Mẹ ruột anh Phan Văn Sào tại nhà
.
September 05, 2008
.
Tôi
đang có trong tay bức thư “độc” nhất thế giới, do một người đặc biệt
viết từ một nơi đặc biệt, bằng một loại “bút” đặc biệt, trên một loại
“giấy” đặc biệt.
Người
“đặc biệt” đó anh Phan Văn Sào, “đặc biệt” vì không bị điên nhưng lại
bị Cơ quan điều tra Công an huyện Hòa Thành tống vào Bệnh viện tâm thần
bất chấp quy định pháp luật, người có ý thức bảo vệ tài sản công nhưng
bị khép tội “vu khống” phải lãnh án 2 năm tù giam. Nơi “đặc biệt” là
Nhà Tạm giữ Công an huyện Hòa Thành, chổ anh Sào hiện đang bị giam. Còn
“giấy” và “bút” đặc biệt như thế nào hiện nay tôi chưa thể công bố
được, nhưng tôi dám bảo đảm với mọi người rằng, nó rất “đặc biệt” so
với thứ giấy bút chúng ta vẫn hàng ngày sử dụng trong thế giới hiện đại
này. Anh Sào đã nhắn gởi ra ngoài là nhờ Luật sư giúp làm đơn kháng cáo
bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Hòa Thành.
.
Từ “lệ làng” của cơ quan tố tụng huyện Hòa Thành
Sau
khi soạn sẳn đơn kháng cáo, vượt hơn 90km dưới cái nóng gay gắt như đổ
lửa, lúc hơn 14 giờ ngày 04/9/2008, chiếc xe bốn bánh cà khổ của
Anhbasg cũng đến được Nhà Tạm giữ Công an huyện Hòa Thành. Kháng cáo
bản án sơ thẩm là quyền của bị cáo được quy định tại điểm i khoảng 2
Điều 50 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi chỉ đến đó
đưa đơn cho anh Sào ký vào một phát rồi mang qua Tòa án huyện Hòa Thành
nộp là xong, không ngờ tôi phải mất cả buổi chiều làm khán giả bất đắc
dĩ xem “hài kịch” do các cơ quan tố tụng huyện Hòa Thành “trình diễn”.
Ba
người chúng tôi vào gặp ông Thiếu tá Nguyễn Văn Rợt đang làm nhiệm vụ
Trực Ban tại đó. Sau khi nghe Luật sư Lê Trần Luật trình bày yêu cầu
Nhà tạm giữ cho gặp thân chủ Phan Văn Sào để anh Sào ký đơn kháng cáo,
hoặc ông Rợt mang đơn này vào phòng giam cho anh Sào ký rồi mang ra,
Luật sư không nhất thiết phải gặp mặt anh Sào. Ông Nguyễn Văn Rợt nói
để ông xin ý kiến lãnh đạo, vài phút sau ông quay lại trả lời Luật sư
Luật rằng:
- Cái này thì anh liên hệ với Tòa án. Nó muốn gì thì có giấy giới thiệu qua đây tôi cho gặp.
-
Tòa không muốn gì hết, đây là bị cáo muốn kháng cáo, tôi là Luật sư của
bị cáo làm đơn giúp theo yêu cầu của bị cáo Phan Văn Sào. Anh không cho
tôi gặp anh Sào cũng dược, nhưng anh đem đơn này vào cho anh Sào ký và
mang ra dùm tôi!. Luật sư Luật trả lời.
- Thì để bị cáo tự làm! Ông Rợt trả lời nhát gừng.
- Hôm xử sơ thẩm anh Sào nói với tôi là nhờ Luật sư làm đơn kháng cáo giúp, trong phòng giam không có giấy viết gì hết!
-
Lãnh đạo tôi nói là không có giấy giới thiệu của Tòa án thì không gặp
được, yêu cầu anh làm đúng theo pháp luật! Ông Rợt hùng hồn.
-
Tôi đang làm đúng theo pháp luật đây. Kháng cáo là quyền của bị cáo,
anh làm như vậy là cản trở, gây khó khăn không cho bị cáo kháng cáo.
Thời hạn kháng cáo hết thì anh tính sao? Nếu anh cho rằng anh làm đúng
luật thì yêu cầu anh ghi vào đơn này đi! Nếu không yêu cầu anh cho tôi
gặp sếp anh! Luật sư Luật nói tiếp.
-
Tôi truyền đạt cho anh ý kiến chỉ đạo của sếp tôi như vậy đó, sếp tôi
đi họp, không có ở đây! Chỉ cho gặp với điều kiện có giấy giới thiệu
của Tòa án!. Ông Rợt nói ngang.
-
Tôi không phải người của Tòa án, làm sao Tòa án giới thiệu cho tôi
được? Vậy anh chỉ cho tôi biết cái quy định phải có giấy giới thiệu của
Tòa án đó được quy định tại văn bản luật nào, điều khoản nào?. Luật sư
Luật tiếp.
- Sếp tôi nói phải làm đúng luật. Tôi chỉ truyền đạt như vậy. Ông Rợt tiếp tục nhắc lại câu đã nói.
-
Tôi yêu cầu anh ghi vào đây là sếp anh chỉ đạo như vậy, anh dám nói mà
không dám làm sao? Giám đốc anh mới truyền đạt cho tôi chỉ đạo anh phải
cho tôi gặp anh Sào đó!. Luật sư Luật nói.
-
Văn bản chỉ đạo đâu?. Ông Rợt nhanh nhảu hỏi lại ngay như vừa bắt được
vàng. Có vẻ như ông Rợt đang mừng húm khi có cơ hội “chộp được” cái
“bằng chứng” thằng cha Luật sư này nói xạo.
- Thế anh nói sếp anh chỉ đạo không cho tôi gặp anh Sào thì văn bản đâu?. Luật sư Luật vặn lại.
- A! Ông bắt bẻ tôi hả? Gì kỳ vậy? Ông Rợt đỏ bừng mặt lên khi hiểu ra Luật sư Luật đang giễu cợt mình.
Hai
bên nói qua nói lại lằng nhằng suốt 17 phút. Sở dĩ tôi dùng từ “lằng
nhằng” chớ không dùng từ “tranh luận” vì suốt từ đầu đến cuối ông Rợt
có lý luận, lập luận gì đâu mà tranh luận; ông chỉ biết “cương quyết”
lặp đi lặp lại hai câu: “Sếp tôi chỉ đạo phải có giấy giới thiệu của
Tòa án mới được gặp” và “Sếp tôi nói phải làm đúng luật” như một cái
máy, còn cái “luật” đó ở đâu ra thì ông Rợt ấm ớ không trả lời được.
Chúng
tôi phải lót tót sang Tòa án huyện Hòa Thành gặp ông Cường - Thẩm phán,
người vừa ngồi ghế Chủ tọa xét xử anh Sào tại phiên tòa sơ thẩm vừa
rồi.
Sau
khi nghe Luật sư trình bày lại đòi hỏi quái dị của ông Rợt, ông Cường
đồng ý rằng ông Rợt yêu cầu giấy giới thiệu của Tòa như thế là sai.
Nhưng ông Cường lại cho rằng ông đã xét xử xong thì “hết trách nhiệm”,
vì “sẽ chuyển lên Tòa tỉnh”. Luật sư Luật vặn lại: “Bị cáo chưa kháng
cáo làm sao chuyển lên tỉnh? Án chưa có hiệu lực, hồ sơ vẫn còn ở Tòa
huyện thì Tòa huyện vẫn phải chịu trách nhiệm chớ!”. Ông Cường không bẻ
lại được nên chỉ nói đi nói lại: “Quan điểm của tôi là như vậy”. Tôi
nghe mà mắc cười quá, Trời ơi, Thẩm phán mà làm việc và hành xử theo
“quan điểm của tôi” chớ hổng phải theo quy định pháp luật. Chẳng lẽ
mình cười ha ha lên liền tại đó thì ông Cường bị “quê độ” với những
người đang có mặt. Dù sao ông Cường cũng là người có phần “tử tế” trong
phạm vi quyền hạn của ông, vì ông đã hào phóng “thí” cho Nhà tạm giữ
Công an huyện Hòa Thành mấy tờ giấy giới thiệu trong thời gian Tòa đang
thụ lý chờ xét vụ án anh Sào. Ông Cường bảo rằng ông phải “xin ý kiến
Chánh án” và trả lời sau, còn hôm nay thì “lãnh đạo mắc họp”(?!)
Từ
giã ông Cường, chúng tôi lên xe chạy tới Viện Kiểm sát nhân dân huyện
Hòa Thành, vào gặp ông Tạ Hoàng Phi - Kiểm sát viên, người vừa đại diện
Viện kiểm sát giữ quyền công tố trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua. Ông
Phi đồng ý rằng ông Rợt đã đòi hỏi sai luật, nhưng ông Phi “tiến bộ”
hơn ông Cường ở chổ ông không đem cái “quan điểm của tôi” ra áp dụng
như ông Cường, mà ông chỉ bảo rằng ông không có quyền quyết định, để
ông xin ý kiến lãnh đạo, hẹn 9 giờ sáng mai đến Viện ông sẽ trả lời,
còn hôm nay “lãnh đạo mắc họp”.
Vừa
đi ra, Luật sư Luật vừa nói: “Cái huyện này nó quái lạ, y như rằng lần
nào có Luật sư tới là “lãnh đạo họp”! Tôi mới bảo rằng: “Anh đợi em
trúng số độc đắc sẽ đày thọ anh thuê phòng khách sạn “ăn dầm nằm dề” ở
đây một tháng để “giải quyết” cho lãnh đạo cơ quan tố tụng huyện Hòa
Thành “họp” xuyên suốt một tháng luôn”.
Ghé
vào nhà mẹ anh Sào thăm gia đình một chút. Đã hơn 5 giờ chiều, chiếc xe
cà khổ chở chúng tôi lại “bò” từng chút một trở về Sài Gòn dưới cơn mưa
xối xả mà “tầm nhìn xa” không quá 3m.
Sáng
sớm ngày 05/9/2008, chúng tôi lại một lần nữa trở lên Hòa Thành. Cán bộ
các cơ quan tố tụng huyện Hòa Thành lại tiếp tục ca bài “lãnh đạo đi
họp” và “Giấy giới thiệu của Tòa án đâu?” (chớ không phải giấy giới
thiệu của Văn phòng Luật sư đâu nhé!) mặc dù họ đều thừa nhận rằng họ
đang làm sai bét và đang cản trở quyền kháng cáo của bị cáo. Nhưng sáng
nay khác chiều hôm qua ở chổ chúng tôi đã mời chị Nguyễn Thị Tâm - vợ
anh Phan Văn Sào cùng đi. Chị Tâm đến Tòa án huyện “ăn vạ” cho đến lúc
cán bộ Tòa phải nhận đơn kháng cáo do chị Tâm thay mặt chồng ký tên mà
không phải là anh Sào ký.
Còn gì khôi hài hơn khi nhìn đơn kháng cáo đứng tên Phan Văn Sào nhưng không có chữ ký của Phan Văn Sào mà lại có ghi dòng chữ “Tôi
tên Nguyễn Thị Tâm là vợ của bị cáo Phan Văn Sào. Sau khi Tòa án huyện
Hòa Thành xét xử sơ thẩm, chồng tôi muốn kháng cáo nhưng Công an nhà
tạm giữ không tạo điều kiện để chồng tôi kháng cáo, tôi xin thay mặt
chồng tôi ký đơn kháng cáo này để kịp thời hạn luật định. Rất mong Tòa
án xem xét. (Ký tên) Nguyễn Thị Tâm”, và bên trên là con dấu “Tòa án nhân dân huyện Hòa Thành. Vào sổ nhận đơn số 243 ngày 05 tháng 9 năm 2008”; Vì cái sự "vợ ký đơn kháng cáo thay chồng" chưa hề được quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.
Tại
các cơ quan thực pháp luật mà còn hành xử như thế, thì những nơi khác
tình hình sẽ ra sao? Tôi có cảm giác ánh sáng pháp luật không hiện diện
ở địa phương này, thay vào đó, người ta đang quản lý xã hội bằng một
thứ luật khác mà dân gian thường gọi mai mĩa là “luật rừng”. (Xin lỗi
rừng! Ví như thế này thì “xúc phạm danh dự” rừng vàng biển bạc của ta
quá!).
.
Đến “văn hóa làm báo” của Báo Tây Ninh
Ngày
30/8/2008, tờ báo Tây Ninh, cơ quan ngôn luận do Đảng ủy tỉnh Tây Ninh
cấp kinh phí hoạt động và trực tiếp quản lý đăng bài viết “Phạt tù kẻ
vu khống nhiều cán bộ và người dân xã Long Thành Bắc” của tác giả Gia
Minh. Nội dung bài báo không có gì mới vì nó chỉ lặp lại “Báo cáo kết
luận” của Thanh Tra huyện Hòa Thành nhưng còn tệ hơn bản Báo cáo kết
luận ở chổ luôn lớn tiếng buộc tội bị cáo mà không viện dẫn được lý lẽ,
chứng cứ nào thuyết phục người đọc.
Không
biết Gia Minh là ai, phóng viên, cộng tác viên hay cán bộ Đảng viên,
bao nhiêu tuổi, học hành đến đâu, trình độ nghiệp vụ ra sao, tư cách
đạo đức như thế nào, mà từ đầu đến cuối bài viết của mình, tác giả Gia
Minh đã gọi ông Phan Văn Phụ (Bí thư xã Long Thành Bắc), ông Phan Hoàng
Định (Trưởng Ban Quản lý ấp Long Đại), ông Nguyễn Đăng Tâm (cán bộ địa
chính xã Long Thành Bắc), bà Phan Thị Kim Phướng (Thư ký Văn phòng UBND
xã Long Thành Bắc) nhất nhất bằng đại từ nhân xưng “ông”, “bà” rất kính
cẩn; còn khi nhắc đến tên anh Sào thì tác giả Gia Minh lại gọi xách mé
bằng “Phan Văn Sào” hoặc “Sào” trống lỏng, chỏn lỏn dù ông Tâm, bà
Phướng chỉ đáng tuổi là con cháu, em út so với anh Sào?
Có lẽ tác giả Gia Minh chưa hề đọc Hiến pháp nên không biết rằng Điều 72 Hiến pháp quy định:
“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Người
bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được
bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái
pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho
người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.
Phiên
Tòa sơ thẩm xét xử ngày 26/8/2008, mới 4 ngày sau, án chưa có hiệu lực
thì bị cáo vẫn chưa phải là có tội, anh Sào đang chuẩn bị đơn kháng cáo
thì tác giả Gia Minh đã vội vàng “thay mặt” Hội đồng xét xử phúc thẩm
“kết” anh Sào phạm tội “vu khống” và dùng từ ngữ miệt thị gọi anh Sào
là “kẻ” này, “kẻ” nọ, nào là “ngoan cố”, “không thành khẩn nhận tội”,
v.v… mà không biết rằng luật quy định bị can, bị cáo có quyền tự bào
chữa. Cho dù anh Phan Văn Sào có phạm tội thật sự thì anh cũng chỉ chịu
hình phạt theo quy định tại Bộ Luật Hình Sự, tức bị hạn chế một số
quyền công dân chớ không phải là bị chà đạp danh dự, nhân phẩm. Luật
pháp Việt Nam hiện hành bảo vệ danh dự, nhân phẩm công dân, không ai
được phép miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người phạm tội.
Chẳng
biết tác giả Gia Minh có nghĩ đến viễn cảnh khi anh Sào ra tù sẽ khởi
kiện Gia Minh và Tổng Biên tập báo Tây Ninh về hành vi viết bài đăng
báo có tính chất “miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân” hay
không nhỉ?
Ông
bà ta có câu: “Văn tức là người”, phê phán anh Sào tố cáo “nhiều sự
việc không liên gì đến anh ta”, “thày lay” thì tác giả Gia Minh cũng tự
bộc lộ cho bạn đọc thấy tư tưởng “sống chết mặc bây” của mình. Liên
quan đến quyền lợi của mình thì mình mới tố cáo, còn thấy sai nhưng
không liên quan đến mình thì làm thinh ư? “Cha chung không ai khóc” ư?
Vậy ý thức, trách nhiệm công dân của anh ở chổ nào? Nếu ai cũng quan
niệm như tác giả Gia Minh thì ngày trước không ai tham gia kháng chiến
làm gì, vì chuyện làng chuyện nước là việc công, không liên quan đến
mình, ai chết chớ không phải mình chết, kháng chiến chi cho phải nằm
rừng nằm rú, ăn bụi ngủ bờ cho thêm khổ?
.
“Bạn
dân”, “đầy tớ của dân” thì cố tình cản trở, lạm dụng quyền lực nhằm
tước đoạt quyền kháng cáo của bị cáo. “Tiếng nói của nhân dân” thì lạm
dụng vị trí công tác, lợi dụng hoàn cảnh người ta đang bị tù đày để
miệt thị, xúc phạm danh dự cá nhân. “Bạn dân”, “đầy tớ của dân”, “Tiếng
nói của nhân dân” đối xử với dân như thế, nếu không gọi là “phản phúc”,
là “tội ác” thì phải gọi là gì??
.
Tạ Phong Tần
________________
Bài liên quan:
Luận cứ bào chữa cho anh Phan Văn Sào tại phiên tòa sơ thẩm
Đơn kháng cáo đứng tên Phan Văn Sào nhưng chị Nguyễn Thị Tâm ký.
Báo Tây Ninh ngày 30/8/2008