Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:26 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 31 » Chung Quanh Lời Tuyên Bố Của Thứ Trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng : ‘Quyền Của
5:05 PM
Chung Quanh Lời Tuyên Bố Của Thứ Trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng : ‘Quyền Của
Vietnam Review
Tiến Hồng
Rennes, Pháp
30/8/2008



Hình: Bản đồ Biển Đông và vị trí khai thác dâu của công ty Mỹ ExxonMobile.

Theo bản tin của BBC « VN ‘thực thi quyền khai thác dầu’ » ngày 27/8/2008, trong buổi họp báo không được báo chí trong nước loan tải vì lý do nhạy cảm( ! ), thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng (1) khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với các dự án của Việt Nam với tập đoàn BP và ExxonMobil, nói: “Tất cả các dự án Việt Nam đang tiến hành đều nằm trong vùng thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý (2) của Việt Nam ».

Ông nhấn mạnh: “Quyền của chúng ta thì chúng ta làm” !

Lần đầu tiên, một giới chức có thẩm quyền của Việt Nam « dám » đưa ra một lời tuyên bố mạnh mẽ như vậy. Vào tháng 6/2008, bộ Ngoại giao đã không có phản ứng như thế khiến cho hãng dầu BP của Anh phải rút lại dự án hơn 2 tỉ MK ký kết với Việt Nam liên quan đến các lô dầu khí (blocks) cũng ở thềm lục địa tối thiểu gần Hoàng Sa và Vịnh Bắc bộ thuộc phân giới của Việt Nam. Tại sao lần này Việt Nam có vẻ mạnh miệng hơn lần trước ?

Trước hết, có một điểm rất quan trọng cần lưu ý. Về cơ bản, đây không phải là xung đột về chủ quyền đối với cả quần đảo (Trường Sa hay Hoàng Sa) mà chỉ là vùng hải phận và thềm lục địa giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo này Đó là vùng được công ước quốc tế về luật biển 1982 xác định là vùng kinh tế đặc quyền bao gồm 200 hải lý từ thềm lục địa.

Giáo sư Ramses Amer, Khoa Khoa học chính trị trường Đại học Umea của Thụy Điển, một người chuyên theo dõi về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng nhận xét (3): ''Vấn đề cơ bản ở đây là Việt Nam khai thác dầu khí ngoài khơi ở phía Đông, nơi xuất xứ phần lớn dầu thô của Việt Nam. Một phần của khu vực, mà Việt Nam nhận là nằm trong thềm lục địa và đặc khu kinh tế của Việt Nam, lại trùng với khu vực hải phận mà Trung Quốc nhận chủ quyền ». Nhận chủ quyền như thế là hoàn toàn vô lý như giáo sư Tạ Văn Tài đã phân tích trong bài phỏng vấn « Việt Nam có nên dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc » đăng trên RFA ngày 23/8/2008.

Ông Vũ Dũng đã phải mất hai ngày trước cuộc họp báo để « giải thích » với người đồng nhiệm Trung Quốc Vũ Đại Vỹ là vùng khai thác không thuộc vùng biển tranh chấp với Trung Quốc ! Và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ phải tiếp tục « giải thích » trong chuyến đi Trung Quốc dự trù vào cuối năm nay.

Hãng dầu số 1 của Mỹ Exxon đã căn cứ vào điểm này để cho là vùng thăm dò khai thác dầu khí (thuộc thềm lục địa gần Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc chủ quyền của Việt Nam và do đó ký thoả hiệp khung về thăm dò và khai thác trữ lượng dầu khí nhân chuyến đi của thủ tướng Dũng cuối tháng 6/2008. Đây chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bản tuyên bố chung trong đó Mỹ ủng hộ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam. Việc ký kết khế ước chính thức còn phải chờ một thời gian và tùy thuộc vào các dự án hợp tác của Petro Vietnam sau nhiều năm hợp tác sơ khởi về kỹ thuật và lượng giá. Sự hăm dọa của Trung Quốc về hậu quả kinh doanh chắc không làm cho Exxon Mobil lo ngại vì trị giá lớn lao của khế ước nhiều tỉ mỹ kim hơn hẳn 2 tỉ mỹ kim của hợp đồng dự tính với BP của Anh. Vả lại, nhân cơ hội lá bùa Mỹ này, BP dự tính sẽ tiếp tục các dự án với Petro Vietnam vào cuối năm sau khi đã phải bỏ dở vào tháng 6/2007 trước áp lực của Trung Quốc.

Bà Nicole Thompson, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Mỹ khi trả lời RFA ngày 28/7/2008 khi biểu lộ sự phản đối bất cứ nỗ lực nào gây áp lực (có nghĩa là sẽ can thiệp để bảo vệ) cho các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam đã gián tiếp tỏ cho Trung Quốc biết đã đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp. Nó cũng đồng thời cho thấy Mỹ đặt nặng tầm quan trọng của việc khai thác dầu biển đông (được uớc tính trữ lượng có thể lên tới 40 tỉ tấn) tuy không thuộc Mỹ nhưng có ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ trong hiện trạng giá năng lượng tăng cao. Đồng thời về mặt quân sự, đây cũng là biểu lộ ý muốn về sự gia tăng hiện diện để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong vùng nhằm làm đối trọng với chính sách quân sự « viễn phương phòng vệ » của Trung Quốc (4). Tháng 5/2008, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã phát biểu tại Singapour là Trung Quốc không nên bắt nạt các nước nhỏ trong vùng. Việc gia tăng hợp tác về quân sự với Cămpuchia, Lào và Việt Nam gần đây nằm trong chiều hướng đó.

Khi đại sứ Mỹ trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 20/8/2008 tuyên bố là « Hoa Kỳ chắc chắn không muốn một ai can thiệp vào những doanh vụ của các công ty Mỹ đang thực hiện các hợp đồng thương mại », « chuyện muốn làm ăn với ai, làm ăn nơi nào là tuỳ thuộc vào quyết định của các công ty », những lời tuyên bố đó tuy không được báo giới trong nước loan tải vì nhạy cảm, đã thể hiện rõ ràng lập trường của Mỹ đã nêu và là « chỗ dựa » cho lời tuyên bố mạnh mẽ của ông Vũ Dũng ngày 26/8/2008.

Lịch sử đã chứng minh là chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc chỉ ngưng lại khi có một sức mạnh can thiệp. Chính sách ngoại giao đa phương cân bằng đã từng được đề cập tại bộ chính trị trong thập niên 1990 nhưng chỉ áp dụng một phần với ASEAN và bị bác bỏ vì giới lãnh đạo cộng sản đã đặt liên minh xã hội chủ nghĩa và lợi ích của đảng lên trên quyền lợi quốc gia. Hậu quả là bị Trung Quốc lấn át, coi thường để thực hiện những ý đồ về lãnh thổ (nhượng bộ tối đa trong các hiệp định biên giới 1999 và 2000, coi thường chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, giết hại ngư dân vô tội…). Ngoài ra, trong mọi lãnh vực, từ kinh tế (cán cân ngoại thương quá chênh lệch, biên giới Việt Trung trở thành nơi thực hiện các dã tâm của Trung Quốc như than lậu xuất khẩu nhiều triệu tấn, những thủ đoạn gây hại cho môi sinh, tiền giả, lũng đoạn cơ cấu kinh tế và tiêu thụ..) đến an ninh quốc phòng, văn hoá… tất cả những thiệt hại mà Việt Nam gánh chịu khiến cho chúng ta có thể nói đến « diễn biến hoà bình Trung Quốc ».

Giờ đây, giới lãnh đạo đảng cộng sản không còn con đường nào khác để bảo toàn quyền lợi quốc gia là dựa vào Mỹ. Nhưng nói như thế không phải là tự nhiên mọi việc sẽ diễn tiến thuận lợi.

Không kể các chiến dịch trên báo chí như tờ Văn hối xuất bản ở Hồng Kông nói đến phải dậy cho Việt Nam một bài học về đồng thuận, trên mạng lưới điện tử kể từ tháng 4/2008 và gần đây (tháng 7, 8 gần ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008) trên mạng sina.com (có số người xem trên 3 triệu, rất gần với nhà cầm quyền) đã tung ra một loạt bài theo hướng Trung Quốc phải chiến tranh ngay với Việt Nam dù là chiến tranh hạn chế. Mặc dù luận điểm đưa ra đã bóp méo sự thật nhưng nói lên rõ rệt chính sách không di dịch của Trung Quốc như chúng ta đã biết.

Nhưng không chỉ có thế. Vào lúc ông Vũ Dũng đang thảo luận với người đồng nhiệm Trung Quốc , theo RFA ngày 26/8/2008, nhiều tầu quân sự vũ trang có trang bị hoả tiễn giả dạng tầu đánh cá đã xuất hiện ở vùng vịnh Bắc bộ nơi trước kia công ty BP của Anh thăm dò và sau đó phải rút đi. Đây là một hành động có tính khiêu khích để làm áp lực.Cho đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng sang Trung Quốc vào cuối năm, những hàng động khiêu khích như trên sẽ nhằm thử thách sự nhất trí trong nội bộ giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong kế sách đối phó với Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc chưa thể tiên liệu hậu quả một hành động quân sự đối với Mỹ, với các quốc gia khác và nhất là phản ứng tâm lý và khả năng phản ứng quân sự của Việt Nam mặc dù biết khá rõ thực lực (5). Trung Quốc và Việt Nam hiện có đường dây nóng sau chuyến đi của ông Triết hồi tháng 6/2008. Trung Quốc cũng biết rõ nội tình của mình chưa chuẩn bị cho một phiêu lưu quân sự.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần phải gây lại niềm tin đã mất nơi dân chúng bằng cách thực sự mưu tìm sự đoàn kết dân tộc trước hiểm hoạ ngoại xâm. Nếu muốn dựa vào Mỹ để không bị Trung Quốc chèn ép, thì không thể để có khoảng cách nhiều về định nghĩa tự do, dân chủ như đại sứ Michalaak đã nêu trong buổi họp báo ngày 20/6/2008, nghĩa là cứ nhắm mắt đàn áp những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, cho dân chủ để đến chỗ có thể bị thượng viện Mỹ biểu quyết về vi phạm nhân quyền.

Và giới lãnh đạo cộng sản cũng cần nhớ rằng : Nếu đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của quốc gia thì sẽ không bao giờ có thể giải quyết được tất cả những khó khăn, khủng hoảng trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội hiện đang chồng chất và trước hết là ngoại xâm.

(1) Không phải ông Lê Dũng, phát ngôn viên thường được coi là « lưỡi gỗ » của bộ Ngoại giao.
(2) Tương đương với 320km ; 1 hải lý = 1,609km.
(3) Theo BBC, 17/4/2008.
(4) Chính sách này do đô đốc Lưu Hòa Thanh khởi sướng, chủ trương lấy Hoàng Sa, Trường Sa làm tuyến đầu phía nam để từ đó kiểm soát biển đông. Việc thành lập căn cứ cho tầu ngầm nguyên tử Tam Sa ở phía nam Hải Nam là nằm trong chính sách này. Và trữ lượng lớn dầu ở ngoài khơi hai quần đảo (rất cần cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc) cũng nằm trong chính sách « không gian sinh tồn mới » do bộ trưởng quốc phòng Trì Hạo Điền chủ xướng.
(5) Trích tờ Thái dương ngày 4/8/2008 (chỉ nên coi là tài liệu có tính cách tuyên truyền): Hải quân Việt Nam có 5,5 vạn quân với hơn 300 tàu chiến các loại Không quân Việt Nam có khoảng 3 vạn quân với hơn 480 máy chiến đấu các loại, bao gồm máy bay SU-27, SU-30 .Quân đội Việt Nam đầu tư chi phí lớn xây dựng 11 căn cứ hải quân và 15 căn cứ không quân hướng ra Biển Đông. Đồng thời Việt Nam tăng cường xây dựng các công sự mang tính vĩnh cửu trên các đảo mà Việt Nam chiếm lĩnh ở Nam Sa. Việc làm có ý nghĩa chiến lược nhất là Việt Nam đã xây dựng hai sân bay ở đảo Nam Uy và đảo Trường Sa, khiến không quân Việt Nam có được sân bay quý giá tiến ra Nam Sa; hàng loạt nhân viên, trang bị và vật tư đạn dược liên tục chở đến Nam Sa qua “hành lang trên không” này.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc, mấy năm gần đây Việt Nam đã đưa ra “3 con át chủ bài lớn”, đó là tàu chiến mang tên lửa với uy lực lớn, máy bay chiến đấu tầm xa và tác chiến đặc công biển; hòng hình thành ưu thế tiến công phi đối xứng “lấy nhỏ kiềm chế lớn”. Quân đội Việt Nam còn lấy việc huấn luyện khoa mục người nhái tiến công các toà nhà, phá hoại công trình ngầm làm trọng điểm tác chiến ở Nam Sa. Đặc công nước của Việt Nam còn tiến hành các hoạt động theo dõi, gây nhiễu đối với các tàu thăm dò của Trung Quốc ở Nam Sa.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1270 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 63
Khách: 63
Thành Viên: 0