Thứ Ba, 2024-11-05, 8:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 30 » Bỏ Hội đồng Nhân dân: Cải cách hành chánh hay chính trị?
8:37 AM
Bỏ Hội đồng Nhân dân: Cải cách hành chánh hay chính trị?
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008-08-29

Việt Nam sắp tới đây sẽ cho thử nghiệm chương trình bãi bỏ Hội Đồng Nhân Dân cấp Quận Huyện, với lý do những cơ chế này gần như vô hiệu, lại tốn kém.

AFP PHOTO

Khung cảnh một phiên họp của Quốc hội Việt Nam.

Việc bãi bỏ cơ chế này đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến Pháp để các chương trình thí điểm của ngành hành pháp không vi phạm Hiến Pháp hiện hành.

Vấn đề, tuy nhiên, không nằm ở bản thân các chương trình cải cách, mà còn đặt ra vai trò của Đảng và tính Đảng trong sinh hoạt chính trị Việt Nam. Đâu là điều kiện cần và đủ để mang lại sự thành công trong những biện pháp cải cách này.

Tại sao chỉ bỏ cấp quận, huyện

Trung tuần tháng Tám, truyền thông Việt Nam đưa tin cho biết một Phó thủ tướng Chính Phủ có chỉ đạo chọn ra 4 thành phố trực thuộc trung ương cùng 6 tỉnh để thực hiện xoá bỏ tổ chức Hội Đồng Nhân Dân cấp quận, huyện.

Giới quan sát cho rằng, quyết định như vậy có thể là động thái vi phạm trầm trọng hiến pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lý do là vì, Hội Đồng Nhân Dân là một cơ cấu quyền lực của nhà nước Việt Nam, theo định nghĩa, là do dân bầu ra, với quyền hạn và nghĩa vụ được Hiến Pháp qui định.

Nếu xét riêng về lịch sử của cơ cấu tổ chức này, theo lời tiến sĩ Luật sư Phạm Duy Nghĩa, phát biểu từ Hà Nội, thì Hội Đồng Nhân Dân cấp Quận Huyện đã không có trong tổ chức chính quyền Việt Nam ngay từ thập niên 1950s:

“Điều này đã có trong lịch sử Bắc Việt, vốn không có Hội Đồng Nhân Dân cấp Huyện. Nay họ quay lại mô hình có sẵn từ những năm 1950s chứ không phải là sự sáng tạo điều gì mới. Tóm lại, ý đồ là chỉ có 2 cấp: hoặc Xã, thấp nhất, và trên đó là cấp Tỉnh, chứ không có cấp ở giữa.”

Điều này đã có trong lịch sử Bắc Việt, vốn không có Hội Đồng Nhân Dân cấp Huyện. Nay họ quay lại mô hình có sẵn từ những năm 1950s chứ không phải là sự sáng tạo điều gì mới.

LS Phạm Duy Nghĩa

Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra, là tại sao lại bỏ đi Hội Đồng Nhân Dân cấp quận huyện, trong khi vẫn duy trì cơ cấu này ở cấp tỉnh và cấp phường xã? Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa nhận định, rằng nếu quan tâm đến vấn đề dân chủ trực tiếp, thì việc bãi bỏ cấp Quận Huyện là điều có thể hiểu được:

“Bỏ Hội Đồng Nhân Dân Quận Huyện là để có dân chủ trực tiếp. Hội Đồng Nhân Dân nào tồn tại là khi họ có quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri, ví dụ Hội Đồng Nhân Dân cấp Xã, Phường. Còn Quận Huyện thì không gắn trực tiếp với người dân.”

Tuy nhiên, một luật sư khác đưa ra ý kiến, không hẳn phủ định ý tưởng “dân chủ trực tiếp,” nhưng đặt lại vai trò và sự chi phối của Đảng trong hoạt động của các cấp Hội Đồng Nhân Dân còn lại:

“Hội Đồng Nhân Dân là cơ quan bỏ phiếu hợp thức hoá các quyết định của cấp uỷ Đảng. Nay đặt vấn đề bỏ Hội Đồng Nhân Dân có hợp lý không thì rất khó bàn. Quan trọng là sự chi phối của Đảng trong hoạt động của Hội Đồng Nhân Dân ở các cấp khác có giảm đi tính tuỳ tiện, và Hội Đồng Nhân Dân có thực sự độc lập và đại diện cho dân hay không?”

Yếu tố chính trị

Cho đến nay, chương trình thí điểm bỏ Hội Đồng Nhân Dân cấp quận huyện dường như vẫn còn nhiều điều chưa được quyết định dứt điểm. Chẳng hạn, chưa có thông tin chính thức là tỉnh nào và thành phố nào sẽ nằm trong chương trình thí điểm.

Ngoài ra, như đã đề cập, thì chương trình này không thể được thực hiện một cách hợp hiến nếu chưa có sự thông qua của Quốc Hội Việt Nam.

Trong bài báo đăng ngày 22 tháng Tám trên VnExpress, phóng viên cũng đã đề cập đến vấn đề trái với hiến pháp, và được ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Uông Chu Lưu, giải thích rằng “Quốc Hội chắc chắn phải có nghị quyết cho phép, từ đó Chính phủ mới triển khai được.”

Hội Đồng Nhân Dân là cơ quan bỏ phiếu hợp thức hoá các quyết định của cấp uỷ Đảng. Nay đặt vấn đề bỏ Hội Đồng Nhân Dân có hợp lý không thì rất khó bàn. Quan trọng là sự chi phối của Đảng trong hoạt động của Hội Đồng Nhân Dân.

Một Luật sư trong nước

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa nhận định, đây là chương trình lớn, nhưng còn một chuyện khác lớn hơn, đó là sự tương thích với Hiến Pháp:

“Chương trình cải cách hành chính 2000 – 2010 là một chương trình lớn, như một chiến lược lâu dài. Trong đó có nhiều cấu phần. Hội Đồng thì phải đi sát với dân, như vậy thì phải ở xã hoặc nếu tính theo khu vực thì đó là cấp tỉnh. Ở Huyện có khoản 20 xã thì Hội Đồng không còn cần thiết. Nhưng việc này còn phải có một chuyện khác lớn hơn, là phải sửa Hiến Pháp.”

Trong khi đó, một luật sư khác thì nói, nếu Ban Thường Vụ Quốc Hội ra nghị quyết để hợp hiến hoá chương trình này, thì Hiến Pháp được bảo toàn, tuy nhiên:

“Chuyện thử nghiệm bỏ Hội Đồng Nhân Dân mà không có ý kiến Quốc Hội thì không có gì lạ. Nếu người ta đặt vấn đề vi hiến một cách mạnh mẽ thì có thể Ban Thường Vụ Quốc Hội ra nghị quyết để làm cho hợp hiến chuyện thử nghiệm này. Đây chỉ là một chuyện thêm vào để thấy Hiến Pháp Việt Nam không được tôn trọng, như là luật “mẹ” trong 1 xã hội dân chủ.”

Giới quan sát Việt Nam cho rằng ngành Hành Pháp tỏ ra “rất ráo riết” trong việc thực hiện chương trình thí điểm bãi bỏ Hội Đồng Nhân Dân cấp Quận, Huyện. Tuy nhiên, như nhận định của tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, thì cho đến nay, “tầm nhìn thì có sẵn và tương đối mạch lạc,” nhưng sự chống đối vẫn có thể đến từ nhiều phương diện, nhất là từ chính quyền địa phương.

Bên cạnh việc thực hiện cải cách hành chánh, hiện Việt Nam cũng thực hiện một số cải cách về mặt tư pháp và toà án. Chẳng hạn, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cho biết là sẽ “tách toà án ra khỏi chính quyền địa phương, trong đó toà sơ thẩm trở thành toà của khu vực và toà phúc thẩm cũng đi theo khu vực. Mỗi khu vực gồm 3 đến 4 huyện.” Các cải cách này được ghi trong cương lĩnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như trong các nghị quyết của Bộ Chính Trị.

Tất cả các cải cách này, cuối cùng, có hiệu quả như thế nào, lại một lần nữa đặt lại vai trò cũng như sự chi phối của Đảng Cộng Sản trong toàn bộ quá trình thực hiện từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất.

Một luật sư tại Việt Nam nhận định, rằng để mang lại sự thành công cho các cải cách vừa nêu, Việt Nam cần một ý chí chính trị mạnh, tối thiểu phải đủ để giới hạn ở một mức nào đó, sự chi phối quá nhiều, quá mạnh, và quá sâu, của tính Đảng trong toàn bộ sinh hoạt chính trị Việt Nam.

Category: Chính trị | Views: 1389 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 552
Khách: 552
Thành Viên: 0