Thứ Năm, 2024-04-25, 4:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 4 » Dầu khí và Mỹ Kim
1:42 PM
Dầu khí và Mỹ Kim


2008-09-03

Thứ Hai vừa qua, giá dầu thô đã giảm mạnh, chỉ còn 105 Mỹ kim một thùng so với 147 đồng vào ngày 11 tháng Bảy. Đồng thời, tỷ giá đồng Mỹ kim cũng tăng mạnh so với các ngoại tệ khác.

Photo AFP

Euro and dollar

Có quan hệ gì về giá cả giữa hai loại tài sản đó hay không? Có phải vì Mỹ kim lên giá mà dầu thô sụt giá hay vì dầu thô giảm giá mà Mỹ kim tăng giá trên thế giới? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Tương quan trị giá dầu-đôla

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Khi được biết trận bão Gustav trong vùng Vịnh Mexico đã giảm cường độ và không gây thiệt hại cho khu vực khai thác dầu khí của Hoa Kỳ ở tại đây, giá dầu thô trên thế giới lập tức giảm mạnh và sáng thứ hai chỉ còn 105 Mỹ kim một thùng. Cùng lúc ấy, người ta cũng thấy tỷ giá đồng Mỹ kim có tăng mạnh so với nhiều ngoại tệ khác trên thế giới. Vì vậy, trong chương trình hôm nay, xin đề nghị là chúng ta cùng tìm hiểu là giá dầu xuống làm tiền Mỹ lên, hay ngược lại vì tiền Mỹ  tăng giá mà dầu thô sụt giá? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta khó tìm ra tương quan nhân quả giữa giá dầu và hối suất Mỹ kim, tức là dầu khí hay đô la là nguyên nhân gây hậu quả khiến giá cả hai loại sản phẩm này biển chuyển nghịch chiều. Nhưng rõ ràng là từ ngày 11 tháng Bảy đến nay, dầu thô sụt giá đều, ngay cả trong vụ khủng hoảng tại Georgia. Đồng thời, từ 15 tháng Bảy đến nay, đồng đô la đã lên giá so với các ngoại tệ khác như đồng Euro Âu châu hay đồng Yen của Nhật.

Chúng ta nên tìm hiểu vấn đề này như ông đề nghị vì có thể giúp ta nhìn ra các yếu tố chi phối và nhất là ứng phó với hiện tượng đảo giá của đồng Mỹ kim khiến nhiều người tại Việt Nam nói đến việc vay tiền theo hối suất đô la.

Việt Long:  Như mọi khi, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả rõ bối cảnh của vấn đề, là sự thăng trầm giá cả của dầu thô và đô la Mỹ trong thời gian qua, sau đó ta mới phân tích về lý do.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả thật là trong nhiều năm liền và tới tháng Bảy vừa qua, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng của hai hiện tượng song hành. Thứ nhất, dầu thô tăng giá và tăng đến mức kỷ lục khiến lạm phát lây lan ra nhiều quốc gia, nhất là các nước phải nhập khẩu năng lượng.

Thứ hai là Mỹ kim sụt giá so với các ngoại tệ mạnh khác và điều ấy cũng ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới nếu họ giàng giá đồng nội tệ của mình vào tiền Mỹ.

Thế rồi từ tháng Bảy, tình hình có đảo ngược như ta đã trình bày trong một chương trình cách đây một tháng. Sự đảo ngược này đang gây hy vọng lạc quan cho các nền kinh tế vì dầu thô giảm giá sẽ có lợi cho sản xuất và Mỹ kim tăng giá khiến nhiều nước dễ ứng phó hơn với nguy cơ suy trầm sản xuất.

Việt Long:  Ông nói rằng giới kinh tế vẫn khó tìm ra tương quan nhân quả giữa hai loại sản phẩm đó. Nghĩa là thật ra chưa rõ rằng đô la lên đã đẩy giá dầu xuống hay ngược lại, dầu thô giảm giá đã nâng đồng đô la? Vì vậy mà trong hoàn cảnh có thể là tốt đẹp hơn kể từ tháng Tám vừa qua, ta vẫn chưa biết tình hình sẽ xoay chuyển thế nào?

Mỹ bị nhập siêu nặng hơn về dầu thô mà nhẹ hơn về các mặt hàng khác. Cho nên, Mỹ kim sụt giá có cải thiện cán cân ngoại thương của Mỹ, nhưng dầu thô lên giá lại giảm thiểu sự cải thiện đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu theo dõi thống kê dài hạn của chỉ số giá dầu và chỉ số Mỹ kim, người ta có cảm tưởng - mà cảm tưởng thôi - rằng Mỹ kim mới ảnh hưởng đến giá dầu, chứ không phải ngược lại. Chẳng hạn như cho tới năm 2003, dầu thô lên giá khiến các nước bán dầu có thêm đô la, gọi là petrodollars, và họ chuyển lại tài sản đó vào thị trường Mỹ nên điều ấy đã nâng giá đồng Mỹ kim.

Nhưng qua năm 2004, tình hình không còn như vậy và tới năm 2006 lại còn đảo ngược, là dầu thô lên giá mà tiền Mỹ vẫn mất giá. Bây giờ, ta đang thấy chiều hướng đối nghịch về giá cả của hai mặt hàng. Cho nên, ta cần tìm ra một chuỗi yếu tố chi phối giá cả dầu thô và đô la và vì sao có sự đối nghịch đó. Tôi xin được nói trước rằng đây là một vấn đề hơi rắc rối khó hiểu.

Việt Long:  Nếu vậy, xin ông phân tích cho yếu tố đầu tiên trong một chuỗi các yếu tố đó. Cụ thể là giá dầu có ảnh hưởng gì đến hối suất đồng đô la hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngày xưa, các nước bán dầu có petrodollar thì chuyển ngược về Mỹ. Từ mấy năm sau này, họ có nhiều thị trường khác để đầu tư hơn nên tiền thu từ bán dầu không mặc nhiên trút hết về Mỹ để nâng tỷ giá Mỹ kim như trong mấy năm trước. Lồng bên dưới, ta còn có hiện tượng khác là các nước bán dầu không nhất thiết chỉ nhập khẩu hàng Mỹ mà còn nhập khẩu hàng hoá Âu châu, và ngày một nhiều hơn.

Lý do chủ yếu là việc thống nhất đồng bạc Âu châu và sự ra đời của đồng Euro đã khiến các nước bán dầu trong Hiệp hội OPEC có nhiều chọn lựa hơn trong việc sử dụng tài sản bằng Mỹ kim của họ. Vì vậy, dầu thô lên giá không nhất thiết kéo theo tỷ giá đô la. Trong khi ấy, ta còn một yếu tố thứ hai nữa....

Việt Long:  Yếu tố đó có phải là sự sút giảm trị giá Mỹ kim vì lý do nội tại của Mỹ là kinh tế bị nhập siêu, tức là nhập nhiều hơn xuất khẩu, hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa chúng ta nên thận trọng trong việc phân tích sự chuyển biến giá cả giữa hai mặt hàng và về yếu tố chi phối, là cái gì kéo cái gì. Mỹ kim sụt giá chủ yếu là vì kinh tế Mỹ bị thiếu hụt ngoại thương và khiếm hụt cán cân vãng lai hay cán cân chi phó.

Đây là lý do nội tại. Nhưng, nếu kết hợp thêm hiệu ứng dầu thô vào bài toán, ta thấy dầu thô càng tăng giá, kinh tế Mỹ càng bị nhập siêu nặng hơn nên giá dầu tăng làm tỷ giá Mỹ kim càng giảm. Tuy nhiên, kể từ năm 2005, tình hình không xoay chuyển một chiều như vậy.

Vẫn biết Mỹ kim xuống giá khiến Mỹ bán hàng rẻ hơn, dễ hơn, và số nhập siêu ngày càng giảm. Nhưng, vào chi tiết của số nhập siêu đó thì ta cần phân biệt hai loại hàng là dầu thô và các mặt hàng khác. Mỹ bị nhập siêu nặng hơn về dầu thô mà nhẹ hơn về các mặt hàng khác. Nói cho dễ hiểu, Mỹ kim sụt giá có cải thiện cán cân ngoại thương của Mỹ, nhưng dầu thô lên giá lại giảm thiểu sự cải thiện đó.

Petrodollars, cơ cấu nhập siêu của Mỹ và tình hình kinh tế Mỹ so sánh với các nền kinh tế khác khiến dầu thô có chi phối trực tiếp hay gián tiếp đồng Mỹ kim.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long: Ngoài việc sử dụng đồng petrodollar ở đâu và ảnh hưởng của giá dầu vào số nhập siêu của Mỹ, ta còn yếu tố nào đáng kể hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có hai hệ thống ngân hàng trung ương với hai ưu tiên khác biệt nên chính sách lãi suất khác biệt. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có chức năng đa diện là bảo đảm tăng trưởng trong ổn định trong khi Ngân hàng Trung ương ECB của Âu châu có chức năng kiểm soát lạm phát là chính.

Khi dầu thô tăng giá người ta chờ đợi ECB nâng lãi suất mạnh và sự chờ đợi ấy khiến đồng Euro tăng giá mạnh so với Mỹ kim làm đô la mất giá oan uổng, tức là bị đánh giá thấp. Mà giá dầu niêm yết và giao dịch bằng Mỹ kim càng khiến thị trường có cảm tưởng là nguy cơ lạm phát trầm trọng hơn vì hiệu ứng dầu thô.

Bây giờ, người ta mới thấy ra sự thể không hẳn như vậy nên Mỹ kim mới bung mạnh. Và sẽ còn tăng khi thế giới thấy là kinh tế Mỹ không đến nỗi suy sụp như mọi người và nhất là giới chính trị Mỹ báo động vì lý do tranh cử.

Trong khi ấy, các nền kinh tế Nhật Bản và Âu châu còn bết bát hơn, Thủ tướng Nhật phải từ chức, Tổng trưởng Tài chánh Anh thì báo động là kinh tế Anh sẽ bị khủng hoảng nguy kịch nhất kể từ 60 năm nay. Những sự kiện đó càng khiến Mỹ kim tăng giá rất mạnh trong nay mai mà Ngân hàng Trung ương ECB thì gần như bị tê liệt.

Những yếu tố chi phối đồng đôla

Việt Long: Thú thật là câu chuyện này quá rắc rối như ông đã nói hồi nãy. Bây giờ, ông còn thấy những yếu tố gì khác làm chúng ta phải chú ý không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ba yếu tố vừa nói là petrodollars, là cơ cấu nhập siêu của Mỹ và tình hình kinh tế Mỹ so sánh với các nền kinh tế khác khiến dầu thô có chi phối trực tiếp hay gián tiếp đồng Mỹ kim.

Ngoài ra, ta lại còn ba loại yếu tố khác khiến Mỹ kim sẽ ảnh hưởng ngược đến giá dầu thô. Thứ nhất, Mỹ kim sụt giá khiến các nước giàng giá nội tệ vào đô la càng dễ xuất khẩu nhờ hàng hoá của họ cũng sụt giá theo, thí dụ như các nước Á châu, Từ ba năm nay, họ xuất khẩu mạnh nên càng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và điều ấy càng đẩy giá dầu thô lên cao hơn.

Thứ hai, giới đầu tư mà thấy Mỹ kim xuống giá và thương phẩm - là nguyên nhiên vật liệu, kim loại và nông sản - càng lên giá là họ càng mua thương phẩm để thủ thân khi đô la sụt giá. Phản ứng đó khiến Mỹ kim sụt giá là càng đẩy giá dầu thô.

Thứ ba, khi Mỹ kim xuống giá và dầu thô lên giá nhiều quốc gia đã xoay trở ngược, bằng cách nâng tỷ giá đồng bạc của họ đâm ra càng gây hiệu ứng lạm phát và đẩy lui một hiện tượng đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn, là tiết giảm số cầu về dầu thô.

Thái Lan đã từng bị khủng hoảng năm 1997 là vì hiện tượng ấy, khi họ vay ngoại tệ với lãi suất rẻ để đem về cho vay lại với lãi suất cao hơn nên gây ra khủng hoảng ngoại hối và từ đó lan rộng thành khủng hoảng kinh tế!

Nguyễn Xuân Nghĩa

Bây giờ, sự thể đang thay đổi và sẽ thay đổi sự tính toán của các nước, là điều ta rất nên theo dõi vì có thể thấy ra sự lầm lẫn trong cách ứng phó trong hoàn cảnh mình gọi là giao thời này.

Việt Long: Trước khi nói đến những lầm lẫn đó, xin đề nghị là ông tổng kết lại về những viễn ảnh trước mắt.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sự chuyển hướng nghịch chiều giữa Mỹ kim và dầu thô sẽ còn tiếp tục. Dầu thô sẽ còn sụt giá sau khi đã đụng đỉnh gần 150 đồng một thùng. Ngược lại, đồng Mỹ kim sẽ còn tăng giá so với các ngoại tệ mạnh vì kinh tế Mỹ không bị nguy ngập bằng các nền kinh tế kia.

Tổng kết lại, thị trường thương phẩm sẽ được hạ nhiệt, tức là bớt tăng giá và thiên hạ cho rằng nguy cơ lạm phát không còn đáng sợ như tình hình cách đây vài tháng. Vì vậy mà dễ có chính sách sai lầm!

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông. Nhiều người tại Việt Nam đang nghĩ là lãi suất quá cao hiện nay sẽ cản trở sản xuất và trước nhất cản trở việc thu mua nông ngư sản cho xuất khẩu nên đề xuất việc trợ giúp bằng cách cho vay thao lãi suất nhẹ hơn của đồng Mỹ kim. Ông nghĩ sao về việc này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, đây là một tin mừng khi người ta được rộng rãi thảo luận và đề xuất ý kiến cứu vãn kinh tế, thay vì cứ phó mặc cho đảng và nhà nước tự tiện tính toán trong bóng tối và gây ra tai họa.

Tuy nhiên, ta không nên quá lạc quan với giải pháp gọi là cho vay với lãi suất đô la để người đi vay sẽ trả lãi nhẹ hơn được 60% so với lãi suất nội tệ. Lý do là sai biệt lãi suất này lập tức dẫn đến nạn đầu cơ và những người quyền thế nhất sẽ trục lợi nhanh nhất.

Thứ hai, khi Mỹ kim tăng giá và mối lo lạm phát hết còn ám ảnh các quốc gia trên thế giới, lãi suất đô la cũng sẽ tăng. Hai yếu tố đó càng gây sức ép cho tỷ giá đồng bạc Việt Nam.

Thái Lan đã từng bị khủng hoảng năm 1997 là vì hiện tượng ấy, khi họ vay ngoại tệ với lãi suất rẻ để đem về cho vay lại với lãi suất cao hơn nên gây ra khủng hoảng ngoại hối và từ đó lan rộng thành khủng hoảng kinh tế!

Category: Kinh tế | Views: 1141 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0