Thứ Ba, 2024-11-05, 8:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 2 » Nhiều người lớn lẫn trẻ con đang chờ chết vì quá nghèo
7:50 AM
Nhiều người lớn lẫn trẻ con đang chờ chết vì quá nghèo
Y sĩ hải quân của tàu USNS-Hoa Kỳ đang khám bệnh cho cụ Nguyễn Văn Hưởng khi tàu này thực hiện một sứ mạng nhân đạo, kéo dài 10 ngày, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hồi tháng 6 năm 2008.

Hà Nội, (NV) - Chi phí y tế đã và đang vượt quá khả năng của người nghèo. Tại Việt Nam, nhiều người nghèo chờ chết chỉ vì không đủ tiền chữa chạy và dù vẫn một mực khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”, song chính quyền CSVN đã cũng như đang bỏ mặc người nghèo.

Trong một phóng sự được đăng hồi cuối tuần qua, tờ Tiền Phong cho biết, tình trạng bệnh nhân bỏ trốn khỏi bệnh viện vì không có khả năng trả viện phí, bất kể sức khỏe đang trong tình trạng nguy kịch, tăng đáng kể.

Theo tờ báo này, mỗi năm, tại Bệnh Viện Nhi Trung Ương có hàng trăm bệnh nhi được cha mẹ ẵm, bế, trốn khỏi bệnh viện vì không đủ tiền thanh toán viện phí. Tại Bệnh Viện K (một trung tâm chuyên điều trị ung thư), hàng năm có khoảng 10% bệnh nhân bỏ trốn khỏi bệnh viện vì lý do tương tự.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Ðức, giám đốc Bệnh Viện K, kể với tờ Tiền Phong: “Khoảng 50% bệnh nhân đến bệnh viện của chúng tôi khám, chữa bệnh là những người không có bảo hiểm y tế. Do vậy, chi phí y tế trở thành gánh nặng đối với họ.”

Phóng viên tờ Tiền Phong kể rằng, dù chi phí điều trị chỉ hơn ba mươi ngàn đồng (khoảng 2 USD) nhưng cha mẹ bệnh nhi Phạm Ðào Thanh Long, ngụ tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vẫn không có để trả và vì vậy, dù con còn đang vừa sốt, vừa tiêu chảy, họ vẫn bế em trốn khỏi bệnh viện.

Bác Sĩ Vũ Quý Hợp, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh Viện Nhi Trung Ương xác nhận, tình trạng thân nhân ẵm, bế, lén mang bệnh nhi trốn khỏi bệnh viện vì không đủ tiền thanh toán chi phí y tế đang gia tăng. Năm ngoái, bệnh viện này “thất thoát” khoảng 175 triệu vì chuyện trốn viện.

Trốn viện đồng nghĩa với quịt nợ nhưng cả báo giới lẫn nhân viên y tế không lên án cả bệnh nhân lẫn thân nhân người bệnh. Phóng viên tờ Tiền Phong nhận xét: “Chúng tôi đã gặp, đã cảm nhận, trong họ không chỉ có nỗi đau do bệnh tật dày vò, hơn cả nỗi đau là sự bất hạnh do tiền bạc trở thành gánh nặng, khiến họ buông xuôi trong quá trình chiến đấu với bệnh tật, với tử thần”.

Bác Sĩ Vũ Quý Hợp kể rằng: “Chúng tôi không thống kê nhưng từ đầu năm tới nay, có hàng trăm trường hợp trốn viện. Có trường hợp trốn viện vì nợ vài ba chục ngàn đồng nhưng cũng có trường hợp nợ vài chục triệu đồng”.

Có những trường hợp không có tiền chữa chạy song không thể bỏ trốn, thân nhân bệnh nhi làm đơn xin được đem con, cháu về nhà chờ chết. Bệnh viện yêu cầu thân nhân người bệnh gửi lại chứng minh nhân dân để giữ làm vật “thế chấp” cho khoản nợ chi phí điều trị. Tuy nhiên theo Bác Sĩ Vũ Quý Hợp: “Dù có hay không có chứng minh nhân dân thì cũng phải để cho thân nhân mang người bệnh về. Không ai có thể đành lòng ép, làm khó họ trước những tình huống thương tâm như vậy”.

Chính quyền CSVN tuyên bố miễn toàn bộ chi phí y tế cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống nhưng đa số bệnh nhi đau bệnh, thân nhân phải ẵm bế trốn khỏi bệnh viện đều trên 6 tuổi. Trẻ trên 6 tuổi có bảo hiểm y tế học đường song phần lớn con cái những gia đình nghèo đều thất học. Nếu có đi học thì cha mẹ cũng không đủ khả năng đóng tiền để mua bảo hiểm y tế học đường. Ngay cả trong trường hợp có bảo hiểm y tế học đường thì chi phí điều trị vẫn vượt xa khả năng thanh toán của đa số người nghèo.

Một nông dân tên Nguyễn Trọng Lâm, ngụ tại tỉnh Phú Thọ, kể với phóng viên tờ Tiền Phong: “Con gái tôi 7 tuổi, bị bất thường về máu, cháu có thẻ bảo hiểm y tế nhưng theo quy định, chúng tôi vẫn phải trả 20% viện phí. Khoản này gần 20 triệu đồng. Tôi đã bán mọi thứ và giờ chẳng còn gì để trả”.

Ông Lâm nghẹn ngào: “Lạm phát nên cái gì cũng tăng giá. Chúng tôi đã kiệt sức. Cháu chỉ mới 7 tuổi nhưng hiểu hết. Vài ngày nay, nó bảo tôi mang nó về, đừng chạy chữa nữa!”.

Những thảm cảnh như thế xảy ra tại tất cả các bệnh viện. Phóng viên tờ Tiền Phong mô tả: Khi giá cả trên thị trường dược phẩm tăng từng ngày, ưu tư hằn rõ trên mặt của bệnh nhân lẫn thân nhân người bệnh.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Ðức, giám đốc Bệnh Viện K, kể với tờ Tiền Phong: “Nếu bị ung thư, phải điều trị bằng hóa chất thì chi phí một đợt điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như 100% hóa chất điều trị ung thư và khoảng 80% các loại thuốc đặc trị chứng bệnh này. Dù có thẻ bảo hiểm y tế thì bệnh nhân vẫn phải chi khoảng 20% chi phí, nên rất nhiều người nghèo tự ý ngưng điều trị”.

Bà Hoàng Thị Toán, vợ ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ ở xã Ðồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, gạt nước mắt kể: “Ðời tôi chưa có ngày nào sung sướng. 14 năm trước, gom góp mọi thứ, xây được một căn nhà nhỏ. Sau đó một tháng, lốc giật sập, đè chết mẹ chồng, cha chồng bị liệt, nằm một chỗ, tôi thì vỡ đầu. Từ đó đến nay, cả gia đình cùng rúc trong một cái chòi. Ðứa con gái lớn học tới lớp 9 thì bỏ học về Hà Nội làm thuê, chúng tôi cũng làm quần quật. Cả nhà dành dụm từng đồng, hy vọng đủ tiền xây lại nhà. Ðùng một cái, chồng tôi bị ung thư vòm họng”.

Do bị khối u chèn ép cổ họng, ông Hiếu ráng nói từng chữ: “Nhà chỉ còn một con trâu, bán là trắng tay. Tôi đi khám bệnh lần này theo ý vợ con, rồi về nhà, tôi đã sẵn sàng chết. Ðau bệnh như thế này khổ vợ, khổ con. Tôi không đành lòng!” (G.Ð)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1054 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0