Chủ Nhật, 2024-11-24, 11:03 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 5 » KÊ KHAI TÀI SẢN: NÓI DAI NHƯ ĐỈA – LÀM NHƯ CÁ RỈA MỒI
4:30 PM
KÊ KHAI TÀI SẢN: NÓI DAI NHƯ ĐỈA – LÀM NHƯ CÁ RỈA MỒI

Kê Khai Tài Sản Cho Mọt Ăn !


 

Phạm Trần

Hoa Thịnh  Đốn.- Thông thường  đã nói thì phải làm mà không làm được thì đừng nói, đằng này nói  nhiều mà làm  chẳng bao nhiêu thì  nói làm gì cho khổ lỗ tai người nghe ?

Đem chuyện này vào áp dụng cho Công tác phòng, chống tham nhũng – quan liêu  lãng phí ở Việt nam thì có nói đến năm cùng, tháng tận cũng không hết. Vì vậy trong dân gian bây giờ họ bảo nhau nhà nước nói chống tham nhũng dai như đỉa  mà làm thì như cá rỉa mồi.

Bùi Nguyễn, Cán bộ Tuyên giáo của đảng CSVN viết rằng, sau Cách mạng tháng 8 năm  1945 thành công Hồ Chí Minh đã dậy : “ Cần phải khẳng định và nhấn mạnh lại rằng tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, và vì vậy, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Bởi vì đây là cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác, xây cái đẹp, cái thiện. Tham ô, lãng phí, quan liêu là nọc xấu của chế độ cũ. Mặt khác, cán bộ, đảng viên ta, lúc đấu tranh thì trung thành. Song đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải giáo dục, giúp đỡ, cứu vãn họ. Sự nghiệp đổi mới là nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì vậy, phải tẩy cho sạch những thói xấu của xã hội cũ.”  (Tạp chí Tuyến Giáo Điện tử, 18/8/2008

Vậy mà 63 năm sau khi con cháu “Bác” ăn  mừng độc lập 2-9 thì lời dậy của người lập ra đảng cũng đã  theo “Bác” đi  vào cõi hư vô.

Bùi Nguyễn lưu ý đảng : “ Trước hết, với tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, cả hệ thống chính trị, mà đứng đầu là Đảng cầm quyền, phải có một quyết tâm chính trị cao độ và thật sự để kiên quyết “nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu” như lời dạy của Lênin và Hồ Chí Minh. Đảng phải quán triệt nhận thức trong toàn xã hội về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu quan trọng như đánh giặc trên mặt trận. Tất nhiên, đây là mặt trận tư tưởng, chính trị, là cuộc cách mạng nội bộ. Vì vậy, phải có lãnh đạo, có tổ chức, có kế hoạch, có chuẩn bị. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Đảng phải truyền quyết tâm chống giặc nội xâm cao hơn chống giặc ngoại xâm, vì “giặc bên trong đáng sợ hơn”. Phải làm cho mỗi người dân nhận thức sâu sắc rằng nỗi nhục nghèo hèn, lạc hậu, thiếu văn minh do những thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên gây ra cũng đau không kém gì nỗi nhục mất nước, nếu không muốn nói là đau hơn.

Chống giặc bên trong thường phải áp dụng nhiều bộ “công cụ”. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là những công cụ quan trọng vào bậc nhất xét dưới góc độ quản lý nhà nước.”

Vậy sau 3 năm thi hành Luật, đảng của Bùi Nguyễn đã làm được gì ?

Cán bộ này than van : “ Nhưng rõ ràng, từ khi luật có hiệu lực (tháng 12-2005) đến nay, vấn đề tham nhũng và lãng phí hầu như không giảm, ngược lại có chiều hướng gia tăng. Như vậy, “vũ khí hiện đại” nhất chưa phát huy tác dụng, vì người ta vẫn có cảm giác như chưa có các luật đó trên đời; luật chưa đi vào cuộc sống. Mặt khác, việc thi hành luật chưa thật nghiêm và minh nên đang có dấu hiệu “nhờn” luật. Chúng ta chưa làm đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”, và chỉ dẫn của Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy,- đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng”

Như vậy là những kẻ tham nhũng trong hàng ngũ đảng CSVN  đã bị danh vọng  và tiền tài làm tê liệt mọi giác quan trong cơ thể nên “lạnh cảm” cả với tư cách của một con người nên  Bùi Nguyễn mới phản bác : “ Giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức là một cách làm cần được duy trì thường xuyên, và trên thực tế đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, những kẻ tham nhũng thì không còn “dây thần kinh xấu hổ”. Vì vậy, giáo dục đạo đức phải kết hợp với sự nghiêm và minh của pháp luật….Kêu gọi tính tự giác, tự phê bình, tự phát hiện những tiêu cực như tham ô, tham nhũng, lãng phí của mỗi cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng cơ sở là một biện pháp chúng ta vẫn làm, nhưng rõ ràng còn rất hình thức. Hầu như chưa có một vụ tham nhũng, lãng phí nào được phát hiện từ chính tổ chức đảng cơ sở, tức là tự phát hiện, tự chỉ trích. Trong khi đó, khoảng 80% vụ việc tiêu cực chủ yếu do báo chí phát hiện.”

Như vậy thì những Nghị quyết, Quyết định, Nghị định, Pháp lệnh, Kết luận, Thông báo, Thộng tri  v.v… của đảng, của Quốc hội và của Chính phủ đưa ra từ trước tới nay để làm gì mà  đảng mới phát hiện được  20 phần trăm các vụ tiêu cực trong cán bộ, đảng viên ?

Nhưng trong 3 năm thi hành hai Luật “ Phòng, chống tham nhũng” và  “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” mà chỉ làm được bằng ấy phần trăm thì cán bộ, đảng viên có coi lệnh đảng “bằng vung” không ?

Nói qua thì phải nói lại.  Nếu cứ  đổ lỗi cho kẻ thừa hành mà để cấp trên  bình chân như vại,  tiếp tục vây bè, kết cánh  ăn chia xây nhà, tậu xe thì kẻ thừa hành phải buông tay đi kiếm ăn là chuyện bình thường, không thể trách họ được.

Hãy nghe Bùi Nguyễn chứng minh : “ Như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cán bộ kém lòng trách nhiệm là một biểu hiện của tham ô gián tiếp và quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Ở đây cần phải thật thà thừa nhận, chúng ta chưa thật thấu triệt quan điểm Hồ Chí Minh về quan liêu, về thiếu tinh thần trách nhiệm và những tác hại của nó. Thiếu tinh thần trách nhiệm và quan liêu có mối quan hệ mật thiết với nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nó đều là kẻ thù của nhân dân, tội lỗi như mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa.

Nhưng hiện nay, chưa thấy ai bị kỷ luật vì lãng phí, quan liêu và thiếu tinh thần trách nhiệm!?. Nhiều cán bộ sau những vụ việc có khuyết điểm lớn vẫn chỉ quy vào thiếu tinh thần trách nhiệm. Mà ở Việt Nam hiện nay, bị quy “tội” thiếu tinh thần trách nhiệm coi như chuyện bình thường, chưa có gì xảy ra.”

NGỒI LÊN ĐẦU DÂN

Như thế thì làm gì có chuyện đảng phải “hiếu với dân”, “đầy tớ của dân”  hay phải là “trâu ngựa” của dân như mong ước của Hồ Chí Minh thốt ra ngày 3-3-1951 tại buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ?   (Mạch Quang Thắng, Tạp chí Tuyên Giáo,  28-8-08)

Việc đảng để cho “Quốc nạn tham nhũng” tiếp tục hòanh hành, phá hoại đất nước, làm hại nhân dân còn  được Mạch Quang Thắng chứng minh: “Vị trí và vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là tuyệt đại đa số những ngư­ời có chức, có quyền là đảng viên cộng sản, do đó, dễ làm cho đảng viên có chức, có quyền đó xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân. Đồng thời, trên thực tế khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực của xã hội trong vai trò cầm quyền, nhiều tổ chức Đảng và đảng viên lại không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân. Trên thực tế, vẫn xẩy ra không ít nạn cường hào mới, nạn sách nhiễu, vòi vĩnh, đòi ăn của đút lót, đặc biệt là nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, chưa phòng và chống được một cách có hiệu quả.”

Hiện nay, với tất cả sự tỉnh táo của một Đảng cầm quyền, chúng ta càng thấy rõ hơn một điều rằng, nếu Đảng xa rời dân thì Đảng sẽ đứng trư­ớc nguy cơ thoái hoá, biến chất, thậm chí dẫn đến tan rã. Khi đó, chúng ta biết rất rõ điều gì sẽ xẩy ra: mọi thành quả cách mạng mà toàn Đảng toàn dân ta đã giành được qua bao nhiêu năm tháng đầy cam go gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển.”

Trước đe dọa sống còn này  Thắng thúc hối đảng : “ Phải tích cực hơn nữa trong việc chống quan liêu. Hồ Chí Minh viết: “Những ngư­ời phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Bệnh quan liêu là bệnh thường hay mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền nếu cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện phong cách công tác cũng như­ nâng cao tinh thần trách nhiệm. Chính là bệnh quan liêu cộng với bệnh tham ô, bệnh lãng phí đã bị Hồ Chí Minh coi là "giặc nội xâm", "thứ giặc ở trong lòng", nó "nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám". Quan liêu hiện nay không chỉ có ở cấp cao mà nó xẩy ra ngay ở cấp cơ sở, cấp chi bộ.

Tôi muốn nhấn mạnh việc phải chống quan liêu là bởi vì trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn có nhiều người khi ở vào địa vị lãnh đạo thì hành dân, ức hiếp dân, không tự đặt mình vào vị trí đày tớ, trâu ngựa của dân. Những giá trị phản văn hoá như nhũng nhiễu, tham lam trong cuộc sống hiện đại vẫn còn rất nhiều.”

Lời cảnh báo của cán bộ Tuyên giáo, Tiến sỹ-Giáo sư Mạch Quang Thắng không làm cho  ai ngạc nhiên bởi vì quan liêu, tham nhũng và lãng phí của mồ hôi nước mắt của dân đã nhiễm vào máu  đảng nên những cán bộ, đảng viên do đảng “đẻ” ra phải  mang theo dòng máu này, không có cách nào khác.

Bởi vì bệnh nói nhiều làm ít hay không làm gì cả đã thành một lối sống quen thuộc như cơ thể con người cần phải ăn và uống thì mới sinh tồn.  Cán bộ, đảng viên của  nhà nước CSVN cũng thế, nếu muốn không chết thì phải ăn mà cách ăn dễ nhất để no lâu là Tham nhũng nên buộc lòng Lãnh đạo đảng phải nói dai và làm như cá rỉa mồi, dù biết  nói mãi cũng không ai thèm  nghe.

KÊ KHAI TÀI SẢN ĐỂ GIẤU

Thái độ này đã được chứng minh trong vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên  theo Nghị định 37  ngày 09-03-2007.

Cho đến nay không ai biết có bao nhiêu cán bộ, đảng viên  đã khai hay chưa khai và những người khai có tài sản, tiền bạc nhiều hay ít và để ở đâu ? Bởi vì Điều 5  của Nghị định 37  viết : “ Việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.”

Việc này đã được thực hiện trong Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12  ngày 20-05-2007 khi Mặt trận Tổ quốc các địa phương nhận hồ sơ khai tài sản  của các ứng cử viên, cũng do Mặt trận này chọn cho dân bầu, nhưng thay vì công bố cho dân biết như đã niêm yết tên người ứng cử họ lại bỏ vào tủ khóa lại !

Sở dĩ họ làm như thế vì  Điều 11 của Nghị định 37 nói  về “ Quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản, thu nhập” đã quy định  : “Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và chỉ được khai thác, sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập;

b) Phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng;

c) Phục vụ công tác tổ chức, cán bộ.

2. Khi người kê khai được điều động, thuyên chuyển sang cơ quan, tổ chức khác thì bản kê khai tài sản, thu nhập của người đó phải được chuyển giao cùng với hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

 

3. Khi người kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì bản kê khai tài sản, thu nhập của người đó được lưu giữ cùng với hồ sơ cán bộ.

Vậy khi nào thì hồ sơ kê khai tài sản mới được công khai ?

Trả lời cho thắc mắc này, khỏan 4 của Điều 11 viết mơ hồ : “ Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên được quản lý theo quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng; trường hợp quy định của Đảng có yêu cầu phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thì phải thực hiện việc công khai theo đúng các quy định đó.

Quy định của Nghị định 37 thì đã công khai trong Điều 5 nói trên, nhưng không ai biết “các quy định của Đảng” nói gì và viết khi nào?

Nhưng ai trong đảng và nhà nước CSVN phải kê khai tài sản ? Họ kê ra nhiều thành phần thuộc 11 loại :

1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

3. Sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan giữ cương vị chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

4. Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.

5. Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.

6. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học của Nhà nước tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.

7. Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

8. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, phó trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước; người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

9. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

10. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Trung ương Đảng, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập là:  người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Chủ tịch nước.

Nếu chỉ đọc trên giấy thì không thiếu thành phần nào trong đảng và trong xã hội không phải khai tài sản. Trong số này có cả Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ vì những đảng viên lãnh đạo chúp bu cũng  là các  ứng cử viên Quốc hội  và đắc cử.  Có điều hồ sơ  kê khai tài sản của họ không được công khai nên dân cũng mù tịt.

Nhưng nếu phải khai thì khai cái gì ?  Việc này đã được quy định trong Điều 8 của Nghị định 37, đó là :

1. Các loại nhà, công trình xây dựng sau:

 

a) Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước;

b) Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu;

c) Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác.

2. Các quyền sử dụng đất sau:

a) Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng;

b) Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.

3. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

4. Thu nhập từ mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân trở lên theo quy định của pháp luật. 

5. Kim khí quý, đá quý, tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác, mô tô, ô tô, tàu, thuyền và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên.

Đó là những tài sản và của cải đếm được và nhìn thấy. Không thấy đảng nói gì đến những tài sản hay của cải của kẻ phải khai nhưng để cho người khác đứng tên. Và đảng cũng không dám điều tra tại sao nhiều cán bộ đảng viên chỉ có  lương  tháng vừa đủ sống hay nếu dư thì cũng chỉ để dành được chút đỉnh mà  họ có thể gửi con du học nước ngòai tự túc hàng năm tốn ít nhất từ 20 ngàn Mỹ kim trở lên, hay chỉ được học bổng một phần rất nhỏ của nhà nước hay của các trường học hoặc chương trình tài trợ của nước ngoài ?

Thắc mắc của đại đa số người dân nghèo cũng muốn biết : Tại sao con cái họ phải bỏ học đi lao động giúp gia đình có miếng ăn hay dù không có việc làm cũng phải bỏ học vì gia đình không có tiền đóng học phí và các khỏan phí “tự chế” của nhà trường, trong khi cán bộ đảng viên có chức có quyền lấy tiền đâu để gửi hơn 100 ngàn con cái họ di du học nước ngoài ? Và như vậy có công bằng không ?

TẠi SAO SỢ CÔNG KHAI ?

Vì vậy mà Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh đã thắc mắc : “  Quan trọng là phải tạo tiền đề để kê khai có căn cứ và có thể kiểm chứng. Việc này trước đây ta có làm, các vị được đề cử vào các chức vụ này khác đều kê khai nhưng không được công bố. Hơn nữa, cái kê khai đó cũng không  có ai xác minh như thế nào cả  …” (Báo Điện tử VietNamNet, 31/10/2006)
 

Bà Lưu Thị Minh Hải, cán bộ Học viện Chính trị Quân sự cũng nói : “Tôi nghĩ là khó mà bắt được cán bộ có chức quyền kê khai đúng tài sản họ có.  Vì ai cũng biết là tiền bạc họ có gắn liền với chức quyền, nếu vì khai hết của cải mà mất chức thì làm gì còn tiền nữa. Một điều nữa là người có chức quyền xây nhà hàng tỷ đồng, trong khi lương cao nhất của những công chức làm ở những ngành nghề “màu mỡ” nhất như hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... cũng chỉ 5-7 triệu. Vậy thì tiền ấy ở đâu ra?  Để né tránh pháp luật, tôi nghĩ là họ thừa thông minh để nhờ con cái, họ hàng... đứng tên tài sản, tài khoản ngân hàng. Tóm lại, tôi thấy chính sách của chúng ta chưa đủ “mạnh” để thực hiện tốt việc minh bạch thu nhập của cán bộ đâu.”  (Báo VietNamNet, 17/10/2006)

Báo này còn trích lời  Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt- TP Hồ Chí Minh phát biều ngạc nhiên : “ Tôi nghĩ điều quan trọng trong nghị định công khai tài sản của các quan chức là chúng ta có quyết tâm và có chịu làm đến cùng hay không. Nếu không có quyết tâm thì mười ban chống tham nhũng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Liệu chính phủ có đủ sức đi ngược lại cả một dòng chảy của xã hội, nơi tham nhũng đã ăn sâu vào từng hơi thở của cuộc sống hay không?

Tôi nói đơn giản thế này, với đồng lương cán bộ nhà nước, dù là cán bộ cấp cao thì thử hỏi liệu các vị quan chức có thể sắm nhà lầu, biệt thự, có thể gửi con đi học nước ngoài được hay không? Hai vợ chồng chúng tôi đều là giám đốc doanh nghiệp, vậy mà chật vật lắm mới có thể lo nổi cho con đi học ở Singapore với học bổng bán phần. Vì vậy, tôi không hiểu sao các quan chức lại có thể dễ dàng gửi con cái họ đi Mỹ, Úc, Anh như vậy.”

Lê Kiên Thành, con trai đầu lòng của  Lê Duẩn, Cựu Tổng Bí thư đảng cũng nghi ngờ việc làm của đảng : “ Ở Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người không riêng rẽ mà có tính "tập thể" gia đình, cụ thể hơn là việc sở hữu tài sản có tính độc lập rất thấp.  Ví dụ,  ở nước ngoài, tài sản của bộ mẹ là của bố mẹ, con cái là của con cái. Nhưng ở nước ta, bố mẹ có thể đứng tên tài sản của con, thậm chí cả anh em họ hàng cũng có thể làm việc này. Chúng ta có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ“. 

Ở nước ngoài, người ta không làm như vậy, vì "gửi" tài sản khó mà đòi lại được. Còn ở Việt Nam,  đôi khi những ràng buộc của gia tộc, làng xã đôi khi còn cao hơn những quy định có tính pháp lý. Trên thực thế, người ta có thể tin tưởng được những người họ hàng xa lắc xa lơ ở đâu đó để nhờ đứng tên những tài sản khổng lồ và không bị lấy mất...

Chính vì thế, khó mà đưa ra được quy định giới hạn kê khai tài sản của người thân đến mức nào.”

Theo tôi, chúng ta đừng đặt vấn đề là cứ kê khai tài sản ra là chống được tham nhũng. Nếu đặt vấn đề như thế thì sẽ cảm thấy bế tắc, mà chúng ta phải làm những việc khác nữa. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh toàn bộ nền dân chủ, để cho sự kiểm soát không phải từ cơ quan chức năng mà từ rất nhiều phía khác nhau của cả xã hội.”

Cả xã hội phải ý thức được rằng mất mát do tham nhũng là của chính họ chứ không phải là của một Nhà nước chung chung nào. Khi đó, chúng ta sẽ đi đến việc chống tham nhũng hiệu quả hơn. Ví dụ như câu chuyện vừa rồi ở Đồ Sơn chẳng hạn, quần chúng đã làm được những chuyện lớn lao là đưa ra ánh sáng toàn bộ một đường dây tham nhũng đất đai... Tôi nghĩ quan trọng là "anh" có muốn khơi dậy nền dân chủ trong quần chúng hay không.” (Báo VietNamNet, 17/10/2006)

Nhưng  chính  vì đảng sợ phải thực hiện “nền dân chủ” để  thực thi  quyền của  người dân được biết và được  thông tin như ghi  trong Luật Báo chí nên chuyện kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên mới giấu kín để thành trò hề như hiện nay. -/-

Phạm Trần

(09/08)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1088 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 7
Khách: 7
Thành Viên: 0