Thưa chị!
Tôi
viết thư này, khi mà cả thành phố đang ngủ say sau một ngày vật vã với
giá – lương – tiền và trăm thứ của cuộc sống. Tôi nhớ lại những gì tôi
đã đọc tối nay và viết vài dòng thăm chị.
Trước hết tôi gửi chị lời chúc mừng mạnh khỏe và hạnh phúc, bình an trong cuộc sống.
Thưa chị,
Những
hình ảnh của chị (mà tôi đã thấy trong mấy ngày qua) quả là để lại cho
tôi một sự cảm phục, cảm phục về tinh thần nghề nghiệp, sự “hi sinh và
cống hiến” cho công việc của chị. Trên Linh địa Thái Hà, chị đã thể
hiện điều đó rất xuất sắc.
Những hình ảnh mà Đài TH đưa lên
trong những ngày giáo dân Thái Hà đang đòi sự công bằng, đòi quyền lợi
của mình, của những người nghèo qua việc chống lại sự mua bán mảnh đất
của họ đã bị chiếm đoạt trắng trợn và không đúng luật pháp quy định, đã
thực sự “gây ấn tượng”.
Nội dung những điều đó thật giả ra sao,
những tưởng rằng, chị là người biết rõ hơn ai hết. Chị biết rằng, mảnh
đất và tài sản đó không thể tự nhiên mà có, không là đất vô chủ, không
được chuyển nhượng quyền sở hữu đúng theo các quy định của chính nhà
nước này ban ra. Chị cũng biết rằng những chứng cứ đã được đem ra không
có giá trị cho việc chiếm đoạt. Chị cũng biết rằng, việc chia chác mảnh
đất Thánh thiêng này không dễ dàng nên đã phải vận động cả hệ thống
chính trị và quân lực, ngoại giao. Và cuối cùng, chị cũng biết ai là
người được hưởng lợi khi việc chia chác đó thành công. Chắc chắn không
thể là tầng lớp dân nghèo, một tầng lớp mà đảng cộng sản đã coi là nòng
cốt, là liên minh trong cuộc chiến đấu trước đây, đã đem hết tất cả
những gì có thể có để chiến đấu cho ngày nay. Và ngày nay các quan chức
của đảng đang đưa đất nước đến sự nhũng loạn, kiếm chác thì họ đang là
đối tượng bị bỏ quên, chịu thiệt thòi nhất.
Và hiện nay, giáo
dân đang đòi lại mảnh đất đó cho người nghèo. Chuyện đó thì dù chị có
thể hiện ra bằng cách nào, thì trong sâu kín tâm tư, chị đã hiểu ngọn
ngành.
Tôi viết những dòng này, không muốn nói lại những căn cứ
của câu chuyện đó nhiều, tôi chỉ muốn nói với chị và trao đổi về một
chữ “LƯƠNG TÂM”.
Thưa chị,
Phàm là con người, ai cũng có
một thể xác và một tinh thần, thể xác được nuôi dưỡng bằng những thứ
vật chất thường thấy như cơm ăn, nước uống và những thứ tiện nghi khác
phục vụ cho nó. Ở xã hội Việt Nam ngày nay, một xã hội ương ương dở dở,
lấy vật chất là mục tiêu, thì những người tích trữ cho mình được nhiều
vật chất là những người được coi là thượng lưu, được kính trọng trong
xã hội, mặc dù vật chất ấy từ đâu ra thì không cần biết hoặc có biết
cũng chẳng ai quan tâm.
Ngoài ra con người còn có một thứ khác,
đó là tinh thần, là ý thức. Cái giống tinh thần, ý thức đó, nó làm cho
con người khác hơn loài vật mà tạo hóa đã sinh ra. Tinh thần đó, nó bao
gồm nhiều thứ liên quan lẫn nhau: Đạo đức, lương tâm…
Chắc chị
hiểu rằng, ngoài những thứ để phục vụ cho thể xác của mình được no đầy,
con người thường chăm sóc cho mình có cuộc sống tinh thần đầy đủ và
phong phú để con người có thể là NGƯỜI hơn.
Vật chất có thể để
lại cho con cháu giàu hơn thiên hạ, nhưng cái quan trọng hơn, ông bà ta
thường gọi là “Hồng phúc”. Bởi vì thứ đó không dùng tiền mà mua được,
không dùng súng đạn mà cướp được, không dùng tiểu xảo mà lừa được của
thiên hạ về cho mình. Mà nó bởi một quá trình mà người nhà Phật thường
nói là “tu nhân tích đức” mà có.
Qua những việc chị làm và kết
quả mà chị thu được, tôi tin rằng chị sẽ được sung túc về mặt vật chất,
về mặt tiền bạc và tiện nghi. Điều đó có thể khẳng định, vì chúng tôi
biết, đảng quang vinh của chúng ta rất hào phóng với những người mình
đang cần và có thể sử dụng như những tên lính xung kích. Đảng chỉ bỏ vỏ
khi đã vắt hết nước chanh thôi, (bao nhiêu bà mẹ anh hùng đang được các
doanh nghiệp “phụng dưỡng” là điều chị nhìn thấy) mà chị thì đang còn
trẻ và có nhiều sức để cống hiến cho đảng, cả tuổi tuổi xuân và tuổi
nghề.
Nhưng có một số thứ mà tôi tin là chị sẽ thiếu, và sẽ
còn thiếu rất nhiều. Đó là lương tâm và đạo đức làm người. Đó là thứ mà
người ta muốn để lại cho con cháu mình để nó có thể được gọi là có
“Hồng phúc”. Đó là điều mà khi người ta có, sẽ không có một ai cướp
được của mình. Không như những thứ vật chất thường thấy, một cơn bệnh,
một tai nạn là rũ áo chào chị ra đi mà thôi.
Thưa chị,
Dân
tộc Việt Nam, qua mấy ngàn năm, vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa,
tinh thần nhất định, dù khi đất nước dưới sự cai trị của những người
cộng sản đã làm dân tộc này mất đi quá nhiều những thứ quý giá đó. Mớ
lý thuyết tôn sùng vật chất, coi nhẹ ý thức đã làm băng hoại xã hội,
làm con người dần dần mất nhân tính, chính nó cũng đã sản sinh ra những
hậu họa khôn cùng cho dân tộc này.
Chắc chị cũng biết rằng, có
những con người đang sống mà như đã chết, dù họ có nhiều tiền bạc,
nhiều vật chất. Ông Thánh Các Mác cũng đã nói rằng: “Nếu hạnh phúc con người chỉ là vật chất đầy đủ, thì con lợn còn hạnh phúc hơn” . Thật là chí lý.
Người
ta không trách những người có nhiều vật chất tiền của bằng sức lao động
chân chính của mình, mà người ta thường nói tới và phỉ nhổ những kẻ
kiếm tiền bằng những cách táng tận lương tâm.
Ngay cả cái ông
sản sinh ra cái lý thuyết Mác – Lê mà giờ đây nhân loại tiến bộ đã cho
vào sọt rác, cái lý thuyết chuyên nghề cướp chính quyền và đấu tranh
giai cấp với ý nghĩa “vật chất có trước, tinh thần có sau” cũng đã phải kêu lên rằng: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình”.
Vậy
đó, tôi mới nghĩ đến đó và viết thư này cho chị, chắc chị hiểu rằng,
với bộ máy tuyên truyền của nhà nước hiện nay, mà chị là một bộ phận
hăng hái trong đó. Nó như một cây cung, nhưng chị là đầu mũi của cái
tên bắn đi và đó là phần ngập sâu nhất vào trái tim người vô tội. Điển
hình trong vụ việc ở Thái Hà hiện nay.
Từ những sự việc rõ như
ban ngày, từ những sai trái không có ai có thể bào chữa buộc người dân
phải chấp nhận phương pháp cầu nguyện hợp pháp để nói lên ý nguyện của
mình là đòi bằng được tự do, công lý và sự thật. Dưới bàn tay nhào nặn
và bóp méo chị đã sản sinh được những sản phẩm quái dị độc hại cho
những người nghèo khổ. Sản phẩm đó như một thứ ma túy để đầu độc nhân
dân thiếu thông tin bấy lâu nay do hệ thống tuyên truyền một chiều vu
cáo ác độc. Bởi nó không chứa đựng sự thật trong đó, mà lẽ ra, với con
người bình thường, mình phải cung cấp cho họ nguồn thông tin sạch sẽ,
không nô dịch để họ tự đánh giá sự việc mà tự lượng cho mình một cách
sống, cách xử sự.
Nhưng tất cả đã là khác khi qua bàn tay chị.
Khi chị đứng đằng sau, bóp méo sự thật và bênh vực những kẻ hình người
dạ thú đánh đập người vô tội trên đường Thái Hà, những kẻ xịt hơi cay
vào phụ nữ và trẻ em, những đứa trẻ vô tội như con chị, mà chị còn tráo
trở nói ngược sự việc để bào chữa, bao che cho tội ác? Chí có thấy đó
là một tội ác trời không dung, đất không tha hay không? Hay chị cho
rằng đó là việc bình thường như người ta đang nói trong xã hội hiện nay
là “Những điều không bình thường đã trở thành bình thường”?
Tôi
cảm phục chị vì sự đổi trắng thay đen. Làm được điều đó không hề dễ
chút nào với người còn chút lương tâm tối thiểu. Tôi cảm phục chị vì sự
bôi đen, bóp méo sự thật để vu cáo và thóa mạ không thương tiếc một
cộng đồng những người tu hành và giáo dân, những người đang chắt chiu
từng tý PHÚC để lại cho con cháu. Tôi cảm phúc chị vì sự kiên quyết đạt
được mục đích, hoàn thành được nhiệm vụ bằng những hành động vô nhân
tính nhất. Tôi thực sự ái ngại cho bản thân chị, gia đình, con cháu chị
sau này, sẽ thừa hưởng được những gì từ những gì từ người vợ, người mẹ
vô nhân tính?!
Tôi thán phục những xảo thuật của chị và đồng
nghiệp khi dựng nên những giáo gian để phỏng vấn, khi dùng cả những cụ
già ăn xin để làm đạo cụ đóng giả giáo dân ngay trên đất Thánh. Tôi
thấy ngỡ ngàng khi chị đi phỏng vấn những người đơn sơ, ít thông tin về
sự việc đã xảy ra, để rồi cắt cúp xào xáo và khi được hân hạnh chiếu
lên truyền hình, đã khóc mếu mà đấm ngực ăn năn rằng: “Mình già đầu còn
dại để bọn trẻ ranh nó lừa”.
Tôi thấy thật man rợ khi chị đưa
những văn bản trái pháp luật của chính nhà nước chiếu lên TV mà mồm chị
vu vạ cho người đã khuất (Linh mục Bích) rằng đây là văn bản giao đất
cho nhà nước, mà sao không sợ trời đất trừng phạt.
Tôi cảm
thấy tởm lợm cho việc biến việc làm của môt tu sĩ đang ổn định trật tự
dân chúng khi công an chỉ đứng trơ mắt nhìn sau hành động xịt hơi cay
vào trẻ em và phụ nữ, lại trở thành hành động kích động dân chúng.
Trong khi chính những thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh được đưa đến đang
phá bĩnh trật tự trước mũi ống kính của chị.
Có thể bây giờ,
khi mà chức tước, quyền lợi đang làm mờ mắt chị, chị không thấy điều
đó. Nhưng đến một ngày, chị sẽ hiểu thế nào là luật cuộc đời, luật Nhân
– Quả. Đó là khi con cái chị phải trả giá, gia đình chị phải chấp nhận
những hậu quả của việc xuyên tạc, bổ báng thần thánh, vu cáo tu sĩ và
những người vô tội, những tội ấy trời đất chẳng dung tha. Dù là Thiên
Chúa, là Đức Phật thì đó vẫn luôn luôn là tội ác. Những bài học nhãn
tiền còn đó, chị nên nghiên cứu lại những điều người xưa đã dạy cho
thấu đáo, để có thể làm một con người đúng nghĩa của nó.
Thưa chị!
Thư
đã khá dài, thời gian đã quá khuya, vậy mà vẫn muốn nói với chị nhiều
điều. Tuy nhiên chắc cũng chưa có nhiều tác dụng lắm với chị lúc này,
khi mà cơn say cuồng quyền lực, chức tước cũng như tiền bạc vật chất
đang làm cho chị chao đảo, như một con thiêu thân, chỉ nhìn đằng trước
mà không có thời gian ngoái đầu nhìn lại đằng sau mình.
Nhưng,
có những lời răn dạy thì cũng nên dành lấy vài phút mà học, để đặng có
lúc nào đó, mình không hối hận về sự dốt nát của mình trong vòng nô lệ
của cải vật chất.
Tôi biết chị không theo đạo Công giáo, vì
đạo Công giáo chưa bao giờ dạy con người làm những điều như chị, những
việc làm của kẻ không có trái tim. Điều răn của Thiên Chúa “chớ làm chứng dối” buộc họ sống chân thật hơn.
Những
bài học gần đây về sự xúc phạm đến Thiên Chúa, chị hãy vào Đồng Đinh,
huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mà hỏi. Khi bức tượng Đức Mẹ sầu bi đã
bị đập phá, “người dân địa phương cho biết hầu hết những thành
viên tham gia đập tượng nay đều bần thần, ngơ ngác, dù giáo dân chưa
làm gì và chính quyền cấp trên chưa làm gì. Ít nhất theo chúng tôi biết
đã có hai trường hợp bị ngã xe máy và chấn thương sọ não. Một đã hôn mê
và một bị khâu hàng chục mũi ở đầu”. (Bản Tin của Ðinh Thanh Bình,
"Tượng Pieta ở Núi Gò, Phát Diệm bị đập phá"). Và chính những người hung hăng nhất, đã phải quỳ gối nhận tội.
Tôi
cũng không nghĩ chị theo đạo Phật, vì đạo phật không dạy con người làm
những điều ác đức. Tôi nghĩ chị đang đi theo một tôn giáo nào đó chỉ
biết thờ đồng tiền bằng mọi giá mà không cần biết hậu quả. Nhưng, nếu
có khi nào chị có theo ai đó lên Chùa, chị nên mượn sách Phật mà đọc
lại: “Những việc ác mà ngươi đã phạm, không phải là tại cha ngươi,
không phải là tại mẹ ngươi, không phải tại thầy, chủ ngươi. Chính một
mình ngươi đã phạm, và một mình ngươi phải chịu quả báo” (Kinh Đề Bà Đạt Ma (Devadata-suta)) và:
“Dẫu rằng ngươi chạy lên trời cao, ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi
thẳm, không có nơi nào mà ngươi trốn khỏi cái quả ghê gớm về tội ác của
ngươi”… (Kinh Pháp Cú (Damma-pada)).
Mong rằng chị có một chút thời gian để suy ngẫm, để có thể điều chỉnh hành vi của mình cho giống con người.
Đã
là con người, một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với lương tâm, với quá
khứ của mình. Đến lúc nào đó, mỗi người sẽ được gặt hái những thành quả
hay hậu quả mình đã làm. Chính con cháu mới là người lãnh nhận thành
quả hay hậu quả đó.
Chúc chị có một cuộc sống như chị muốn và
phấn đấu, có được bình an trong tâm hồn, lại còn có một chút gì đó để
lại cho con cháu. Để người đời không nguyền rủa rằng: “Đời cha ăn mặn,
đời con khát nước”.
Hà Nội, Ngày 6 tháng 9 năm 2008