Thứ Ba, 2024-12-24, 9:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 31 » Những chứng cứ vụ PCI
7:45 AM
Những chứng cứ vụ PCI

Ngô Nhân Dụng

 
 Văn phòng công ty PCI (Pacific Consultants International) ở Tokyo

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam cho biết trong tuần này họ mới nhận được lời Nhật Bản yêu cầu hợp tác trong vụ PCI, công ty tư vấn kỹ thuật Nhật bị truy tố trốn thuế và hối lộ các quan chức thành phố Sài Gòn. Nhưng báo chí Nhật đã loan tin từ đầu tháng này rằng chính phủ của họ đã yêu cầu chính quyền Việt Nam hợp tác điều tra từ lâu. Những tài liệu này được chính thức dịch sang tiếng Việt, bản dịch chắc do một người Nhật làm và chắc không được những người Việt ở Tokyo giúp hiệu đính nên có nhiều câu nghe rất lạ tai. Những văn bản này đã được tiết lộ trên mạng lưới Internet cho nhiều người đọc nhưng đa số đồng bào chưa biết. Vì báo chí trong nước không được phép loan tin về những tội ăn hối lộ của đám quan chức gốc lớn, cho nên chúng tôi thấy nên trình bày sơ lược về những văn bản này để đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước thấy đây là một công việc đứng đắn và hệ trọng. Ðây là những chứng cứ kết tội những tay tham nhũng gộc Việt Nam, do người Nhật cung cấp.

Bản văn thứ nhất là Giấy đề nghị cùng hợp tác điều tra, do giám đốc Viện Công Tố Ðịa Phương Tokyo gửi cho “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao - Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” viết vào Tháng Sáu năm 2008 (người Nhật dùng niên hiệu của hoàng đế gọi là năm Bình Thành thứ 20.) Hai bị cáo được nêu tên trong lá thư đầu tiên này là hai ông Morita Shota (người Nhật ghi thêm tên đọc theo lối Hán Việt là Sâm Ðiền Tường Thái) và Takasu Kunio (Cao Tu Bang Hùng). Kèm theo lá thư chính thức là hai biên bản thuật những lời khai của ông Takasu Kunio, 65 tuổi và ông Sakashita Haruo (Phản Hạ Trị Nam), 62 tuổi. Ðây là những lời khai vắn tắt, mỗi bị can chỉ có vài ba trang.

Giấy đề nghị cùng hợp tác điều tra (Sau đây sẽ gọi là Giấy đề nghị hợp tác) là tài liệu dài hơn cả, trong đó Viện Công Tố Tokyo tóm tắt những tội của hai bị cáo kể trên, họ nói đến việc đưa tiền hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, trưởng ban quản lý dự án hành lang Ðông Tây ở Sài Gòn. Vì vậy, người Nhật đã kèm theo phóng ảnh một trang báo Thanh Niên vào Tháng Mười Một năm 2007 trong đó có loan tin và đăng hình ông Huỳnh Ngọc Sĩ, ghi rõ cả chức vụ của ông. Chắc họ muốn chứng tỏ rằng ông Sĩ này là người có thật, và muốn giúp các nhà điều tra người Việt Nam tìm kiếm ông Sĩ được dễ dàng, khỏi lầm lẫn về nhân dạng, rất phiền phức cho việc thi hành pháp luật của cả hai nước.

 
 Viện Công Tố Ðịa Phương Tokyo

Vì hai bị cáo đều khai đưa tiền cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ cho nên trong Giấy đề nghị hợp tác Viện Công Tố Tokyo đã gửi thêm một bản các câu hỏi riêng cho ông Sĩ, theo đúng cung cách của các cuộc điều tra cảnh sát. Họ cũng xin Việt Nam điều tra giúp để cho họ biết rõ về vai trò của ông Sĩ trong bộ máy hành chánh Sài Gòn, cho biết về tài sản của ông. Vì các bị can người Nhật nói họ đã cầm tiền mặt từ Hồng Kông và Tokyo sang Sài Gòn để đưa cho ông Sĩ nên Viện Công Tố Tokyo đặc biệt nhờ “quý cơ quan cung cấp giấy quản lý xuất nhập cảnh hoặc giấy tờ tương tự của người khai ngoại tệ khi nhập cảnh vào Việt Nam của hành khách (đối tượng: người mang hộ chiếu Nhật Bản) đi chuyến bay số JL 5133 từ sân bay quốc tế Tokyo (tức sân bay Narita) đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 23 Tháng Mười Hai năm 2003.”

Ðể thực hiện việc cộng tác, bản văn Giấy đề nghị hợp tác đã xin chính phủ Việt Nam cấp chiếu khán nhập cảnh cho các nhân viên điều tra của họ qua Việt Nam hợp tác làm việc, muộn nhất là vào cuối Tháng Bẩy năm 2008. Ðó là các ông Maeda Atsushi (Tiền Ðiền Ðôn Sử) và Onishi Masaki (Ðại Tây Chân Thọ), đều thuộc Viện Công Tố Tokyo. Lời yêu cầu cấp visa này chắc chắn phải được chuyển cho Bộ Ngoại Giao cứu xét, trừ khi các ông bà trong Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao được lệnh không nghe, không thấy, không biết và không làm gì cả. Người Nhật còn “kính đề nghị quý cơ quan giữ bí mật về nội dung” lời đề nghị hợp tác, cũng như các chứng cứ sẽ tìm ra, làm như sắp tìm ra cả đống tài liệu đem về truy tố các công dân Nhật Bản.

Cuối cùng, chắc người Nhật họ đã biết được bản tính người Việt Nam rất lo lắng chuyện tiền bạc - qua các hành động của giới chức cai trị thành phố Sài Gòn như ông Huỳnh Ngọc Sĩ thì họ phải nghĩ như vậy - cho nên Viện Công Tố Tokyo không quên viết thêm vào đoạn chót trong lá thư hợp tác, nói rằng “Chúng tôi có thể chịu mọi kinh phí cần thiết khi tiến hành việc cùng hợp tác điều tra.” Họ tưởng rằng nói đến tiền thì chắc người Việt Nam sẽ phải vui vẻ cộng tác, như thi hào Nguyễn Du của nước này đã viết, “Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong!” Nhưng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao nghe nói có tiền Nhật Bản mà lại không hồ hởi cộng tác. Và đến bây giờ Viện Công Tố Tokyo phải đưa hai bị cáo kể trên và hai người nữa đã bị truy tố chính thức vào đầu tuần này. Chắc chắn báo chí Nhật sẽ theo dõi vụ án, vì đây là vụ xét xử đầu tiên thi hành đạo luật cấm hối lộ các quan chức ngoại quốc, tu chính vào năm 1998.

Lúc đầu hai bị cáo Morita Shota và Takasu Kunio bị truy tố về hai tội khác nhau. Ông Morita Shota đứng đầu công ty PCI ở Nhật Bản bị truy tố về tội trốn thuế doanh nghiệp! Tội nghiệp cho một ông già 66 tuổi bị coi là chốn thuế cho công ty của mình, chỉ vì bị khám phá trong sổ sách hai tài khóa 2002-2004 những số chi tiêu 177 triệu đồng Yên là những món chi không có thật! Viện Công Tố Tokyo tố cáo hai bị cáo “đã khai một số kinh phí” không có thật “để giảm doanh thu và trốn thuế.” Ông Morita có thể bị phạt tù 5 năm hoặc/và nộp phạt 5 triệu đồng Yên.

Người thứ hai, Takasu Kunio là giám đốc điều hành của PCI, dưới quyền ông Morita, bị truy tố thêm tội hối lộ, vi phạm “Luật cấm cạnh tranh không lành mạnh” của Nhật Bản. Trong Giấy đề nghị hợp tác, người Nhật cẩn thận trình cho các ông công tố Việt Nam biết điều luật mà ông Takasu vi phạm, điều 18, khoản 1; và điều 21, khoản 1, mục 11, nguyên văn viết như thế nào! Nếu bị kết án, ông Takasu cũng bị 5 năm hoặc 5 triệu Yên, hoặc cả hai!

Tại sao Viện Công Tố Tokyo lại phải nhờ đến phía Việt Nam giúp? Họ nêu lý do là muốn tiến hành cuộc điều tra của họ thì họ không thể không xác định được “đối tượng mà công ty CPI đã đưa tiền cũng như mục đích đưa tiền.” Thiếu các dự liệu đó thì nước Nhật Bản không thể thi hành các đạo luật trốn thuế và luật cạnh tranh của họ được! Họ viết rõ, là “chúng tôi hoàn toàn chưa nắm được những căn cứ pháp lý về việc thành lập cũng như quy định những chức năng” của cái gọi là PMU làm hành lang Ðông Tây Sài Gòn, họ cũng chưa nắm được tài liệu nào về ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Và họ kể khổ rằng không có cách nào điều tra ở trong nước Nhật Bản mà biết được những thứ đó!

Tóm lại, trên đây là những chứng cớ cho thấy người Nhật Bản đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam hợp tác với họ trong vụ điều tra vụ PCI hối lộ các quan chức ở Sài Gòn.

Ông Sakashita đã khai rằng “Trong quá trình thực hiện dự án Ðại Lộ Ðông Tây, công ty CPI đã nhiều lần đưa tiền hối lộ cho Giám Ðốc Sĩ với số lượng lớn.” Mục đích là để ông Sĩ cho công ty CPI được thiết kế dự án mà không qua đầu thầu. Ông Sakashita đã kể nhiều chi tiết về những lần chuyển tiền, đưa tiền, việc thành lập những công ty ma để hối lộ cho dễ. Và ông kết thúc lời khai bằng câu: “Tiền hối lộ mà chúng tôi đưa cho ông Giám Ðốc Sĩ tổng cộng là khoảng 2 triệu đến 3 triệu đô la Mỹ.”

Tất cả những tài liệu, các con số trên đây được công bố cho toàn dân nước Nhật biết, nhưng dân Việt Nam thì không được biết gì cả. Một cái đại lộ trong thành phố Sài Gòn mà họ ăn tới 2, 3 triệu, không biết tất cả những công trình xây dựng đường, cầu trong cả nước thì họ ăn đến bao nhiêu?

Hai ba triệu đô la, là khoảng 10 đến 15 phần trăm tổng số dự án Ðại Lộ Ðông Tây, 21 triệu đô la. Không biết món tiền đó được chia chác ra sao! Lúc đó các ông Nguyễn Minh Triết và Lê Thanh Hải chia nhau giữ các chức đứng đầu ở Sài Gòn, và bây giờ hai ông đều ngồi ngất ngưởng trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản, ai dám điều tra các ông ấy?

Như vậy thì khi ông Lê Dũng phát ngôn rằng “các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực tiến hành xử lý vấn đề này” thì người dân Việt có thể trông đợi các ông cộng sản sẽ xử lý các ông Cộng Sản khác như thế nào? Nếu cứ “ngậm miệng ăn tiền” thì sẽ bị báo chí Nhật Bản chửi cho cả nước nhục nhã; các ông chắc không lo. Nhưng điều các ông lo là sẽ bị dân Nhật Bản đòi chính phủ họ cắt bớt viện trợ, tức là mất cả một nguồn lợi cho các quan tiếp tục ăn nữa! Chắc cuối cùng sẽ phải có một con chốt bị hi sinh để bảo vệ nguồn lợi kinh tế của đảng! Gia đình ông Huỳnh Ngọc Sĩ nên chuẩn bị!

Một nhóm người kết đảng, đã từng buôn xương máu của thanh niên Việt Nam để họ cướp lấy chính quyền, bây giờ họ lại đang buôn cả lòng trắc ẩn của các quốc gia khác, nhân danh dân Việt Nam nghèo khổ đi xin tiền thiên hạ rồi đem về chấm mút với nhau. Bao giờ người Việt Nam mới thoát được?


Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=83505&z=7
 
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1718 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0