Suy nghỉ có lý
Khi
hành động, suy cho cùng, con người ta ít hay nhiều, gián tiếp hay trực
tiếp, đều đã bộc lộ một triết lý về hành động. Và không vì triết lý đó
còn mang đậm tư duy dân gian, còn ở dạng tự phát...
Từ câu chuyện nhỏ về mấy thứ rau quả có thể gây ngộ độc...
Trong
số những gánh hàng rong bán quanh Hà Nội thì hàng rau vốn có từ lâu đời
nhất. Từ sau 1954 lại thêm những chiếc xe đạp đằng sau thồ hai sọt bự
chở rau quả cũng len lỏi khắp mọi phố xá, tự chúng đã thành một nét
riêng của Hà Nội, làm chứng cho sự có mặt của những người nông dân ở
một thành phố có nhiều dây mơ rễ má với nông thôn. Song dăm ba năm gần
đây, tự nhiên có chuyện một số hàng rau quả bị phun thuốc sâu quá mức
cho phép, ăn vào có thể ngộ độc, nhiều người đâm ngại. Chẳng biết mua
cái ăn ở đâu khác, và ham rẻ, người ta vẫn mua, nhưng mang về phải ngâm
nước hoặc gọt vỏ mới dám ăn.
Giá kể chuyện xảy ra ở các nước có
nền kinh tế phát triển, người ta sẽ có cách đối phó là kiểm tra hàng
rồi mới cho mang bán. Nhưng ở ta, cái chuyện rắc rối ấy, ai mà dám nghĩ
tới. Cũng chưa ai xác định rằng đây có phải là một thứ tội trạng không
và nếu bắt được quả tang người bán thứ hàng độc hại ấy thì sẽ xử ra
sao. Rút cục mọi người chỉ đành nhắm mắt cho qua. Người gọi là có trình
độ lý luận hơn thì nhấn mạnh:
Căn bản là phải đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức tự giác cho nhân dân để bảo vệ sức khỏe chung?
Kể
ra cách đặt vấn đề như vậy, cũng đã bắt đầu lần ra đầu mối của mọi hiện
tượng gọi là tiêu cực. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn đi xa hơn một chút.
… tới những triết lý sống mang màu sắc dân gian
Để
sang một bên cái chuyện người dân khi phun thuốc sâu quá độ cho phép
vào rau quả không biết là nó có thể gây ra độc hại. Cách biện hộ như
vậy quá xa thực tế. Xưa nay, nông thôn ta vẫn có lối thông tin khá tùy
tiện mà cũng khá hiệu nghiệm, đó là những lời đồn đại. Nữa là bây giờ,
báo đài (radio) sẵn hơn, tivi nhiều hơn, hẳn là nhiều người cũng đã
biết rõ hậu quả việc họ đã làm. Thế nhưng tại sao họ cứ tiếp tục? Có
thể dự đoán là nếu nghe có lời bàn ra tán vào, người ta sẽ chỉ tặc
lưỡi:
Ôi giời! Đau bụng một lúc rồi khỏi. Với lại dân thành phố
bây giờ tiền nhiều, lại sẵn thuốc Pháp, thuốc Mỹ, đau mấy rồi họ cũng
khỏi. Tạm gọi đấy là một ý nghĩ giản đơn, nông nổi. Song theo tôi tính,
sở dĩ những giản đơn nông nổi ấy nảy sinh, vì ở tận bề sâu, cái ý nghĩ
người ta để bụng phải là:
Mình thì khổ quá, đã vất vả quá. Còn những người ấy thì sung sướng như giời như bể!
Và để đi tới chỗ tự cho phép mình làm liều mà không cần áy náy, có cái điều người ta không nói ra, nhưng chắc chắn đã nghĩ:
Người khổ có quyền làm bất cứ việc gì miễn là thoát ra khỏi cảnh khổ.
Khi
hành động, suy cho cùng, con người ta ít hay nhiều, gián tiếp hay trực
tiếp, đều đã bộc lộ một triết lý về hành động. Và không vì triết lý đó
còn mang đậm tư duy dân gian, còn ở dạng tự phát (và chắc chắn là không
thành hệ thống), mà chúng ta không thử gọi rõ nó ra như thế. Liên hệ
việc người nông dân bán cả thứ rau quả có thể gây ngộ độc với vô vàn
việc gọi là tiêu cực trước mắt (học sinh quay cóp bài, người qua đường
liều lĩnh vượt xe ở những quãng đang có đèn đỏ, kẻ buôn lậu tàng trữ
thứ thuốc tiêm chích vốn một lãi trăm lãi ngàn, các nhân viên Nhà nước
lợi dụng chức quyền để tham nhũng….), tôi tưởng có thể nói nhiều người
đang gặp nhau ở ý nghĩ: thời buổi này, chẳng còn gì để phân biệt là lợi
với hại, là việc bị pháp luật nghiêm cấm với việc được phép, cũng chẳng
nên nói rằng việc này hợp, còn việc kia trái đạo lý. Trong việc mưu cầu
lợi ích cá nhân - ở một số người, nó được xem như sự định hướng duy
nhất, như động cơ chi phối mọi hành động - con người ta chỉ còn một
"triết lý" đơn giản: “Chỉ có những việc chưa làm được, chứ không có
việc không được làm". Một "triết lý" tùy tiện về nguyên tắc, có thể mở
đường cho mọi tội lỗi, cố nhiên.
Triết lý tự phát
Theo
cách hiểu thông thường, văn hóa chẳng qua chỉ là những gì thuộc về sinh
hoạt tinh thần như báo, đài, phim ảnh, cùng các hoạt động vui chơi giải
trí. Nhưng văn hóa theo nghĩa rộng thì bao trùm mọi lĩnh vực sinh hoạt.
Nó liên quan đến cách sống cách tồn tại độc đáo của cả cộng đồng, nó là
những ý tưởng toát ra từ cả những chuyện cụ thể như ăn mặc, sinh hoạt,
hội hè... cho đến những chuyện trừu tượng như quan niệm về nhân sinh và
vũ trụ, cách hiểu về mối quan hệ giữa thế giới đang sống và thế giới
bên kia, về thời gian, về lịch sử… Theo nghĩa ấy mà xét, một triết lý
sống ở dạng tự phát, đại loại "chỉ có những việc chưa làm được, chứ
không có những việc không được làm" cho thấy một cách hiểu về quyền
hành động của mỗi con người, và mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng,
do đó, nó cũng thuộc về những tầng văn hóa được hình thành và di truyền
một cách vô thức (ở đây là văn hóa chung sống). Bền vững và ổn định
trong thời gian, nó nằm sâu trong tâm linh để chi phối mọi hành động
của cá nhân. Nói cách khác, những biểu hiện tản mạn rời rạc hàng ngày
sẽ không thể biến đổi tận gốc chừng nào người ta chưa nhận chân ra
những căn nguyên văn hóa đứng đằng sau và có đối sách thích hợp.
Liệu
có rơi vào suy diễn quá xa, khi thử nêu nhận xét như trên? Tôi hiểu,
khi phân tích những rắc rối trong làm ăn buôn bán hay thực thi pháp
luật trên phạm vi toàn xã hội, người ta thường không dành cho các nhân
tố lịch sử - văn hóa một vai trò nào đó. Khi bàn về công cuộc phát
triển nhiều người tin chắc như đinh đóng cột rằng "So với nước người, ta có thể còn non kém về kinh tế chứ nhất định không có chuyện người dân ta chưa trưởng thành về văn hóa",
lại càng không ai muốn tin rằng trong những năm gần đây, cái nền móng
văn hóa ở mỗi người bình thường lại bị xói mòn đến mức đáng lo ngại.
Tóm lại văn hóa không được nhìn nhận như một cái gì đứng sau tất cả,
lại càng không mấy ai quan niệm rằng ở đó có thể tích tụ cả những độc
tố, thường xuyên gây tác hại. Trong khi ấy, những diễn biến của đời
sống trước mắt có lẽ đang yêu cầu một cách nghĩ khác.
Nói
một chuyện cấp bách: Nếu không tìm cho ra những căn nguyên văn hóa đứng
sau những hiện tượng tiêu cực đang là những ung nhọt nhức nhối trên cơ
thể cả xã hội, thì cuộc đấu tranh ở đây sẽ chẳng khác là bao so với
chuyện chặt đầu tên giặc Phạm Nhan ngày xưa: cứ đầu này bị chặt, đầu
khác lại mọc.