Hôm
cuối tuần, chính phủ Việt Nam cho hay: 4 nhà báo bị tịch thu thẻ hành
nghề vì đã viết và duyệt đăng những tin tức thất thiệt về một vụ chống
tham nhũng và vì đã bênh vực cho các đồng nghiệp bị bắt giữ vì các bài
tường thuật của họ trong vụ này.
Thông tấn xã AFP trích một
bản tin của chính phủ nói rằng những nhà báo này đã không tìm hiểu các
nguồn tin khi trực tiếp viết, biên tập, duyệt đăng những tin tức và bài
vở liên quan tới vụ PMU18, trong đó có những thông tin sai sự thật
nghiêm trọng.
Theo AFP, dân chúng trong nước đã cực kỳ phẫn nộ
năm 2005 khi báo chí phanh phui một vụ tham nhũng trong đơn vị lo về hạ
tầng cơ sở có tên là PMU18 của Bộ Giao Thông Vận Tải, trong đó tin nói
rằng các viên chức hữu trách đã biển thủ ngân quỹ và dùng những món
tiền này để cá độ bóng đá. Vụ tai tiếng tham nhũng này đã khiến Bộ
Trưởng Giao Thông Vận Tải phải từ chức.
Cũng theo AFP, tháng 5
năm nay, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, những người
hăng say trong việc tường thuật vụ tham nhũng, đã bị bắt giữ sau khi bị
buộc tội lạm dụng quyền hạn và thông tin sai lạc, khiến giới truyền
thông mạnh mẽ phản kháng.
Nhật báo Thanh Niên lập tức đòi trả
tự do ngay cho các nhà báo lương thiện, trong khi nhât báo Tuổi Trẻ
viết rằng nhà báo của họ đã phải trả một cái giá cho những tin tức về
một vấn đề chưa được giải quyết xong xuôi mà lại còn diễn ra một cách
lạ kỳ.
Tuy nhiên, tin tức cho biết hai ngày sau các báo này đã
phải ngưng ngay những lời phản kháng sau khi nhận được một lời cảnh cáo
của chính phủ. Dầu vậy, đầu tháng Tư vừa qua, 4 nhà báo hàng đầu của
hai nhật báo vừa kể đã bị chính phủ tịch thu thẻ hành nghề mà không đưa
ra một lý do cụ thể.
Hôm thứ Bảy vừa rồi, chính phủ mới giải
thích rằng những người này đã đưa ra những thông tin kích động phản đối
hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong loạt bài sau khi hai
nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an ninh điều
tra, khởi tố và bắt tạm giam.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân
quyền và các nhà quan sát quốc tế đã lên án Hà Nội về các vụ bắt giữ
này, cho rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng tới quyền tự do báo
chí. Hôm thứ Tư vừa rồi, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak,
cũng đã bày tỏ sự lo ngại bằng lời nhận định rằng các vụ bắt giữ sẽ có
một tác động tiêu cực cho những nhà báo muốn tường thuật những vụ họ có
thể phát giác.
Cũng trong ngày thứ Tư tuần trước, trong bài
tường thuật với đề tài 'Tại Việt Nam, quyền tự do báo chí bị bóp nghẹt'
đọc trên hệ thống truyền thanh NPR, sau khi đề cập đến chuyện hai nhà
báo Việt Nam bị bắt giữ và 5 nhà báo khác bị tịch thu thẻ hành nghề,
thông tín viên Michael Sullivan đã trích nhận định của nhiều quan sát
viên và của ông Carl Thayer, một chuyên viên về vấn đề Việt Nam của
Viện Quốc Phòng Úc, trong đó mọi người cho rằng hành động của chính phủ
Việt Nam sẽ khiến giới nhà báo trong nước phải thận trọng hơn, có nghĩa
là phải tự kiểm duyệt nhiều hơn, trong tương lai.