Thứ Năm, 2025-01-23, 11:02 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 27 » Bản tin ngày 27/08/2008 của Thegioinguoiviet.net
9:56 PM
Bản tin ngày 27/08/2008 của Thegioinguoiviet.net
Với châm ngôn: tiền thày bỏ túi, bay chết mặc bay. Hậu quả của việc bớt xén:
Xây dựng công trình ngầm: đụng đâu sập đó!
Sập, lún hàng loạt
Đi qua hầm chui Văn Thánh 2 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đi không khỏi ngoái nhìn dãy nhà hai tầng nằm bên cạnh cầu đang nghiêng hẳn ra phía đường.
Đây là ba căn nhà cùng số A17/2 đường Phú Mỹ, P.22 do ông Trần Đức Anh làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, ngôi nhà chỉ còn “xác” với những vết nứt dọc ngang. Gần như toàn bộ kết cấu đà, móng của ngôi nhà đã hư hại nghiêm trọng.
Sự cố sập Viện Khoa học xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ (TP.HCM). Ảnh: Trần Duy
Những nhân khẩu sống trong ngôi nhà này đã buộc phải di dời ra khỏi nơi đây từ lâu để tránh nguy cơ ngôi nhà nghiêng sẵn sàng sập bất cứ lúc nào.
Bản thân hầm chui Văn Thánh 2 và tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang lún nghiêm trọng. Trong suốt gần 6 năm qua, không một nhà khoa học nổi tiếng nào có thể đưa ra kết luận cuối cùng bao giờ hầm chui Văn Thánh 2 và toàn tuyến đường “tắt lún”. Dự đoán chung nhất chỉ có thể là hầm chui Văn Thánh 2 sẽ tắt lún đến khi lớp địa chất dần ổn định.
Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT TP.HCM, cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn đều đặn bù lún ở hai đầu đường dẫn lên cầu Văn Thánh 2. Hàng ngày, có không ít người điều khiển xe gắn máy đi qua cây cầu này bị “đo đường” do quá bất ngờ, không làm chủ được tay lái vì cao độ chênh lệch giữa cầu và đường dẫn lên cầu.
Vào thời điểm 2002, khi dự án này “khởi động”, hàng chục căn nhà kế cận công trình đã bị nứt, sập. Hàng chục hộ dân phải di dời ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống tạm cư trong suốt nhiều năm trời. Đến nay, hậu quả này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong những cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về hầm chui cầu Văn Thánh 2, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân lún, nứt hầm chui, dẫn đến hư hỏng cầu Văn Thánh 2 là do các bên liên quan trong dự án này, từ đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, chủ đầu tư... đã không lường hết mức độ lún của địa chất tại khu vực thi công.
Gần đây nhất, vào 9/10/2007, dãy nhà làm việc của Viện Khoa học Xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ (43-47 đường Nguyễn Thi Minh Khai, Q.1) bất ngờ đổ sập do “hàng xóm” là công trình xây dựng tầng hầm của tòa nhà cao tầng Pacific gây nên. Nguyên nhân được chỉ ra sau đó là do trong quá trình thi công, công nhân đào trúng mạch nước ngầm làm xói mòn nền móng tòa nhà Viện Khoa học Xã hội nhân văn khu vực Nam Bộ dẫn đến đổ sập.
Dư âm của vụ Pacific chưa lắng đọng thì đến 31/10/2007, chung cư số 5 Nguyễn Siêu lún do ảnh hưởng của việc đào móng thi công cao ốc Saigon Residences nằm sát cạnh.
Tiếp đó, 11/2007 khoảng 13 hộ dân phường 22 sống xung quanh khu vực thi công chung cư cao cấp Daewon Hoàn Cầu (56/11/8 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh) phải di dời khẩn cấp vì nhà cửa rạn nứt, nghiêng, lún do ảnh hưởng của việc thi công chung cư cao cấp này.
Anh Lưu Đức Thắng (48/10 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh) - một trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố xây chung cư cao cấp Daewon Hoàn Cầu cho biết, đến nay, trường hợp của anh vẫn đang chờ tòa phân xử. Hiện nhà anh Thắng bị các nhà kế bên đè nghiêng sang. Anh Thắng cho biết, nếu sửa chữa thì buộc phải phá dỡ căn nhà và nâng một căn nhà khác bên cạnh mới có thể nâng nhà anh đứng trở lại.

Hậu quả của việc thi công hầm chui Văn Thánh 2 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: Trần Duy

"Bẫy địa chất"
Theo TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, việc xây dựng tầng hầm là nhằm giải quyết bài toán thiếu đất xây dựng trong quá trình cải tạo, xây chen và nhu cầu sử dụng tầng hầm trong các công trình nhà cao tầng.
Tuy vậy, riêng tại TP.HCM là nơi hội tụ khá đầy đủ các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên sự cố như: nền đất yếu và khá dày; mực nước ngầm cao; các công trình liền kề được xây dựng trên nền móng nông; tốc độ xây dựng cao, do vậy quản lý bị dàn trải...
Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM nói rằng. những sự cố về lún, sập, liên quan đến xây dựng các công trình ngầm là do “bẫy địa chất”.
Ông Thắng giải thích, dưới các lớp đất sâu ở đâu cũng thường có những cái “bẫy địa chất”. Đó là những khoảng không gian hữu hạn ẩn giấu trong các địa tầng mà các phương pháp khảo sát thiết kế thông thường khó phát hiện và nhận biết đầy đủ. “Nó luôn luôn chực chờ để bất ngờ chuyển đổi trạng thái, giải phóng năng lượng, gây ra tai họa rủi ro” - ông Thắng nói. “Mọi lý thuyết và phương pháp điều tra khảo sát địa chất đều là suy đoán gián tiếp từ trên mặt đất, chỉ khi đào ra mới tiếp cận được đầy đủ sự thật”.

Ông Thắng cho rằng, trên thực tế hiện trường xây dựng công trình vẫn thường gặp phải những tình huống rủi ro khó lường trước được. Phạm vi sự cố rủi ro xảy ra rất rộng, từ các công trình nhà ở của hộ dân cư nhỏ lẻ, đến các móng nhà cao ốc cũng như các công trình xây dựng cầu đường...
Điều đặc biệt là trong việc xây dựng công trình đô thị, các công trình lân cận luôn tác động, hỗ trợ lẫn nhau, làm phản áp, đối trọng nhau. Nếu phá vỡ ngôi nhà đi có thể làm phá vỡ cân bằng cả khu nhà xung quanh. Nếu đào móng có thể gây ra xáo trộn nứt lún nhà hàng xóm...
Tại buổi hội thảo khoa học về “Công trình xây dựng có phần ngầm và bài học từ các sự cố” vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, có thể phòng tránh sự cố ngay từ đầu nếu các bên liên quan trong một dự án xây dựng công trình, đừng vì lợi ích riêng mà bất chấp tất cả.
“Vì muốn có giá thành rẻ nên chủ đầu tư chọn thầu thông qua quen biết rồi móc nối thậm chí tự tổ chức thi công khi chưa có kinh nghiệm mà không thuê tư vấn quản lý dự án...” - ông Hiệp vạch trần những “mánh khoé”- nguyên nhân dẫn đến sự cố trong các công trình xây dựng.
Trần Duy


Khi những đỉnh cao nhắm mắt làm đường:
Hà Nội: "Phát minh" phân làn đường - cái bẫy chết người
- Sau khi phân làn tránh ùn tắc trên 2 tuyến đường Trần Khát Chân và Đại Cồ Việt (Hà Nội) không khả thi, các cơ quan chức năng đã đưa thêm một "phát minh": cắm cọc giữa đường. Nhưng không ngờ, sáng kiến này lại là cái "bẫy" gây tai nạn.
Tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân đã được phân làn thí điểm gần 6 tháng nay. Tại hội nghị sơ kết 4 tháng phân làn tuyến đường nói trên, đại diện Sở GTVT, Phòng CSGT và đơn vị tư vấn TraHud (Nhật Bản) đã thừa nhận kết quả thực hiện dự án này đã "không như mong đợi". Vậy mà không hiểu vì lý do gì, gần 1 tuần nay, trên 2 tuyến đường này Sở GTVT lại tiến hành chôn cọc giữa đường để tiếp tục phân luồng.
Ông Kẻng làm nghề sửa chữa xe đạp đầu phố Vân Hồ 3 - Đại Cồ Việt cho biết: "Phân làn kiểu này không những không kết quả mà mỗi ngày từ 9h sáng đến 22h, tôi đếm được gần 20 vụ tai nạn hoặc va chạm nhẹ đã xảy ra. Ngày 24/8, có 2 mẹ con đi xe máy đã mắc vào cọc phân luồng và ngã xe văng xa hơn 10m, rất may là chưa có tai nạn chết người".
Quá bức xúc vì sau khi các cơ quan chức năng tiến hành chôn cọc nhựa đã xảy ra nhiều tai nạn, một số người dân sống trên tuyến phố Đại Cồ Việt đã lấy cưa cắt bỏ những cọc nhựa phân luồng bị ô tô cán gãy. Chị Nhung bán hàng nước ven đường bức xúc: "Chúng tôi đã cắt bỏ những cọc nhựa bị gãy hỏng tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra, vì sau khi cọc nhựa bị gãy đổ không thấy cơ quan chức năng đến khắc phục".

Đây là một "phát minh" nửa vời của Sở GTVT phân làn trên tuyến đường Đại Cồ Việt, còn người tham gia giao thông lái xe như làm xiếc nếu không muốn bị tai nạn.


Khi những đỉnh cao nhắm mắt làm đường:
"Ao tù" trong trạm y tế !
(HNM) - Nhiều tháng nay, nhân dân xã Phú Lương (thành phố. Hà Đông) thường xuyên phải lội bì bõm qua “ao tù” trong sân mới vào được Trạm y tế để khám, chữa bệnh.
Còn các y bác sỹ ngày nào cũng đến làm việc và phải chứng kiến cảnh hai dãy nhà cấp bốn của trạm trong tình trạng bị ngập nước (ảnh).
Một số người dân địa phương cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian qua xã xây dựng lại hệ thống đường giao thông liên thôn và hệ thống tiêu thoát nước, nhưng lại “quên” đầu tư nâng cấp trạm y tế nên hệ thống sân, vườn của trạm thấp hơn so với mặt đường và cống thoát nước, dẫn tới việc nước mưa không thể tiêu thoát.

Trạm y tế là nơi lưu giữ, bảo quản thuốc men, phương tiện và chăm sóc sức khỏe người dân, đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng địa phương sớm có biện pháp khắc phục cảnh ngập lụt tại Trạm y tế xã Phú Lương, tránh để trạm rơi vào tình trạng xập xệ, mất vệ sinh môi trường như hiện nay.


Khi những đỉnh cao nhắm mắt làm đường:
TP Sóc Trăng: ngập nước kinh hoàng do mưa
TTO - Mặc dù cơn mưa vào chiều ngày 25-8 chỉ kéo dài gần hai giờ nhưng đã làm hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) bị ngập nước.
Nếu như những cơn mưa trước các đường như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Thêm, Phan Bội Châu, Nguyễn Thị Minh Khai… chỉ ngập khoảng 4-5 tấc thì sau cơn mưa chiều 25-8 có nơi ngập đến 8 tấc làm hàng trăm xe máy bị “ngủm củ tỏi” phải xếp hàng chờ sửa, lau chùi bugi.
Do thời điểm ngập nước trùng với giờ tan trường nên nhiều tuyến đường cũng bị kẹt xe làm không ít học sinh về đến nhà trời đã tối mịt. Anh Trần Phúc Thi - kế toán Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng - cho biết vừa rời cơ quan đã gặp cảnh nước ngập, kẹt xe gây ùn tắc giao thông. Sang đến Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai để rước cậu con trai học lớp 3 lại tiếp tục cho “xe lội nước” nên bị chết máy. Đến 19g30 anh Thi và con vẫn còn xếp hàng chờ sửa xe ở góc đường Lê Hồng Phong - TP Sóc Trăng.

Nước mưa không chỉ biến đường thành… sông mà còn tràn vào nhà làm khổ nhiều hộ dân ở phường 2, phường 3 - TP Sóc Trăng. Ông Đặng Kỳ Tâm, nhà số 15 đường Nguyễn Thị Minh Khai, bức xúc: “Nước tràn vào nhà ngập hơn 5 tấc làm hư hỏng nhiều tài sản. Mẹ tôi hơn 90 tuổi bị bệnh nằm trong nhà nhưng nước ngập gần đến lưng. Năm nay tôi đã 71 tuổi nhưng chưa thấy cơn mưa nào nước ngập kinh hoàng như thế này”.
NGỌC DIỆN


Khi những đỉnh cao nhắm mắt qui hoạch:
Hà Tĩnh: Quy hoạch bùng nhùng, dân "nghẹt thở" vì... lò mổ
Hàng ngàn hộ dân sống dọc theo con sông Cụt và 200 hộ dân thuộc khối phố 10 (phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) đang hàng ngày hàng giờ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ lò giết mổ gia súc tập trung nằm ngay trong lòng thành phố này.

"Thối quá! Chúng tôi không chịu nổi"
Lò giết mổ gia súc tập trung được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động vào năm 2002 nằm trên cánh đồng thuộc phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) do ông Trương Hữu Hà quản lý. Khi vào hoạt động thì lò mổ này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường và có khoảng cách đạt yêu cầu với khu dân cư.
Hệ thống lắng lọc chất thải phải có 3 hồ xử lý, toàn bộ nước thải sau quá trình giết mổ sẽ đi theo hệ thống mương ống dẫn vào hố xử lý lần 1, nước thải ở đây được lắng lần thứ nhất rồi dẫn qua bể điều hoà, từ bể điều hoà nước thải được lắng lần thứ hai và theo hệ thống mương dài 2m, được chuyển sang hồ vi sinh.
Những đống phân lộ thiên trong lò mổ này chính là tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng đối với hàng ngàn người dân sống quanh đó. Ảnh: Duy Tuấn

Thế nhưng, lò mổ mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì hệ thống lọc này đã xuống cấp. Toàn bộ nước thải đủ các thành phần từ máu, mỡ, lông, phân gia súc, chất tẩy rửa gia súc được tống thẳng ra dòng sông Cụt nằm cách lò mổ 200m. Từ khi có lò mổ, nước sông Cụt đã ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ dân ở phường Tân Giang than vãn: "Từ khi xuất hiện lò giết mổ, gia đình tôi không có bữa cơm nào ăn ngon. Mùa hè thì gió Nam thổi mùi hôi vào, mùa mưa thì ruồi muỗi đầy nhà. Nhiều hôm, đang trong bữa ăn mùi hôi thối xộc vào không chịu nổi khiến tôi nôn oẹ. Kinh hoàng hơn, khi đến mùa nước lũ, phân nổi lềnh bềnh kéo dài cả hàng trăm mét, có khi tràn cả vào nhà. Mùi hôi thối làm gia đình tôi lúc nào cũng phải treo mành, đóng cửa. Không chỉ vậy, nước ô nhiễm thải ra làm cả dòng sông đen kịt... kinh hoàng lắm!".

Cũng chung tình cảnh như 200 hộ dân khối phố 10 là các hộ dân sống bên cạnh con sông Cụt mà nguồn nước thải từ lò mổ thải ra. Chị Hằng - một người dân lắc đầu ngao ngán: "Khổ lắm các chú à, mùi nước thải khó chịu lắm. Chúng tôi đã phải sống chung với ô nhiễm 5 năm rồi. Bao nhiêu ý kiến đưa lên mà chưa thấy họ giải quyết được gì".
Bên trong lò mổ là dãy hành lang lụp xụp, là nơi nhốt gia súc kiêm luôn làm sàn mổ và phía cuối lò là nơi tập trung, xử lý phân rác thải.
Nhưng trên thực tế, khu xử lý này chỉ làm nhiệm vụ duy nhất nhằm đối phó với cơ quan chức năng, bởi nó đã xuống cấp từ lâu. Lượng phân và rác thải được chuyển hẳn ra ngoài phạm vi lò mổ chất thành từng đống rồi chảy theo mương đổ trực tiếp ra sông Cụt mà không qua một quy trình xử lý nào.
Duy Tuấn-Hà Vy


Hà Tĩnh: Dân lại chảy nước mắt vì dịch bệnh gia súc
(Dân trí) - Nhiều hộ chăn nuôi tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê khóc dở mếu dở vì trâu bò bỗng nhiên lăn ra chết. Bệnh tụ huyết trùng cấp tính được xác định là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Theo thông tin mới nhất, bệnh tụ huyết trùng cấp tính xuất hiện trên đàn trâu của xã Hòa Hải đã hơn một tuần nay. Tính đến thời điểm này, toàn xã có 19 con trâu bị chết vì chứng bệnh nói trên. Trâu bị bệnh có các dấu hiệu thở dốc, sùi bọt mép, mắt đỏ, thân nhiệt trên dưới 40oC và chỉ sau vài ba tiếng đồng hồ là chết.
Điều đáng nói là sự can thiệp quá chậm của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Người dân tiếc của đã mổ trâu bệnh và chết để ăn, bán khắp xóm, thậm chí thịt trâu chết còn được đưa đi tiêu thụ ở những nơi cách xã hơn 10km.
Hiện đã có những quan ngại: do khu vực giết mổ trâu chết ở các kênh mương nước, chất thải chứa mầm bệnh theo dòng nước chảy, khiến dịch lan nhanh trên diện rộng.
Văn Dũng


Xuất hiện nhánh virus H5N1 có nguy cơ cao lây bệnh cho người
TPO – Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh đưa ra tại Hội nghị toàn quốc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản ngày 26/8.
Ông Bùi Quang Anh cho biết chương trình giám sát cúm trên gà nhập lậu tại các tỉnh biên giới tiến hành thời gian qua đã phát hiện sự xuất hiện của virus H5N1 nhánh 7 vốn là chủng virus gây dịch ở Trung Quốc, có khả năng lây bệnh cho người rất cao. Cho đến thời điểm này, nhánh virus này chưa gây dịch ở Việt Nam.
Ông cũng cho biết những nghiên cứu về di truyền của virus H5N1 gây dịch ở Việt Nam từ năm 2007 đến nay cho thấy virus H5N1 đã và đang có sự biến đổi.
Cũng theo ông Quang Anh, kết quả giám sát sự lưu hành virus H5N1 tại 20 tỉnh, thành phố cả nước cho thấy, tỷ lệ số đàn gia cầm có virus H5N1 chiếm 1,68%. Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ virus lưu hành cao ở vịt: Vĩnh Long (9,52%), Trà Vinh (8,97%), Sóc Trăng (5,32%),…
"Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch từ vịt chạy đồng ở khu vực này vẫn rất lớn. Trong khi đó, những tỉnh Bắc bộ lại có tỷ lệ virus lưu hành trong các đàn gà cao như: Hải Dương, Quảng Ninh…"-Ông Quang Anh nói.
Phạm Tuyên


Thoát chết hi hữu: Xe hơi cán ngang bụng vẫn sống
Dù bị vỡ gan, vỡ lá lách, gãy xương đùi, với khoảng 3 lít máu nằm trong ổ bụng, cô gái 17 tuổi vẫn sống sót sau khi bị một chiếc xe hơi cán ngang người. Hỗ trợ cho sức sống mãnh liệt đó là các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn.
Cô gái 17 tuổi vẫn sống sót sau khi bị một chiếc xe du lịch cán ngang người.

Cho đến ngày 26/8, các bác sĩ khoa Ngoại - BV Đa khoa Sài Gòn vui mừng khi một ca tai nạn giao thông bị xe du lịch cán ngang người đã ổn định các dấu hiệu sinh tồn.
Dù bị vỡ gan, vỡ lá lách, gãy xương đùi, với khoảng 3 lít máu trong ổ bụng, cô gái 17 tuổi vẫn sống sót sau tai nạn chết người.

Đó là một bệnh nhân nữ hiện đang tạm trú tại Quận 1 - TP.HCM. Nạn nhân nhập viện vào khoảng 17g ngày 23/8 trong tình trạng sốc nặng, không có mạch, huyết áp tụt thấp sau khi vừa bị một xe hơi cán ngang qua bụng.
Khi rạch bụng, các bác sĩ phát hiện khoang bụng của bệnh nhân chứa khoảng 3 lít máu (2/3 lượng máu toàn cơ thể). Trong khi đó, gan vỡ nát ở phần đỉnh (hạ phân thùy 8), lách bên trái vỡ nát phải cấp cứu phẫu thuật.
Ca mổ kéo dài 2 giờ với 8 đơn vị máu. Kíp mổ đã phải cắt bỏ phần lá lách và gan bị dập. Do tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân nên tạm thời các bác sĩ không tiến hành mổ để nối lại xương đùi bị gãy mà chỉ bó êm.
H.Cát
Category: Tin tức | Views: 2133 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0