Chủ Nhật, 2024-12-22, 3:09 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 21 » Mỹ ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
12:17 PM
Mỹ ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
Trong lúc TQ đang bận rộn với Olympic, Hà Nội vừa uống mật gấu "dám to gan đánh tiếng":
Mỹ ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak nhấn mạnh lại tuyên bố của Tổng thống G. Bush nói "Mỹ ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam".
Tròn một năm đảm nhiệm công tác tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã kịp xác lập "dấu ấn" khác biệt so với tất cả những người tiền nhiệm: Học tiếng Việt và nói được tiếng Việt khá "nét".
Mở đầu cuộc họp báo chiều 20/9 nhân một năm nhiệm kỳ công tác bằng một số câu nói bằng tiếng Việt, Đại sứ Michalak lý giải học tiếng Việt là một cách để ông thực hiện mục tiêu tạo dựng lòng tin của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với nước Mỹ.
Việc tạo dựng lòng tin đi vào chiều sâu này được ông nhấn mạnh như mục tiêu hàng đầu bao trùm trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
"Thành tựu quan trọng với tôi là tôi đã học được ít tiếng Việt vì tiếng Việt rất khó.", Đại sứ Mỹ hóm hỉnh nói.

Lễ kỷ niệm giấy
Chuẩn bị một bài phát biểu dài, Đại sứ Mỹ coi đây là "Lễ kỷ niệm giấy" của ông.
Người ta cho rằng giấy là biểu tượng cho sự vững chắc và bền chặt nhờ những liên kết chặt chẽ của từng sợi riêng rẽ. Các dịp kỷ niệm kế tiếp có biểu tượng là những vật chất chắc chắn hơn như gỗ, vàng và thậm chí là kim cương.
"Như vậy đây là lễ kỷ niệm giấy của tôi. Tính biểu tượng của sự đan xen rất nhiều sợi riêng rẽ rất đúng với tôi ở Việt Nam. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một mối quan hệ phức hợp, gồm rất nhiều sự liên kết, các vấn đề, lợi ích, thách thức và các mục đích chung".
Đại sứ Michalak nhấn mạnh lại lời của Tổng thống George Bush trong Tuyên bố chung, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chính phủ Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và chủ quyền của Việt Nam".
"Nếu ai còn nghi ngờ chủ trương, chính sách của Mỹ, hãy chú ý lời phát biểu của Tổng thống Bush trong Tuyên bố chung đó", Đại sứ nói.

Xác lập "tiêu chuẩn vàng" về quan hệ kinh tế
Mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - Việt là ưu tiên của nhà ngoại giao này. Ông muốn thúc đẩy việc hai nước thảo luận và ký kết Hiệp ước đầu tư song phương.
Theo lý giải của Đại sứ Michalak, Hiệp ước này như một "tiêu chuẩn vàng" cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển tốt nhất, tạo thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Liên quan đến Quy chế GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập), Đại sứ Michalak cho biết Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin hưởng Quy chế này cách đây gần 2 tháng và thời hạn nhận xét đơn của Việt Nam vừa kết thúc. Có nhiều ý kiến ủng hộ Việt Nam nhưng cũng có nhiều quan ngại về sở hữu trí tuệ cũng như quyền lợi của lao động.
Nhận xét việc khắc phục tình trạng lạm phát của Việt Nam thời gian qua, Đại sứ Michalak cho rằng Chính phủ đã có những nỗ lực ứng phó rất tốt. Điều đó thể hiện không chỉ ở những thảo luận, quyết sách trong nội bộ mà Chính phủ đã rất tích cực tham vấn các chuyên gia kinh tế thế giới. Những nỗ lực này nên được duy trì trong 2 - 3 quý nữa.
"Chính phủ Việt Nam đang làm những việc làm đúng nhưng cần duy trì trong thời gian dài để đảm bảo thành công", Đại sứ Michalak nhấn mạnh.
Xuân Linh
"Việt Nam đã có những tiến bộ về tự do tôn giáo. Điều này thể hiện ở việc ngày càng có nhiều nhà thờ được đăng ký, người dân được tự do tín ngưỡng.
Mặc dù có những khác biệt nhưng cuộc đối thoại nhân quyền, tự do, tín ngưỡng tôn giáo hàng năm là cơ hội để Mỹ và Việt Nam có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau".
Đại sứ Michael Michalak


Yên Bái: Bài học đắt giá sau lũ
(LĐ) - Lũ đã đi qua cả chục ngày, mà TP. Yên Bái vẫn còn ngập đầy trong bùn đất. Mùi hôi thối của xác động vật chết, của rác thải gặp nắng cứ thế mà bốc lên nồng nặc.
Sau lũ, môi trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội

Khói bụi của hàng trăm chiếc xe đủ loại to, nhỏ chạy khắp các tuyến phố đi chở bùn càng khiến cho môi trường đô thị trở lên ô nhiễm.
Sức người có hạn. Vì thế, mặc dù đã có sự huy động toàn lực của các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn tỉnh như: Bộ CHQS tỉnh; Trung đoàn 121; Trung đoàn 174; Trường Quân sự Âập Bắc, Sư đoàn 316 thuộc Quân khu II... nhưng đến giờ phút này, bùn đất có vẻ vẫn không suy chuyển được là mấy. Thành phố (TP) đã mở đợt huy động sức mạnh toàn dân. Hàng ngàn lượt người dân, từ cán bộ, công chức của đơn vị hành chính, sản xuất cho tới các tổ chức, đoàn thể, thậm chí người dân ở tất cả các xã, phường không bị ảnh hưởng lũ cũng nô nức ra đường làm những công việc vệ sinh môi trường sau lũ.
Chưa bao giờ trên khắp các ngả đường của TP lại nhộn nhịp người đến thế. Quân với dân như cá với nước, cùng chung một ý chí, cùng xắn tay lao động xua đi những đau thương mất mát để xây dựng cuộc sống mới cho đô thị tươi sáng hơn. Vậy bài học đắt giá phía sau cơn lũ là gì? Lý do thì có cả hàng ngàn lẻ một là chính đáng. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế tất cả đều có thể thấy những hiểm hoạ từ bài học chủ quan, mất cảnh giác của cả cấp uỷ và chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Lấy ví dụ đơn giản khi quy hoạch mặt bằng ở khu vực sân ga, chợ Yên Bái, nhà thiết kế đã căn cứ vào mức nước lũ năm 1968 và 1971 mà tính ở cos 31, khu vực đường đại lộ Nguyễn Thái Học ở cos 32, 33 cũng có nghĩa là đảm bảo khu vực trung tâm TP này không bị ngập lũ. Nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước lũ năm nay lên quá cao (trên cos 34) và vượt mức báo động 3.
Mặc dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo lũ có thể lên trên mức báo động 3 và trên cos 34, nhưng hầu hết tất cả những người dân đều chủ quan không tin nước có thể ngập vào nhà mình. Chỉ đến khi nước mỗi lúc một lên cao, không ai kịp trở tay, người ta đành phó mặc cho bàn ghế, giường tủ tha hồ trôi nổi và sơ tán những của cải thiết yếu. Bấy giờ mới nghĩ đến trận lũ ống lịch sử ở thị trấn Ba Khe, Cát Thịnh thì mọi việc đã quá muộn.
Ngẫm lại thì chẳng riêng người dân, mà cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương cũng chủ quan không kém. Khi nước mới lên ngấp nghé hiên nhà, khi điện, nước, thông tin liên lạc bị cắt đứt cũng là lúc người dân cần thông tin về lũ nhất. Nếu khi ấy có cán bộ mang loa tay đi thuyền xuống tuyên truyền thì chắc chắn sẽ giảm thiểu những thiệt hại về tài sản cho dân. Là một huyện có thể trưng dụng được một lúc vài chục chiếc thuyền đi cứu nạn từ cảng Hương Lý, nhưng một đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình lại trả lời phóng viên rất bàng quan biện minh cho lý do không thể tiếp cận những xã bị cô lập là vì "không có xuồng"?... Trong lũ, nòng cốt đi ứng cứu và sơ tán, di dời dân chủ yếu là các lực lượng vũ trang như công an, quân đội. Ngoài việc thường xuyên diễn tập sẵn sàng chiến đấu, thiết nghĩ các lực lượng này phải tăng cường công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn hơn nữa.
Cũng qua đợt lũ này cho thấy các phương tiện cứu hộ chủ lực như xuồng máy, caclots loại nhỏ không đảm bảo, vì nếu gặp dòng xoáy mạnh có thể gây nguy hiểm tính mạng cho lực lượng cứu hộ. Thực tế chiếc tàu cứu hộ bị trôi trong đợt lũ vừa qua đã chứng minh điều đó. Đó là chưa kể đến những thiệt hại không thể tính bằng tiền mà sau lũ các cấp, các ngành phải đối mặt, phải vượt mọi khó khăn để khắc phục.
Thanh Hương


Lào Cai: Có thể xảy ra nạn đói
Cơn bão số 4 vừa qua đã gây tổng thiệt hại 1.870 tỷ đồng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ. Theo báo cáo của ông Lưu Quang Đại (nhóm Plan International), nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của các nạn nhân bão lụt tỉnh Phú Thọ là "cứu đói".
"Có tới 8.500 người lớn và 12.000 trẻ em dưới 5 tuổi cần được cứu trợ khẩn cấp về lương thực. Chính phủ, các nhà tài trợ, Hội Chữ thập đỏ, tổ chức quốc tế Plan đã hỗ trợ nhất định cho vùng này nhưng nhu cầu về thực phẩm vẫn chưa được đáp ứng đủ", ông Đại cho biết.
Ông Đại cũng nói, hiện tại ở Phú Thọ vẫn có tới 11.000 người thiếu nước uống. "Chính phủ đã cấp Chloramine B cho các hộ gia đình, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ Chính phủ sẽ có giải pháp gì để giúp cho những gia đình có nhà bị tốc mái hoặc tường bị hư hỏng".
Kết luận bản báo cáo tình hình cứu trợ ở Phú Thọ, ông Đại cho hay: Chính phủ đã tích cực cứu trợ cho vùng bị nạn. Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm người dân nơi đây mới có thể khắc phục hậu quả. "Vấn đề thiết yếu nhất lúc này là đáp ứng nhu cầu cho người dân và đảm bảo đời sống cho họ", ông nhấn mạnh.
Tương tự như vậy, báo cáo của bà Lê Thị Sâm - đại diện của Oxfam cảnh báo về nguy cơ nạn đói. "Trong khi chờ đợi vụ mùa mới, 3 - 6 tháng tới, Lào Cai có thể phải đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói. Người dân cần được cung cấp lúa giống và ngô giống để phục hồi nông nghiệp. Nguồn nước chủ yếu từ trên núi nay đã bị ô nhiễm. Nhiều trẻ em không đến trường do thiếu sách vở, trang thiết bị và quần áo".


Cô dâu tuổi 14
Hai ngày nay, người dân xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bàn tán xôn xao về việc vợ chồng anh chị Hưng - Tuyết làm lễ vu quy cho con gái 14 tuổi. Chú rể mới học lớp 10.
Chị Liên, ở gần nhà cô dâu kể: “Đám cưới được tổ chức vào hai ngày 17 và 18/8, có mời vợ chồng tôi đến dự tiệc. Chồng tôi không chịu đi vì thấy cô dâu còn nhỏ tuổi quá, sợ người ta dị nghị”. Chị còn cho biết thêm, mới tờ mờ sáng 19/8, nhà trai đã qua rước cô dâu.
Sáng 19/8, ông Khúc Văn Phùng, trưởng ấp kiêm bí thư chi bộ ấp 4, cho biết, trước đám cưới một tuần, người dân trong ấp có thấy nhà trai đem lễ vật qua xin cưới hỏi Thanh. Ngay hôm sau, ông cùng những người thuộc các đoàn thể đến động viên gia đình nhằm trì hoãn đám cưới của cháu.
“Gia đình cháu Thanh trình bày do con gái đã lỡ có thai nên đành phải gả chồng, dù biết cháu chưa đủ tuổi kết hôn. Do vậy địa phương đành phải chịu”, ông nói. Cũng theo ông Phùng, chú rể đang học lớp 10.
Ông Đặng Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết, chính quyền không biết gì về đám cưới của cô dâu 14 tuổi. Gia đình anh Hưng bỏ đi khỏi địa phương lên Bình Dương đã gần một năm nay nên không thể quản lý được. Khi trở về lại quê cũ, anh Hưng cũng không trình báo với chính quyền địa phương.
Ông Việt cũng thừa nhận rằng đây là lễ cưới hoàn toàn trái với pháp luật. “UBND xã xem đây là bài học cần rút kinh nghiệm”, ông Việt nói.
(Theo Người Lao Động)


Một người bị ô tô kéo lê 52 km mới được phát hiện
(LĐĐT) - Lúc 4 giờ hôm nay (20.8), ô tô khách biển kiểm soát 47 V- 2113 do lái xe Bùi Quang Khôi (sinh năm 1970, trú tại xã Ea Quang, huyện Krông Pách) điều khiển dừng lại km 38, quốc lộ 26 (thuộc địa bàn xã Ea Phê, huyện Krông Pách, Đắk Lắk) để trả khách thì phát hiện dưới gầm xe có một xác chết bị dính vào cầu sau của bánh xe.
Nạn nhân bị kéo lê suốt chặng đường dài 52 km. Lúc phát hiện có xác chết dính dưới gầm xe, trên ô tô đang có gần 40 hành khách đi từ Đà Nẵng về huyện Krông Pách.
Được biết, nạn nhân là ông Nguyễn Quốc Hùng (sinh 1963, trú tại xã Chư M'ta, huyện M'Đrắc, Đắk Lắk). Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 20.8, người dân ở thị trấn M'Đrắc còn thấy ông Hùng đi xe đạp trên quốc lộ 26. Khi đi đến gần cầu Ea Thul, ông Hùng đã bị nạn. Chiếc xe đạp bị nát dúm đang để bên đường thuộc km 90 quốc lộ 26.
Các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc.
N.B.T (Theo TTXVN)


Một tàu hàng của Công ty cổ phần vận tải biển Vinashin bị chìm
Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết: chiều 20-8, tàu Green Viship (va chạm và chìm tại vùng biển Vũng Tàu) đã chìm hẳn 2 hầm hàng xuống nước, chỉ còn nổi phần ca bin, buồng lái, và tàu nghiêng trái 7 đến 8 độ.
Công tác cứu hộ hàng hóa và hút dầu từ trong tàu ra để tránh tràn dầu đã diễn ra khẩn trương. Đến 15 giờ ngày 20-8, Công ty TNHH hàng hải Sao Mai (trụ sở tại Vũng Tàu) đã hút hầu hết lượng dầu với khối lượng khoảng 170 tấn dầu FO từ trong tàu Green Viship ra ngoài. Hiện do tàu bị nghiêng, nước tại khu vực tàu chìm chảy mạnh và có giông gió lớn nên công tác hút dầu, sửa chữa tàu phải dừng lại.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 16-8, tàu Green Viship hiệu JVVR3 quốc tịch Mông Cổ có trọng tải 6.606 MT thuộc Công ty Cổ phần vận tải biển Vinashin trong quá trình rời vị trí ở vùng neo Vũng Tàu hành trình đi Indonesia đã va chạm với tàu Vinashin Pacific.
Hậu quả làm hầm số 1 của mạn phải tàu Green Viship bị rách, nước tràn vào có nguy cơ chìm tàu. Rất may không có thiệt hại về người. Thuyền trưởng tàu này đã đưa tàu vào vùng nông hơn để chống chìm và chống tràn dầu.
Theo TTXVN


Trước mùa bánh trung thu 2008: Hàng bẩn, hàng nhái vẫn nhan nhản
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang kiểm tra hiện trường sản xuất bánh trung thu
(LĐ) - Liên tục trong ba ngày (18-20.8) thanh - kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Thanh tra Sở Y tế và các đoàn kiểm tra liên ngành lại một lần nữa phải lên tiếng cảnh báo về sự vi phạm của rất nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu khi sử dụng phụ gia là hoá chất công nghiệp nguy hiểm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh bánh trung thu trên thị trường cũng lắm nhập nhằng đối với người tiêu dùng.
Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc
Qua các buổi kiểm tra, đoàn thanh tra ghi nhận thực trạng kém vệ sinh ở lò sản xuất, hầu hết nhân viên không được kiểm tra sức khoẻ, không sử
dụng bao tay khi chế biến bánh... là điều diễn ra ở 100% cơ sở mà đoàn đã có mặt. Ngoài ra, tại một lò sản xuất đường Nguyễn Siêu - Q.6 (TPHCM) đã phát hiện trong 10 loại sữa bột đang được dùng để chế biến bánh thì có đến 6 loại không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Buổi kiểm tra thứ hai tại phường 4, quận 6, ở cơ sở Đông Hưng Viên, đoàn kiểm tra còn phát hiện chủ cơ sở đã sử dụng chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp cùng một số nguyên liệu khác như bột chocolate không có nguồn gốc rõ ràng để chế biến bánh. Đó là chưa nói đến gần như tất cả các cơ sở khi đoàn thanh tra đến kiểm tra đều có điều kiện cơ sở vật chất, lò sản xuất bánh rất bẩn và chật chội.
Vẫn còn tình trạng nhái, giả nhãn hiệu
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh bánh trung thu trên thị trường còn nhiều điều đáng lo ngại. Đáng báo động là sự xuất hiện bánh giả, nhái nhãn hiệu sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng. Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, đội 2B đã kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại 2/12 Trần Não, Q.2, đã phát hiện nơi đây sản xuất bánh không công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Các loại bánh sản xuất được đóng bao bì nhãn hiệu "Trăng sáng Đồng Khánh", rất dễ khiến NTD nhầm tưởng là bánh trung thu của thương hiệu Đồng Khánh. Ngoài ra, còn có tình trạng một số nơi kinh doanh trà trộn các loại bánh nhãn hiệu khác cho người mua.
Hiện tại các khu vực quận vùng ven và Q.5, 6, Bình Chánh đã xuất hiện nhiều điểm kinh doanh bánh trung thu không nhãn hiệu với giá từ 15.000 - 35.000đ/bánh. Các loại bánh này chẳng những không nhãn hiệu, công bố chất lượng ATVSTP, mà thậm chí một số nơi còn bán bánh không có bao bì, được bán dưới dạng bánh xá. Tại khu vực Q.6, có một số lò sản xuất "chui" bằng phương pháp truyền thống, nhưng vẫn đóng gói bao bì và cả gói hút ẩm rất bắt mắt như là bánh được đóng gói qua dây chuyền công nghiệp. Mặt khác, trên thị trường còn xuất hiện bánh trung thu ngoại nhập, mà theo các cơ quan chức năng, NTD cần cẩn trọng khi chọn lựa bởi có thể có yếu tố độc hại như chất bảo quản độc, hoặc có thể biến chất hư hỏng bên trong.
T.Uyên - M.Thoa


3km đường, công văn đi ba ngày mới tới
TT - Chiều 19-8, ông Đoàn Văn Thơ - chủ tịch UBND lâm thời huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang - cho biết hơn ba tháng nay (kể từ ngày ra mắt huyện mới), các cơ quan Đảng và nhà nước của huyện rất khổ sở khi gửi công văn, thư từ tới các xã. Công văn được gửi từ trung tâm huyện đến các xã thường phải mất 2-3 ngày mới tới, kể cả xã gần nhất chỉ cách nơi phát hành công văn 3km! Không một cơ quan và người dân nào ở huyện này cầm được tờ báo trước... 15g mỗi ngày.
V.TR
Thừa Thiên - Huế: Thu hồi hơn 1.000ha đất của các dự án "bánh vẽ”
TT - Hơn 1.000ha đất bị thu hồi thuộc 29 dự án nói trên được tỉnh cấp đất từ năm 1999-2005. Không chỉ hàng trăm hecta đất cấp cho các dự án sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ buộc thu hồi, mà các dự án "bánh vẽ” ở nội thị, vùng ven TP Huế xây dựng các khu đô thị, công trình dân sinh, khu du lịch, khách sạn tỉnh cũng buộc thu hồi sau nhiều năm lãng phí quỹ đất.
ĐÌNH TOÀN
Mười ôtô đâm nhau liên hoàn, gây tắc nghẽn giao thông
TTO - Khoảng 10g ngày 20-8, một chiếc xe tải 77H-8489 chở đá granite đang đổ dốc cầu Đồng Nai về hướng TP.HCM bất ngờ tông vào xe Ford bảy chỗ ngồi 52Z-1341 rồi tiếp tục lao lên và đâm sầm vào chiếc xe khách 37N-1166. Cú va chạm quá mạnh đã đẩy xe khách thúc liên hoàn vào bảy ôtô đang dừng chờ đèn xanh ở phía trước làm những chiếc xe này bị bẹp dúm. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe 77H-8489 bỏ trốn.
H.MI
Huế : Một 'đệ tử Lưu Linh' bị vợ con xích chân
Khoảng nửa tháng nay, người dân ở khu vực 3, tổ 10, phường Kim Long (TP Huế) rất bức xúc khi thấy ông Hồ Hữu Lượng (56 tuổi), trú tại 116/2 đường Kim Long, bị vợ mình là bà Trần Thị Thu Hà (43 tuổi) sai con trai xích lại một chỗ. Vợ con ông cho rằng ông bị tâm thần, hay đi phá làng phá xóm nên phải xích lại để chữa trị. Nhưng thật ra, theo kết quả khám bệnh của bác sĩ Nguyễn Đăng Doanh, Khoa tâm thần - Bệnh viện Trung ương Huế: Ông Lượng chỉ bị loạn thần do uống rượu.
Theo Công Bình
Category: Tin tức | Views: 1491 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0