Chủ Nhật, 2024-12-22, 1:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 23 » Giặc giã là ai?
10:44 PM
Giặc giã là ai?
1.  Từ những chuyện nổi loạn của dân oan Việt Nam:

Từ bao đời nay, người dân Việt Nam vốn nổi tiếng là cần cù chịu khó, chân chỉ, hạt bột, trong giao tiếp luôn lấy câu cửa miệng của ông bà để lại để tự răn mình: "một sự nhịn là chín sự lành". Họ sẵn sàng nhường nhịn, chịu đựng, và luôn tìm cớ để biện hộ cho hành vi nhịn, nhục của mình. Sự nhường nhịn dường như đã thành bản chất cố hữu, thành phép tắc căn bản trong ứng xử riêng của mỗi người. Thậm chí cao hơn sự nhường nhịn là chịu đựng.  Chịu đựng để giữ lấy nếp nhà, để không vì việc nhỏ mà hỏng việc lớn, để không vì chuyện của mình mà phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, với lãnh đạo xóm, thôn v.v ... Chịu đựng, theo suy nghĩ đơn giản, thô mộc của họ- là cái gốc của điều thiện, là sự chia sẻ với những khó khăn của làng nước, cao hơn nữa là cấp xã, huyện tỉnh, trung ương. Sự chịu đựng của họ bao nhiêu năm qua, đặc biệt trong thời kỳ "chống Mỹ, cứu nước" cũng như xây dựng, kiến thiết trong thời bình đã chứng tỏ họ là những con người thật sự cao cả, biết hy sinh, sẵn sàng bỏ qua những sai lầm của lãnh đạo đảng và nhà nước để luôn tin tưởng vào các chính sách của chính phủ ban hành, từ thuế má, ruộng đất, chế độ v.v  Song con giun xéo mãi cũng phải quằn, kể từ khi đời dân có đảng là đồng nghĩa với đời dân...đáng cỏ hoặc đáng...củ (!) Khi đảng hô lấy dân làm gốc, thì gốc nào có củ to được đảng tận dụng triệt để, moi hết củ rồi, dân chỉ còn trơ gốc, lại tiếp tục cặm cụi một nắng, hai sương, bỏ phân, nhổ cỏ, chờ vụ mùa mới tốt tươi, ra hoa, tạo củ, mời đảng xơi...Cả trăm nghìn cán bộ ngồi trên đầu dân, bòn rút công sức của dân qua hàng chục thứ thuế. Từ nông nghiệp, cầu đường, thuỷ lợi, giao thông, phụ nữ, thanh niên...đủ hết. Vậy mà vẫn không yên, giấc mơ đánh giặc xong trở về với mái nhà, luống cày của mình, ngày ngày chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa, đã vĩnh viễn không còn là hiện thực...Để thực hiện chính sách cai trị ác độc của mình, đảng đã ra cả một chiến dịch cướp đất, xúc dân để bán lại cho các ông chủ người Tàu, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản v.v với giá đền bù vô cùng rẻ mạt...một mét đất đồng bằng châu thổ, bờ xôi ruộng mật (Thái Bình, Bắc Ninh, Tiền Giang v.v đổi bằng một bát phở (15.000 VND) còn miền núi, trung du (Hoà Bình, Lâm Đồng) đổi bằng một chiếc bánh mỳ (2.000 VND)... Trong khi đại bộ phận nông dân nghèo đi, thì tầng lớp cán bộ xã lại giàu lên trông thấy, vì hiện tượng đục nước bèo cò, té nước theo mưa, dậu đổ bìm leo, cố tình vào hùa với cái ác, cái xấu, cái sai của tầng lớp lãnh đạo đảng, lãnh đạo trung ương để mua rẻ, bán đắt, cướp trắng của bà con hàng nghìn ha đất (bên cạnh những ha đất bị tịch thu trong diện quy hoạch, giải toả). Con giun xéo mãi cũng phải quằn, không thể làm thân phận giun dế mãi được, họ phải vùng lên với tất cả sức mạnh tiềm tàng, quật khởi của mình, để dạy cho lũ đầu trâu, mặt ngựa từ thôn, xã đến trung ương một bài học nhớ đời.
 
 Bà con cả nước phẫn nộ tụ tập trước cửa toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang sau phiên toà xử "vụ trộm" cổ vật ngày 22- 6-2006.  Ảnh do dân oan Bắc Giang cung cấp.
Xin dẫn chứng một số vụ điển hình  sau:
Đêm 18-01-2008, tại thôn Roi Sóc (xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) khoảng 700 người dân trong xã kéo đến nhà ông Lê Nguyên Doanh – Bí thư chi bộ xã, ném gạch, đập phá. Nhận được tin báo, công an huyện Từ Sơn đã huy động hai xe cảnh sát cơ động 113 với lá chắn, áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm đến để giải vây cho ông Doanh, nhưng tất cả đều tan tác bởi những trận bão gạch của người dân. Hơn 10 cảnh sát đã bị thương, máu chảy xối xả, đầm đìa trên đầu, trên mặt, vì mũ bảo hiểm không thể nào chống trả nổi những viên gạch ném ra từ bụi rậm, bóng tối quanh nhà.  Kết cục, ông Doanh và gia đình đành phải "bỏ của chạy lấy người", để mặc đám đông đập phá tài sản trong nhà, cố kiết bơi qua vũng ao tù nước đọng, để  thoát hiểm ra ngoài, hòng tránh trận cuồng phong, khói lửa của cả 700 người dân trong xã.

Những ngày tiếp theo, cho dù vẫn dùng lực lượng công an vây giáp, sẵn sàng bắt đi những con người quả cảm, với tội danh "phá rối trật tự công cộng hoặc "chống người thừa hành công vụ", nhưng hầu như nhà của tất cả các vị lãnh đạo thôn, xóm trong xã, từ cán bộ địa chính, ban giải phóng mặt bằng, hay phó, chủ tịch xã...đều bị ném gạch. Cứ  tối đến là người dân đánh kẻng ầm ầm, và năm, bảy trăm người của 3 thôn Roi Sóc, Phù Lộc và Rích Gạo trong xã tập trung lại, tổ chức từng đoàn xe máy, cho gạch đá vào bao tải rồi chở đến đầu ngõ nhà cán bộ và những người đã nhận tiền đền bù. Bao nhiêu trai tráng trong làng, cả học sinh cấp II, cấp III, bảo nhau đội mũ bảo hiểm, rồi hò nhau ném gạch vào những "mục tiêu" đã chọn. Hết gạch, "tổ phục vụ" bao gồm hàng chục phụ nữ bịt mặt, choàng khăn kín đầu, cổ, chỉ hở hai con mắt lại bê gạch đến để cánh trai trẻ trong làng ném tiếp. Những trận mưa gạch kéo dài hết đêm này sang đêm khác, làm đám cán bộ thôn, xóm, xã sợ vãi... linh hồn, buộc phải sơ tán vợ con đi nơi khác, không dám ho he một lời.

Từ chập tối đến tinh mơ mờ đất, bị tra tấn trong tiếng reo hò, hô hét, đả đảo khích bác, nguyền rủa và những trận mưa gạch, đá ùng oàng dội xuống, chưa kịp  hoàn hồn để có thể ngủ lại, thì 8 giờ sáng, toàn bộ hệ thống lãnh đạo thôn (trưởng thôn, kế toán, thủ quỹ) đều bị mời ra đình, bắt công khai những khoản thu chi, đặc biệt là diện tích đền bù đất đai của dự án ViSip (hợp tác Việt Nam–Singapore) không trừ một ai. Kế toán Nguyễn Thị Thi ( thôn Roi Sóc) cáo bệnh, xin được ở lại nhà, lập tức bị hàng chục người dân xông vào khênh lên cáng, khiêng ra đình để trả lời những câu hỏi của người dân. Hết ngày này sang ngày khác, cho đến khi sự thật được sáng tỏ mới thôi. Trưởng thôn Roi Sóc – Vũ Văn Nam bị cả trăm con người phẫn nộ xông vào đánh đập, ru đẩy, chửi rủa,  đến mức gãy xương đùi, rạn xương chậu, gãy 4 răng cửa, phải nhờ lực lượng bảo vệ của chính quyền áp tải vào điều trị dài ngày tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Hơn nửa năm trời, (từ cuối tháng 1-2008 đến nay) không dám bén mảng về làng.

Trước tình hình đặc biệt nghiệm trọng đó, các lãnh đạo còn lại, không ai dám ra điều trần trước dân, phải  bí mật bỏ trốn khỏi làng, cách xa cả nghìn km  để đảm bảo an toàn tính mạng.  Cho đến thời điểm này (8-2008), cả xã Phù Chẩn vẫn trong tình trạng không thể kiểm soát. Bão động đầy trời, lòng dân quá hờn căm, bất kể lý do gì cũng khiến họ manh động, thổi bùng ngọn lửa căm thù, uất hận vẫn đang âm ỉ cháy trong họ, kể từ ngày có đảng (đáng cỏ) đến nay. Riêng đám lãnh đạo từ thôn đến xã đều hoảng sợ...phải ra đi đầu không ngoảnh lại, mặc sau lưng thương tiếc đong đầy(!)

Sự việc của xã Phù Chẩn, tỉnh Bắc Ninh chưa qua, thì ngày 9 tháng 5-2008, cả nghìn người dân của thôn Mi Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh  Bắc Giang tràn vào trụ sở của công ty Bao bì Hoa Hạ - thuộc khu công nghiệp Đình Trám - để phản đối công an Việt Nam cũng như những ông chủ người Trung Quốc, vì đã dám coi thường tính mạng người dân, bóc lột họ kiệt quệ qua chế độ  nhân công rẻ mạt còn cố tình xúc phạm cả thân thể và nhân cách họ, khi vì điều kiện lạm phát chóng mặt ở Việt Nam, đồng lương không đủ sống mà phải cử đại diện để lên gặp giám đốc, đề đạt  nguyện vọng, tăng mức lương tối thiểu từ 35, 45 USD / tháng thành 50, 60 USD/tháng . Không những không tiếp nhận yêu cầu chính đáng của họ, tên giám đốc người Tàu còn đối xử hết sức thô bạo, tục tằn, trịch thượng. Cụ thể một nữ công nhân 20 tuổi đang mang thai bị chủ cầm thanh sắt dài hơn một mét thục vào cằm, vừa thục, vừa xỉ nhục bằng những ngôn từ tục tĩu, thoá mạ, trong khi 4 công an Việt Nam đứng ngây như tượng gỗ...Tức nước vỡ bờ, chỉ sau một cú điện thoại gọi về làng, hay gọi về phân xưởng, cả trăm công nhân bảo nhau đình công tại chỗ, dừng làm việc cho giới chủ cho đến khi nào các yêu sách được chấp thuận. Cả nghìn người dân của hai xã Hoàng Ninh và Nội Hoàng (nơi có số lượng công nhân làm việc đông nhất) cùng ùa vào phản đối, gây ra một cuộc bạo động, xô xát chừa từng thấy trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam. Cuộc bạo động giữa người bị trị và kẻ cai trị...Trụ sở bị bao vây, máy fax, điện thoại di động trong phòng giám đốc bị đập tung, máy móc trong  phân xưởng bị đập phá. Phía công an Việt Nam, dù đã gọi cảnh sát cơ động 113, điều hơn 100  tên công an huyện, tỉnh cùng cánh công an bạn để giải vây, trấn áp, cũng không thể nào xoay xoả trong làn sóng bừng bừng phẫn nộ của cả nghìn người, thuộc hai lực lượng công nhân và nông dân. Kết quả 34 người làng bị thương, 18 công an đổ máu, sau khi đã cố bắt đi  60 người, bảo vệ cho giám đốc chạy trốn khỏi trụ sở...

Hiện tại, sau 36 ngày cầm cự: Rào làng kháng chiến, đánh kẻng báo động mỗi khi giặc đảng, hoặc chó săn của đảng đến, đào giao thông hào quanh làng (chiều rộng 2 mét, sâu 1mét) chặn ô tô công an, ô tô của chủ  Đài Loan thuê vào đổ đất làm sân golf, cũng như ô tô của giám đốc công ty bao bì Hoa Hạ, đồng thời dựng lều, lập chốt canh gác ngay đầu làng cũng như trước cổng công ty, bắt  chủ công ty phải trả lại đất cho người dân trong thôn v.v... phong trào "công nông minh kết hợp" của bà con Mi Điền đã hoàn toàn bị dập tắt. Kẻng báo động bị công án lén tháo dỡ trong đêm, đón 3 đại đội quân đội tràn vào làng, đuổi người dân ra khỏi cổng trụ sở công ty cũng như các chốt canh đầu làng, nhổ hết lều cọc của bà con chặn ngay lối vào làng, san bằng hệ thống giao thông hào, vận động công nhân trở lại làm việc...hòng đập tan âm mưu nổi loạn trong lòng người dân Mi Điền, song ngọn lửa đã bùng lên một lần không dễ gì bị dập tắt. 14 con người kiên cường trung dũng của làng bị bắt giam tại trại Kế - một trại độc ác khét tiếng của Việt Nam với giai thoại "cơm bi, nước cống", gồm: Thân văn Liền (đội 7), Lê văn Khiêm (đội 3) Phùng văn Lập (đội 4) Thân văn Chuân (đội 4) Thân văn Bình (đội 4), Thân văn Tiễn (đội 3), Ngô văn Xuân (đội 2), Nguyễn văn Sinh (đội 2), Nguyễn văn Dân (đội 5),  Thân văn Duy (đội 6), Lê văn Tưởng (đội 7) v.v công an huyện Việt Yên còn bắt thêm người "cầm đầu" phong trào là anh Nguyễn văn Bình (đội 3) và tiến hành tra khảo thêm hàng chục đối tượng dân làng cũng như anh chị em trong khối dân oan, dân chủ khác. Song  kỷ niệm hào hùng của 36 ngày đêm lập chốt, giữ làng, đuổi giặc đảng, giặc tàu ra khỏi địa phận làng cùng nỗi đau của những người còn đang bị bắt nhốt, tra tấn trong tù, sẽ bùng lên, kêu gọi bà con đứng bên nhau quật khởi một ngày, khi thời cơ đến...
 
Trại giam Kế (Bắc Giang), nơi đang giam giữ 15 người con của quê hương Mi Điền.
Ảnh do người dân Mi Điền cung cấp.
Tình hình  bà con phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình cũng vậy. Vốn đi đầu trong thành tích đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xong trong hoà bình, lại luôn bị rơi vào quên lãng, phải thắt lưng buộc  bụng nuôi một lũ sâu mọt ăn dân, hại nước, vì thế không biết bao nhiêu đơn từ kiện tụng nảy sinh, không những không giải quyết dứt điểm để yên dân, chúng còn tổ chức bắt cóc người làm đơn tố cáo và đứng đầu hội chống tham nhũng của Thái Bình là ông Phạm Trung Phồn, khi ông đang tập thể dục lúc 5 giờ sáng. Không thể để bọn giặc đảng bắt người của mình một cách dễ dàng đơn giản và lật lọng như vậy được, nhóm bà con cùng tập thể dục với ông liền loan báo thông tin ra toàn thành phố, thế là một bảo hai, hai bảo năm, năm bảo mười, tất cả cùng kéo đến bắt cóc cả xe ô tô chở ông Phồn cùng toàn bộ đám giặc đảng vào trụ sở uỷ ban nhân dân xã Tiền Phong. Từ đó (ngày 11-5-2008) hơn hai tháng trời bà con ngày 3 bữa đem cơm đến uỷ ban phường để nuôi ông Phồn, biến trụ sở uỷ ban phường thành nơi đấu tranh trực diện với lãnh đạo đảng và bè lũ  tay sai. Sự việc càng nâng lên đỉnh điểm khi 4 giờ sáng, hai người của phường Tiền Phong là anh Lê văn Hạnh và chị Nguyễn thị Hiền, người cởi trần, người mặc quần áo ngủ trong nhà, bị công an đem còng số 8, kìm cộng lực, dùi cui vào tận nhà bẻ khoá cổng, đọc lệnh bắt đi...Thế là như một giọt nước làm tràn cả cốc nước căm thù uất hận đầy ứ trong lòng dân, gần một nghìn người của phường lại ào ào kéo đến ngồi bệt ăn vạ, biểu tình bất bạo động. Bao nhiêu xoong nồi, gạo nước, bát đũa, củi đuốc được vận chuyển đến nấu nướng ăn, ngủ tại chỗ...làm mọi hoạt động của uỷ ban trong hơn hai tháng trời bị tê liệt hoàn toàn .

Cố cùng liều thân, ngày 25-7/2008, cả trăm công an huyện, tỉnh được tăng cường về để...giãn dân, bắt ông Phồn về nhốt vào nhà giam của tỉnh. Như nước vỡ bờ, cả trăm con người đứng chờ nơi công an giải ông Phồn đi qua, đã âm thầm chuẩn bị gạch đá từ trước, xếp đầy hai dọc đường đi, suốt chiều dài 1,5 km...Cả một trận mưa gạch, bão đá dồn xuống lực lượng công an, khiến 7 thằng bị thương, máu me toé xuống mặt, xuống cằm...Để trả thù, chúng lấy cớ bắt đi 10 người bị coi là cầm đầu cuộc biểu tình với tội : "Chống người thừa hành công vụ". Cố tình làm cho khí thế của bà con phường Tiền Phong phải ...hy sinh anh dũng trong sự chỉ đạo của lũ lãnh đạo cộng sản từ trung ương tới địa phương(!).
 
 Công an áp giải "bị cáo" về trại giam". Ảnh do dân oan Thái Bình cung cấp.
2. Thay lời cảnh báo:
 
Cái gì phải đến sẽ đến, người xưa dạy: "Giặc giã là ai, giặc giã là dân đấy, nuôi dân không đủ thì dân thành giặc". Người nông dân Việt Nam với bản tính cần cù, đảm lược, không cần đảng và nhà nước nuôi họ mà ngược lại, bản thân họ phải è cổ nuôi cả một bộ máy cồng kềnh, ăn hại của đảng và nhà nước...cường hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cái thời lấy dân làm gốc, làm củ đã qua rồi, lòng dân bị xéo mãi rồi sẽ không thể quằn được nữa, sẽ vùng lên chống đảng một ngày, với vũ khí thô sơ của mình là...lấy dân làm guốc, làm quả đấm, làm gạch đá chống lại dùi cui, roi gân bò, còng  xích của đảng. Phản dân là chết, sóng to, lũ lớn tràn bờ,  dìm con thuyền "định hướng" cùng cả bè lũ giặc đảng xuống tận 9 tầng đất đen, để độc lập, dân chủ - hoà bình và tự do mãi mở ra trong  mảnh đất cằn cỗi, hoang hoá bao nhiêu năm vì độc tài gian dối này.

© 2008 www.danchimviet.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 941 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0