Thứ Sáu, 2025-01-03, 8:22 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 2 » Lại lẩm cẩm Sài Gòn
10:47 PM
Lại lẩm cẩm Sài Gòn

Văn Quang

Trên các đường phố Sài Gòn mùa bánh trung thu đang sôi động

Ô nhiễm từ trong đầu thì hết thuốc chữa!

Cái Tết Trung Thu đang đến rất gần, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa. Tết dành cho trẻ con, nhưng theo phong tục tập quán cổ truyền của người Việt Nam, Trung Thu vẫn được xem là một ngày lễ tết của cả người lớn. Hầu hết các gia đình vẫn có một mâm cúng trên bàn thờ, nhưng đặc biệt là hoa quả để "ông bà" về cùng vui với con cháu. Cho nên Trung Thu vẫn mang một ý nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc.

Các cháu bé được chú ý hơn trong dịp này, dù là một gia đình nghèo khó cũng cố mua cho con một cái đèn, một chiếc bánh. Những chiếc xe đẩy lủng lẳng treo những chiếc đầu lân, đèn xếp, gõ trống, lắc chuông đi vào các ngõ hẻm, các thôn xóm, khêu gợi sự thèm muốn của trẻ nhỏ. Người lớn cũng cảm thấy xôn xao. Thôn xóm, ngõ hẹp dường như vui hẳn lên với những chiếc đèn ông sao, những món đồ chơi mua sớm cho con những gia đình khá giả.

Và ở VN, cái tục lệ, gia đình này mang biếu bánh Trung Thu cho gia đình khác vẫn còn được tôn trọng, nhất là hai "ông bà thông gia" thường không bao giờ thiếu cái khoản quà Trung Thu này. Và cứ thế nhà nọ mang sang nhà kia, có khi cái vòng luẩn quẩn xoay quanh, hộp bánh mình mang biếu lại quay trở lại nhà mình cũng chưa biết chừng. Tuy thế nó vẫn là một cơ hội để nhắc nhở tình nghĩa, gắn kết những mối liên hệ xa gần mà cuộc sống bận rộn làm những người thân ít có thì giờ gặp nhau.

Đó là ý nghĩa đích thực, trong sáng, dễ thương của người Việt chúng ta vẫn còn được duy trì từ bao đời nay.

Một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Sài Gòn

Hối lộ bắt buộc


Nhưng cũng từ đó, các ngày lễ tết lại bị lợi dụng là một ngày trả ơn cho những cấp trên, cho những ngài có chức có quyền, thậm chí biến thành ngày "hối lộ bắt buộc". Không có luật lệ nào cả, chỉ có… luật bất thành văn, các doanh nghiệp, doanh nhân phải tự nhớ, tự ghi vào "bổn phận công dân" của mình nếu còn muốn làm ăn lâu dài. Vả lại, biếu xén cái kiểu này, ngày nay có nhiều quan chức khi ra toà thường khai đó là "món quà tình cảm cá nhân", không phải là hối lộ. Thực ra cái luật bất thành văn đó chẳng phải thời nay mới có. Nó có từ lâu, chỉ khác cái là thời nay được áp dụng một cách "triệt để và hoành tráng" hơn mà thôi.

Triệt để tức là dù anh ở thành phần nào cũng có "cấp trên". Một gánh hàng phở trong ngõ hẻm, một nhà trông coi xe gắn máy thì có cảnh sát khu vực. Cơ quan nhỏ, cơ quan lớn đều có "sếp", chẳng may còn có tới bốn năm "sếp" nữa thì lo cái quà Trung Thu cũng méo mặt. Còn "hoành tráng" thì quá dễ hiểu, các cấp dưới sẽ ngấm ngầm "thi đua" nhau mang món quà càng đắt giá đến nhà cấp trên càng có điểm, có khi còn được tình ngầm vào "điểm thi đua" đề dễ dàng thăng quan tiến chức hoặc kiếm một chỗ ngồi mát mẻ, bổng lộc vào như nước.

Đấy là chuyện nhỏ, chuyện lớn là của các đại gia và đại quan. Thuyền lớn thì sóng lớn. Nếu một hộp bánh Trung Thu của các nhân viên thường thường bậc trung đáng giá từ năm bảy chục đến vài trăm ngàn thì hộp bánh Trung Thu của các đại gia phải xứng tầm với cái cửa hảng cửa hiệu hoặc công ty của mình đang làm ăn, không cần biết có phát đạt hay không. Cho nên các nhà sản xuất bánh Trung Thu nghiên cứu rất kỹ thị trường, sản xuất những loại hàng "siêu cao cấp" dành cho thành phần được coi là "quý sờ tộc" này.

Hộp bánh kiểu "hoàng gia" có giá nửa luợng vàng chưa thấy xuất hiện trên các cửa hàng. Nhưng có thể nó sẽ được "đánh du kích" qua các cửa hàng lớn


Bánh trung thu siêu cao cấp


Nhớ mùa trung thu năm ngoái, thị trường đã rộ lên nhiều sản phẩm bánh trung thu “đặc biệt” với giá vài triệu đồng một hộp, như Maxim’s Hoàng Gia, Moon Đế vương, Hoàng Kim Nhập Nguyệt… Chiếc bánh trung thu đầu tiên khuấy động thị trường với giá xấp xỉ nửa lượng vàng là Maxim’s Hoàng Gia do Maxim’s Bakery nhập từ Trung Quốc, vào năm 2004 bánh có giá 3,8 triệu đồng một hộp có 8 bánh. Lúc đó giá vàng khoảng 7- 8 triệu đồng một lượng (nay là 18 triệu một lượng) và so với các loại bánh trung thu cao cấp khác trên thị trường, giá loại bánh này cao gấp 40 lần.

Không chỉ khác biệt về giá, hộp bánh Maxim’s Hoàng Gia nặng cỡ 20kg, mỗi chiếc bánh đều nằm trong 1 hộp inox, nắp hộp nạm bạc chạm trổ các danh lam thắng cảnh nổi danh Trung Quốc như Vạn Lý Trường Thành, Dương Tử Giang, Tử Cấm Thành… Bên dưới hộp bánh là mặt bàn cờ tướng, 2 hộp đựng quân cờ nằm ẩn 2 bên hộp và toàn bộ quân cờ được làm bằng inox. Hãng bánh này tuyên bố đây là loại bánh ngày xưa chỉ dành cho những người trong Hoàng tộc, nay nhắm đến khách hàng "thượng lưu", dùng làm quà biếu. Kết quả hãng đã bán được khoảng 100 hộp bánh cầu kỳ này.

Sau Maxim’s Bakery, phong trào bánh trung thu “siêu cao cấp” nổi lên. Như vậy, bên cạnh các dòng bánh phổ thông (truyền thống) là các loại giá cao ngất ngưởng như hộp Moon Đế Vương của Công ty CP Bánh kẹo Anco (Hà Nội) năm 2007 có giá khoảng 3 triệu đồng/hộp. Lý giải cho mức giá này, Anco cho rằng nhân bánh được làm từ 9 loại thảo dược quý như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, bào ngư, vảy tê tê, yến sào… và vỏ hộp được làm bằng gỗ sớ tre, logo trên vỏ hộp xi mạ vàng.

Tương tự, các mùa trung thu vừa qua, thị trường đã luôn đầy ắp những loại bánh mới lạ, gắn mác hàng “độc” bởi sản phẩm không chỉ độc đáo về thiết kế mà còn có mức giá cao ngất ngưởng. Có thể kể ra một số loại như Hoàng Kim Nhập Nguyệt (Hỷ Lâm Môn), Long Đình Nguyệt Quý (Maxim’s) cũng có giá vài triệu đồng một hộp, bánh VIP của các khách sạn lớn tại TP. Sài Gòn và Hà Nội cũng trên dưới 100USD một hộp...

Năm ngoái người ta còn thấy bày bàn bán công khai, nhưng sau đó bị dư luận đàm tiếu nên rút vào "đánh du kích". Đại gia nào muốn mua xin cứ đặt hàng, bổn tiệm sẽ kín đáo mang đến tận nhà giao hàng. Có lẽ vì thế năm nay đến mùa bánh Trung Thu này không còn thấy (hay chưa thấy) những hộp nhung, dát vàng bày ở một số tiệm bánh lớn. Nếu có, năm nay, giữa mùa lạm phát và giá cả tăng chóng mặt, mỗi hộp bánh như thế phải lên tới cả chục triệu đồng.

Cứ tưởng nước tinh khiết, hoá ra toàn nước máy


Đi khắp thành phố Sài Gòn lúc này bạn sẽ bắt gặp ở khắp các tiệm bánh, các quầy sạp giữa những con đường lớn, những góc phố ngã ba ngã tư, toàn là quầy bán bánh Trung Thu xanh xanh đỏ đỏ la liệt, trông rất bắt mắt. Hầu hết loạt hàng "trình diễn" lúc này nhằm vào túi tiền của giới trung lưu, lác đác vài hộp loại bánh rẻ tiền dành cho người lao động ba cọc ba đồng được xếp vào một góc tủ kính.

Ở đây, tôi chưa bàn đến chất lượng những hộp bánh ấy như thế nào. Chỉ đi tìm xem "xuất xứ" của những chiếc bánh Trung Thu ấy từ đâu mà ra.

Bởi vấn đề ô nhiễm và vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố này đang là mối nguy cơ lớn nhất cho người dân. Khói bụi của hàng triệu xe hơi, xe gắn máy, nước thải tràn đầy các dòng sông, rác thải từ các gia đình, các nhà máy, các bệnh viện, các khu công nghiệp đang đổ dồn về thành phố cho dân gánh chịu. Nạn đào đường, lô cốt, ngập úng bao vây tứ phía, đến nỗi những con đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, chợ Bến Thành xưa nay chưa ngập lụt bao giờ cũng biến thành sông chỉ sau một cơn mưa chưa đầy hai tiếng đồng hồ… Rồi gia súc từ các vùng ven, từ các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương trốn kiểm dịch, lén lút đưa về bán ở hầu hết các chợ, các tiệm ăn cỡ tầm trung đến quán ăn bình dân, cũng chưa hẳn đã loại trừ các nhà hàng lớn, đôi khi cũng bị lẫn lộn những "hàng độc" này. Trong đó chẳng thiếu gì heo tai xanh, gà mắc cúm, bò lở mồm long móng. Thành phố Sài Gòn là nơi tiêu thụ nhiều nhất, mạnh nhất mỗi ngày hàng trăm ngàn tấn thì nguồn cung cấp ở đâu ra?

Đấy là chưa kể đến những thực phẩm độc hại từ các cơ sở chế biến nằm ngay giữa thành phố, như nước tinh khiết đã có nơi bị phát hiện làm toàn bằng nước máy. Nước tương "đen" không đúng tiêu chuẩn, những chất phụ gia, chất tẩy rửa độc hại vẫn ngang nhiên bày bán nhan nhản.

Nhiều ông bà Việt kiều về Việt Nam vốn tính cẩn thận đi đâu cũng chỉ uống nước suối tinh khiết, cứ tưởng là tinh khiết thật, có biết đâu mình uống toàn nước máy. Ăn toàn nơi sang, có biết đâu cũng bị trộn lẫn thực phẩm không kiểm dịch.

Quay trở lại với bánh Trung Thu năm nay, qua những điều mắt thấy tai nghe, phải nói ngay rằng hàng bẩn hàng giả nhãn hiệu xuất hiện từ rất sớm.

Chế biến nhân bánh ngay trên nền nhà


Sản xuất bánh trung thu bên nhà vệ sinh


Đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Thanh tra Sở Y tế và các đoàn kiểm tra liên ngành lại một lần nữa phải lên tiếng cảnh báo về sự vi phạm của rất nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu khi sử dụng phụ gia là hoá chất công nghiệp nguy hiểm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến.

Thực trạng mất vệ sinh ở lò sản xuất, là chuyện hàng ngày quá thông thường. Ngoại trừ một số cơ sở lớn đếm được trên đếm được trên đầu ngón tay, các bác thợ làm bánh được "ăn diện" áo blue trắng cứ như bác sĩ sắp khám bệnh cho bệnh nhân. Màn trình diễn này coi bộ cũng "văn minh" để giũ uy tín cho cửa hàng. Nhưng vẫn là chưa đủ nếu truy nguyên từ đầu khâu mua bán nguyên liệu.

Còn hầu hết những nơi sản xuất bánh trung thu khác làm lén, làm chui trong các nhà bếp những ngôi nhà lụp sụp cứ như nhà ma. Các bác thợ chính thợ phụ đều ở trần trùng trục, mồ hôi vã ra như tắm, chẳng biết có nhỏ xuống làm nhân bánh hay không. Tình trạng nhân viên không được kiểm tra sức khoẻ, không sử dụng bao tay khi chế biến bánh... là điều diễn ra ở 100% cơ sở mà đoàn thanh tra đã có mặt.

Ngoài ra, tại một lò sản xuất đường Nguyễn Siêu - Q.6 (TP. Sài Gòn) đã phát hiện trong 10 loại sữa bột đang được dùng để chế biến bánh thì có đến 6 loại không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Buổi kiểm tra thứ hai tại phường 4, quận 6, ở cơ sở Đông Hưng Viên, đoàn kiểm tra còn phát hiện chủ cơ sở đã sử dụng chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp cùng một số nguyên liệu khác như bột chocolate không có nguồn gốc rõ ràng để chế biến bánh. Đó là chưa nói đến gần như tất cả các cơ sở khi đoàn thanh tra đến kiểm tra đều có điều kiện cơ sở vật chất, lò sản xuất bánh rất bẩn và chật chội.

Có nơi sản xuất bánh trung thu gần nhà vệ sinh, cụ thể như ba cơ sở sản xuất bánh trung thu tại địa bàn Q.11 là Công ty cổ phần Phú Thạnh (xưởng bánh Tân Lạc Viên sản xuất bánh trung thu Phước Lộc) ở đường Lê Đại Hành, cơ sở bánh trung thu Bát Tiên Đồng Khánh ở đường Hoà Bình và cơ sở Thuận Phát ở đường Dương Đình Nghệ. Nơi sản xuất bánh của cả ba cơ sở này đều nằm gần... nhà vệ sinh.

Cơ sở Thuận Phát còn để bánh trung thu xuống nền nhà, nguồn gốc nguyên liệu phụ gia không rõ ràng.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh bánh trung thu trên thị trường còn nhiều điều đáng lo ngại. Đáng báo động là sự xuất hiện bánh giả, nhái nhãn hiệu sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng. Các loại bánh sản xuất được đóng bao bì nhãn hiệu "Trăng sáng Đồng Khánh", rất dễ làm cho người mua nhầm tưởng là bánh trung thu của thương hiệu Đồng Khánh. Ngoài ra, còn có tình trạng một số nơi kinh doanh trà trộn các loại bánh nhãn hiệu khác cho người mua.

Và đôi khi người mua để biếu xén cũng chỉ để ý đến cái bao bì nhãn mác đẹp mắt bóng bẩy là được. Thế nên, nhận bánh được tặng dù là cao cấp cũng chưa chắc đã an toàn.

Chiếc bánh "hàng chợ" dành cho người ít tiền


Có tin được cơ quan phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm?


Chuyện sản xuất thực phẩm đã kinh hoàng như thế, chỉ còn trông mong vào cái lưới bảo vệ cuối cùng là những cơ quan phụ trách kiểm tra, thanh tra những cơ sở kinh doanh này.

Thế nhưng một lần nữa người dân lại cực kỳ thất vọng. Ngay trong tuần này người dân TP. Sài Gòn được nghe cái quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. Sài Gòn.

Câu chuyện lòng vòng, đá qua đá lại, uốn éo giữa các quan cấp trưởng, cấp phó của Sở y tế thành phố khá dài dòng. Xin tóm tắt cho gọn là các quan đều biết rõ nước tương, xì dầu, dầu hào của một số cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn, có hại cho sức khoẻ người dân. Và ai cũng biết, nước tương, xì dầu là món ăn thông dụng của hầu hết các gia đình Việt Nam, từ người giàu đến người nghèo. Và người nghèo còn cần nước tương hơn nhà giàu.

Các quan phù phép với nhau, bà ký xin hoãn công bố sự độc hại đó, quan trên phê cho quan dưới duyệt xét rồi lằng nhằng cũng ra được cái quyết định chấp thuận cho các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào, gia hạn thời gian công bố hàm lượng có chất làm hại sức khỏe người tiêu dùng với lý do… rất lẩm cẩm là để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi công nghệ trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

Nói một cách khác là các quan đã cùng nhau "ỉm" vụ nước tương đen có chất độc hại đi và cứ hồn nhiên để dân Sài Gòn thoải mái mua nước tương có hàm lượng chất độc hại (3-MCPD) vượt mức về dùng rồi có sâu răng, chảy máu dạ dày, nằm quay cu lơ ra thì đi tìm nguyên nhân khác.

Lúc đó ông Nguyễn Thế Dũng là Giám đốc sở, BS Lê Trường Giang là Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Phó truởng Ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩn của thành phố. Không cần phải thanh tra nói thì ai cũng biết, quyết định đó chỉ có lợi rất lớn cho các nhà sản xuất. Đã không phải thu hồi hoặc bị tịch thu lô hàng độc hại, lại còn ung dung bán tự do. Còn có thay đổi công nghệ hay không cũng chẳng ai thèm kiểm tra. Các quan chánh, quan phó của sở Y Tế Thành phố chắc cũng có lời to.

Chưa biết đến bây giờ tình trạng nước tương và sì dầu có đạt tiêu chuẩn hay không, người dân Sài Gòn cũng chẳng ai biết.

Điêu đứng vì xét nghiệm sai

Chưa hết, người dân Sài Gòn còn khốn đốn vì kết quả xét nghiệm sai. Sau vụ một thai phụ kiện Trung tâm Y tế dự phòng vì xét nghiệm HIV sai, một số doanh nghiệp đã phải “kêu trời” vì Trung tâm này đã “phán” cho những kết quả xét nghiệm sai khiến họ điêu đứng.

Một thí dụ điển hình: Ngày 30-5-2008, đoàn thanh tra Sở Y tế TP. Sài Gòn đến kiểm tra Công ty Hoà Bình Long ở huyện Hóc Môn- chuyên sản xuất nước đóng chai, đóng bình với các nhãn hiệu là H và D; Camly, PECO.

Khi kiểm tra, đoàn phát hiện Công ty này chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); nhân viên không mang dụng cụ chuyên dùng khi sản xuất thực phẩm, dụng cụ chuyên dùng cho đóng bình, sản xuất thực phẩm trong môi trường không đạt yêu cầu và nước đóng bình không đạt chuẩn.

Ngày 3-6, Cty của ông Sáng bị xử phạt 13 triệu đồng và bị buộc phải ngưng sản xuất, lưu hành sản phẩm ra thị trường cho đến khi hoàn thiện công nghệ, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Nghi ngờ kết quả xét nghiệm, ông Sáng đã lấy mẫu nước (cùng loại mẫu nước đã được Đoàn thanh tra Sở Y tế lấy và niêm phong trước đây còn lưu tại Công ty) mang đi xét nghiệm tại chính TTYTDP và Viện Y tế công cộng TP. Sài Gòn. Các xét nghiệm lần này đã cho kết quả ngược lại.

Đến ngày 4-7, Sở Y tế đã rút quyết định xử phạt đối với Cty ông Sáng. Ông Sáng cho biết, trong 1 tháng bị “oan”, hoạt động của Cty ông bị ngưng trệ hoàn toàn, thiệt hại về kinh tế mặc dù chưa tính được nhưng rất lớn. Chưa ai nói đến chuyện đền bù.

Một số Labor xét nghiệm được cho rằng có “quyền sinh quyền sát” trong tay như TTYTDP TP. Sài Gòn, Viện Pasteur hay Viện vệ sinh Y tế công cộng là do các cơ sở này chuẩn về trang thiết bị, con người, trình độ đọc kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát toàn diện các phòng xét nghiệm mới đây ở TP. Sài Gòn làm không ít người lo ngại vì khi cùng một mẫu phẩm huyết thanh được đưa cho 30 phòng xét nghiệm, sau khi phân tích và trả kết quả thì các số liệu khác nhau khá xa. Có nơi còn ghi kết quả sai!

Một viên chức Thanh tra Sở Y tế (xin giấu tên) cho biết, đã phản ánh với TTYTDP TP. Sài Gòn rằng test kit Formol của Trung tâm này dùng trong kiểm tra bánh phở, mì… để thanh tra đi làm việc hàng ngày đã hết hạn từ hai năm nay nhưng chẳng thấy ai đoái hoài tới.

Vì vậy, mỗi lần đi thanh tra thực phẩm làm test nhanh các nhân viên trong đoàn đều “nhìn nhau” vì không biết bộ kit thử có còn tác dụng hay không?!

Xét nghiệm và kiểm tra như thế chỉ là trò đùa trên sức khoẻ và tính mạng của người dân. Biết tin vào ai bây giờ?

Ô nhiễm và mất vệ sinh ngay từ trong đầu người kiểm tra thì hết thuốc chữa!

Văn Quang
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1085 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0