Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 24 » Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn thoi thóp
5:33 PM
Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn thoi thóp
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008-08-23

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực chống lạm phát và còn cần nhiều thời gian để các biện pháp có thể phát huy tác dụng.

Vietnam-Business-Forum-250.jpg
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hôm 2-6, các định chế tài chính quốc tế cho rằng mức lạm phát tại Việt Nam sẽ còn tăng cao, vật giá, lương thực, thực phẩm, tiếp tục leo thang. AFP PHOTO.

Tuy vậy trong 5 tháng vừa qua, chính sách thắt chặt tín dụng tiền tệ đã khiến 20% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị xoá tên; 60% còn lại là các doanh nghiệp đang thoi thóp cầm cự chờ cơn bão lạm phát đi qua.

Đó là nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 21/8/2008.

Người từng có thời là Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước ước tính rằng hiện nay chỉ có một phần năm tổng số các doanh nghiệp vừa và nhỏ là có khả năng thích ứng với tình hình, tiếp tục phát triển do có vốn nhiều, áp dụng kỹ thuật mới và có thương hiệu tốt.

Những doanh nghiệp đã đột tử, theo cách gọi của báo chí, cũng như các doanh nghiệp đang thoi thóp đều là vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế, không cân đối được đầu vào đầu ra do giá nguyên liệu tăng cao và quan trọng hơn cả là vấn đề thiếu vốn, không được ngân hàng tiếp tục cho vay như trước, dù lãi suất cho vay lên tới 21%.

Theo các số liệu của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, toàn quốc có ít nhất 350.000 doanh nghiệp tư nhân có qui mô vừa và nhỏ, theo tiêu chí mỗi doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động.

Tính toán theo sự nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm thì số doanh nghiệp đã chết hoặc ngừng hoạt động có thể ở mức 70.000 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thoi thóp chờ chết hoặc còn hoạt động cầm chừng vào khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp; còn số doanh nghiệp khoẻ mạnh đứng vững trong cơn suy thoái chỉ vào khoảng trên dưới 70.000.

Không nên quá bi quan?

Nếu bằng vào những tính toán và dự báo như vừa nói thì có thể sử dụng nhóm từ làn sóng sụp đổ, hay phá sản hàng loạt ở khu vực doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Dù nhìn nhận toàn bộ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhiều mặt, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội, đã phản bác những dự báo mà ông gọi là quá bi quan:

Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam bây giờ có lẽ là khu vực sáng sủa nhất của nền kinh tế và sức sống của nó rất là mãnh liệt. Tôi tin rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ vượt qua được khó khăn này, bởi vì trong những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều họ vẫn tìm được cách để vươn lên.

TS Nguyễn Quang A

Dự đoán khu vực tư nhân sẽ có hàng loạt đổ vỡ, tôi nghĩ là hơi bi quan. Chắc chắn là sẽ có nhiều doanh nghiệp khó khăn, nhưng mà khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam bây giờ có lẽ là khu vực sáng sủa nhất của nền kinh tế và sức sống của nó rất là mãnh liệt.

Tôi tin rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ vượt qua được khó khăn này, bởi vì trong những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều họ vẫn tìm được cách để vươn lên.

Thí dụ sản lượng công nghiệp kể cả tư nhân trong nước lẫn tư nhân nước ngoài, tức là khu vực đầu tư có vốn nước ngoài, chiếm 75% sản lượng. Nếu dự đoán sẽ có đổ vỡ hàng loạt của khu vực tư nhân thì đấy sẽ là một tai hoạ. Nhưng tôi nghĩ rằng dự đoán như thế không sát thực tế lắm.”   

Cùng về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định rằng, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong những năm gần đây có vai trò rất quan trọng, tạo ra 92% công việc làm mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tình trạng hạn chế tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp cạn vốn và khó duy trì hoạt động. Lạm phát chi phí đầu vào cao gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, chưa kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn ngoại tệ để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng:

"Hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động, đặc biệt họ đều có ý thức là phải duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng một số chuyên gia đánh giá rằng có thể vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, lúc đó cũng lại rất gần với Tết Âm Lịch năm nay đến sớm, thì có thể có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không còn đủ sức để tiếp tục duy trì.

Tôi nghĩ là tình huống đó có thể xảy ra. Vì vậy tôi rất mong chính quyền các địa phương và các cơ quan nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là các doanh nghiệp đang tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động để duy trì được nguồn thu nhập cho người lao động, để cho họ có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt này".

Tôi rất mong chính quyền các địa phương và các cơ quan nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là các doanh nghiệp đang tạo phần lớn công ăn việc làm cho người lao động để duy trì được nguồn thu nhập cho người lao động, để cho họ có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt này.

TS Lê Đăng Doanh

Khó khăn chồng chất

Trong một loạt nhiều bài viết từ trung tuần tháng 8 đến nay , Vietnam Net nhận định rằng, kinh tế khó khăn, những người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với hàng trăm mối lo dồn dập đổ lên.

Khốn đốn vì thiếu vốn, chịu giá thành đầu vào tăng mà sản phẩm bán ra phải giữ giá, người lao động nổi giận đòi tăng thu nhập… hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang phải vật lộn với bài toán tồn tại. Trong một bài khác, Vietnam Net viết tiếp: Trước khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tìm trăm phương ngàn kế, tự cứu mình qua cơn bĩ cực.

Không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi về điều gọi là tự gọt bớt chân mình, thu hẹp sản xuất, thậm chí hạn chế phục vụ một số khách hàng để giảm thiểu những chi phí không thể tiếp tục gánh. Nhưng thực tế phũ phàng nhất là sự bơ vơ của người lao động mất việc làm.

Vietnam Net nhận định về điều này, nhà báo dẫn nhập cho bài viết rằng, không lo nổi thân mình, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn cách thu hẹp sản xuất, trong đó phải kể đến giải pháp cắt giảm nhân sự. Không ít công nhân bị mất việc từ tình cảnh này, cuộc sống lại càng chật vật hơn khi phải làm lại từ đầu.

Nhắc lại lời ông Cao Sĩ Kiêm trên Vietnam Net,  20% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nằm im, dừng hẳn các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Chủ tịch Hiệp Hội thêm rằng, có khá nhiều những cái chết lặng im, không ồn ào tuyên bố, cứ tự lịm đi và biến mất, bằng phá sản, giải thể, sáp nhập hay mất thương hiệu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định về chiều hướng xấu nhất có thể xảy ra.

"Việc một số doanh nghiệp nhất định sẽ bị phá sản cũng là một sự sàng lọc, tuy đau đớn nhưng cần thiết. Trong kinh tế học thì người ta còn nhớ khái niệm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ gốc Áo Alois Schumpeter. Ông này có đưa ra khái niệm là ‘ Sự tàn phá sáng tạo’ tức là ‘ Creative destruction’, là khi phá sản thì nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đó chỉ có người chủ kém năng lực thì sẽ phải thay đổi.

Sẽ có một người chủ mới đến tiếp nhận doanh nghiệp đó, tái cơ cấu lại đầu tư hiện đại hoá hơn và xã hội được hưởng ở một doanh nghiệp có năng lực cao hơn, có năng lực cạnh tranh và đóng góp với xã hội nhiều hơn. Theo tôi đấy cũng là bước đi cần thiết trong thời gian sắp tới đây.”

Trở lại bài phỏng vấn trên Vietnam Net, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ nhận định rằng, trong lạm phát, kinh tế khó khăn, chủ nhân thiệt một, người lao động thiệt mười. Số việc làm giãn ra, thu nhập của người lao động càng ít, trong khi giá cả sinh hoạt tăng cao.

Theo lời ông Cao Sĩ Kiêm, đây thực sự là một vấn đề lớn với nền kinh tế. Ông cũng tiên đoán rằng một bộ phận người lao động sẽ quay trở về nông thôn và điều quan trọng là giải quyết hậu quả của những doanh nghiệp phá sản, cần giúp đỡ những người thất nghiệp.

Vietnam Net cho rằng, cách tốt nhất giúp người lao động là nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Nhà báo trích lời ông Cao Sỹ Kiêm, theo đó tự thân doanh nghiệp phải chấn chỉnh hoạt động để tồn tại. Về phần Nhà nước, cần có các chính sách trọn gói đồng bộ, tạo sự chuyển biến tốt hơn để giảm lạm phát, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, từ đó ổn định kinh tế.

Ngoài ra ông Kiêm cho rằng, đã đến lúc cần phân loại doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần có thêm chính sách an sinh cho người lao động.

Ông cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước cho rằng thị trường sẽ tự điều chỉnh. Vai trò của Nhà nước là tạo ra các yếu tố về chính sách và áp dụng để tạo thêm nhiều việc làm, trao thêm nhiều cơ hội cho người lao động. Đó là tìm lối ra cho người lao động gắn với việc mở rộng đường cho doanh nghiệp tư nhân.

Vietnam Net trích lời ông Cao Sĩ Kiêm xác định rằng, những hoạt động vừa nói đòi hỏi thời gian, không thể làm nhanh làm gấp, nhất là trong bối cảnh lạm phát khốc liệt này. Theo lời ông, phải chịu và tự chấp nhận, chỉ cần xác định trước sau, nhanh chậm.
Category: Kinh tế | Views: 1239 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0