Jonathan Manthorpe, Vancouver Sun 11/8/08, Anh Khôi lược dịch
Thời kỳ khó khăn đang xảy đến cho Việt Nam, nơi từng có nhiều nguồn đầu tư đổ vào
Sau
nhiều năm được coi như là một trong những mục tiêu hấp dẫn và ưa chuộng
nhất Á Châu cho các nhà đầu tư ngoại quốc, Việt Nam bất ngờ phải đối
đầu với các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội trầm trọng.
Câu
hỏi ở đây có phải những khó khăn này chỉ là một ụ đất cao trên con
đường phát triển bắt đầu từ 20 năm trước với chính sách đổi mới giống
như Trung Quốc, từ bỏ nền kinh tế Mác-Lê, hay là một cái hố sẽ làm bứt
tung các bánh xe kinh doanh.
Một vài kinh tế gia và tổ chức như
Ngân hàng Phát triển Á Châu (ABD) thường có khuynh hướng nhìn từ khía
cạnh lạc quan về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.
Họ nghĩ chính
quyền của ông Thủ tướng cải cách Nguyễn Tấn Dũng đã làm nhiều điều đúng
để kiềm chế nạn lạm phát đang tăng đến gần 30% bằng cách kềm chế sự chi
tiêu của chính phủ và ngăn chận mức tăng trưởng tín dụng đang vượt khỏi
tầm kiểm soát.
Ðồng thời, theo Ngân hàng Phát triển Á Châu, thì
Hà Nội tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư ngoại quốc, có những cam
kết vẫn ở những tầm mức đáng chú ý, và đang duy trì sự tăng trưởng kinh
tế hàng năm ở một mức đáng kể là 7%.
Nhiều nhà phân tích cho hay
những khó khăn của Việt Nam hiện nay không khác gì hơn những thí dụ của
nhiều khó khăn trên thế giới như nạn lạm phát, giá cả năng lượng và
thực phẩm cao.
Tuy nhiên, nhìn từ giao điểm chính trị và kinh
tế, triển vọng phục hồi của Việt Nam từ năm 2009 trở về sau không có vẻ
gì là chắc chắn. Lý do là có nhiều xung đột mạnh mẽ về quan điểm và
quyền lợi trong nội bộ Đảng cộng sản.
Cũng như ở Trung Quốc, một
nhóm lý thuyết gia cốt lõi của Ðảng cộng sản không bao giờ tin vào việc
áp dụng nền kinh tế thị trường và những đảng viên khác thì khăng khăng
muốn duy trì một hình thức chủ nghĩa xã hội bằng cách đổ tiền của vào
những doanh nghiệp quốc doanh làm ăn lỗ lã và không có hiệu quả.
Kế
đến là quân đội và công an được chỉ thị phải sang nhượng lại những cơ
sở thương mại nhiều lợi nhuận, mang đến cho họ khoảng 2 tỷ đô la mỗi
năm.
Điều đáng chú ý là những đối thủ mạnh nhất của ông Dũng lại
là các bộ trưởng quốc phòng và công an. Trong một quốc gia độc đảng thì
chuyện gây thù kết oán với những kẻ nắm quyền kiểm soát súng đạn luôn
là một ván bài có nhiều rủi ro.
Quả thực, có nhiều nghi ngờ đã
vang lên thắc mắc không biết là ông Dũng có được sự ủng hộ của Đảng hay
không, để bảo đảm rằng ông ta được đề cử lần thứ hai vào chức vụ thủ
tướng với nhiệm kỳ 5 năm, ở Đại hội đảng toàn quốc lần tới vào năm 2011.
Không
phải chỉ có những chính sách cải cách kinh tế của ông Dũng, đánh dấu
bằng việc Việt Nam gia nhập vào WTO đầu năm ngoái đã gây khó chịu cho
thành phần đối nghịch với ông ta. Cá tính mạnh mẽ, thích tự đề cao và
khuynh hướng hay làm ngơ của ông ta về lề lối sinh hoạt lâu đời của
đảng là phải được sự nhất trí của tập thể khi đưa ra quyết định, đã làm
nhiều đảng viên bực bội.
Người ta thoáng thấy có một dấu hiệu về
các khó khăn trong sự lãnh đạo của ông Dũng hồi tháng trước khi một
buổi họp cấp tốc của 161 ủy viên trung ương đảng được triệu tập. Một
tiết mục chính của nghị trình buổi họp này là làm sao để đối phó với
nhiều dấu hiệu đang gia tăng về bất ổn xã hội đi kèm theo sự giao động
về kinh tế.
Nạn lạm phát, với gạo là thực phẩm chủ yếu tăng lên
đến 70% hồi tháng Sáu, đã gây ra hơn 400 cuộc đình công đòi tăng lương
và điều kiện làm việc tốt hơn trong năm nay. Hầu hết các cuộc đình công
này xảy ra tại các hãng xưởng do người ngoại quốc làm chủ, thúc đẩy
giới doanh nhân trong các thành phần đối tác chủ yếu của Việt Nam từ
nước ngoài —Đài Loan, Nhật Bản và Nam Triều Tiên— nhẹ nhàng nhưng cứng
rắn lên tiếng yêu cầu chính phủ Hà Nội phải chỉnh đốn lại nội bộ.
Uy
tín của chính quyền đối với dân số 85 triệu người lại bị tơi tả vào
tháng 7 vừa qua khi Hà Nội buộc phải huỷ bỏ mức trợ giá 30% cho xăng
dầu, khiến cho ngân quỹ nhà nước bị cạn kiệt nhanh chóng. Nhiều người
phải bỏ các biểu hiện thành công về tài chánh của cá nhân họ, là xe gắn
máy, để quay về với xe đạp, là biểu tượng cũ kỹ về một huyền thoại đầy
quyết tâm của Việt Nam trước đây.
Nhà cầm quyền Hà Nội biết rõ
là trong khi các nguồn đầu tư mới có trị giá khoảng 50 tỷ đô la đã được
hứa hẹn cho năm nay –một số đã được Ngân hàng Phát triển Á Châu đồng ý
chấp thuận– thì chỉ có khoảng 5 tỷ đô la thực sự được chi ra vì có
nhiều lo ngại về các tình trạng kinh tế và xã hội nửa chừng. Đảng
cộng sản cũng biết rất rõ về các khó khăn của chính họ. Họ có trong tay
một thống kê do họ thực hiện, cho thấy 80% dân chúng Việt Nam không còn
tin rằng đảng phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Vấn đề của Đảng
là phải làm gì, nhất là để lấy lại sự ủng hộ của giai cấp nông dân,
giới trung lưu đang gia tăng và tầng lớp trí thức. Giống như Trung
Quốc, chế độ Hà Nội từ chối không nghĩ đến bất cứ chuyện thay đổi to
lớn nào về chính trị, khiến có thể làm suy yếu đi sự độc quyền nắm giữ
quyền lực của họ.
Những sự kiện xảy ra từ buổi họp hồi tháng
trước của bộ chính trị —hay chính xác hơn là sự vắng bóng của các sự
kiện đó— có cảm tưởng cho thấy rằng đảng sẽ đưa ra một bộ mặt chai lỳ
để cố vượt qua các khó khăn hiện nay.
http://www.canada.com/vancouversun/news/editorial/story.html?id=a841b0da-a045
|