Tác giả: Thanh Thúy, sinh viên sư phạm
Buổi đối thoại “thành công”, “vừa ý” của bộ trưởng Truyền Thông – Thông Tin
Hồi 8h30’ sáng 06-8-2008 có buổi đối thoại trực tuyến, do báo điện tử
VietnamNet tổ chức, giữa bác Lê Doãn Hợp, uỷ viên trung ương đảng CSVN,
nguyên bí thư tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên phó trưởng ban Tư tưởng, nay là
bộ trưởng bộ Thông Tin - Truyền Thông, với các bạn đọc của tờ báo này.
Chúng ta có thể tham khảo nội dung đầy đủ ở các địa chỉ dưới đây:
Bác
Hợp đã trả lời ngót trăm câu hỏi một cách tự tin, lưu loát, với nội
dung xúc tích, ngắn gọn nhưng khá đủ, khiến đa số người hỏi khá thoả
mãn.
Thật ra, nhiều người chỉ muốn hỏi về phương hướng và dự định phát triển
của ngành Truyền thông – Thông tin, với nhiều câu hỏi về nghiệp vụ,
thời sự (ví dụ, bao giờ thì cước điện thoại di động sẽ rẻ hơn, sắp tới
giá tem thư có tăng lên? V.v…). Là bộ trưởng nên bác Hợp trả lời những
câu hỏi loại này dễ như bỡn.
Nhưng
cũng có những câu tuy hơi “nhạy cảm” vẫn được bác Hợp trả lời. Ví dụ,
câu hỏi về quản lý blog, hoặc câu của chú Vũ Hữu Tiến - Tập thể A34 -
Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội: Trong tương lai, các tổ chức tư nhân ở Việt Nam có được thành lập các kênh truyền hình của riêng mình hay không?
(tổng quát hơn, câu này có thể đổi thành: Bao giờ VN có báo chí tư
nhân?). Bác bảo: hiện nay chưa có luật cho phép làm việc đó. Đúng như
chúng tôi đoán trước. Vấn đề là hiến pháp nói thế này, nhưng “luật” (dù
nằm dưới hién pháp) lại nói thế khác. Cứ như con cái dám chửi lại bậc
sinh thành ra mình. Hẳn đây là do “bọn phản động” hoặc “thế lực thù
địch” nào đó đã xía bàn tay bẩn thỉu của chúng vào công việc của đảng.
Mong bác Hợp và đảng ta biết cho.
Do tự
trải nghiệm, chúng tôi xin khẳng định rằng có nhiều câu gửi tới nhưng
đã bị bác Hợp lờ đi, không trả lời và không dám trả lời. Đó là những
câu đề nghị bác “định nghĩa”, hoặc xin bác cho “cho biết nội hàm của
một khái niệm” liên quan tới các quyền dân chủ về ngôn luận, thông tin,
báo chí… có ghi trong hiến pháp mà đảng của bác lần lữa từ năm 1946 tới
nay chưa thực hiện.
Dẫu
sao, bác Lê Doãn Hợp cũng tự đánh giá buổi đối thoại là thành công,
khiến bác rất tự bằng lòng mình. Do vậy, chúng ta có thể yên tâm rằng
các địa chỉ (nêu trên) sẽ còn được duy trì lâu dài, chớ không thể nhanh
chóng bị gỡ bỏ (như những bài chót lỡ - hoặc cố ý - đi chệch “lề phải”
trên các báo điện tử trong nước). Xin các bạn sinh viên đọc nguyên văn
nội dung cuộc đối thoại.
- Bác là tác giả câu “báo chí phải đi đúng lề đường bên phải”.
Trong giao thông, câu này là rất đúng. Mọi người đều hiểu như nhau và
hiểu rất cụ thể thế nào là “lề đường bên phải”. Bác khôn ở chỗ “vận
dụng” một điều mọi người thừa nhận, rất cụ thể, vào báo chí của nước
CHXHCNVN, nhưng bác không nói cho cụ thể thế nào là lề đường bên phải –
sao cho các nhà báo đồng thuận chấp nhận. Vì hơn ai hết, các nhà báo
hiểu rõ điều ghi trong hiến pháp nước ta: Mọi người có quyền tự do tìm
kiếm thông tin và tự do ngôn luận.
- Dẫu sao, khái niệm lề đường bên phải đang dần dần lộ diện, hiện
nguyên hình, khi nhiều nhà báo bị bắt, bị tước thẻ hành nghề chỉ vì
chống tham nhũng và bênh nhau. Nó cũng đang lộ diện khi báo chí ta đồng
loạt nín thinh trước nhiều tin nóng hổi liên quan tới Việt Nam, nhưng
lại hè nhau “đánh hội đồng” một đối tượng không có phương tiện ngôn
luận để chống đỡ, tự vệ. Liệu có cần nêu ra những ví dụ rất cụ thể và
rất gần đây?
- Cái câu “quản lý là… quản có lý…” cũng sẽ được mọi người nhớ, bàn luận (xuýt xoa khen hoặc đàm tiếu) kể cả khi bác đã thôi chức, đã hưu và đã… tịch.
- Bác cũng là người nêu ra “4 chịu, 4
biết” và “phương châm hành động 10 chữ”. Trong buổi Hỏi-Đáp, dù không
ai hỏi, nhưng bác vẫn cố ý nói ra. Điều này làm các cụ già nhớ lại cái
thuở đảng ta đề ra “3 xây, hai chống”, rồi “3 sôi, 2 lạnh”. Chuyện tiếu
lâm một thời đã tán ra: “3 phải, 4 nên, 5 đừng, 6 chớ, 7 quyết và 8 cố”…
Nhiều
vĩ nhân có danh ngôn đã được hậu thế khắc lên bia mộ. Bác định khắc câu
nào trong các câu trên, xin chuẩn bị từ bây giờ cho kịp.
Chúng
tôi cũng thắc mắc: khi mình vừa ra đời đã thấy ba quyền Lập pháp – Tư
pháp – Hành pháp không phân lập, mà lại cấu kết nhau – như cái kiềng ba
chân vững chãi - để đảng nhảy lên ngồi chồm hổm (hình tượng do nhóm
Trần Hiền Thảo nêu ra).
Chả hiểu đảng lãnh đạo thế nào mà sau 60 năm dân trí ta vẫn thấp? Liệu
có bọn phản động dấu mặt nào đang lái đảng thi hành chính sách ngu
dân?.
Suy ra cái đầu đề của bài này: Nếu sinh viên chúng ta bớt ngu đi thì mới được ban thêm quyền tự do, dân chủ.
Bác Hợp nói:
Lộ trình (dân chủ hóa) đưọc thực hiện căn cứ trên 3 điểm:
-Nâng
cao nhận thức, dân trí cho toàn dân. Các nước tư bản có 300 năm phát
triển chúng ta tưởng họ thóang nhưng thực ra họ quản rất chặt vì dân
trí cao. Với dân trí Việt Nam hiện nay, nếu mở ra mà không có dân trí
tốt, thì thuận ít nghịch nhiều.
Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó, cơ chế quản lý đặt ra tương ứng.
- Hoàn chỉnh luật theo nguyên tắc phục vụ Đổi mới…
- Bộ máy quản lý phải thích ứng thực tiễn, vươn lên làm chủ trong phát triển.
Quản lý để phát triển, quản có lý…
Bác
Hợp “giao lưu” ngày 06-8-2008 thì ngày 16-8-2008 (tức chỉ 10 ngày sau)
nhân dịp tống kết 10 năm thực hiện chỉ thị 30-ct/tw của bộ chính trị về
xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tờ Sài Gòn Giải Phóng đã
“xỏ” bác bằng bài Càng mở rộng dân chủ, dân càng tin (http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/235815.asp) . Vậy ai lấy cớ “dân trí chưa cao” để hạn chế các quyền dân chủ thì dân sẽ… hết tin?
Nhóm tôi tự kiểm điểm trình độ hiểu biết chính trị
Khái
niệm dân trí rất rộng. Nhưng khi nói về quyền tự do-dân chủ thì dân trí
là những gì người dân hiểu biết về các quyền này và đòi hỏi phải có nó.
Nó thuộc về dân trí trong chính trị.
Vậy, nhóm tôi xin tự kiểm điểm vài ba điều hiểu biết của mình về chính
trị để coi thử đã đáng được hưởng vài ba quyền tự do-dân chủ đã ghi
rành rành trong hiến pháp (từ 1946) hay chưa.
- Làm báo là một nghề
(viết báo và kinh doanh báo chí). Vậy nước ta cấm công dân kinh doanh
báo có phù hợp với tình hình chung khi chúng ta hội nhập? Có thể dùng
tính từ “phản động” đối với chuyện cấm đoán này?
- Mỗi người có một bộ óc riêng, do vậy ý kiến cũng khác khác nhau. Và quyền phát biểu ý kiến cá nhân, chính là quyền làm người (để phân biệt người với con vật). Suy nghĩ như vậy đã đủ tiêu chuẩn về dân trí để được hưởng quyền tự do-dân chủ hay chưa?
Ví dụ, chúng tôi suy nghĩ rằng: Quốc Hội đại diện dân để ban hành những
luật thực thi quyền dân (quyền ông chủ) đồng thời là nơi giám sát chính
phủ (đầy tớ) thi hành đúng các luật, vì khi có quyền thì chúng rất có
xu hướng lạm quyền (nghĩ như thế đã đấng gọi là đủ trình độ dân trí
chưa?).
Ấy thế mà trong quốc hội hiện nay có tới 2/3 “đại biểu” đang là công
chức (đầy tớ), trong đó các công chức “gộc” như thủ tướng, bộ trưởng.
Sao bọn đầy tớ có thể đại diện cho ông chủ? Chúng lọt lưới vào được
quốc hội là do kẻ phản dân chủ nào giới thiệu chúng vào danh sách ứng
cử? (nghĩ như thế đã đấng gọi là đủ trình độ dân trí chưa?).
Mỗi khi thủ tướng hay bộ trưởng nói ở diễn dàn quốc hội thì tuyệt đa số
“đại biểu” ngồi nghe ở dưới lại chính là cấp dưới của họ, sẽ sợ họ một
phép. Liệu có bàn tay phản động nào tạo ra tình trạng vi phạm dân chủ
trắng trợn này?
Nếu muốn, đảng ta chỉ cần cử toàn bộ sinh viên (hàng triệu bạn) đi
gặp gỡ dân, giảng giải cho dân về điều này thì dân trí Việt Nam sẽ tăng
lên sau vài tuần – đâu cần tới hàng trăm năm như bác Hợp nói.
Chúng tôi còn có thể kiểm điểm mức “dân trí” của mình dài dài nữa.
Mong đảng của bác Hợp ban thêm cho sinh viên Việt Nam chút ít quyền tự do-dân chủ và cử họ đi giác ngộ dân.
Chú thích:
Nhiều khái niệm chính trị ở Việt Nam không giống những hiểu biết phổ
quát trên thế giới. Không sao. Có thể đối thoại để đi đến đồng thuận.
Biết đâu, thế giới sẽ tuân phục Việt Nam mà thay đổi khái niệm. Vấn đề
là sự khác nhau giữa ta và tư bản thế nào xin đảng ta cứ công khai nêu
ra cho minh bạch, để dân thảo luận.
Khi đảng ta thò bút ký vào Tuyên Ngôn Nhân Quyền để cam kết thi hành
thì hẳn là đảng ta đã công nhận các khái niệm của nó rồi chứ ?
Hiểu biết của chúng tôi như trên thì thuộc loại “dân trí” nào ? Liệu có còn thấp quá không ?
Xin các bạn sinh viên tham khảo thêm bài báo dưới đây.
Đại sứ Michael Michalak nói quan ngại lớn nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam là về vấn đề tự do ngôn luận.
Ông đại sứ đã có cuộc gặp mặt báo chí tại Hà Nội hôm thứ Tư 20/8 và trả
lời nhiều câu hỏi liên quan tới các khía cạnh của quan hệ song phương.
Ông nói: "Tuy Hiến pháp Việt Nam ghi rõ việc công dân có quyền tự do
bày tỏ quan điểm của mình, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn tồn tại hai định
nghĩa khác biệt về tự do ngôn luận".
"Chúng
tôi tin rằng tăng quyền tự do ngôn luận sẽ cho phép người dân tham gia
tích cực hơn và tăng trao đổi giữa người dân và chính quyền. Đó là điều
tốt".
Tuy nhiên, đại sứ Michalak thừa nhận rằng cho dù hai bên còn một số
khác biệt, đã có cơ chế đối thoại nhân quyền hàng năm để tăng hiểu biết
'trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau'.
Ông cũng nói Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam đã có tiến bộ trong lĩnh vực tự
do tôn giáo, nhiều nơi thờ tự được mở và người dân được thực hiện tín
ngưỡng một cách tự do hơn.
Thế nhưng ông đại sứ cũng đánh giá rằng việc thực hiện tự do tôn giáo
có khác nhau tại các địa phương khác nhau, và một số lãnh đạo địa
phương ở Việt Nam còn chưa nắm rõ luật pháp và chính sách của nhà nước
trong lĩnh vực này.
Tuy
Hiến pháp Việt Nam ghi rõ việc công dân có quyền tự do bày tỏ quan điểm
của mình, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn tồn tại hai định nghĩa khác biệt
về tự do ngôn luận.
"Chúng tôi cho rằng điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà báo khác trong việc tác nghiệp".
"Chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ sớm đưa ra giải thích tường tận về các cáo buộc và kết quả điều tra của vụ này".
Hai nhà báo chuyên nội chính Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến của
hai tờ Tuổi Trẻ TP HCM và Thanh Niên bị bắt hôm 12/5 vì liên quan trong
việc tường thuật cáo buộc tham nhũng tại ban quản lý PMU18.
Một số phóng viên tại nhiều tờ báo cũng bị gọi lên công an thẩm vấn.
Tuần trước, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn bộ Ngoại giao
VN Lê Dũng nói: "Hiện tại các cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ vụ việc".
"Khi nào và nếu hội tụ đủ các điều kiện thì các cơ quan chức năng sẽ đưa vụ việc này ra xét xử công khai".
Có một câu của bác Hợp mà sinh viên chúng ta nên nhớ:
Đó là câu: Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó.
Các bạn rút ra điều gì qua câu nói của vị uỷ viên trung ương đảng, nguyên phó ban tư tưởng, nay là bộ trưởng bộ TT-TT ?
Nhóm tôi (sắp làm thầy giáo) thấy rằng bác coi dân trí của bọn tôi chưa cao lắm.
Bác thừa nhận dân nước CHXHCNVN chưa được hưởng các quyền dân chủ như
đảng hứa hẹn (chế độ XHCN dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản). Bác
nói, tụi tư bản có dân chủ như hiện nay do đã trải ba-bốn trăm năm xây
dựng. Tuy bác không nói rõ, nhưng có thể suy ra: Đảng ta cần mấy trăm
năm để dân nước XHCN (tươi đẹp) có đủ dân trí đặng được đảng ban cho
quyền dân chủ, như dân các nước TBCN (thối nát).
Người thích lập ngôn
Rất rõ ràng, bác Lê Doãn Hợp, nguyên bí thư tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên phó
ban Tư Tưởng trung ương, đương kim uỷ viên trung ương đảng (đã hai
khoá), bộ trưởng bộ TT-TT (và đại biểu quốc hội?) rất thích được lưu
ngôn.
Nói về lưu ngôn, chúng ta phải phục nhà văn Vũ Trọng Phụng với câu
“Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi…”. Ngày nay, khi ai cứ độc quyền ra rả một
luận điệu, chúng tôi vẫn dùng câu này để tỏ thái độ.
Xin chúc bác Hợp cũng có được một-vài câu như vậy
|