BBC
|
|
Nông dân nghèo VN sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề vì kinh tế khó khăn |
Lạm phát cao và tăng trưởng giảm sẽ có tác động mạnh tới các hộ nghèo tại Việt Nam trong năm 2008, theo một
báo cáo mới ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Phúc
trình mang tên “Bối cảnh kinh tế Thế giới và dự báo chỉ tiêu
vĩ mô năm 2009” đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho VN năm
2008. Kịch bản 1 dự đoán tăng trưởng sẽ ở mức 6,6 - 6,8%, trong
khi kịch bản 2 dự đoán thấp hơn, ở mức 6,2-6,5%.
Lạm phát vẫn là vấn đề gây đau đầu cho giới chức, với mức dự đoán lạm phát cả năm theo cả hai kịch bản
dao động từ 29-33%.
Nguy cơ dịch bệnh bùng phát, giá lương thực và nhiên liệu vẫn tăng trong khi các chính sách tài chính và tiền
tệ chưa hiệu quả là những yếu tố làm tình hình thêm trầm trọng.
Người nghèo là nạn nhân
Những người nghèo tại Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng kinh tế suy giảm.
Bản báo cáo cho biết tình trạng tái nghèo ở khu vực nông thôn và miền núi gia tăng, và tỉ lệ hộ nghèo ở
Việt Nam cuối năm 2008 sẽ là khoảng 14,5%, cao hơn chỉ tiêu nhà nước đặt ra là 11 đến 12%.
Bản
phúc trình nói đến thời điểm 20/6, cả nước có tới 452,5 ngàn
lượt nhân khẩu bị thiếu đói - tức là tăng gần 60% so với cùng
kỳ năm trước - tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc
và Bắc Trung Bộ.
|
|
Tình trạng tái nghèo và thiếu đói gia tăng trong năm 2008 |
Điều này là do tình trạng lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao, trong khi tác động của các đợt thiên tai từ năm
2007 tại nhiều vùng ở VN vẫn chưa được khắc phục.
Kinh tế khó khăn còn khiến cho các nỗ lực tạo việc làm không được hiệu quả. Phúc trình dự báo tỉ lệ thất
nghiệp ở thành thị đến cuối năm 2008 là khoảng 4,5%.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các số liệu trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Cán cân thương mại
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo sau là Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản.
Tuy nhiên, cán cân thương mại của Việt Nam bị cho là sẽ chênh lệch mạnh, do tình trạng nhập siêu ước tính sẽ
ở mức cao kỷ lục năm nay, là khoảng từ 21 đến 23 tỉ USD.
Phúc
trình này cho biết “điểm sáng” duy nhất trong bức tranh kinh tế
6 tháng đầu năm là tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài,
FDI. Báo cáo dự đoán đến cuối năm 2008, tổng số vốn cam kết
trong cả năm sẽ đạt tới 50 tỉ USD, trong khi số vốn thực sự
thực hiện có thể đạt hơn 10 tỉ dollar.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, ODA, vẫn là nguồn chính để Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng giao
thông và cải thiện môi trường.
Tuy nhiên, những bê bối trong thời gian gần đây, như vụ ông Bùi Tiến Dũng ở PMU18 hay vụ công ty PCI của Nhật
bị cáo buộc hối lộ quan chức VN, đang khiến giới quan sát chú ý vào lĩnh vực này.
|