Hình
bên: Hệ thống tư pháp của nhà cầm quyền CSVN vừa thiếu, vừa yếu cả về
khả năng lẫn tư cách nên thường xuyên tạo ra đủ loại điều tiếng. Hồi
tháng 9 năm 2004, nhiều người dân đã bao vây trụ sở Tòa Án Tối Cao ở Hà
Nội để phản đối một bản án bị xem là thiếu nghiêm khắc đối với một sĩ
quan cảnh sát đánh chết người. Hình chụp một thanh niên bị bắt giữ sau
khi ném đá vào công an CSVN. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP)
Bạc
Liêu, (NV) - Bà Trần Thị Lệ Hoa, ngụ tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh
Lợi, tỉnh Bạc Liêu vừa được Tòa Án Tối Cao mời đến thương lượng về việc
bà đòi bồi thường 150 triệu đồng do những thiệt hại về tinh thần, tổn
thất về sức khỏe cũng như mất thu nhập do bị giam oan, truy tố oan và
kết án oan.
Bà
Hoa đã từng bị Tòa Án tỉnh Bạc Liêu và Tòa Án Tối Cao kết án bảy năm tù
về tội “giết người”. Cho đến khi được trả tự do, bà Hoa đã ở từ ba năm.
Vào
tháng 7 năm 2000, nhiều người ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi,
tỉnh Bạc Liêu nghe có tiếng la hét phát ra từ nhà mẹ nuôi của bà Hoa
nên chạy đến xem. Khi tới nơi, họ thấy bà Hoa đang ở trong nhà cùng mẹ
nuôi và một ca thuốc trừ sâu đổ lênh láng trên nền nhà.
Mẹ
nuôi bà Hoa kể rằng bà Hoa đã tìm cách đổ thuốc trừ sâu vào miệng bà
trong lúc bà đang ngủ. Còn bà Hoa thì cho rằng bà mẹ nuôi đã tự uống
thuốc rồi vu oan cho mình.
Sau
đó, trong cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm cả Tòa Án tỉnh Bạc Liêu
lẫn tòa phúc thẩm của Tòa Án Tối Cao đều xác định bà Hoa giết người.
Tuy
nhiên khi kiểm tra toàn bộ hồ sơ của vụ án này theo trình tự giám đốc
thẩm (hình thức cuối cùng để xem lại một bản án đã có hiệu lực), hội
đồng thẩm phán của Tòa Án Tối Cao đã hủy cả hai bản án vì thiếu căn cứ
để buộc tội. Tòa Án Tối Cao đã yêu cầu phải điều tra và xét xử lại song
đến tháng 2 năm nay, Viện Kiểm Sát tỉnh Bạc Liêu phải đình chỉ điều tra
vì “kết quả điều tra không bảo đảm đủ căn cứ vững chắc để xác định rõ
tội phạm và người phạm tội”.
Tòa phúc thẩm của Tòa Án Tối Cao đã tổ chức xin lỗi bà Hoa nơi bà đang cư trú nhưng bà Hoa cương quyết đòi phải bồi thường.
Tháng
trước, hôm 22 tháng 7, ông Nguyễn Minh Hùng, 30 tuổi, ngụ tại xã Tân
Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cũng đã gửi đơn đòi Tòa Án tỉnh Tây
Ninh, Viện Kiểm Sát tỉnh Tây Ninh và công an tỉnh Tây Ninh bồi thường
117,5 triệu đồng do bị các cơ quan này giam giữ và kết án oan.
Ông
Hùng đã từng bị tuyên án tử hình hai lần và bị giam giữ đúng 1,000 ngày
với cáo buộc đã “buôn bán vận chuyển 25 bánh herorin”.
Tờ
Tiền Phong cho biết, trong đơn đòi bồi thường, ông Nguyễn Minh Hùng còn
yêu cầu các cơ quan kể trên phải tổ chức xin lỗi ông tại nơi ông cư
trú, đồng thời phải đăng báo, xác định việc bắt, giam giữ, truy tố, xét
xử ông là làm oan một công dân vô tội.
Ông
Hùng bị bắt, bị truy tố và bị kết án tử hình vì cuốn sổ mà bà Phan
Nguyễn Anh Thư dùng để ghi chép việc giao nhận ma túy, có số điện thoại
được đăng ký bằng tên của ông Nguyễn Minh Hùng.
Tại
tòa, bà Phan Nguyễn Anh Thư từng xin minh oan cho ông Nguyễn Minh Hùng
vì “đã đổ tội cho một người không có chút liên quan nào tới việc mua
bán, vận chuyển ma túy trong tổ chức của mình, mong tòa minh xét, giải
oan cho anh Hùng...”.
Ðiều
đáng nói là trong quyển sổ của bà Phan Nguyễn Anh Thư, có rất nhiều chỗ
bị bôi xóa và đã có ai đó viết thêm tên của ông Nguyễn Minh Hùng vào
những chỗ này. Bà Phan Nguyễn Anh Thư khẳng định: “Người viết là bà Võ
Thị Hồng, điều tra viên của công an Tây Ninh”. Một trong những lý do
khiến ông Nguyễn Minh Hùng bị bắt và bị kết án tử hình là lời khai của
bà Phan Nguyễn Anh Thư: “Thanh niên có số điện thoại như đã ghi trong
sổ thường mặc áo đỏ”. Ở phiên phúc thẩm lần hai, bà Phan Nguyễn Anh Thư
tiết lộ: “Chi tiết ‘áo đỏ’ là do điều tra viên tự ý thêm vào biên bản
hỏi cung, sau khi khám nhà anh Hùng và thu giữ một cái áo màu đỏ. Tình
tiết này hoàn toàn là ‘sản phẩm’ của điều tra viên”.
Theo
báo Tuổi Trẻ, trong vụ án này, công an, viện kiểm sát, tòa án tỉnh Tây
Ninh đã bỏ qua rất nhiều chứng cứ, nhân chứng, giúp xác định ông Nguyễn
Minh Hùng vô tội. Nhiều người xác nhận số điện thoại đứng tên ông Hùng
và được ghi trong sổ của bà Phan Nguyễn Anh Thư là số điện thoại mà
Nguyễn Văn Tiến (bạn của ông Hùng) sử dụng (khi vụ mua bán, vận chuyển
ma túy bị vỡ lở, Nguyễn Văn Tiến đã bỏ trốn), sở dĩ ông Hùng đứng tên
giùm vì Tiến không có hộ khẩu. Ngoài ra, vào những ngày mà công an Tây
Ninh xác định ông Hùng tham gia mua bán, vận chuyển ma túy, có nhiều
nhân chứng xác nhận vợ chồng ông Hùng cùng đi chơi xa với họ, hoặc thời
điểm đó, ông Hùng đang dự tiệc sinh nhật của người thân.
Báo
điện tử VietNamNet kể, ở phiên xử phúc thẩm lần hai, sau khi nghe các
lời khai và kiểm tra các tài liệu là tang vật, nghe thêm lời khai của
các nhân chứng, những thẩm phán của Tòa Án Tối Cao chỉ còn biết lắc
đầu, nhún vai.
Ông Nguyễn Minh Hùng bị bắt lúc vợ ông vừa có thai đứa con đầu lòng. Khi ông được trả tự do, đứa bé này đã 4 tuổi.
Cho
đến nay, cả công an, viện kiểm sát, tòa án tỉnh Tây Ninh không xin lỗi
và không nhận trách nhiệm bồi thường cho ông Hùng. Cũng chưa có điều
tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nào bị kỷ luật vì đã làm “sai lệch
hồ sơ vụ án”, “truy tố và kết án oan” một người vô tội. Dù yêu cầu bồi
thường rất thấp so với những thiệt hại vật chất, tinh thần mà ông Hùng
và gia đình phải gánh chịu, song chưa chắc, ông Hùng sẽ được bồi thường
đúng mức ông yêu cầu. (G.Ð) |