Tàu chiến Úc thăm TP.HCM: kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt-Úc
TTO - Sáng 25-8, tàu hải quân Hoàng gia Úc HMAS ANZAC (Australian and
New Zealand Army Corps) đã cập cảng Nhà Rồng, TP.HCM mở đầu chuyến hải
trình kéo dài 5 tháng của chuyến thăm thiện chí các nước Đông Nam Á.
Hình tài liệu Tàu HMAS Anzac đậu tại cảng Pearl của Mỹ
Lưu lại TP.HCM đến 29-8, hơn 180 thủy thủ Úc sẽ có các cuộc gặp và làm
việc với hải quân Việt Nam, thi đấu thể thao với học viên trường Trung
cấp Kỹ thuật Hải quân, đá bóng với đội Việt Nam Swans tại ĐH Công nghệ
Hoàng gia Melbourne RMIT, tham gia các hoạt động từ thiện, tham quan
thành phố.
Đại tá thuyền trưởng Stuart Mayer cho biết: HMAS ANZAC có số hiệu FFH
150, là tàu khu trục lớp Meko 200, có khả năng tác chiến trong môi
trường đa hiểm họa, có hệ thống radar thám không tiên tiến, pháo hạm
125 ly, tên lửa đối không phóng thẳng sea sparrow, tên lửa hạm đối hạm,
thủy lôi, trực thăng đa năng chống tàu ngầm…
Đây là lần thứ hai tàu HMAS ANZAC đến thăm TP.HCM kể từ dịp đến Việt
Nam khánh thành cầu Mỹ Thuận vào 5-2000. Rời TP.HCM, tàu tiếp tục
chuyến hải trình đến Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore.
Hầm Thủ Thiêm: Những vết nứt có thể làm... tiêu tan 2.083 tỉ đồng!
Gói thầu xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường hầm Thủ Thiêm (Dự án
đại lộ Đông Tây) có số vốn ngót nghét... 2.083 tỉ đồng. Song mới đây,
"sự cố" 4 đốt hầm Thủ Thiêm - dự kiến sẽ dìm xuống lòng sông Sài Gòn -
xuất hiện những vết rạn nứt...
Toàn bộ 4 đốt hầm đều bị rạn nứt dày đặc từ mặt trong ra mặt ngoài... Ảnh : Lao Động
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng một số sở, ngành liên quan đã có
buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang vào ngày 23.8,
nhằm tìm hướng giải quyết sự cố nứt 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông
Sài Gòn - thuộc dự án đại lộ Đông - Tây TPHCM. Theo báo cáo từ Ban
QLDA, những vết nứt xuất hiện đầu năm 2008, và khi phát hiện sự việc,
ban đã báo cáo Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng để
vào kiểm tra, đánh giá.
Đến nay, một số vết nứt đã ngừng, nhưng cũng có một số vết nứt có xu
hướng lan rộng và đang được các đơn vị quan trắc theo dõi thường xuyên.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ - GĐ Ban QLDA - cũng thông báo một số nguyên nhân
như: Tay nghề công nhân đầm bêtông hạn chế, do bêtông bị ngót, sự thay
đổi nhiệt độ giữa ban ngày với ban đêm trong quá trình đúc hầm, nền
móng đúc hầm bị lún...
Tuy nhiên, những đánh giá về nguyên nhân trên mới chỉ là nghi vấn, hiện
nay vẫn chưa có một đơn vị hay cơ quan nào đưa ra nguyên nhân chính
thức. Để khắc phục sự cố, nhà thầu (Obayashi Corporation - Nhật Bản),
đơn vị tư vấn PCI đề xuất bơm hóa chất vào các vết nứt, căng cáp nhằm
ổn định bêtông...
Ông Lê Hoàng Quân cho rằng, đây là công trình trọng điểm quan trọng dìm
sâu dưới nước và vượt sông Sài Gòn, nếu xảy ra sự cố rất nguy hiểm, vì
vậy chất lượng công trình phải được ưu tiên hàng đầu.
UBND thành phố và Bộ Xây dựng cũng thống nhất sẽ thuê một đơn vị tư vấn
độc lập - dựa trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các
công trình xây dựng và các cơ quan chức năng, để có đánh giá tổng thể
về sự cố, chất lượng của 4 đốt hầm.
Trên cơ sở đó, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc, thống
nhất biện pháp xử lý khắc phục. Được biết, mỗi đốt hầm cao khoảng 9m,
rộng 33m, dài 92,4m, được đúc tại Nhơn Trạch - Đồng Nai. Theo kế hoạch,
sau khi đúc xong, các đốt hầm sẽ đưa về TPHCM để thi công dìm xuống
sông Sài Gòn - nối Q.1 và Q.2.
Theo Tr.Phan - Ng.Văn (Lao Động)
Bánh Trung thu mốc chờ xuất xưởng, nước đóng chai nhiễm Coliforms
Vietnamnet: Ngày 25/8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện ra bánh
Trung thu mốc trong khi đang chờ xuất xưởng. Trong khi đó, nước đóng
chai được sản xuất trong môi trường chen lẫn với hóa chất tẩy rửa...
12 cái bánh Trung thu loại 200gr bị mốc khi vẫn còn nằm trong xưởng sản
xuất đã bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiêu huỷ ngay tại cơ sở chế biến và
kinh doanh bánh ngọt Thành Nghiệp (Quận 8).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh ngọt này đã vi phạm nhiều
quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: khu chế biến không cách ly với
khu vệ sinh, dụng cụ sản xuất không được lau rửa định kỳ, nhân viên sản
xuất không được khám sức khỏe và tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm...
Trong khi chế biến, nhân viên không mang găng tay, khẩu trang, còn bánh
thành phẩm thì để lẫn dưới nền nhà.
66,7% mẫu nước xét nghiệm bị nhiễm Coliforms
Trong khi đó, một đoàn thanh tra khác của Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất
hai cơ sở sản xuất nước đóng chai tại quận 6. Mỗi bình nước 21 lít chỉ
có giá 5.000 đồng với các công nghệ "Mỹ - Drinking Water USA
Technology".
Theo giới thiệu, cả hai cơ sở đều sử dụng công nghệ sản xuất cơ bản như
sau: nước "thô" được lọc qua hệ thống lọc trao đổi ion, tinh chế bằng
màng thẩm thấu ngược - RO, rồi khử trùng bằng tia cực tím và Ozone.
Trước đó, vào tháng 3/2008, doanh nghiệp tư nhân Thành Tín (Bình Phú -
phường 10, quận 6) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an
toàn thực phẩm và các giấy kiểm nghiệm nước giếng và nước thành phẩm
đạt yêu cầu.
Nhưng thực tế, khi kiểm tra cơ sở với sản phẩm Uitasan 21 lít, thanh
tra ghi nhận, nước đóng chai được "tinh lọc" từ những bồn inox ố vàng
vì phèn. Việc súc rửa vỏ bình được thực hiện trực tiếp dưới đất, không
có kệ cao theo quy định. Tường nhà ẩm ướt, ố mốc. Nước đóng chai hoàn
chỉnh không có khu vực để riêng biệt.
Hơn thế nữa, nước rửa bình được cơ sở này mua ở chợ "hóa chất" Kim
Biên, không nhãn mác. Vật dụng để bừa bãi, trong phòng lọc và chiết
rót, đoàn thanh tra tìm thấy những chai xà phòng tẩy rửa.
Còn tại thời điểm kiểm tra doanh nghiệp tư nhân Thanh Nhàn (Bình Phú -
phường 10, quận 6) với sản phẩm “Nước uống đóng chai Dolphin”, đoàn ghi
nhận, hệ thống súc rửa bình sơ sài, không có bồn ngâm bình, bình sau
khi rửa để dưới đất, không có kệ cao.
Khu sản xuất nằm chung với sinh hoạt gia đình nên trong phòng đặt hệ
thống lọc nước có một nhà vệ sinh đang sử dụng. Quần áo treo đầy khu
sản xuất. Trong khi đó, tại khu vực hệ thống lọc thanh tra còn phát
hiện có nhiều chai nước mang nhãn mác của các hãng nước khác, mà theo
ông Dũng - chủ cơ sở, là “hàng giới thiệu sản phẩm của công ty khác”.
Giải thích về công nghệ xử lý bình để chứa nước, chủ cơ sở cho biết:
“Bình được rửa bằng xà bông, sau đó tráng lại bằng nước sạch tức là
nước thành phẩm tại phòng chiết rót, rồi chiết rót và đóng nắp bình là
xong”.
Theo báo cáo kết quả thanh tra Sở Y tế TP.HCM số 20/BC-Ttra ngày
11/8/2008, trong 16 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, sản xuất nước
đá, đến 66,7% trong mẫu nước đóng bình xét nghiệm vi sinh, hóa lý không
đạt (bị nhiễm Coliforms, không đạt chỉ tiêu PH, Crom).
H.Cát
Vụ án tham ô tại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu:
Y án tử hình đối với thủ quỹ Tăng Thu Ba
- Ngày 25/8, tại phiên xét xử phúc thẩm đối với vụ án tham ô trên 15 tỉ
đồng tại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu, Hội đồng xét xử giữ nguyên mức án cao
nhất đối với thủ quỹ Tăng Thu Ba mà cấp sơ thẩm đã tuyên là tử hình.
Cảnh sát đưa Tăng Thu Ba về trại giam sau khi HĐXX tuyên y án tử hình. (Ảnh: Hàn Sơn Đỉnh)
Cuối tháng 5/2008, vụ án đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu xử sơ
thẩm với 5 bị cáo gồm: Lê Quang Trung, nguyên giám đốc Bưu điện Bạc
Liêu và những thuộc cấp là nguyên kế toán trưởng Nguyễn Tứ Dũng, nguyên
kế toán Trần Thị Tuấn, nguyên trưởng phòng kiểm toán Huỳnh Ngọc Lợi và
nguyên thủ quỹ Tăng Thu Ba.
Sau lần xử sơ thẩm, Lê Quang Trung, Nguyễn Tứ Dũng và Tăng Thu Ba làm
đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trần Thị Tuấn kháng cáo xin tòa
phúc thẩm thay đổi tội danh.
Theo cáo trạng, từ năm 2003 đến năm 2006, lợi dụng nhiệm vụ thường
xuyên là mang tiền mặt đi gửi ngân hàng, Tăng Thu Ba đã nhiều lần thực
hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước trên 15 tỉ
đồng. Trong đó, lần chiếm đoạt ít nhất là 500 triệu đồng và nhiều nhất
lên đến 6 tỉ đồng, Mãi đến tháng 12/2006, Tổng Công ty Bưu chính Viễn
thông VN (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN) yêu cầu Bưu điện Bạc
Liêu chuyển khoản tiền doanh thu năm 2006 thì sự việc mới bị phát hiện.
Cũng như phiên xử trước, trong phần thẩm vấn lần này Tăng Thu Ba vẫn
thừa nhận rằng do lợi dụng nhiệm vụ được giao, lợi dụng những sơ hở,
sai sót của kế toán thanh toán và lãnh đạo đơn vị để chiếm đoạt tiền.
Để che giấu hành vi chiếm đoạt, sau khi lấy tiền mặt tại quỹ, Ba báo vế
kế toán thanh toán rằng đem tiền mặt gửi ngân hàng và yêu cầu kế toán
ra phiếu chi tương ứng với số tiền mà Ba đã chiếm đoạt để hợp thức hóa
chứng từ.
Ngoài ra, Ba đã cất giữ toàn bộ chứng từ chi, không giao lại cho kế
toán thanh toán để làm thủ tục quyết toán đồng thời photo giấy báo có
trong quỹ để hợp thức hóa số tiền gửi ngân hàng nhưng thực chất Ba đã
lấy để tiêu xài cá nhân trên 15 tỉ đồng.
Theo khai nhận của Tăng Thu Ba, số tiền này có sử dụng vào những lần đi
du lịch và đánh số đề từ 2-3 triệu đồng/ngày nên hiện nay không còn khả
năng khắc phục hậu quả. Căn cứ vào những lời khai này và kết quả điều
tra, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình Tăng Thu Ba là đúng
người, đúng tội nên giữ nguyên mức án cao nhất là tử hình.
Đối với Trần Thị Tuấn và Nguyễn Tứ Dũng là những người có trách nhiệm
trực tiếp quản lý tài sản nhưng đã không thực hiện đầy đủ chức trách,
nhiệm vụ được giao đã tạo sơ hở để Tăng Thu Ba lợi dụng chiếm đoạt tài
sản của Nhà nước trong một thời gian dài mới bị phát hiện.
Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra hai bị cáo này đã sớm báo cáo với cấp
trên, thành khẩn nhận tội, hợp tác tốt với cơ quan điều tra nên được
xem xét giảm một phần hình phạt. Trong đó, Trần Thị Tuấn lãnh mức án 5
năm tù giam (giảm 1 năm so với án sơ thẩm), Nguyễn Tứ Dũng 3 năm tù
giam (giảm 1 năm) với cùng một tội là “thiếu tinh thần trách nhiêm gây
thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước”.
Riêng bị cáo Lê Quang Trung, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu mặc
dù có đơn kháng cáo nhưng không có mặt tại phiên xử phúc thẩm lần này
với lý do bị bệnh, HĐXX cho rằng bị cáo Trung nguyên là lãnh đạo cao
nhất của Bưu điện Bạc Liêu nhưng lại buông lỏng quản lý, không thường
xuyên kiểm tra, đối chiếu chứng từ… nên đã tạo điều kiện cho thủ quỹ
Tăng Thu Ba chiếm đoạt số tiền quá lớn. Do đó, HĐXX đã bác đơn kháng
cáo của bị cáo Lê Quang Trung và tuyên y án sơ thẩm với mức án 2,5 năm
tù giam.
Hàn Sơn Đỉnh
Quy Nhơn: Thêm một vụ vỡ nợ tiền tỷ, chủ nợ bỏ trốn
TTO - Ngày 25-8, thêm một số người nữa đến Công an phường Hải Cảng (TP
Quy Nhơn, Bình Định) gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Thành, 53 tuổi, Chủ
doanh nghiệp tư nhân Lợi Anh Phú, chuyên kinh doanh xăng dầu (ở tổ 37,
khu vực 7, phường Hải Cảng) nợ số tiền lớn không trả và cùng gia đình
bỏ trốn vào ngày 22-8.
Theo thống kê sơ bộ của Công an phường Hải Cảng từ các đơn tố cáo, số
tiền ông Thành nợ của các doanh nghiệp, cá nhân gần 3,5 tỷ đồng và 3
lượng vàng 24K. Trong đó, ông Thành nợ tiền mua xăng dầu của 2 doanh
nghiệp chuyên kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số tiền lớn, đó
là Công ty cổ phần Petec Bình Định trên 600 triệu đồng, Công ty cổ phần
thương mại dịch vụ Hiệp Hòa trên 800 triệu đồng…
Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa biết ông Thành bỏ trốn nên chưa đến
cơ quan chức năng tố cáo, vì vậy số tiền mà ông Thành nợ sẽ không dừng
lại con số nêu trên.
N.TRẦN
Cơ hội làm giàu nhanh chóng của quan chức CSVN:
Ngưng mở karaoke: “Đục nước béo cò”
Từ tháng 5.2005, cùng với các địa phương khác, TP.HCM đã tạm ngưng cấp
phép kinh doanh karaoke theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó
cũng đồng nghĩa sẽ không có thêm điểm karaoke mới nào mọc lên sau thời
gian này. Thế nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy còn có một sự thật
khác hoàn toàn.
Giấy phép mua bán trắng trợn: Giá nào cũng có
“11.000 USD” là cái giá dứt dạt mà hai “cò” Hải và Vân gút lại với
chúng tôi sau một hồi thương lượng mức giá 12.000 USD cho một giấy phép
mở tiệm karaoke ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5. “Bây giờ làm gì có giá
vài chục triệu đồng. Tối thiểu ở các quận ngoại thành cũng là 10.000
USD rồi. Vài chục triệu có mà mua giấy giả chứ làm quái gì có hồ sơ
gốc”, ông Hải lớn tiếng.
Theo “chỉ giáo” của ông Hải, nếu chúng tôi muốn kinh doanh karaoke có
ăn thì phải mở từ 16 – 20 phòng, chỉ sáu phòng như dự định thì “húp
cháo” mà cũng không bói đâu ra “giấy phép tươi”. “Giấy phép tươi” là
thuật ngữ các “cò” dùng để phân biệt giấy được cấp mới với giấy cũ sang
nhượng lại.
Cò” giấy phép Hùng (bên trái) đang chào giá dịch vụ
làm mới giấy phép karaoke với phóng viên và quảng cáo nhận giảm án phạt
của “cò” này trên mạng. (Ảnh: Hồng Thái)
Hai “cò” này cho biết, nếu đồng ý thì đến văn phòng luật sư của họ trên
đường Trần Quốc Toản để ký hợp đồng. “Không cần đưa tiền trước, hồ sơ
chạy qua cửa nào thì chúng tôi phải chi tiền để bôi trơn đến đó. Bọn
tôi vừa làm xong cho một công ty sắp khai trương trên đường Sương
Nguyệt Anh, gần nhà ca sĩ Ngọc Sơn, 24 phòng, giá 16.000 USD. Ông không
tin thì vài ngày nữa đến đây tụi tôi đưa giấy phép cho xem”, ông Vân
khoe.
Rẻ hơn cái giá ông Hải và ông Vân đưa ra, “cò” Hùng, một người đàn ông
tự giới thiệu đang làm trong ngành an ninh, hứa sẽ lo giúp cho chúng
tôi một giấy phép do quận 5 cấp với giá 40 triệu đồng. “Đồng ý thì đưa
trước 70%. Khoảng ba tuần có giấy tôi gọi lên lấy”, ông Hùng “đánh
nhanh, rút gọn”. Chúng tôi đề nghị bớt xuống 30 triệu thì ông Hùng lắc
đầu: “Một triệu cũng không bớt được. Bây giờ ông ra quận 1 mà hỏi, giá
không từ 120 triệu đồng trở lên, thua gì tôi cũng thua”.
“Hàng cấm” vẫn bán vô tư
Bây giờ làm ăn mà cứ căn theo quy định thì lấy gì lời. Chẳng lẽ khách
họ đang hát mình lại đuổi về vì đến giờ quy định. Làm vậy ai đến nữa.
Theo quy định, giấy phép kinh doanh karaoke chỉ cấp đích danh cho cá
nhân, tổ chức đứng ra xin phép hoạt động. Nếu không tiếp tục nữa thì
phải làm thủ tục giải thể, trả lại giấy phép cho cơ quan đã cấp.
Tuy nhiên vì đây là loại “hàng hiếm” nên nhiều điểm karaoke không dại
đem trả “miễn phí” mà tìm mọi cách sang nhượng lại cho người khác để
kiếm chác. Muốn sở hữu một giấy phép kiểu như thế này, chỉ cần lên mạng
tìm ở những trang web rao vặt là thấy. Giá cả luôn được chào bán từ vài
chục triệu cho đến cả tỉ đồng, tuỳ thuộc vào cơ sở vật chất sang nhượng
kèm theo.
Trao đổi qua điện thoại chiều ngày 17.8, ông Tuấn, chủ một điểm kinh
doanh karaoke ở quận 5 đang rao bán một cơ sở với giá 300 triệu đồng
cho biết nếu mua, ông ta sẽ làm giấy uỷ quyền để giao toàn bộ quyền
điều hành cơ sở cho chúng tôi. “Trên danh nghĩa tôi vẫn đứng tên nhưng
mọi thứ do anh lo. Số tiền 300 triệu coi như tôi mượn anh và thế chấp
bằng tài sản karaoke. Đợi đến chừng nào cho phép sang nhượng chính thức
thì tôi rút lui để anh đứng tên”, ông Tuấn nói.
Cũng chào hàng bằng phương thức tương tự, nhưng “cò” Vân còn kèm theo
“khuyến mãi” cho chúng tôi: nếu muốn mua đứt, bán đoạn thì đưa thêm vài
triệu nữa, ông ta sẽ lo luôn cho việc sang tên trên giấy tờ. “Giấy phép
cấp ở địa điểm nào thì chỉ được hoạt động tại đó, dời về quận khác
không được đâu. Nhưng nếu muốn làm thì bọn tôi cũng lo được, miễn chịu
chi. Nhóm của tôi là mạnh nhất hiện nay, toàn người làm trong cơ quan
nhà nước nên ông cứ yên tâm chất lượng. Làm lần này còn lần sau chứ đâu
phải hết xôi rồi việc”, ông Vân gạ gẫm.
Dịch vụ giúp giảm án phạt
Trong những ngày tiếp cận các “cò” giấy phép karaoke, chúng tôi còn
được giới thiệu một dịch vụ có lẽ “có một, không hai”: giúp giảm án
phạt rút giấy phép.
Dứt khoát không bớt một đồng, “cò” Hùng ra giá 20 triệu đồng cho “phi
vụ” lấy giúp chúng tôi một giấy phép karaoke vừa bị thu hồi của một
người quen mở ngay góc Lê Hồng Phong và đường Ba Tháng Hai. Khi nghe
chúng tôi hỏi: “Lỗi vi phạm là hát nhạc cấm thì có làm được không?”,
ông Hùng chắc nịch: “Lỗi gì tôi cũng lo được hết. Đang có chủ trương
ngưng cấp phép thì tụi nó (thanh tra văn hoá – PV) muốn phạt ông kiểu
gì mà không dính. Kinh doanh quá giờ quy định, không có hợp đồng lao
động đều bị rút giấy phép hết. Bây giờ làm ăn mà cứ căn theo quy định
thì lấy gì lời. Chẳng lẽ khách họ đang hát mình lại đuổi về vì đến giờ
quy định. Làm vậy ai đến nữa”, ông Hùng giải thích.
Để chúng tôi an tâm, ông Hùng cung cấp địa chỉ của điểm karaoke M. ngay
dưới chân cầu vượt Quang Trung (quận 12) mà ông vừa giúp giảm án phạt
để chúng tôi kiểm tra hư thực. “Ngành này là siêu lợi nhuận nên ai
chẳng ham. Nếu để bị rút giấy thì đến chết cũng đừng hòng được mở lại”,
ông Hùng gạ gẫm. Chúng tôi đề nghị bớt vài triệu làm quen, ông Hùng kêu
ngồi đợi rồi lấy điện thoại, bước ra ngoài gọi cho một người tên Kiệt
mà theo lời ông Hùng cũng là mắt xích trong đường dây làm các dịch vụ
karaoke của ông, làm việc trong một cơ quan nhà nước ở quận 5. Một lúc
sau, ông Hùng trở lại lắc đầu: “Không giảm được. 40 triệu đồng là làm
mới. 20 triệu là lấy giấy phép ra. Giá này đâu phải tụi tôi ăn hết.
Tiền lo chỗ này, chỗ kia cũng tốn dữ lắm. Bây giờ ai làm giỏi lắm thì
cũng chỉ lời 5 – 10 triệu đồng một vụ thôi”.
Theo Vĩnh Huy
Ở Trung Quốc có thú ăn thai nhi, ở Việt Nam có thú uống máu rồng:
Báo động trào lưu "uống máu rồng"
Chán rắn, ngán thịt rừng và nhất là quan niệm "ăn rồng sẽ khỏe như
rồng" nên gần đây, các môn đồ của cơn lốc tráng dương bổ thận đang chĩa
tầm ngắm vào một loài bò sát có tên rồng đất. Mốt ăn chơi không chỉ
khiến số phận của rồng đất lâm nguy mà còn tiềm tàng những hiểm họa
khôn lường với người trong cuộc.
Cắt tiết cho các ông tăng lực
Chào hàng - Hành quyết ngay tại bàn nhậu
"Sau nhiều năm dài bị lép vế trước đại ca mãng xà, rồng đất đã có cuộc
soán ngôi ngoạn mục khi trở thành món thực đơn chính của nhiều quán
nhậu ở Sài Gòn, tụ điểm ăn nhậu của cả nước. Quất máu, mật, tim, thịt…
thằng này vô, đảm bảo tối nay về, bà xã chỉ có nước lạy anh em mình đó"
(?!).
Đấy là tuyên ngôn của một trong 4 quý ông tại quán nhậu H.R trên đường
Hai Bà Trưng, quận 1. Dứt lời, ông này sành điệu hất hàm hỏi cô phục vụ
đỏm dáng: "Hôm nay có rồng đất không cưng?". "Dạ có!". "Lớn hay nhỏ?".
"Đại cồ việt luôn anh!". Dứt lời, cô nàng ngoáy đầu về hướng nhà bếp ra
hiệu. Trong tích tắc, một thanh niên tay cầm con rồng đất tiến thẳng ra
bàn nhậu.
Chứng kiến cảnh gã thanh niên cầm gáy con vật có màu sắc sặc sỡ như con
tắc kè hoa bự gấp rưỡi cổ tay người lớn đang phùng mang, giãy giụa
trong sự tuyệt vọng đặt trên bàn nhậu cho các ông khách sành điệu xem
mập, ốm, nhiều thực khách đang ngồi nhậu đã không rời mắt vì ấn tượng.
Sau vài cú sờ nắn ra vẻ, ông khách bệ vệ lúc nãy lại hất hàm: "Cắt tiết
hai con, một trộn gỏi lá me, một nướng".
Thượng đế vừa dứt lời, anh nọ xăng xái rút trong túi quần con dao kề cổ
con vật. Nhát dao lướt qua, dòng máu đỏ từ yết hầu con rồng đất bắn xối
xả vào ly rượu trắng. Bằng cú lỉa dao điệu nghệ, trong tích tắc, nguyên
bộ lòng của con rồng đất sề ra, trái tim còn đập phập phồng cùng túi
mật của con vật được anh nọ tống thẳng vào ly rượu.
Sau màn cắt tiết, anh nọ mang hai con rồng đất vào bếp và sau khoảng 15
phút chờ đợi, 4 ông khách sành điệu đã có thể hân hoan nốc rượu pha máu
rồng và nhấm nháp gỏi rồng trộn lá me, rồng nướng ngũ vị.
Tại các quán nhậu khác thuộc loại tiếng tăm ở thành phố như quán V.C
trên đường Hoàng Văn Thụ, quán L.N.N.B trên đường Cách Mạng Tháng Tám,
tôi liên tục nghe nhiều thực khách yêu cầu cắt tiết rồng đất. Bất chấp
khuyến cáo của ngành Y tế đã có nhiều người phải thân tàn ma dại, thậm
chí bỏ mạng vì cái tội ăn tiết canh, uống rượu pha máu vì máu động vật
chính là nguồn lây lan các bệnh truyền nhiễm, tại các quán đặc sản
chúng tôi đến đều thấy các ông uống máu rồng hà rầm.
Lời khẩn cầu tuyệt vọng!
Hải, đầu bếp của quán H.R trong quá trình cắt tiết vui vẻ kể chuyện
rồng cho mấy ông khách hám của lạ. Theo lời Hải, ngoài việc lạ miệng,
ăn rồng để được khỏe như rồng, một trong những nguyên do chính đưa rồng
đất lên ngôi "đệ nhứt mồi" là do tính an toàn của thân xác chúng. Hải
chép miệng: "Dạo gần đây, báo chí liên tục phản ánh thịt rừng được tẩm
hóa chất ướp xác người phọc môn - phọc méc gì đó ăn vào dễ bị ung thư
nên các bố ngán. Rồng đất được làm thịt lúc tươi sống, ăn ngon lại an
toàn tuyệt đối nên ai cũng kết".
Theo Sách đỏ Việt Nam, ngoài các tỉnh thuộc Tây Nguyên, rồng đất còn
hiện diện ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Bắc Giang, Kiên
Giang…, nói chung, phạm vi phân bố của rồng đất rất rộng nhưng đáng
tiếc là số lượng giảm sút nhiều. Đây cũng chính là lý do mà sách này đã
xếp rồng đất vào nhóm động vật hoang dã có mức độ đe dọa bậc V, nghĩa
là có nguy cấp tuyệt chủng.
Nguy cơ này ngày càng cao khi những con cái với bụng mang dạ chửa lặc
lè là đối tượng ưu tiên số một của dân lai rai. Nhiều thực khách ra vẻ
sành điệu: "Trứng rồng béo, thơm, ngọt, bùi, có vị nhẫn lạ miệng rất
tuyệt vời… Trứng đó mà đem xào với hành thì ngay cả vua chúa cũng còn
thèm chứ nói chi anh em mình".
Con bé chưa kịp lớn đã bị tóm, con cái bụng mang dạ chửa làm nhiệm vụ
duy trì giống nòi, người ta cũng chẳng tha, bị truy sát theo kiểu tận
diệt như thế hỏi sao rồng đất tránh khỏi thảm cảnh lâm ly phận số.
Khang, một lái rồng lúc đang giao hàng cho một quán nhậu đặc sản rừng ở
quận 12, cho biết: "Rồng đất mỗi ngày một hiếm nhưng nhu cầu thì cứ
liên tục gia tăng. Để có hàng cung cấp cho thị trường, không ít chủ vựa
đã chơi bạo ứng tiền trước cho các nhóm thợ săn và thu mua với giá cao
nhưng vẫn không gom đủ nguồn hàng cung ứng".
Nói đến đây, gã lái rồng bày tỏ sự nuối tiếc: "Bây giờ, chỉ toàn là
loại rồng tắc kè dưới 200 gram không hà (ý nói rồng đất nhỏ) nên khách
hàng ít chuộng. Bởi vậy nên dù muốn "bơm" giá nhưng tụi tui cũng đành
chịu thua… Đã có nhiều thượng đế tuyên bố sẵn sàng chi bạc triệu cho
con rồng chúa nào có trọng lượng trên 500 gram nhưng… chịu. Tất nhiên
phải là rồng tự nhiên chứ rồng nuôi thì hổng có giá đó".
Món khoái khẩu của rồng đất là côn trùng, nhất là các loài gây hại cho
nhà nông. Thế nên sự vắng mặt của rồng đất đã vô tình góp phần thổi
bùng sự lộng hành của nhiều loài gây hại như rầy nâu, bọ xít, cào cào,
châu chấu… Tại nhiều vùng quê, "lũ giặc" này đã làm cho hàng ngàn hộ
nông dân điêu đứng vì mùa màng bị thất bát. Điều đáng buồn là thảm
trạng đó vẫn không thức tỉnh được đám mày râu lắm tiền khoái của lạ, mê
tăng lực.
Theo Sách đỏ Việt Nam, ngoài tên khoa học Physignathus cocineinus, rồng
đất còn có nhiều tên gọi dân gian khác như rồng tạng, tò te (Việt), đan
gian, con rình rình (Mường), bùng nhỉ loòng (Dao), tu lủng lẳng (Tày),
tu xả tảng (Thái)… Rồng đất thường ở trong hang hốc, trong các bụi cây
ven bờ suối hoặc bên các vực nước trong rừng. Chúng di chuyển nhanh
nhẹn trên mặt đất hoặc leo lên cây. Trong mùa lạnh, rồng đất chuyển lên
trú trong các bọng cây để giữ nhiệt.
Theo T.D
Hàng ngàn người sang Campuchia xem “rồng nổi”
Khoanh đất này được cho là "rồng nổi" tại nhà ông Chau Nhum.
(Dân trí) - Mấy ngày qua tại biên giới Tây Nam nhiều người dân đồn thổi
ở bên Campuchia có hiện tượng “rồng nổi” hết sức kỳ lạ. Hàng ngàn người
đã ùn ùn kéo sang nước bạn để tận mắt chứng kiến sự việc được xem là có
một không hai.
PV Dân trí và một số đồng nghiệp cũng làm một cuộc du hành để tìm hiểu thực hư hiện tượng này.
Qua biên giới, chúng tôi tiến về vùng núi Thâm Đưng và có mặt tại nhà
ông Chau Nhum (56 tuổi) ở phum Cà Na, xã Thâm Đưng, huyện Ki Ri Vông,
tỉnh Tà Keo (Vương quốc Campuchia). Trong nhà của ông Nhum lúc này đã
thấy nhiều người đứng xung quanh một khoanh đất có sống lươn chạy dài
chừng 6,5 m được chia thành nhiều ngấn, bề mặt nổi lên, độn xuống trông
giống hình một con rồng uốn lượn.
Theo quan sát của Phóng viên Dân trí, người dân địa phương do sống
tại vùng sâu vùng xa, kiến thức còn hạn chế hoặc chưa có đủ thông tin
nên dẫn đến việc đổ xô đi xem, hương nhang cúng bái những ngày qua.
Bà Nô Met, vợ ông Chau Nhum, kể lại: “Khoảng gần 12 giờ đêm 12/8, tôi
nằm mộng thấy một con Rồng chui vào nhà mình. Tôi ra bắt nó rồi tôi la
lên để kêu chồng cùng ra bắt tiếp”. Ông Chau Nhum tiếp lời vợ: “Tôi
nghe tiếng la nên thức giấc thì bỗng dưng thấy toàn bộ căn nhà rung lên
dữ dội rồi tự dưng xuất hiện nhiều gờ cao, thấp ở trước cửa cho đến tận
phía trong nhà. Lúc đó gia đình tôi đâu biết chuyện gì nên rất sợ và
phải chạy qua nhà hàng xóm ngủ”.
Cho đến sáng sớm hôm sau (13/8 - PV), gia đình tôi trở lại nhà thì thấy
những hình dáng hết sức kỳ quái trông giống như những vẩy cuộn của con
rồng. Bà Nô Met thì cho rằng cũng trong đêm đó bà nằm mộng có người nói
phải cúng vái, khấn nguyện nếu không trong vòng 7 ngày thì ông nhà sẽ
bị rồng bắt.
Sau khi bà Nô Met nói thì cả gia đình hoảng lên, liền phá vách buồng,
giăng rào chung quanh khu vực “rồng nổi”, dựng lên nhiều bàn thờ khấn
nguyện trước cửa căn nhà của gia đình ông.
Ngay hôm 13/8, thì tin đồn có hiện tượng “rồng nổi ” đã lan ra cả vùng
núi Thâm Đưng và còn lan cả những vùng biên, trong đó có vùng biên giới
Tây Nam Việt Nam. Nhiều người dân hiếu kỳ ở huyện Tịnh Biên và các
huyện lân cận bắt đầu ùn ùn kéo sang nước bạn để xem hiện tượng này.
Một người dân cúng vái trước hình rồng nổi.
Chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Tịnh Biên hôm 16-17/ 8 chứng kiến có rất
nhiều người sang bên nước bạn. Dù lúc này chốt cửa khẩu đã đóng chặt
cửa nhưng vẫn có nhiều người sang được bên kia biên giới tiến về vùng
núi Thâm Đưng xem “rồng”.
Gặp một số người Việt Nam qua xem, chúng tôi hỏi thì hầu hết đều nói là
nghe tin thì đi liền xem cho tận mắt việc kỳ lạ trên. Một người dân ở
xã An Nông - huyện Tịnh Biên cho biết là đã bỏ hết công việc để đi xem
vì tin này hấp dẫn và kỳ bí. Nhiều người khác thì cho biết là từ trước
tới giờ chưa thấy rồng nên quyết đi xem thử.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ có nhà của ông Chau Nhum là có
sự xuất hiện hiện tượng này. Trên địa bàn xã Thâm Đưng có đến 3 nơi
khác là Cà Na, Ta Tưng và Tuôl Omrua có xuất hiện việc đồn lên hiện
tượng “rồng nổi ”. Mỗi nơi nổi lệch nhau một ngày, chỉ cách nhau vài
trăm mét.
Sự việc kỳ lạ này kéo theo nhiều dịch vụ khác ăn theo như nhang đèn,
nước uống, chụp ảnh…với giá cũng rất trời ơi và còn có cả thùng đựng
tiền cúng tế đặt cạnh đó.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Ngô Hồng Yến - Phó chủ tịch
UBND huyện Tịnh Biên, cho biết thời gian qua có nghe nhiều người nói
đến vấn đề này, tuy nhiên việc xảy ra ở nước bạn nên rất khó cho chính
quyền địa phương kiểm tra thực hư sự việc. Nhưng chúng tôi sẽ cử người
xác minh làm rõ, sau đó sẽ tuyên truyền để bà con được rõ.
Huỳnh Hải
|