nguồn: http://www.doi-thoai.com
|
|
Các nhóm xã hội dân sự đang
phát triển |
Các rắc rối liên quan tới tranh
chấp đất đai tại số 178 Nguyễn Lương Bằng mà giáo xứ
Thái Hà nói là của họ đã thu hút sự chú ý của dư
luận trong nước và quốc tế.
Được biết đại diện Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới giáo xứ
Thái Hà thăm gia đình, thân nhân những người bị bắt giữ.
Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam
tổng cộng sáu người từ hôm 28/8 để điều tra các tội 'huỷ
hoại tài sản' và 'gây rối trật tự công cộng' theo các điều 143
và 245 của bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Nếu bị xác định là có tội, họ có thể bị tù với án
cao nhất tới bảy năm.
Dưới đây là phân tích của Giáo sư Carl Thayer, một trong
những nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam thuộc Đại
học New South Wales ở Sydney và Viện nghiên cứu Quốc
phòng Úc ở Canberra.
BBC: Ông có nghĩ rằng đây là những thách thức mới mà
chính quyền và đảng Cộng sản phải đối phó hay không?
GS Thayer: Đúng, tôi nghĩ nếu nhìn lại 10 năm qua ta
thấy càng lúc càng có nhiều những người nông dân và
những người khác, người Công giáo, đã đến các trụ sở
công quyền để khiếu nại về những vụ tranh chấp đất đai.
Nhà chức trách đã cố gắng đừng để hình ảnh người đi
khiếu kiện chường ra trước mặt công chúng, nhưng chuyện
này cứ tái diễn nhiều lần, thậm chí đám đông còn kéo
đến trước nhà một số nhân vật quan trọng. Chính quyền
ban hành luật để ngăn chặn nhưng thời của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng xã hội có phần nào đó cởi mở hơn. Ông
đã từng gặp đức Tổng giám mục Công giáo để thảo luận
về những chuyện này, Việt Nam cũng đang đối thoại với
Vatican. Hà Nội ở trong thế phải dè chừng vì triển
vọng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican. Thế
của giáo hội cũng mạnh lên nhờ các hành động của họ
và những hứa hẹn có thể đi đến một sự dàn xếp về
pháp lý cho những vụ tranh chấp.
BBC: Nhưng xem chừng đây là vấn đề khó khăn khi mà nhà
chức trách địa phương đã quyết định, lần đầu tiên cảnh
sát ra tay với những người Công giáo.
GS Thayer: Vấn đề phức tạp bởi vì có một điều
chưa được nói đến trước đây đó là có sự va chạm quyền
lợi của một số người do khu đất này có giá trị rất
cao, lên đến hàng triệu đôla nếu phát triển trong khi giao
lại cho giáo hội thì không được gì. Rồi quan điểm rất
khác nhau về chuyện giáo hội trước đây có đã hiến tặng
khu đất cho nhà nước hay không. Hệ thống tòa án ở Việt
Nam lại không phải là nơi lý tưởng để xét xử vụ này
vì tòa không độc lập. Vì vậy cần phải có một quyết
định chính trị ở đây để phân chia khu đất để cả hai đều
không bị mất mặt.
BBC: Trong một bài tham luận đọc ở Hồng Kông gần đây
ông nói đến xã hội dân sự, nhưng là một loại xã hội
dân sự chính trị ở Việt Nam.
GS Thayer: Đa số các học giả có khuynh hướng tập
trung vào các nhóm không hoạt động chính trị nhưng tôi
nói đó là những gì đang nổi lên ở Việt Nam và chúng ta
cần phải nhìn nhận điều đó. Đó là những nhóm đang đòi
hỏi có xã hội dân sự nhưng thúc đẩy mảng dân sự, tức
đòi chính quyền phải thực thi chính luật pháp của mình,
qua đó công nhận quyền lập hội, tụ tập, biểu tình, tự
do ngôn luận và tự do tôn giáo. Những quyền này không
được thực thi vì nhà chức trách luôn tìm lý do để ngăn
cản thí dụ lấy lý do gây rối an ninh trật tự để ngăn
không cho biểu tình. Các nhóm này không được phép thành
lập và có ban lãnh đạo riêng dù họ không đe dọa đến
chính quyền hay gây bạo động. Họ chỉ thúc giục nhà
nước hay nhà chức trách giải quyết những vấn đề nhất
định và khiếu nại một cách ôn hòa. Lĩnh vực này rất
khó nghiên cứu vì người ngoại quốc không được vào Việt
Nam tìm hiểu. Nhưng các nhóm dân sự này gia tăng về con
số và bắt đầu liên kết thành những mạng lưới. Linh mục
Nguyễn Văn Lý là một trong số các nhà hoạt động dân chủ
trên khắp nước, và ngay cả những người Phật giáo cũng
tham gia. Khi các nông dân đồng bằng sông Cửu Long biểu
tình họ được ban lãnh đạo các nhà hoạt động này ủng
hộ. Như vậy mạng lưới đang ngày càng phát triển và tôi
nghĩ rồi sẽ đến lúc các nhóm riêng lẻ không những
thành lập phong trào mà còn gây sức ép nhiều lần để
nhà nước thực thi luật pháp theo các tiêu chuẩn quốc tế
mà Việt Nam đã cam kết.
BBC: Những kịch bản ông đưa ra đều có vẻ không có lợi
cho đảng Cộng sản.
GS Thayer: các chế độ độc đảng, nếu họ sử dụng
phương pháp đàn áp, họ hoàn toàn đánh mất tính chính
danh. Ở Việt Nam sự chính danh đó cũng đã đổi từ chủ
nghĩa dân tộc, từ phong cách của Hồ Chí Minh sang thành
quả kinh tế. Và chúng ta cũng đều biết Việt Nam trải
qua giai đoạn khó khăn kinh tế và chế độ bắt đầu cải tổ
từ năm 1982, cởi mở hơn về mặt chính trị, nhưng mọi thứ
diễn ra rất chậm chạp. Có những thành viên trong đảng
hoàn toàn bất đồng với chính sách hiện nay. Cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt từng thúc giục và thuyết phục Đảng
hãy đối thoại với người bất đồng chính kiến. Trong các
kịch bản đưa ra tôi vẫn nghĩ thay đổi phải nảy sinh từ
trong Đảng, rõ ràng với những người như Tướng Trần Độ
trong quá khứ, và ngày càng có nhiều người công khai
quan điểm của họ. Có một điểm chung là những tiếng nói
xã hội dân sự này cần được lắng nghe và tìm cách đưa
vào trong guồng máy. Kịch bản khả dĩ nhất theo tôi là
cuối cùng họ sẽ được phép nắm giữ những ghế trong
quốc hội.
BBC: Và như vậy Việt Nam sẽ rất khác so với những gì
đang hoặc sẽ diễn ra ở Trung Quốc?
GS Thayer: Đúng, vì những cải tổ trong Đảng ở
Việt Nam đã khiến Trung Quốc cấm mọi thảo luận về
phương thức Việt Nam dân chủ hóa. Có một số lập luận
cho rằng ở cấp cơ sở thì ở Trung Quốc được dân chủ hơn,
nhưng ở Việt Nam lại có phong trào dân chủ cấp cơ sở.
Nhưng cả hai nước đều có xảy ra các vụ biểu tình dù
tôi nghĩ Trung Quốc có cứng tay hơn. Có thể nói chế độ
ở Việt Nam quan tâm đến quần chúng hơn dù có yếu tố
đàn áp. Nếu ta nhìn lại những bất ổn năm 1997 ở Thái
Bình, nhà chức trách chỉ trừng phạt một nhóm lãnh đạo
nhỏ, dù khá mạnh tay, còn thì để yên cho đại đa số
người tham gia. Cuối cùng đã có một sự nhân nhượng khi
các quan chức lạm quyền bị trừng phạt hay thuyên chuyển
đi nơi khác. Tôi nghĩ khi dân chúng sử dụng truyền thông
và internet ngày càng phổ biến hơn, các nhà báo được
giải phóng và có sân chơi rộng hơn dù tôi biết hiện là
thời điểm khó khăn của họ.
BBC: Cảm ơn giáo sư.
|