Thứ Năm, 2024-03-28, 6:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 1 » Giáo dục Việt Nam chuyển hóa theo ý của Phương Tây?
3:55 PM
Giáo dục Việt Nam chuyển hóa theo ý của Phương Tây?


Trần Khải

Một chính sách lớn Hoa Kỳ đang dùng để chuyển hóa nhà nước CS Việt Nam là qua phương tiện giáo dục. Chuyện này không có gì bí mật, vì Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak vào tháng 10, 2007 trong khi ghé thăm Quận Cam, California, nơi đông người Việt nhất ở hải ngoại, đã nói rằng ông hy vọng sau 20 năm nữa, người Mỹ có thể thấy 75% thành viên chính phủ Việt Nam là những người tốt nghiệp tại Hoa Kỳ. Cuối cùng rồi thế giới cũng phải chấp nhận chính sách diễn biến hòa bình, và phải chờ cho vài thế hệ nữa Việt Nam mới có thể có dân chủ? Hay là có cách nào nhanh hơn không?

75% thành viên chính phủ Việt Nam là những người tốt nghiệp tại Hoa Kỳ?

Nguồn: MIT
Nhìn chung, chính sách giáo dục để chuyển hóa Việt Nam đã và đang được khắp thế giới Tây Phương áp dụng. Bởi vì, thực tế, dân trí là chìa khóa để phát triển, và khi dân trí tăng, các phương diện khác của xã hội mới có thể cùng thăng tiến. Do vậy, thà là Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương chung sức giúp Việt Nam về mặt giáo dục, còn hơn là để nhà nước CS Việt Nam gửi sinh viên sang Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn du học… Điều làm chúng ta suy nghĩ là đất nước Việt Nam có thể phát triển nhờ giúp đỡ về giáo dục, nhưng các ngổn ngang hậu cộng sản vẫn không chắc gì giải quyết được, điển hình là phát triển kinh tế vẫn không làm cho Trung Quốc sớm dân chủ được, mà lại có cơ nguy đàn áp tinh vi hơn nhờ kích thích tự hào dân tộc. Tuy nhiên, nếu rời phương tiện giáo dục, sẽ không có cách nào đào tạo thế hệ trí thức kế tiếp để dân chủ hóa một cách khả dụng và lâu bền.


Đài VOA hôm 20/08/2008 loan tin rằng 40 sinh viên Việt Nam sẽ được cấp học bổng du học Hoa Kỳ. Bản tin viết:

Hôm 17 tháng 8, Quỹ Giáo Dục Việt Nam đã mở một cuộc họp báo tại Hà Nội để tường trình về chuyến viếng thăm công tác của 14 giáo sư và khoa học gia Mỹ trong thời gian từ 15 tháng 8 tới 18 tháng 8.

Tin của VietnamNet hôm thứ Tư cho biết các giáo sư và khoa học gia này đã chia sẽ kinh nghiệm trong lãnh vực quản lý và giảng huấn với Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, chia sẻ văn hóa và chuyện trò với sinh viên thuộc Viện Đại Học Kỹ Thuật, Viện Đại Học Quốc Gia tại Hà Nội và một vài cơ sở giáo dục tại Thành Phố Sài Gòn.

Điều đặc biệt là các vị này còn đóng vai giám khảo trong cuộc thi vấn đáp của chương trình học bổng năm 2009 của Quỹ Giáo Dục Việt Nam. Sau cuộc thi này, các vị vừa kể sẽ chọn 40 người xuất sắc nhất trong số 85 ứng viên để qua Mỹ học lấy bằng cao học và tiến sĩ.

Theo tiến sĩ Võ Văn Tới, Giám Đốc Điều Hành Quỹ Giáo Dục Việt Nam, các ứng viên được tuyển chọn sẽ qua theo học tại các viện đại học hàng đầu của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ quay về Việt Nam làm việc theo một khế ước ký kết giữa Bộ Giáo Dục Đào Tạo và Quốc Hội Mỹ.

Tin cho hay kể từ năm 2003, Quỹ Giáo Dục Việt Nam đã gửi 268 sinh viên hậu đại học của Việt Nam qua theo học tại 69 viện đại học hàng đầu của Mỹ.
(Hết trích).

Những con số vài chục này có vẻ như kiến tha lâu đầy tổ. Thực ra là đang có nhiều ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, trong đó thành phần du học tự túc là nhiều nhất. Nhưng không chỉ du học, thế giới vẫn đang giúp biến đổi chính nền giáo dục tại Việt Nam.

Bản tin Xinhua ngày 25/08/2008 cho biết rằng Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) và Nhật Bản sẽ cho Việt Nam vay để nâng cao kỹ thuật và khả năng nghiên cứu, trong đó xuyên qua ADB, cơ quan Japan Special Fund (Quỹ Đặc Biệt Nhật Bản) sẽ cấp 1 triệu Mỹ Kim để giúp nghiên cứu về tính khả thi, nhằm mở đường cho một khoản vay ADB khác vào năm 2009 để xây hai đại học nghiên cứu kiểu mẫu. Bản tin nói hai dự án này sẽ tập trung tại Hà Nội và Đà Nẵng. Trong khi đó, bản tin này cũng nói, Ngân Hàng Thế Giới (WB) sẽ tài trợ để xây hai đại học nghiên cứu kiểu mẫu tại Sài Gòn và Cần Thơ. Nghĩa là, thế giới chung sức giúp Việt Nam xây dựng bốn đại học nghiên cứu khoa học có tầm cỡ quốc tế.

Trước đó, thế giới đã giúp nền giáo dục Việt Nam qua nhiều hình thức nhỏ hơn, ngắn hạn hơn. Thí dụ như các chương trình đào tạo ngắn hạn do các đại học quốc tế giúp cho các đại học tại Việt Nam, các giảng khóa hay hội thảo chuyên đề, các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên.

Nhìn cho kỹ, tại sao ADB và WB chỉ giúp Việt Nam xây 4 đại học chuyên về khoa học kỹ thuật? Tại sao không nhắm vào các ngành nhân văn như triết học, văn hóa, xã hội, truyền thông, nghệ thuật, vân vân? Bởi vì các kỹ sư sẽ làm gì để chuyển hóa dân chủ cho Việt Nam? Có phải đây là một đường vòng rất là xa để dân chủ hóa Việt Nam? Còn một khả năng có thể bị ngờ vực: các khoản tiền quốc tế tài trợ giáo dục cho Việt Nam có bị chặn 15% tiền dự án như chuyện vừa bị công ty Nhật Bản trong ngành xây cầu đường thú tội trước tòa án Tokyo hay không? Nếu bị ăn chận 15% tiền như thế, bốn đại học khoa học kỹ thuật kiểu mẫu sắp xây ở Việt Nam sẽ bị gặm mất ở phần nào, và có thể hoạt động hữu hiệu hay không?

Thực ra, vẫn có một con đường ngắn nhất: khởi động được phong trào dân chủ hóa. Nhưng các đàn áp từ công an vẫn thực hiện, lúc thô bạo, lúc tinh vi, và đang liên tục đánh phá phong trào dân chủ từng người một.

Bản tin đài RFA do phóng viên Hiền Vy thực hiện, loan đi hôm 28-8-2008 đã kể về trường hợp "Vận động dân chủ, thầy giáo Vũ Hùng bị mất việc."

Bản tin kể:

Ngày 26/8/2008 thầy giáo Vũ Hùng đã đến trường trung học Bích Hoà - huyện Thanh Oai - Thành phố Hà nội, theo lời yêu cầu của hiệu trưởng Lê Tiến Toan. Tại đây, thầy giáo Vũ Hùng nhận được quyết định số 08/QĐ-UBND đề ngày 21/8/2008 xử lý kỷ luật thầy, với hình thức “Buộc thôi việc”.

Hiền Vy hỏi thăm người giáo viên có những hoạt động ủng hộ dân chủ, và thầy giáo Vũ Hùng kể lại:

Cách đây một năm tôi bị cơ quan an ninh bắt giam 9 ngày về tội tuyên truyền và tàng trữ tài liệu chống chủ nghĩa xã hội và sau đó họ yêu cầu tôi làm kiểm điểm, tôi không làm, họ kỷ luật tôi. Kỷ luật đến độ là hạ ngạch giáo viên xuống làm nhân chứng phục vụ và đến hôm nay họ lại kỷ luật buộc tôi thôi việc.

Lý do của họ là tại tôi tự ý nghỉ một số buổi và tham gia biểu tình, đi biểu tình chống rước đuốc. Các cuộc biểu tình ấy bị dập tắt từ trong trứng nước. Vừa ra, cầm loa, chưa kịp nói câu nào, là họ đã xông đến đánh đập rồi bắt đi, còn những người khác thì họ đuổi đi, tức là nói bọn tôi tham gia biểu tình nhưng mà có cuộc biểu tình nào đâu, bởi vì họ đã đàn áp tàn nhẫn ngay từ đầu rồi.

Lý do buộc thôi việc?

Ông Nguyễn Thượng Long, một đồng nghiệp với ông Vũ Hùng, và cũng là cựu ứng viên đại biểu quốc hội cho rằng những lý do nhà nước buộc tội thầy Hùng thì không thuyết phục:

Hai lý do quan trọng nhất người ta buộc tội anh ấy đều rất lỏng lẻo, đều không thuyết phục. Lý do thứ nhất là tự ý bỏ việc; trong năm vừa rồi có một số ngày anh ấy không đến làm việc được, thí dụ như bố anh ấy phải đi cấp cứu, phải bị mổ, anh ấy là con trưởng nên phải xin nghỉ để đi phục vụ ông bố. Rồi có một số buổi thì anh ấy phải làm việc với cơ quan an ninh. Người ta trừ lương anh ấy rồi, nhưng vẫn cứ tính là tự ý nghỉ việc.

Lý do thứ hai là tham gia biểu tình chưa có được phép, cái này càng thiếu tính pháp lý, vì hiến pháp là luật Mẹ, luật mẹ điều 69 hiến pháp cho phép công dân Việt Nam có tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bầu cử, trong đó có cả quyền biểu tình. Luật Mẹ thì như vậy, tại sao có luật, có quyền lại bắt phải xin phép. Những tội lỗi họ buộc cho Vũ Hùng rất là quá đáng và không thuyết phục.

Ông Long cũng nói rằng những “tai nạn” xảy ra cho thầy Vũ Hùng cũng có thể xảy ra cho người khác:

“Cuộc sống trong nước của chúng tôi khắc nghiệt lắm. Những điều như thế này có thể xảy đến cho bất cứ ai, đặc biệt là những người có tư tưởng dân chủ, những người có tư tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền thì những tai nạn như thế này xảy ra rất dễ.” …
(Hết trích)

Với tình hình đàn áp như thế, ông Hiệu Trưởng Lê Tiến Toan (giả sử nếu là người mà đại sứ Michalak đã đưa đi học ở Mỹ về) có dám giữ thầy giáo Vũ Hùng ở lại trường không? Và chúng ta cũng biết rằng Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân là người từng du học ở Mỹ về, nghĩa là trong tiêu chuẩn 75% định mức giáo dục để dân chủ hóa Việt Nam theo kế sách của Mỹ, tại sao ông Nhân không can thiệp để giữ thầy giáo Vũ Hùng ở lại trường?

Hay là đành phải chờ tới khi 75% cấp Bộ Trưởng và Thứ Trưởng đều là người du học Mỹ về? Còn một thực tế khác, người ta đã từng thấy chỉ cần một Stalin, một Mao, một Đặng, một Lê Duẩn… xuất hiện thì dù có 95% cấp Bộ Trưởng và Thứ Trưởng không thuận thì cũng sẽ im lặng chào thua. May ra, phải chờ tới khi 100% nội các đều là người du học về?

Dù vậy, nếu không có phương tiện giáo dục, tiến trình dân chủ hóa tất nhiên sẽ chậm hơn rất nhiều. Bất kể là chàng tuổi trẻ Nguyễn Tiến Trung du học Pháp về và bị đẩy vào trại lính để bịt miệng người dân chủ, thế lực độc tài bảo thủ thấy rõ là đang lo sợ trước phong trào dân chủ. Từng người một, lấn lên từng bước một, rồi dân chủ sẽ thắng. Đó là hướng đi không thể đảo ngược.
Category: Chính trị | Views: 1011 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0