Thứ Năm, 2024-03-28, 8:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 23 » TRÒ CHUYỆN VỚI NỮ ĐẠO DIỄN SONG CHI
10:57 PM
TRÒ CHUYỆN VỚI NỮ ĐẠO DIỄN SONG CHI

Đặng Phú Phong
thực hiện

Đặng Phú Phong: Xin cô cho biết tiểu sử.

Song Chi: Tôi gốc Huế, sinh tại một tỉnh ở miền Trung nhưng sống chủ yếu ở Sài Gòn, do vậy tôi vẫn thường tự nhận mình là người Sài Gòn. Học đạo diễn ở trong nước, sau đó học đạo diễn ở Ấn Độ hệ sau Đại học. Đã từng làm báo, làm phim tài liệu, làm các chương trình truyền hình, phim truyện truyền hình… nhưng vẫn chưa có cơ hội làm phim truyện nhựa. Từ mấy năm nay rồi là dân freelance, không ăn lương ở một cơ quan Nhà Nước nào nữa.

Đặng Phú Phong: Tôi có nghe về vụ cô bị nghỉ việc chỉ vi chỗ cô làm đã bị áp lực của chính quyền. Điều đó có đúng không ? Cô có thể nói thêm chi tiết về vụ này?

Song Chi: Về việc này thì tôi đã có viết trên blog của mình cũng như đã có trả lời trên BBC, RFA, DCV trước đây rồi. Nói chính xác thì tôi không phải bị nghỉ việc - bởi vì tôi có ăn lương của cơ quan nào đâu, tôi là một đạo diễn freelance cộng tác với rất nhiều đài truyền hình, hãng phim khác nhau. Sau bộ phim truyền hình dài 18 tập “Nữ bác sĩ” làm cho hãng phim TFS của đài truyền hình TP.HCM thì họ có mời tôi cộng tác làm tiếp một bộ phim khác, dự kiến dài 36 tập. Tôi đã làm việc với biên kịch xong phần kịch bản văn học, và cũng gần như sắp hoàn thành phần kịch bản phân cảnh của đạo diễn thì được hãng phim thông báo là họ ngưng không mời tôi cộng tác nữa do trước đó đã bên an ninh đến làm việc với đài và với hãng về trường hợp của tôi là “có vấn đề về tư tưởng, về chính trị” do đã viết một số bài trên blog bày tỏ quan điểm, thái độ của mình. Thế thôi.

Đặng Phú Phong: Là phụ nữ làm phim - nói chung trong cả hai lĩnh vực truyền hình và điện ảnh - cô thấy có khó khăn, trở ngại so với nam giới không?

Song Chi: Tôi không thấy có sự khác biệt gì. Tất nhiên về mặt sức khỏe, khi đi quay trong thời gian dài, lại gặp một bộ phim có nhiều bối cảnh lớn, người phụ nữ làm phim sẽ vất vả và thường thấy nhất là sự xuống sắc của họ trong khi cánh đàn ông dường như chả hề hấn gì. Một điều nữa là đàn ông có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp hơn, họ có thể rong ruổi theo đoàn làm phim cả mấy tháng hoặc cả năm trời mà vẫn yên tâm rằng ở nhà người vợ sẽ quán xuyến mọi việc, chăm sóc con cái đâu ra đó, trong khi người phụ nữ ngoài sự nghiệp vẫn phải chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Còn về mặt nghề nghiệp, dù là nam hay nữ cũng đều phải nỗ lực để khẳng định được mình.

Đặng Phú Phong: Với tư cách là một đạo diễn, xin cô cho một cái nhìn về điện ảnh của Việt Nam hiện tại.

Song Chi: Điện ảnh VN cũng như bóng đá và nhiều lĩnh vực khác của VN chưa nằm ở đâu trên bản đồ thế giới cả. Cho đến thời điểm hiện nay mỗi năm VN cũng chỉ sản xuất chưa đến 10 phim chiếu rạp, chỉ có phim truyền hình là tương đối nhiều thôi. Có rất nhiều thứ cần phải làm từ bây giờ nếu như muốn trong vài thập niên tới điện ảnh VN có một diện mạo khởi sắc hơn.

Đặng Phú Phong: Cô có để ý đến những cuốn phim của các đạo diễn người Việt hải ngoại, xin cô cho biết về những cuốn phim này. Chẳng hạn như Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng, Giòng Máu Anh Hùng của Charlie Nguyễn…

Song Chi: Tôi có xem một số phim của các đạo diễn người Việt hải ngoại, có những bộ phim tôi nghĩ có nhiều người Việt cả trong và ngoài nước thích như “Con thú tật nguyền” của Hồ Quang Minh - một trong số đạo diễn về nước sớm nhất để làm phim, “Mùi đu đủ xanh”, “Cyclo”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” của Trần Anh Hùng, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, “Vượt sóng” của Hàm Trần… “Giòng máu anh hùng” của Charlie Nguyễn cũng là một bộ phim thành công ở góc độ thương mại. Bên cạnh đó, một số phim khác của các đạo diễn khác thì lại không thành công lắm khi chiếu ở trong nước, có thể từ câu chuyện đến cách thể hiện chưa mang được cái cái hồn Việt, chưa chuyên chở được những vấn đề mà người Việt trong nước quan tâm.

Đặng Phú Phong: Cô giải thích như thế nào về phong trào người Việt thích đến mê phim Nam Hàn?

Song Chi: Thật ra thì hiện nay “cơn sốt phim Hàn” - nếu có thể gọi như vậy - ở VN cũng giảm nhiệt đi nhiều rồi. Sở dĩ thời gian đầu một bộ phận không nhỏ khán giả ở VN thích phim truyền hình Hàn Quốc có lẽ vì những câu chuyện phim không đề cập đến những vấn đề to lớn, hay mắc bệnh dạy dỗ khán giả như phần lớn phim Việt, mà rất dung dị đời thường, hình ảnh đẹp, diễn viên đẹp, diễn xuất tự nhiên…Phim truyền hình VN mấy năm gần đây cũng xuất hiện dòng phim tình cảm nhẹ nhàng giải trí, diễn viên trẻ đẹp, có một số phim có thể thấy là ảnh hưởng phong cách của phim Hàn nữa.

Đặng Phú Phong: Đạo diễn Việt Nam và đạo diễn ngoại quốc nào cô thích nhất? và tại sao?

Song Chi: Có khá nhiều đạo diễn nước ngoài mà phim của họ tôi rất thích, như Ingmar Bergman, Louis Bunuel, Jean Luc Godard, Akira Kurosawa, Yasujiro Ozu, Roberto Rossellini, Steven Spielberg, Clint Eastwood, Roman Polanski, Pedro Almodovar, Lars Von Trier, Bernardo Bertolucci, Martin Scorsese, Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ…. Họ thật sự là những tài năng lớn, phim của họ đều mang đậm dấu ấn riêng của đạo diễn và bản sắc của nền văn hóa mà họ được nuôi dưỡng và trưởng thành nhưng đồng thời phim của họ không chỉ đề cập đến những vấn đề của riêng một dân tộc, một quốc gia mà là những vấn đề chung của Con Người, do vậy mà những bộ phim đó bền vững với thời gian. Còn các đạo diễn Việt Nam thì tôi chưa thấy ai làm được như vậy.

Đặng Phú Phong: Cô nghĩ như thế nào về việc 2 nhà báo bị bắt và 5 nhà báo khác bị cách chức và rút thẻ nhà báo vì vụ PMU 18 ?

Song Chi: Khi đã sống đủ lâu trong một chế độ xã hội như ở VN, rất nhiều người trong đó có tôi không có gì là ngạc nhiên về những chuyện như vậy cả. Vụ PMU18 là một vụ bê bối tham nhũng dính tới nhiều cấp nhiều người. Chính quyền VN từ lâu rồi vẫn biết tham nhũng là một "quốc nạn” và vẫn hô hào chống tham nhũng nhưng làm sao có thể trị tận gốc căn bệnh này được khi mà chính thể chế chính trị này đã tạo điều kiện cho tham nhũng hoành hành. Còn khi nào báo chí còn chưa thật sự được tự do thì nó vẫn chưa thể phản ảnh sự thật một cách khách quan, nó không chỉ là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước mà trong nhiều trường hợp cụ thể, có thể trở thành công cụ của những tập đoàn, bè phái chính trị hoặc kinh tế, phe này đánh phe kia.

Đặng Phú Phong: Summer Olympics 2008 đang diễn ra tại Trung quốc sau khi rước ngọn lửa thiêng đi một đoạn đường dài nhất từ trước đến giờ (87,000 miles tức khoảng 140.000 cây số) và cũng bị dân chúng nhiều quốc gia trên thế giới chống đối nhiều nhất. Khi ngọn đuốc đi qua thành phố Sài Gòn, mặc dù những người chống đối đã cố gắng hết sức nhưng đã không thực hành được một cơ hội bày tỏ tấm lòng của mình và trong lúc ấy cô phải tạm lánh khỏi Sài Gòn để khỏi bị công an “mời”như nhiều người khác đã bị trong thời gian đó. Nếu cô được tự do phát biểu công khai hôm đó cô sẽ nói như thế nào?

Song Chi: Tôi sẽ nói khi mà Nhà Nước Việt Nam không dám công khai lên tiếng thì hãy để cho người dân Việt Nam được tự do bày tỏ lòng yêu nước và sự phẫn nộ trước dã tâm chiếm đất chiếm biển của chính quyền Trung Quốc đối với Việt Nam, ít nhất cũng góp thêm một tiếng nói với thế giới yêu chuộng hòa bình rằng chính quyền Trung Quốc đang có rất nhiều sai lầm trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của họ. Tự do ngôn luận là một trong những quyền căn bản mà người dân tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có được từ lâu rồi.

Đặng Phú Phong: Có lập luận cho rằng muốn đưa nước tiến triển mạnh lên thì chính quyền phải độc tài, họ lấy đảo quốc Singapore và Trung quốc ra làm ví dụ. Cô nhận xét sao về lập luận này?

Song Chi: Singapore là một đảo quốc nhỏ với dân số chỉ vài triệu người, chính quyền do vậy cũng dễ rèn người dân vào kỷ cương trật tự, thi hành luật pháp, đường lối chính sách đâu ra đó để đưa đất nước đi lên. Trung Quốc trái lại là một đất nước rộng lớn với số dân trên một tỷ người nhưng họ cũng đang thi hành một thể chế độc tài và cũng đang giàu mạnh lên. Chính quyền Bắc Kinh dường như muốn chứng minh với thế giới rằng dù là một quốc gia có thể chế chính trị độc đảng, độc tài, họ vẫn có thể thành công về mặt kinh tế. Nhưng nếu đem hai ví dụ đó ra mà lập luận rằng muốn đưa đất nước tiến triển mạnh thì chính quyền phải độc tài là sai lầm. Nói về Trung Quốc, rất nhiều nhà phân tích kinh tế - chính trị lớn trên thế giới đã từng đề cập đến điều này trong những bài viết của họ, rằng thật ra bên dưới cái bề mặt tăng trưởng kinh tế với tốc độ chóng mặt, nền kinh tế và cả xã hội Trung Quốc đang chất chứa bao nhiêu mâu thuẫn, nguy cơ to lớn mà nguyên nhân do chính thể chế chính trị của họ: nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, bất công xã hội đầy dẫy, môi trường bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác ào ạt… Một chế độ độc tài không thể đem lại hạnh phúc, tự do dân chủ, cơ hội bình đẳng cũng như giải phóng năng lực tối đa cho tất cả mọi người dân mà chính những điều đó mới tạo nên sự phát triển bền vững cho một quốc gia.

Đặng Phú Phong: Trường hợp Việt Nam thì như thế nào. Theo cô để đưa Việt Nam lên tự do và giàu mạnh thì phải làm sao?

Song Chi: Tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy thôi. Mô hình xã hội nào hiện nay được đa số các quốc gia trên thế giới chọn lựa thì hẳn là nó phải có nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm, còn một hệ thống lý thuyết nào đó hay một thể chế chính trị nào đó đã phải sụp đổ ở nhiều nước thì chắc chắn cũng phải có lý do của nó. Không nên biện minh rằng xã hội Việt Nam khác nên phải đi con đường khác.

Đặng Phú Phong: Rất ngưỡng mộ sự thẳng thắn của cô. Xin cảm ơn cô. Có dịp mình sẽ trao đổi nhiều hơn.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 986 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0