Ghi chép và hình: Trần Tiến Dũng
Nhạc
sĩ Tuấn Khanh hỏi chúng tôi: “Ngày 2 Tháng Chín tới có muốn chạy đi đâu
đó để khỏi nhức đầu không?”. Ở Sài Gòn này, với những vấn nạn đến nghẹt
thở, chuyện trốn đi đâu đó trong những ngày lễ đã trở thành thói quen
của nhiều người.
Chúng
tôi đi về hướng Cần Ðước-Gò Công. Trên quốc lộ 50, chúng tôi có chung ý
nghĩ: Thời thực dân Tây, con đường này có lẽ tốt hơn!
Ngoài
nhạc sĩ Tuấn Khanh, cùng đi với chúng tôi có nhạc sĩ Tuấn Kiệt, cả ba
quyết định đi thăm gia đình nhạc sĩ quá cố Hoàng Phương, một nhạc sĩ
không chỉ nổi tiếng ở xứ Gò Công, với những người dân bình dị phương
Nam, ngay từ buổi đầu xuất hiện những ca khúc của ông đã là chất men
ươm tình tự vùng đồng bằng và làm sống lại giai điệu Bolero.
Ngôi
nhà của cố nhạc sĩ nằm ven con đê biển Tân Thành - huyện Gò Công Ðông,
tỉnh Tiền Giang. Ðó là một ngôi nhà nhỏ, mái tôn, vách gạch nhưng chưa
tô xi măng, nền đất. Ðể biết cảnh nhà nghèo ở Việt Nam, người ta chỉ
cần đặt chân vào một ngôi nhà có nền bằng đất. Mùa mưa, nền sụt lún bốc
mùi ẩm mốc như đất hoang, mùa nắng dù có mang giày, hai bàn chân cũng
nóng hầm hập. Lúc chúng tôi tới nhà người nhạc sĩ quá cố, những con
chuột, trùn đất và thậm chí cả một con lươn cùng xuất hiện ngay trong
nhà giống như để “chào khách”.
Bà
Mộng Vân, người vợ góa của nhạc sĩ đón chúng tôi. Bà mặc cái áo màu
trắng, màu vải trắng và những nhánh bông bằng nhựa trang trí trên bàn
thờ cố nhạc sĩ Hoàng Phương bỗng nhiên trở thành trang trọng, một kiểu
trang trọng chỉ có lúc đón khách của người nghèo miền Nam. Bà Mộng Vân
nói: “Mấy anh ra sau nhà rửa mặt cho khỏe, rồi tôi dọn cơm, chờ mấy anh
từ sáng đến giờ”. Bữa cơm mà bà định mời chúng tôi chắc không phải là
bữa ăn trưa, cũng không phải là bữa ăn chiều, chỉ đơn giản là cơm vì sợ
khách đường xa mới tới đói bụng.
Gia cảnh một nhạc sĩ tài hoa
Nhạc
sĩ Hoàng Phương mất đi để lại cho bà Vân hai đứa con trai, cậu con trai
lớn năm nay mười bảy tuổi, không đủ tiền đi học nên lên Sài Gòn kiếm
việc làm. Cậu con trai nhỏ mười hai tuổi, đang chờ mẹ chạy cho đủ năm
trăm ngàn đồng đóng tiền nhập học đầu năm. Bà Mộng Vân kể: “Tôi chạy xe
Honda ôm từ hồi ảnh còn sống, cái nghề này bữa đực, bữa cái, kiếm ra
tiền để ăn là may lắm rồi, nuôi được một đứa ăn học đã hết hơi”. Cả xóm
ven biển này biết chuyện ngoài nghề chạy xe ôm, bà Vân còn đi cào
nghêu, làm cỏ mướn.
Lúc
xe gắn máy Trung Quốc chưa tràn vào Việt Nam, nghề chạy xe ôm cũng tạm
đủ sống, còn bây giờ, nhà nào cũng có xe nên một người đàn bà chạy xe
ôm như bà Mộng Vân khó mà có thể cạnh tranh nổi với người khác để kiếm
sống. Bà Vân cho biết: “Ðôi ba ngày mới có người kêu chở đi Mỹ Tho, Sài
Gòn, ngán đường xa, tai nạn nhưng cũng phải đi, có bữa về khuya giật
mình vì sợ. Bị cướp hay tai nạn chết luôn thì không nói gì, lỡ bị
thương tật thì khổ cho con”.
Tiền tác quyền cứu đói
Chúng
tôi hỏi thăm, bà Mộng Vân cho biết, thỉnh thoảng bà có nhận được vài ba
trăm ngàn tiền tác quyền trả cho các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Phương.
Với bà, tiền tác quyền giống như một thứ ân huệ, được một số ca sĩ nổi
danh và giàu có ban phát. Tuy bà cũng biết qua về quyền sở hữu trí tuệ,
theo đó nhạc sĩ hoặc thân nhân nhạc sĩ đã quá cố đương nhiên được nhận
lợi tức từ lao động nghệ thuật của người chồng nhưng bà vẫn cứ gọi
những ca sĩ, những trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, tất cả những người
đưa tiền tác quyền cho bà là người tử tế. Bởi họ không đưa thì bà cũng
chịu. Bà kể: “Tôi không dám kể tên anh ca sĩ đó đâu, sợ phiền người ta.
Tuy nhiên lúc hát bài của chồng tôi, ảnh có mời tôi lên ký hợp đồng
đàng hoàng. Ảnh niềm nở lắm! Rồi lúc mẹ con tôi khổ quá chạy lên Sài
Gòn để hỏi tiền, ảnh lánh mặt hoài, tôi đi tới, đi lui mấy bận mới được
gặp ảnh, mặt ảnh hầm hầm, ảnh ngồi trong xe hơi, kêu đệ tử đưa cho tôi
năm trăm ngàn. Tôi ngại lắm, nhưng vì khổ quá nên đành nhận mà tủi thân
muốn khóc”.
Không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc, chuyện trả tiền tác quyền trong thị trường nghệ thuật của Việt Nam
nói chung đã và sẽ luôn luôn là một vấn nạn. Có một nhà văn nổi tiếng ở
hải ngoại từng nhận xét: “Ðó là nỗi nhục nhã chung của cả nền văn hóa
nghệ thuật Việt Nam”.