|
|
Việt Kiều từ Hoa Kỳ ngày càng về làm ăn nhiều tại Việt Nam |
Việt Kiều từ Hoa Kỳ ngày càng về làm ăn nhiều tại Việt Nam, đem theo sự khác biệt về văn hóa công việc kiểu Mỹ.
Đó là nét chính trong bài trên trang M&C của phóng viên Matt Steinglass viết từ TPHCM hôm 05/09/2008.
Bài báo "Working in Vietnam, Vietnamese Americans feel their US roots" kể câu chuyện về những công dân Mỹ gốc Việt dần dần
trở về làm ăn ngày một nhiều, bất chấp nỗi lo sợ bị các lãnh đạo cộng đồng chống Cộng của họ ở Mỹ lên án.
Doanh nhân Ryan Hoang Nguyen Hubris từ mạng bánh Lee's Sandwiches với 36 tiệm ở California, Arizona, Texas và Oklahoma là
một nhân vật được nêu tên trong bài báo.
Ông vừa khai trương tiệm Lee's Coffee ở TPHCM và cho hay việc các Việt Kiều từ quận Cam hay San Jose quay về Việt Nam làm
ăn "ngày càng được chấp nhận về mặt xã hội và chính trị".
Tác giả Matt Steinglass cho rằng các Việt Kiều đem về văn hóa làm ăn kiểu Mỹ và hoạt động ở nhiều ngành khác nhau, từ nuôi
tôm đến viễn thông, dầu khí, ngân hàng và bất động sản.
|
Với tôi, những tháng đầu tiên rất khó khăn. Dù tôi hiểu những gì người ta nói bằng tiếng Việt nhưng thực tế lại rất khác
Ryan Hoàng Nguyễn Hubris, chủ nhân mạng Lee's Sandwiches
|
Cô Kathrine Thinh, 33 tuổi, từ Silicon Valley, California, phụ trách tài chính của mạng âm nhạc Pops.vn nói rằng tại Việt
Nam "có sự sống động (energy) thu hút Việt Kiều Mỹ".
Nhưng vấn đề là khi trở lại Việt Nam họ mới cảm nhận hết sự khác biệt trong cách nghĩ "rất Mỹ" của mình.
Dù hiểu ngôn ngữ, việc làm ăn vẫn khác tại Việt Nam.
Hệ thống pháp luật, các quy định trái ngược nhau và việc coi thường hạn định công việc chính là một phần của thực tế làm ăn
ở Việt Nam.
Quan hệ riêng tư
Trong khi đó, theo nhà báo Steinglass, các Việt Kiều quen với một môi trường kinh doanh nhiều tính trách nhiệm cá nhân hơn
và luật pháp rõ ràng hơn.
Vấn đề chính trị của quá khứ cũng từng gây cản trở cho họ, tuy nhiên, quan hệ riêng tư là điều tối cần thiết.
Theo bài báo, chính quyền Việt Nam cộng sản không tin vào Việt Kiều vì quan hệ của họ với chế độ miền Nam trước đây.
Hà Nội vẫn theo dõi các nhóm chính trị đóng ở Mỹ vốn cổ vũ cho nền dân chủ đa đảng.
Đôi khi chính quyền bắt các thành viên của họ khi xâm nhập Việt Nam hoạt động.
Với các doanh nhân Việt Kiều, họ "bị kẹt giữa hai làn đạn" (nguyên văn -giữa hai thế giới).
Ở Mỹ, họ thuộc về cộng đồng vốn vẫn rất chống cộng sản và ở Việt Nam thì làm ăn dưới một chính quyền vẫn còn rất nghi ngờ
Việt Kiều.
Khác biệt ngôn ngữ
Việt Kiều Mỹ nói một thứ tiếng Việt pha nhiều từ ngữ thuộc về văn hóa làm ăn, phong cách của thế hệ Internet tại Hoa Kỳ.
Bài báo kể câu chuyện về Esther Nguyen, 32 tuổi, từ California khi cô cho hay phải mất nhiều thời gian các nhân viên Việt
Nam mới hiểu cô nói gì về mạng kết nối bạn bè (social networking site).
Tuy thế, bài báo kết luận rằng từ 2000 đến nay, thương mại Mỹ - Việt tăng đều và việc hội nhập nhanh chóng của Việt Nam vào
kinh tế thế giới đang tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Kiều về làm ăn, bất chấp các cản trở.
|