|
|
Hiện Toà thành Vatican vẫn chưa có bình luận gì về vụ việc |
Giám đốc công an Thành phố Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh, nói rằng cảnh sát Hà Nội không hề sử dụng vũ lực để giải tán đoàn
biểu tình của giáo dân Thái Hà tối ngày 28/8.
Trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu, Tướng Nhanh nói với các phóng viên: "Cơ quan công an Việt Nam, cũng như công an tất cả các
nước trên thế giới, chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ trong trường hợp các đối tượng chủ động tấn công cảnh sát”.
Trong khi đó linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải, nhà thờ Thái Hà, nói với BBC Việt ngữ rằng các tu sĩ trực tiếp chứng kiến việc
cảnh sát chống bạo động của Thành phố dùng dùi cui điện đánh đập giáo dân.
Họp báo
Như chỉ dấu cho thấy vụ việc trở nên phức tạp, Hà Nội tổ chức buổi họp báo, có mặt Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh, Giám đốc
Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cùng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng.
Báo điện tử VietnamNet dẫn lời ông Nhanh nói các linh mục tại nhà thờ Thái Hà "có hành vi kích động, khuyến khích giáo dân
vi phạm pháp luật Việt Nam".
Khoảng 8 giờ 30 phút tối 28/8, lực lượng cảnh sát chống bạo động của công an Thành phố Hà Nội đã bất ngờ ra tay giải tán cuộc
biểu tình của hơn 400 giáo dân nhà thờ Thái Hà.
Các giáo dân cho biết khi cảnh sát bạo động sử dụng dùi cui điện, roi điện và hơi cay, tấn công, họ đang ngồi trên vỉa hè
cầu nguyện để những người bị bắt từ buổi sáng cùng ngày được thả.
Nhiều giáo dân, trước đó ngồi trên vỉa hè khu vực trụ sở Công an Quận Đống Đa, kể lại đã bị thương tích do dùi cui và roi
điện. Một người bị ngất, bảy người được cho đã bị bắt.
Lãnh đạo Công an Quận Đống Đa và Công an Thành phố thì bác bỏ việc cảnh sát dùng vũ lực mà chỉ cho là có xô xát không cố ý.
Tin từ Thông tấn xã Công giáo Vietcatholic cho hay, sáng hôm nay, 29/08, đại diện Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới giáo sứ
Thái Hà thăm gia đình, thân nhân những người bị bắt giữ.
Ý kiến đa chiều
Trả lời BBC hôm nay, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, PGS. Phạm Xuân Hằng, nói với BBC rằng nhiều người dân không đồng
tình với việc các giáo dân 'vi phạm pháp luật' và việc để ảnh Chúa, tượng Đức Mẹ ở nơi tranh chấp là phản cảm.
|
Đất đai phải xử theo luật, chứ nhà thờ không thể nằm trên nhà nước. Rất đáng tiếc là đã không có sự hợp
tác nên mới có sự lộn xộn như vậy
PGS. TS Phạm Xuân Hằng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội
|
PGS Hằng, người mới thôi chức Trưởng Ban Tuyên huấn Thành uỷ Hà Nội, khẳng định:
"Đất đai phải xử theo luật, chứ nhà thờ không thể nằm trên nhà nước. Rất đáng tiếc là đã không có sự hợp
tác nên mới có sự lộn xộn như vậy."
Cố vấn của Ban Tôn giáo Chính phủ, PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương, nói với BBC việc bắt giữ giáo dân 'vi phạm an ninh, trật tự,
gây rối' là việc làm đúng.
Vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo này còn cho rằng các giáo dân đang bị kích động bởi các 'lực lượng thù địch'.
Trong khi đó, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà bất đồng chính kiến từ trong nước, cho rằng Chính quyền đang gặp
một nan đề:
"Họ đúng bây giờ là bó tay. Họ không cứng rắn cũng không được. Nhưng mà họ cứng rắn thì có khi càng nguy hiểm hơn".
'Nhà nước chưa sẵn sàng'
Trả lời câu hỏi của BBC Việt ngữ về phản ứng của Toà thánh Vatican về sự việc, từ góc độ cá nhân, linh mục Trần Đức Anh, phụ
trách Đài Vatican từ Roma cho rằng nhà nước Việt Nam chưa sẵn sàng trao trả đất cho giáo hội.
|
Nếu vụ Thái Hà được Nhà nước giải quyết trả đất xong, thì các nơi khác đòi đất cũng phải trả lại hệt như vậy
Linh mục Trần Đức Anh, Radio Vatican, Roma
|
Linh mục Trần Đức Anh nói: "Nếu vụ Thái Hà được Nhà nước giải quyết trả đất xong, thì các nơi khác đòi đất các dòng như Phao-lô,
Nữ tử Bác ái, cũng phải trả lại hệt như vậy. Vấn đề là Nhà nước đã sẵn sàng chưa?"
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Đại học New South Wales, Úc có cái nhìn tổng thể về phong trào đòi đất của
nhiều tổ chức, đoàn thể tôn giáo Việt Nam từ góc nhìn "xã hội dân sự".
Theo ông, các tổ chức hoạt động dân sự này không "đe doạ" chính quyền, nhưng đang "gây sức ép" rất mạnh để buộc phải thay
đổi chính sách.
|