• Lê Minh
Một đoạn đường đang thi công thuộc dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM. Hình: Tuổi trẻ
Huỳnh Ngọc Sĩ và các đồng chí chưa bị lộ
• Lê Minh
Hôm
5 tháng 8, công tố viên quận hạt Tokyo đã cho lệnh bắt giam 4 quan chức
cao cấp của Pacific Consultants International (PCI) vì có liên quan đến
vụ đưa hối lộ quan chức Việt Nam qua dự án Xa lộ Đông-Tây ở Sài Gòn.
Bốn
quan chức này là Masayoshi Taga, 62 tuổi cựu chủ tịch PCI; Kunio
Takasu, 65 tuổi, cựu tổng giám đốc điều hành của PCI; Haruo Sakashita,
62 tuổi, một thành viên trong ban giám đốc, và Tsuneo Sakano, 58 tuổi
cựu giám đốc văn phòng đại diện của PCI tại Hà Nội.
Bốn vị này
bị tố là đã hối lộ một quan chức nhà nước cao cấp tại Sài Gòn ít nhất
là 2 lần với lần đầu là $600,000 đô vào năm 2003; và lần sau là
$220,000 đô vào năm 2006, tổng cộng là $820,000 đô. Số tiền này tương
đương với 14 tỷ đồng tiền VN, đã được sử dụng để hối lộ quan chức Việt
Nam, giành giật công việc tư vấn cho dự án và để “bôi trơn” trong suốt
thời gian thực hiện.
Huỳnh Ngọc Sĩ, kẻ bị báo chí Nhật nêu đích danh là nhận hơn 800 ngàn đô la hối lộ từ các nhà thầu Nhật Bản.
Được biết PCI là công ty tư vấn cho dự
án Xa lộ Đông - Tây, được chính phủ Nhật tài trợ thông qua chương trình
viện trợ phát triển ở hải ngoại. Dự án đại lộ Đông Tây có tổng chiều
dài 21 cây số với đường hầm bắc qua sông Sài Gòn, với cơ quan chủ quản
là Ủy ban Nhân dân thành Hồ, nhưng trên thực tế thì Ban quản lý dự án
Xa lộ Đông-Tây được gọi tắt là PMU (cũng lại một PMU nữa) nắm quyền
điều hành mọi công việc, kể cả công việc liên quan đến tuyển chọn thầu,
phối hợp và ký hợp đồng.
Viên chức cao cấp Việt Nam nhận số tiền
số tiền này, mà báo chí Nhật nói đến là Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở
Giao thông Công chánh thành Hồ, kiêm giám đốc ban quản lý dự án Xa lộ
Đông-Tây (PMU). Sĩ vốn xuất thân là một thanh niên xung phong (TNXP)
của lực lượng TNXP thành Hồ, từng giữ các chức vụ lãnh đạo trong lực
lượng này trước khi được đề bạt vào chức vụ hiện tại.
Vụ này đã
làm xôn xao dư luận và báo giới Nhật Bản trong thời gian vừa qua. Cơ
quan điều tra của Nhật cũng đã yêu cầu phía Việt Nam hợp tác giúp điều
tra vụ việc này.
Một số chi tiết chung quanh việc hối lộ
Theo
hồ sơ truy tố của công tố viên hạt Tokyo thì ông Haruo Sakashita đã
khai rằng chính ông ta đã nhiều lần vâng lệnh thượng cấp trao tiền cho
Huỳnh Ngọc Sĩ, trong đó 2 lần mà ông ta nhớ nhất là $600,000 đô la Mỹ
vào hạ tuần tháng 12 năm 2003 và lần khác là $220,000 vào khoảng cuối
tháng 8 năm 2005.
Thế nhưng làm cách nào các viên chức Nhật này
có thể có được những khoản tiền mặt lớn như vậy? Chính Haruo Sakashita
xác nhận rằng công ty PCI này đã rút tiền ra từ vốn thực hiện dự án để
lập ra “quỹ đen” dùng để hối lộ cũng như ăn nhậu với quan chức Việt Nam
bằng phương thức công ty PCI mẹ ở Tokyo chuyển tiền vào tài khoản của
văn phòng PCI tại Việt Nam rồi rút ra tiền mặt tại chổ để gây quỹ đen.
Một cách khác là trụ sở chính của PCI rút tiền mặt ra rồi được chính
các viên chức cao cấp của PCI đem tiền mặt qua Việt Nam. Thủ thuật lập
quỹ đen là PCI lệnh cho kế toán viên người Nhật tại văn phòng Việt Nam
là Kono Tatsushiko lập ra những hợp đồng giả để trả cho một công ty tư
vấn ảo nào đó. Do đó PCI đã lập ra công ty ma trên giấy tờ mang tên là
Business Intelligence Consultants (BIC).
Hai khoản tiền $600,000
và $220,000 là hai khoản tiền mà Haruo Sakashita nhớ rõ nhất, nhưng ông
ta cũng xác nhận rằng PCI đã nhiều lần đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sĩ với
tổng cộng khoảng 2 triệu đến 3 triệu đô. Đây cũng là số tiền tương ứng
với khoản “lại quả” 10% trên số tiền 300 triệu Yên (tương đương khoảng
27 triệu đô la Mỹ) tư vấn phí mà PCI nhận được. Món “lại quả” 10% này
là “thành quả” kiên trì điều đình của ông Tổng Giám Đốc Kunio Takasu,
vì có lần Sĩ đã vòi vĩnh đến 15% với lời hứa hẹn sẽ giao hết công việc
cho PCI.
Tại tòa chính ông Tổng Giám Đốc Kunio Takasu đã xác
nhận việc trao tiền “tận tay” giám đốc PMU Huỳnh Ngọc Sĩ vài lần để
được “tạo điều kiện, giúp đỡ” PCI trong việc trúng thầu và trong quá
trình thực hiện dự án.
Phía Việt Nam nói gì về vụ việc này?
Ngay
sau khi công tố viên Nhật cho bắt 4 viên chức của PCI thì báo Người Lao
Động có đưa tin vụ này và cũng có trích lời của Chánh văn phòng Ủy ban
Nhân dân thành Hồ xác nhận chưa hay biết về thông tin này. Nhưng ngay
sau đó tờ báo này đã gỡ bài xuống.
Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn khuyến cáo báo chí Nhật nên đi vào "lề bên phải" của Việt Nam
Sau tờ Người Lao Động thì cũng chẳng có
tờ báo nào dám đăng nữa. Sự im lặng này cũng dễ giải thích bởi vì sau
vụ 2 nhà báo bị bắt qua vụ phanh phui PMU18 thì làng báo chí đã bị trấn
áp mạnh tay, chẳng dám hó hé nữa.
Đó là báo chí trong nước,
nhưng báo chí Nhật Bản và cả thế giới tự do thì không phải “đi lề bên
phải” nên đã viết rất nhiều về vụ việc này. Chính điều này đã làm nhà
nước CSVN khó chịu, nên mới đây đảng đã chỉ thị cho thứ trưởng Ngoại
Giao Hồ Xuân Sơn lên tiếng.
Người dân Việt Nam ai ai cũng đều
biết là tệ nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam và việc “lại quả” hiện
diện trong tất cả các ngành nghề, đặc biệt là các dự án vay vốn nước
ngoài, thế nhưng Hồ Xuân Sơn lại trơ trẽn cả quyết rằng “Việt Nam quản
lý và sử dụng rất hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA”.
Chưa
hết Sơn còn đi xa hơn nữa khi yêu cầu chính phủ Nhật Bản nên khuyến cáo
báo chí Nhật “không nên đưa tin, bài về việc này và nếu có đưa tin thì
phải khách quan, theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước”. Sơn cho
rằng báo chí Nhật viết không khách quan và dọa rằng “viết như vậy không
có lợi cho hai nước Việt Nam và Nhật Bản, cũng như mối quan hệ hữu nghị
hợp tác giữa hai nước”.
Khi nói vậy, có lẽ Sơn đã quên rằng báo
chí nước ngoài và tại Nhật Bản không phải đi theo “lề bên phải” như ở
Việt Nam, và theo luật Nhật Bản thì báo chí có quyền đưa tin, nhất là
khi vụ việc đã được công tố viện đưa ra tòa án.
Nói đến việc hợp
tác với cơ quan điều tra Nhật Bản, Sơn cho rằng “thông tin mà các cơ
quan chức năng Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vẫn còn sơ sài và chưa
phù hợp với các thủ tục pháp lý của Việt Nam”, trong khi thông tin
trong bản cáo trạng do công tố viện đưa ra và lời khai của các bị can
rất đầy đủ và chi tiết.
Sơn còn quả quyết rằng ở Việt Nam “mọi
hành vi tham nhũng, đưa và nhận hối lộ sẽ bị xử lý nghiêm minh”. Ông
thứ trưởng ngoại giao này nói mà không biết ngượng, những vụ Năm Cam
PMU18, cầu Cần Thơ,.. và trăm ngàn vụ lớn nhỏ còn sờ sờ ra đó mà vẫn
cãi chầy cãi chối.
Kể cũng lạ thật, người đưa hối lộ còn biết xấu hổ, thế nhưng kẻ nhận hối lộ không biết xấu hổ lại còn vênh váo.
Ngoài Huỳnh Ngọc Sĩ Sĩ ra, còn có ai nữa?
Với
số tiền hối lộ quá lớn như vậy dư luận cho rằng chắc chắn Sĩ phải ăn
chia với các cấp trên và phải có “ô dù” lớn, bởi vì trong khi Nhật đã
bắt các quan chức đưa hối lộ và nếu đích danh Sĩ rồi mà chưa thấy báo
chí và công an Việt Nam vào cuộc.
Vả lại theo phân cấp, trên Sĩ
còn có Giám đốc Sở Giao thông Công chánh và cả bộ sậu lãnh đạo Uỷ ban
Nhân dân thành Hồ thì không thể nào việc quyết định cho công ty tư vấn
PCI trúng thầu lại là quyết định đơn lẻ của Sĩ được.
Nói theo
kiểu của ông thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn là “mọi hành vi tham
nhũng, đưa và nhận hối lộ sẽ bị xử lý nghiêm minh” thì rồi đây Sĩ có bị
đảng xử thí điểm không hay là vụ việc rồi sẽ chìm xuồng như vụ cầu Cần
Thơ, PMU18?
Có lẽ với gốc gác TNXP, Sĩ đã thấm nhuần khẩu hiệu
“Đâu cần thanh niên không có. Đâu khó không có thanh niên”, cho nên đã
“xung phong” đứng ra nhận tiền cho các sếp để giờ đây “ân hận” vì đã
“dại dột”.
Cho nên khi nói đến tình trạng tham nhũng trong hàng
ngũ của quan chức CSVN hiện nay, người dân Việt Nam mới có câu diễu
“Thưa các đồng chí chi bộ, thưa các đồng chí chưa bị lộ,...” để ám chỉ
rằng hầu hết các đảng viên đang tại chức đều tham nhũng cả. Giữa các
quan chức này, chỉ có điều khác biệt ở chỗ là kẻ “đã bị lộ” và người
“chưa bị lộ” mà thôi.
Trong khi các quan tham “chưa bị lộ” thì
sẽ “hạ cánh an toàn” còn các quan tham “đã bị lộ” thì chỉ bị “khiển
trách” thì người dân Việt Nam phải è cổ ra trả nợ cho các công trình
kém phẩm chất như thế này.
Lê Minh (22/08/2008)
|