đã cho rằng sai lầm lớn nhất đời ông là không
lấy vợ! Nói chơi thôi nhưng thật sự trong thực tế, đã có nhiều chuyện
kể cho biết ông có rất nhiều nhân tình ở khắp nơi, từ Pháp, Nga, Trung
quốc…
Kim
Hạnh lúc làm tổng biên tập báo Tuổi trẻ, vì đăng ở trang nhất tin nói
về bài thơ của ông (bí danh Lý Thuỵ khi từ Liên xô ông sang Trung quốc
khoảng 1925) gửi người vợ Tàu mà bị cách chức và đuổi khỏi làng báo.
Một nhà nghiên cứu Mỹ, khi truy tầm hồ sơ mật của Đệ tam quốc tế lưu
trữ tại Moscou sau khi Liên xô sụp đổ, đã tìm thấy tài liệu cho biết
khi đi dự một Đại hội Quốc tế cộng sản ở Nga, ông đã khai có vợ và
người ấy chính là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chứ không phải là ai
khác!
Trong
nước chuyện tình của ông nhiều hơn và cũng nhiều tính chất bi thảm hơn.
Dư luận Hà nội râm ran từ lâu chuyện ông ăn ở với một cô tên Xuân, cô
này do mật vụ Trần Quốc Hoàn đưa về để phục vụ ông nhưng sau cho người
giết đi để bịt tung tích, có đứa con trai được Vũ Kỳ, thư ký riêng của
ông cứu thoát, đem về nuôi. Gần đây nhân Đại hội 9 của Đảng (tháng 4
năm 2001), các hãng thông tấn phương Tây đã nói đến khá nhiều chuyện
năm 1941, khi về nước, ông đã quan hệ với một nữ cần vụ người dân tộc
và sinh ra Nông Đức Mạnh, nay mới được bầu Tổng bí thư Đảng.
Những
chuyện tình nói trên, hư thực ra sao chưa được chứng minh thật thuyết
phục, nhưng xét về mặt đạo đức cá nhân thật ra chẳng có gì quan trọng
lắm: các lĩnh tụ cộng sản cũng là những con người, vợ con, này nọ đủ
cả, một số lại rất hoang toàng trong cái khoản mục này! Giả sử Hồ Chí
Minh có như vậy đi nữa thì công lao chống thực dân của ông chẳng hề bị
suy suyển. Nhưng do Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ muốn dừng lại với
cái công lao ấy mà còn vượt lên thời gian tồn tại muôn năm, nên hình
ảnh của Hồ Chí Minh phải được tô vẽ sao cho thật lý tưởng, thật phi
thường.
Và
đó cũng chính là chính sách tạo thần tượng của guồng máy. Người ta có
thể vẫn sống một cuộc sống bình thường, nhưng khi Đảng cần thì cái bình
thường sẽ được thay vào bằng những việc làm, những sự tích thần thánh.
Anh là người có tính Đảng cao thì anh phải biết tuân phục: cứ việc sống
bình thường nhưng phải biết cố gắng đóng cho tròn cái vở kịch được tạo
ra cho mình. Chỉ vì lợi ích cách mạng thôi. Càng có nhiều tấm gương phi
thường để những người bình thường noi gương hy sinh thì sự nghiệp của
Đảng mới huy hoàng: cơ Đảng chẳng đỏ rực màu máu hay sao? Chính vì đã
dựa trên cái lý lẽ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó mà Đảng đã tạo ra
khá nhiều những truyền thuyết trong tất cả mọi lĩnh vực từ bộ đội, tình
báo đến nhà báo, nhà sư…. Hồ Chí Minh cũng chỉ là một huyền thoại trong
những huyền thoại do Đảng tạo ra, nhưng là huyền thoại của những huyền
thoại cho nên phương pháp tạo dựng cũng phải hết sức đặc biệt.
Không
biết có khi nào suy ngẫm lại những cái đã qua, ông cảm thấy những bất
ổn trong những vở kịch do mình tạo ra hay không, nhưng từ bên ngoài,
nhiều người đã thấy khá nhiều những bực bội, buồn phiền gây ra cho ông
bởi chính cái đám âm binh cách mạng của ông. Có nhiều chuyện không vui
vẻ lắm, nhưng chuyện ông bị cho ra rìa suốt trong quãng đời còn lại
trước khi ông mất là đáng chú ý nhất. Sau cải cách ruộng đất năm 1956 ở
miền Bắc, do nhập từ Trung quốc, quá thất đức và sai lầm, ông đưa Võ
Nguyên Giáp, uy tín như cồn sau Điện Biên Phủ, ra thay mặt Đảng xin lỗi
nhân dân, sau đó định sẽ lên thế chỗ Trương Chinh làm tổng bí thư. Lúc
bấy giờ ở Liên xô, Krushchev đang thắng thế với đường lối hoà bình,
trong Đảng Việt Nam cũng có xu hướng ấy. Nhưng tình hình Việt Nam lại
không thuận lợi để phát triển. Do cường độ cuộc chiến tranh ở miền Nam
đã lên cao, đường lối quyết liệt dùng bạo lực để giải quyết chiến tranh
thắng thế đã đưa cánh Lê-Duẩn/Lê Đức Thọ lên nắm quyền.
Về
Võ Nguyên Giáp thì kết quả ai cũng nhìn thấy: bị quy kẻ cầm đầu chủ
nghĩa xét lại và bị trù dập suốt một thời gian dài, đến khi Lê Duẫn
chết mới thôi.Còn về Hồ Chí Minh thì dường như chẳng có gì, nhưng thật
sự cũng đã chịu số phận chung với tướng Giáp. Bên ngoài thì vẫn đi đây
đi đó, chỉ đạo việc này việc kia… nhưng bên trong đã dần dà bị cô lập,
chỉ giữ vai trò của một ngọn cờ tượng trưng, không có ảnh hưởng gì lắm
tới những quyết định lớn. Theo một bài viết của Vũ Kỳ (đăng trên một số
báo Văn nghệ Xuân cách đây vài năm), công lao của Hồ Chí Minh trong
cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” 1968, vẻn vẹn chỉ có bài thơ Xuân này
hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà… Sau khi ghi âm
bài thơ này thì ông được đưa đi… nghỉ. Vũ Kỳ thuật rằng ông Hồ chỉ biết
ngày giờ cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy” nổ ra qua Đài phát thanh nghe
đựơc ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh – cùng với giọng đọc của
ông, ra rả suốt ngày về bài văn vần nói trên. Nhiều người đã nói đến
nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau trong Đảng cộng sản Việt Nam thời
chiến tranh; nhưng qua câu chuyện trên, ta thấy có hai xu hướng chính
trong suốt một thời gian dài: Lê Duẩn/Lê Đức Thọ đối đầu với Hồ Chí
Minh/ Võ Nguyên Giáp.
Dù
sao chế độ vẫn cần sự thiêng liêng của ông để tạo ra sự thiêng liêng
cho chính mình nên cái chết của ông cũng đã được cánh Lê Duẩn/Lê Đức
Thọ khai thác triệt để để “xài” một cách thoải mái. Ngày chết của ông
là 2-9 vì trùng với ngày quốc khánh nên người ta dời lại 3-9-1969.
Trong di chúc cuối cùng, ông muốn được hoả táng và đem tro rải xuống
biển hoặc chôn vào một vùng đất nào đó, người ta lại bỏ không biết bao
nhiều tiền bạc ra ướp xác và xây lăng nghìn đời cho ông.
http://www.daiviet.org