Với
kỳ vọng quá nhiều về con cái và đặt ra mục tiêu quá cao cho con phấn
đấu, nhiều cha mẹ vô tình đã làm cho việc học trở thành sự áp lực quá
sức với các em.
Từ vấn đề cho đi học thêm
Thưa quí vị thính giả, vào đầu
năm học mới, nhiều học sinh ở bậc tiểu học cũng đã bắt đầu được cha mẹ cho đi học
thêm. Với truyền thống hiếu học của người
Việt, các bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình học hành giỏi giang hơn người. Tuy nhiên với kỳ vọng quá nhiều về con cái và
đặt ra mục tiêu quá cao cho con phấn đấu, nhiều cha mẹ vô tình đã làm cho việc
học trở thành sự áp lực quá sức với các em. Điều này, đôi khi khiến cho các em
rơi vào tình trạng cận kề với bệnh tâm lý. Trang Phụ Nữ xin được dành để nói về
đề tài này với sự đóng góp ý kiến của một số phụ huynh và các chuyên gia tâm lý
trong và ngoài nước.
Nhiều học sinh rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý
Thưa quí thính giả, theo một
số thông tin từ trong nước, thì hiện nay, các văn phòng tham vấn tâm lý gia đình
và trẻ em phát hiện khá nhiều em học sinh đã bị rơi vào tình trạng khủng hoảng
tâm lý. Có em đang là học sinh ngoan, giỏi,
bỗng dưng chán học, không muốn tiếp xúc với ai, rồi ngày càng trở nên lầm lì ít
nói…Có em thì không mở miệng nói chuyện với ai trong một thời gian dài và kết
quả học tập ngày càng sút kém. Khi đưa
con đến các văn phòng tham vấn, thì mới được các chuyên viên cho biết nguyên nhân
chính là do cha mẹ đã tạo một áp lực quá lớn về việc học.
Suy nghĩ của các giảng viên
Về điều này, cô Thu Trang, giáo
viên ở một trường phổ thông trung học tại quận 3, Sàigòn, xác nhận:
Không phải ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, ai cũng muốn
con mình học giỏi, thành ra cũng có yêu cầu cho con cái hơn mức bình thường…Lúc
đầu, làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình phải học giỏi, hơn người ta. Nhưng
sau một thời gian, mình cũng phải tỉnh ra. Mỗi đứa có một trí óc riêng của nó,
mình có muốn cũng không được, bản thân học sinh, một khi đã cắp sách đi học thì
đứa nào cũng muốn học giỏi, có điều một số đứa không may mắn, trí óc không
nhanh nhẹn, học không bằng mấy đứa khác.
Không phải ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, ai cũng muốn
con mình học giỏi, thành ra cũng có yêu cầu cho con cái hơn mức bình thường…Lúc
đầu, làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình phải học giỏi, hơn người ta.
Cô cũng tâm sự rằng, chính bản
thân cô, lúc đầu, cũng đã đặt ra mục tiêu rất cao và kỳ vọng nhiều vào con cô. Cho đến một ngày, cô nhận thấy con mình ngày
càng có những biểu hiện quá lo lắng, sợ hãi, thậm chí có biểu hiện của bệnh trầm
cảm, lập tức cô điều chỉnh lại bản thân mình và tìm cách giúp đỡ cháu. Cô cho
hay:
Sau một
thời gian, hiểu ra, thì tôi không kỳ vọng nhiều, mà chỉ làm hết khả năng có thể
giúp cho con, chỉ động viên nó học hết sức của mình. Học trò cũng vậy, chỉ động
viên chúng học hết sức, kết quả được thì tốt, còn bằng không thì cũng không
sao…Miễn sao, sống không lãng phí thời gian thôi. Em không đặt nặng vào kết quả
lắm.
Tình cảm giữa cha mẹ, con cái bị chấn động
Chị Ngọc Hạnh, một giáo viên
cấp hai ở quận Bình Thạnh cho hay rằng, nhiều cha mẹ, vì muốn cho con mình học
hành giỏi giang, hơn người nên đã bắt con học quá nhiều, ngoài giờ học ở trường,
các em học thêm hết môn này đến môn khác, thậm chí ngày thứ Bảy và Chủ Nhật cũng
phải đi học thêm, khiến các em không còn thời gian nghỉ ngơi. Về điểm này, cô giáo Ngọc Hạnh cho rằng:
Theo tôi
nghĩ, nếu cha mẹ ép buộc con cái thì các cháu sẽ không được thoải mái. Phụ
huynh sẽ bị thất vọng nếu con cái không học được. Cha mẹ thì luôn kỳ vọng vào
con caí, nhưng cần phải tự hỏi lại xem
con cái có học được hay không. Khi ước nguyện của mình không thành, thì sẽ gay
gắt và khó chịu với nó và tình cảm giữa cha mẹ, con cái nó bị chấn động nặng nề.
Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý,
xuất phát từ lòng thương yêu con quá đáng, quá lo lắng cho con, lại không hiểu
con nên chính điều đó đã gây ra áp lực lớn mà vô tình, cha mẹ đã đẩy con đến
nguy cơ về bệnh tâm lý. Bác sĩ tâm lý Lê
Phương Thuý, hiện đang hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ nói:
Đa số đều muốn cho con mình tốt, nhưng nếu có hành động
nào, khó khăn nào chẳng qua là vì hoàn cảnh, vì kinh tế..và mình không có thời
giờ ngồi lại với con, để tìm hiểu con, liên lạc với trường…
Cha mẹ nhiều khi quá lo lắng cho con nên đã đánh giá
thấp con cái, lo nhiều điều không cần thiết…nên nhiều khi các em đâm ra nói dối
luôn, các em muốn làm gì thì cứ làm, và kết quả là con cái sẽ xa rời bố mẹ, nó
sẽ không cảm thấy gần cha mẹ, nó cứ dấu giếm chuyện của nó và nếu em đó thèm làm
một cái gì quá mà thấy bố mẹ vô lý thì sẽ đi đến mức độ nói dối để làm theo ý mình
và nặng hơn, nếu trong một gia đình thiếu thông cảm, thì em đó sẽ có những sự
trốn học hay chán nản, mất tinh thần, không tập trung vào học nữa.
Theo lời của chị Thanh, một
chuyên gia tâm lý đang làm việc ở đường dây Linh Tâm tại Hà Nội, thì việc cha mẹ
kỳ vọng vào con, đặt mục tiêu phấn đấu mà vượt quá khả năng của con thì vô tình
sẽ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ, nhất là với những gia đình nào thiếu sự cảm
thông và hiểu biết con mình. Chị nói:
Mỗi một đưá trẻ nó là một cá thể độc lập với một tư chất rất riêng biệt và
mong muốn của nó cũng hết sức riêng biệt. Người lớn chỉ có một trách nhiệm và một
vai trò là hướng dẫn và hỗ trợ để cho trẻ có thể phát triển được một cách tốt
nhất. Bắt buộc nó học theo cái mong muốn
của mình thì chưa chắc đó là một điều phù hợp và tốt cho nó.
Người lớn chỉ có một trách nhiệm và một
vai trò là hướng dẫn và hỗ trợ để cho trẻ có thể phát triển được một cách tốt
nhất. Bắt buộc nó học theo cái mong muốn
của mình thì chưa chắc đó là một điều phù hợp và tốt cho nó.
Phải tìm hiểu thực lực của con mình
Điều quan trọng nhất là cha mẹ
phải nên tìm hiểu thực lực của con mình để tìm ra nguyên nhân nào làm cho con mình
không thích học, hay không theo kịp chúng bạn, không nên tỏ thái độ cáu gắt với
con cái. Chuyên viên tâm lý Thanh nói tiếp:
Học không nổi thì cũng do rất nhiều nguyên nhân và phụ
huynh phải tìm hiểu xem vì sao…Có thể là do quá trình hỗ trợ của mình đối với đưá
trẻ đấy hay sự tác động của mình đối với trẻ đấy nó chưa đúng cách, làm cho nó
không thích học chẳng hạn, làm cho nó không có kết quả tốt. Trong trường hợp đó mà cứ cằn nhằn thì chẳng
giải quyết được vấn đề gì vì nó chỉ đem lại sự phản kháng ngầm trong đứa trẻ thôi.
Phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu xem lý do vì sao con mình
không đạt được kết quả mong đợi, cũng như khả năng, ý thích của nó, để tìm ra một
cái hướng để có thể hỗ trợ, sau này nó có thể phát triển cái năng lực tích cực.
Cũng theo ý kiến của chị, các
phụ huynh nên cởi mở hơn với con mình trong việc học tập, không nên lấy đó làm
tâm điểm quan trọng trong đời của con. Khi các em không thực hiện nổi và không
giải toả được tâm lý, sẽ sinh ra những rối loạn tâm lý và hậu quả để lại khó lường:
Chuyện học trong trường chỉ là một “kênh” để đứa trẻ
tiếp thu những cái văn hoá cộng đồng, biến những văn hoá cộng đồng thành cá nhân
nó thôi, còn những “kênh” khác trong cuộc đời, trong công việc…tất cả những cái
đó mình tìm ra cái đúng nhất cho nó để có thể phát triển được nó.
Quý vị và các bạn vừa nghe một
số thông tin liên quan đến việc con cái sẽ phát bệnh tâm lý vì áp lực của cha mẹ. Đành rằng ở tuổi các em, chuyện học tập là điều
quan trọng, nhưng bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nên để ý đến nhu cầu yêu thương
và được tôn trọng, để cho các em có được một sức khoẻ tinh thần tốt. Tiếc rằng,
hiện nay, ở Việt Nam, phần lớn, phụ huynh chỉ quan tâm đến sức khoẻ thể chất và
việc học mà quên đi rằng sức khoẻ tinh thần là điều vô cùng quan trọng trong đời
sống con người.