Thứ Năm, 2024-11-21, 6:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 23 » Chuyện tưởng chỉ có thể xảy ra ở thế kỷ trước:
10:26 AM
Chuyện tưởng chỉ có thể xảy ra ở thế kỷ trước:

Người dân Thủ đô Hà Nội khát khao... ánh điện!
(LĐ) - ... Có lẽ sẽ chẳng ai tin ở thủ đô Hà Nội ngày nay, lại vẫn còn cảnh đèn dầu chong đêm của nhiều gia đình.

Leo lét đèn dầu...
Nghe những tên đồi Pheo, núi U Bò, núi Trâu Lăn, đã thấy Yên Trung cách trở. Đúng là xa xôi thật, bởi từ Hà Nội phải vượt gần 70 cây số, qua cả những đoạn đèo dốc vi vu và những khúc quành tay áo mới lên được.
Xã Yên Trung có 7 xóm thì đều có những hộ gia đình còn trông vào chiếc đèn dầu, tính ra cũng phải tới hàng trăm hộ. Trưởng thôn Hương - anh Nguyễn Văn Định cho biết: "Xóm này cách trung tâm xã chừng 4 cây số, nhưng tất cả 48 hộ - đa số là người dân tộc Mường - đều cùng thắp đèn dầu".
Ông Thực đang nối dây ắcquy để chạy chiếc quạt điện.

Anh Định cứ đay đi đay lại một nghịch lý, rằng trước 1.8, xã Yên Trung thuộc Lương Sơn của tỉnh Hoà Bình có nhà máy điện cung cấp điện cho cả nước, thế mà sang tận thế kỷ XXI lại vẫn có những xóm bản như cái xóm Hương này phải trực nhìn ánh điện nơi khác để thèm!
Sau ngày 1.8, ngành điện thủ đô đã tìm về thiết kế, khảo sát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng đã giao cho Cty điện lực HN triển khai, để tới cuối tháng 10.2008 đưa điện về cho bà con. Những công dân mới của thủ đô nghe tin đều phấn khởi đợi chờ.
Khát khao... ánh điện
Thực tế thì lưới điện quốc gia đã được kéo về tận xóm Đầm Bối, trung tâm xã, nhưng chỉ những hộ ngoài đường ven 1,8 cây số đường dây mới có điện dùng. Còn các hộ dân trong xóm khuất nẻo phải tìm đủ phương kế "cõng điện" về.
Ông Nguyễn Văn Thực - xóm Hương, sắm chiếc máy phát điện chạy ngoài bờ suối Cái từ những năm 1996, 1997 ngoài thị trấn Lương Sơn, nhưng chỉ mùa nước lớn mới đủ công suất thắp sáng 2 bóng đèn nêông. Cho tới năm 2005, nghe phong thanh là sẽ có điện kéo về, phấn khởi quá, ông mua chiếc tivi JVC 24 inch, cũng là đầu tiên của xóm. Hồi Tết năm 2006, ông thuê hẳn một chiếc máy phát điện, mất đứt 20 lít xăng để "chạy khai trương" cái tivi.
Nhưng sau đận ấy, nó lại được đóng hộp rồi cất lên gácxép. Đến tháng sáu năm nay, ông nhờ người từ Thạch Thất mang vào cho cái bình ắcquy giá 3,1 triệu đồng, chiếc tivi lại được lôi ra. Ngày nào ông cũng phải đèo chiếc ắcquy ra tận trung tâm xã sạc điện, để tối về còn có điện mà xem chương trình thời sự.
Lúc vào nhà trưởng xóm Hương Nguyễn Văn Định, cũng đúng lúc anh đang loay hoay cắm sạc điện thoại và chạy chiếc quạt điện mới mua. Nhà anh đã có điện chừng 2 tháng nay. Anh cười hỉ hả: "Gần 30 hộ dân trong xóm góp tiền, mỗi hộ 2 triệu đồng và nộp mấy cây tre mua điện từ xã Yên Quang của huyện Lương Sơn".
Mẹ anh Định - bà Nguyễn Thị Mằng, năm nay 64 tuổi, lần đầu tiên mới thấy cái tivi chiếu hết chuyện trên trời dưới biển ở trong nhà mình. Bà cũng cười để lộ hàm răng đen láy: "Có điện thì cảm thấy khoan khoái con người, khoẻ khoắn, nhà cửa sáng sủa, nấu nướng hay làm cái gì cũng tiện". Với bà, đó là một sự đổi khác thật sự mà suốt cả đời mình, bà chưa từng nghĩ tới.
Tuy nhiên, anh Định cũng cho hay, điện ấy chỉ để dành thắp sáng bóng đèn với lại xem chương trình thời sự 7 giờ tối. Nhiều lúc dòng điện chập chờn, tivi cứ hết bật lại tắt, chẳng xem nổi. Song với bà Mằng, dù điện yếu thì có vẫn hơn không.
Ở xóm Lặt, xóm Hội còn có những chuyện sử dụng điện cười ra nước mắt. Trưởng xóm Lặt Nguyễn Văn Hạnh tiếp khách mà mặt cứ rạc đi vì oi gắt: "Xóm này có 116 hộ thì 95 hộ mua điện với giá 1.400 đồng của cả 2 xã Yên Trung và Yên Quang (Hoà Bình), nhưng muốn xem được tivi phải chờ tới 9-10 giờ đêm".
Những điều khó tin đó vẫn là chuyện thường ngày ở Yên Trung.
Giang Hải

Thứ Sáu, 22/08/2008, 22:45 (GMT+7)
Thanh Hóa: Hỗ trợ dầu thắp sáng cho đồng bào dân tộc
TTO - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Chu Phạm Ngọc Hiển vừa ký quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ dầu hoả thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi chưa có điện lưới trong năm 2008, tại các huyện sau: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành và Tĩnh Gia.
Theo đó, mức hỗ trợ bằng tiền tương đương 5 lít dầu hoả/hộ/năm. Tổng số hộ ở các huyện nêu trên thuộc diện hỗ trợ là 19.214 hộ; tổng lượng dầu hỗ trợ là: 96.070 lít, với tổng kinh phí hỗ trợ năm 2008 là 1.959.828.000 đồng.
HÀ ĐỒNG

Dân khốn đốn vì cắt nước bất thình lình
Hơn mười ngày nay, nhiều hộ dân ở phố Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) sống trong tình trạng khô khát vì nước cắt mà không hề có thông báo.

Chiều 21/8, vừa đi làm về anh Trần Chung (số 8, ngách 18/139 Khương Thượng) thay vội bộ quần áo ở nhà, xách chiếc xô 20 lít sang bể giếng khoan nhà hàng xóm xin nước. Trong nhà anh, nước được tích trữ trong đủ loại xô chậu lớn bé nằm rải khắp sàn. Số nước này sạch này chủ yếu dùng để nấu nước uống, nấu ăn. Việc tắm giặt tại nhà bỗng trở thành một nhu cầu "xa xỉ".
Bên cạnh nhà anh Chung, bể chứa nước 2 m3 trước sân của gia đình bà Nguyễn Thị Nhâm đã khô cạn nhiều ngày nay, lộ rõ lớp kết tủa màu vàng dưới đáy bể. Để đối phó với tình trạng mất nước liên tục, mẹ con bà đã nghĩ ra "sáng kiến". Nhân trận mưa lớn cách đây vài hôm, con trai bà khoét đoạn ống dẫn nước mưa từ tầng hai rồi nối vào chiếc vòi nhựa cho nước chảy vào bể dưới sân.
Nhờ đó, mấy ngày nay mẹ con bà chưa phải xách xô sang hàng xóm xin nước. Bà cụ gần 80 quê xứ Nghệ còn móm mém pha trò, sau mấy chục năm ra Hà Nội, bà lại dùng nước mưa như hồi còn ở quê.
Nguyễn Hưng

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần minh bạch hơn
(LĐ) - Thượng nghị sĩ Mỹ Richard - thành viên cấp cao của Uỷ ban Ngân hàng, Nhà ở và các Vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ - đang ở thăm Việt Nam (VN). Sáng 22.8, ông đã đánh cồng mở cửa thị trường chứng khoán (TTCK) VN và gặp gỡ các quan chức của TTCK.
"TTCK VN cần được điều hành tốt hơn và hoạt động minh bạch hơn, ở bất kỳ nơi nào cũng vậy" - ông Shelby phát biểu trong cuộc gặp gỡ nhanh với giới báo chí sáng 22.8.
"TTCK VN còn mới so với các nước trong khu vực. Khi nền kinh tế mở hơn thì cần thu hút đầu tư của mọi người và các công ty. Nước nào có nền kinh tế thị trường cũng cần TTCK".
Ông nhấn mạnh, TTCK VN - cũng như các nước - đang diễn ra tình trạng lúc lên lúc xuống, nhưng "TTCK không dành cho những người muốn làm giàu nhanh mà cho đầu tư lâu dài, vững chắc".
Trong khi kinh tế thế giới ngày càng gắn kết với nhau, kinh tế VN cần hội nhập hơn nữa - ông nói.
Đây là lần thứ tư ông Shelby đến VN kể từ sau lần đầu tiên năm 1993. Ngoài ưu thế là một dân tộc năng động - VN đã có những thay đổi to lớn và tích cực mà ông Shelby đã tận mắt chứng kiến, đó là nền kinh tế mở hơn, người dân tham vọng hơn, mức sống tăng cao hơn, kinh tế VN hội nhập nhiều hơn với thương mại và kinh doanh quốc tế, do vậy sự tăng trưởng sẽ còn lớn hơn nữa.
Ông nói: "Tôi sẽ nói với mọi người Mỹ rằng, về lâu dài VN sẽ là địa điểm đầu tư tốt của người Mỹ. Ngược lại, tôi cũng muốn VN coi Mỹ như vậy. Đó là con đường hai chiều. Khi hai nước mở cửa với nhau sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn cho cả hai bên".


Trắng tay khi sắp thành “triệu phú”
Nước mắt người trồng rừng ở Vũ Quang liên tục nhỏ xuống khi những vườn keo bạt ngàn mà họ dày công chăm sóc hàng chục năm qua bỗng chốc... bốc hơi. Từ chỗ sắp trở thành “triệu phú”, họ bất lực nhìn tài sản của mình bị triệt hạ, mất trắng.

Được sự hỗ trợ nguồn vốn từ dự án 327, từ năm 1994, nhiều hộ dân ở Vũ Quang, Hà Tĩnh háo hức rủ nhau trồng rừng với hi vọng đổi đời. Trớ trêu thay, khi những cánh rừng keo đến kỳ thu hoạch cũng là lúc các chủ rừng trắng tay vì đạo chích liên tục viếng thăm.

Tại tiểu khu 140, khu vực Vườn quốc gia Vũ Quang vào thời điểm chúng tôi có mặt cũng là lúc đạo chính tàn phá mạnh nhất. Những cánh rừng bị đốn hạ, những vết cắt, dấu trâu kéo đang còn rất mới. Cây to đổ xuống đè cây nhỏ, hơn 50 ha rừng nguyên liệu của khoảng 20 hộ dân đang xanh tốt hôm trước, hôm sau đã trở thành bãi đất hoang.

Đứng nhìn vườn tràm chỉ còn trơ lại gốc có đường kính trên 30cm đều bị bọn trộm chặt, ông Phạm Văn Hoà (Thị trấn Vũ Quang) ngao ngán: “Bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra, cuối cùng mất sạch”. Hộ ông Hoà có hơn 8 ha toàn trồng keo có độ tuổi trên 10 năm. Chỉ trong thời gian ngắn phân nửa số đó đã theo chân đạo chích. Số còn lại cũng có nguy cơ mất nốt khi nạn trộm cắp chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chung cảnh ngộ với ông Hoà là hàng trăm hộ dân trồng rừng khác ở Vũ Quang. Đa số các chủ rừng nói trên đều thuộc diện hộ nghèo, bao nhiêu vốn liếng đều đổ hết vào rừng chờ ngày thu hoạch. Thậm chí nhiều nhà còn vay mượn thêm để đầu tư mua cây giống, phân bón, thuê nhân công... giờ mất trắng không biết bấu víu vào đâu.

Qua tìm hiểu, thủ phạm chặt phá rừng trồng của người dân Vũ Quang là những kẻ đạo chích bản địa, trong số này có nhiều kẻ côn đồ, hung hãn. Bọn chúng chủ yếu tiến hành cưa trộm rừng vào ban đêm nhằm tránh sự bắt gặp của chủ rừng. Gỗ được cưa khúc sau đó vận chuyển bằng trâu, người vác nên rất khó phát hiện.

Người dân Vũ Quang phản ánh, nhiều tên đạo chích có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ cơ quan chức năng nên “coi trời bằng vung” ra sức lộng hành. Khi bị chủ rừng phát hiện, thay vì trả lại gỗ, bọn đạo chích còn quay lại đe doạ đòi đánh.


Thợ rửa xe giết cả nhà chủ đã thú nhận khai man
Vừa bắt đầu phiên toà, hung thủ tuổi 15 lại ngọt nhạt xin lỗi… toà vì đã khai man việc có đồng phạm khiến vụ án phải điều tra lại từ đầu. Tuy nhiên, chưa qua phần thủ tục, phiên xử lần thứ 4 lại phải tạm hoãn, lý do từ phía bị hại.
Lê Ngọc Chung lần thứ 4 bị... xử hụt

Chủ toạ vừa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, Lê Ngọc Chung lập tức xin có ý kiến. Hung thủ tuổi học trò, cầm dao hạ sát 5 người ở cửa hàng rửa xe 888 Minh Khai, làm 3 người tử vong, tiếp tục “diễn” vai thỏ non: “Trước hết, con xin được gửi lời xin lỗi quan toà”.
Không giấu vẻ gay gắt, vị chủ toạ thẳng thừng: “Đừng quay quắt thêm nữa. Bị cáo xin lỗi vì đã khai man, đã gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, đã đòi lật tung lại vụ án, kéo dài thời gian điều tra?”. Sát nhân gật đầu xác nhận đã bịa ra chuyện có đồng phạm, cùng tổ chức, gây ra vụ giết người kinh hoàng tại phiên toà lần thứ 3 (ngày 22/2/2008).
Chính vì lời khai này của Chung, toà đã phải tuyên trả hồ sơ, điều tra lại từ đầu. Bị cáo còn đặt điều kiện, chỉ khai toàn bộ trước điều tra viên đã thụ lý vụ án này từ đầu.
Cho đến nay, sau khi điều tra lại, cáo trạng truy tố bị cáo không có gì thay đổi. Cơ quan điều tra đã khẳng định Lê Ngọc Chung phạm tội độc lập, một mình, tự chuẩn bị dao, ngắt điện chiếu sáng, điện thoại rồi lên từng tầng giết cả nhà gia chủ. Việc này cũng phù hợp với những dấu tích để lại hiện trường.
Tại phiên toà lần thứ 4, sát thủ chưa đầy 16 tuổi lại thẳng thừng từ chối việc được chỉ định luật sư bào chữa theo quy định của pháp luật dành cho trường hợp người chưa thành niên phạm tội.
Tuy nhiên, phiên toà lại thêm một lần nữa bất thành vì sự vắng mặt của phía gia đình bị hại. Cả 2 thành viên đại diện cho gia đình tham gia tố tụng: chị Trần Thị Nguyệt Nga (người trực tiếp lĩnh nhiều nhát chém của Chung) và ông Đỗ Văn Duy (có vợ, con trai và 1 cháu nội đã mất mạng trong vụ án) đều có đơn xin hoãn toà vì ốm.
Phiên toà sẽ được mở lại, lần thứ 5, vào ngày 8/9 tới.
Theo P.Thảo


Bán cả con ruột lẫn cháu ngoại vào động mại dâm
- 18 năm tù là mức án TAND tỉnh An Giang vừa tuyên phạt Nguyễn Thị Đẹp hôm 20/8 về hành vi buôn người, kẻ đã nhẫn tâm bán cả con ruột lẫn cháu ngoại vào động mại dâm ở Campuchia, cùng nhiều phụ nữ khác.
Hai kẻ “buôn người” này gồm mẹ vợ và con rể đã rắc tâm bán con em của láng giềng, thậm chí, chúng còn đưa cả con và cháu ruột của mình vào động mại dâm.
Đầu năm 2005, Nguyễn Thị Đẹp (sinh năm 1953, ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa, Châu Thành) nhờ một phụ nữ ở cùng xóm đưa con gái Võ Thị Th. (sinh năm 1984) sang Campuchia làm tiếp viên quán bia. Sau Đó, Đẹp sang chỗ con gái làm việc, biết được nơi đây là động mại dâm.
Lẽ ra, khi biết con gái bị rơi vào cạm bẫy nhơ nhuốc, người mẹ sẽ tìm cách cứu con. Tuy nhiên, Đẹp lại chủ động gặp “tú bà” Thanh để "hợp tác" đưa phụ nữ sang cho Thanh để được trả công mỗi người 500.000 đồng.
Sau đó, Đẹp về nhà bàn với con rể Trương Ngọc Luận lừa nhiều phụ nữ và trẻ em đưa sang Campuchia, bán vào động mại dâm tú bà Thanh. Trong số các nạn nhân, có Trương Ngọc L. (14 tuổi) là con ruột của Luận và là cháu ngoại của thị Đẹp.
Đẹp nhận được sự giúp sức đắc lực của con rể Trương Ngọc Luận trong việc đi “săn” những cô gái ở vùng thôn quê đang thất nghiệp, thiếu cảnh giác để lừa và nói dối đi giúp việc với thu nhập cao.
Khi có được "con mồi", Luận chở về nhà, cùng mẹ vợ tìm cách đưa sang Campuchia, bán vào động mại dâm tú bà Thanh lấy tiền.
Để ràng buộc, Đẹp còn ép buộc các nạn nhân phải mượn vài trăm USD của tú bà Thanh để trả tiền xe cho thị và gởi về nhà. Các nạn nhân bị mắc nợ tú bà nên bị ép buộc bán dâm… không công.
Hành trình buôn người
Sau khi từ Campuchia về, Đẹp làm quen và dụ dỗ Nguyễn Thị B. L. (sinh năm 1983, ngụ ấp Bình Hòa I, xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) nói đến cảng Phun-Sôm (Campuchia) bán quán. Đẹp thuê xe ôm chở thị và B. L. đến cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), điện thoại cho tú bà Thanh nhờ người đưa qua trạm kiểm soát biên giới.

Đến nơi, Đẹp kêu B. L. mượn tiền của tú bà trả cho thị 95 USD và 100.000 đồng tiền xe.
Ngoài ra, Đẹp được tú bà trả tiền công 500.000 đồng, còn B. L. bị ép bán dâm không công.
Cũng với chiêu này, Đẹp đã lừa và đưa Nguyễn Thị Th. H. (sinh năm 1990, ngụ xã Vĩnh Thành, Châu Thành) sang Campuchia, bán vào động mại dâm tú bà Thanh lấy 100 USD và nhận tiền công 500.000 đồng. Lừa và đưa chị Nguyễn Thị Ph. D. (sinh năm 1983, mợ dâu của Th. H.) vào động mại dâm của tú bà Thanh.
Tháng 10/2006, Đẹp kêu con rể Trương Ngọc Luận đến xã Bình Phú, huyện Phú Tân, dụ dỗ Phan Thị L. Q. (sinh năm 1982) nói đưa lên Hà Tiên bán quán kiếm nhiều tiền. Luận và mẹ vợ đưa L.Q. sang Campuchia, bán vào động mại dâm của tú bà Thanh.
Đến tháng 12/2006, Đẹp và Luận đã lừa đưa thêm Huỳnh Thị K. Ch. (sinh năm 1990, bạn của Phan Thị L. Q.) và một phụ nữ tên Trúc (Bình Hòa, Châu Thành) sang Campuchia bán.
Sau gần một năm bị ép bán dâm không công, ngày 20/5/2005, Nguyễn Thị B. L. được người đàn ông Nhật Bản cho 700 USD để trả nợ cho tú bà nên được tự do về nước. Còn Phan Thị L. Q. cho biết, khoảng 12/2006, cảnh sát Campuchia triệt xóa động mại dâm của tú bà Thanh, chị chạy thoát và trốn về Việt Nam.
Sau đợt truy quét tệ nạn xã hội, ngày 25/7/2007, cảnh sát Campuchia đã trao trả cho phía cơ quan chức năng tỉnh An Giang bốn phụ nữ là nạn nhân bị Đẹp và Luận lừa bán sang Campuchia.
Các nạn nhân đã tố cáo Đẹp và Luận đã lừa bán họ sang Campuchia và bị ép buộc làm gái mại dâm. Ngay lập tức, Đẹp và Luận bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố hình sự và bắt tạm giam.
Bán cả con ruột vào động
Sau hai năm bị rơi vào tay tú bà Thanh và bị ép bán dâm, khoảng tháng 12/2006, Võ Thị Th. bỏ trốn về Việt Nam. Vừa về đến nhà, Th. đã bị mẹ ép quay lại nơi cũ. Nguyễn Thị Đẹp nhờ con rể chở thị và Th. lên biên giới Hà Tiên và tìm đường sang Campuchia. Đến nơi, Th. mượn 100 USD đưa cho mẹ. Đẹp lạnh lùng ra về, bỏ con gái ở lại bán dâm để trả nợ.
Chưa hết, Đẹp còn đưa đứa cháu ngoại (Trương Ngọc L. 14 tuổi) sang Campuchia để bán trinh và bán dâm ở động tú bà Thanh.
Đến nơi, tú bà Thanh nói, phải có sự đồng ý của mẹ ruột Trương Ngọc L. mới nhận. Đẹp điện thoại kêu con gái Võ Thị Thủy (mẹ ruột Trương Ngọc L.) lên Hà Tiên để sang Campuchia giao con vào động mại dâm.
Thủy nhận của tú bà Thanh 200 USD và 100.000 đồng rồi lạnh lùng ra về, bỏ lại đứa con gái mới 14 tuổi ở lại “hành nghề” trong động mại dâm trên đất khách quê người.
Ngày 20/8/2008, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã đưa ra xét xử công khai vụ án “mua bán phụ nữ và trẻ em” trước sự phẫn nộ của quần chúng. Trong số các nạn nhân và người thân có mặt tại tòa, Võ Thị Thuỷ đã xin Hội đồng xét xử giảm án cho mẹ. Còn Trương Ngọc L. nói, tự nguyện xin cha mẹ đi… bán dâm và tự nhận trách nhiệm để cha và bà ngoại bớt tội.
Tuy nhiên, trước chứng cứ không thể chối cãi, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Thị Đẹp 18 năm tù (10 năm tù về tội mua bán trẻ em, 8 năm về tội mua bán phụ nữ), Trương Ngọc Luận 6 năm tù về tội mua bán phụ nữ.
Phương Nam
Category: Tin tức | Views: 1081 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 74
Khách: 74
Thành Viên: 0