Những tháng ngày căng thẳng thử thách lòng tin
Qua hơn 12 năm khiếu nại vì
quyền lợi của cộng đồng giáo dân Thái Hà
không được đáp ứng. Qua hơn 8 tháng giáo dân
Thái Hà kiên trì cầu nguyện tại nơi khu đất
mà họ chắc chắn vẫn là của họ, nhưng
đang có nguy cơ bị bán chác chia nhau. Qua những
giấy tờ, văn bản của TP Hà Nội để
chứng minh rằng “không có cơ sở trả lại” khu
đất này. Dù chính quyền đã dùng nhiều cách,
vận dụng khá nhiều phương tiện, nhân
lực và tiền của của nhân dân để giải
quyết. Dù hệ thống truyền thông đã làm hết
sức mình để biện hộ cho những
động thái, ý muốn của nhà nước là không
trả lại khu đất này bằng cách viện ra
nhiều lý do, luật lệ và chứng cứ. Dù nhiều
người đã được đưa vào nhà tạm
giam, tạm giữ cũng như nhiều người
đã bị nạn trong những vụ việc xảy ra
với họ trên đường Thái Hà và khu đất mà
họ gọi là “Linh địa” sau vụ xịt hơi
cay.
Nhưng đến nay, người ta
chỉ thấy được một kết quả:
Sự việc ngày càng bế tắc và có nguy cơ ngày càng
căng thẳng hơn.
Có phải chỉ vì các linh mục và
giáo dân Thái Hà đã bất chấp pháp luật mà làm càn trong
khi họ luôn yêu cầu Nhà nước, trước hết
là các cơ quan công quyền Hà Nội phải thực thi
pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc luật pháp.
Có phải các giáo dân muốn ăn gió nằm sương cho
thoải mái hơn những ngày chăn êm nệm ấm
ở ngôi nhà thân yêu của mình? Có phải họ bị
lừa bịp và kích động để đến khu
đất đó làm những việc mà không phải là ý
muốn của họ? Có phải họ quá rỗi rãi, không
con cháu, không nghề nghiệp, đến đó để
hòng có quyền lợi gì hay họ bị lừa bịp
như báo chí đã loan tin?
Tôi nghĩ là không. Ai cũng có một
gia đình, một mái ấm, và dĩ nhiên chẳng ai
muốn đảo lộn cuộc sống của mình.
Đó cũng là tâm lý chung của mọi người dân
Việt Nam.
Vì vậy, nhiều khi có những điều chướng
tai, gai mắt mà người dân vẫn nhắm mắt
bịt tai bỏ qua “cho nó lành”.
Vậy không phải ngẫu nhiên khi có
những con người tám chín tháng trời ăn gió
nằm sương, có thể bị đe dọa
đến tính mạng, đến tài sản cũng như
nhiều điều hệ lụy khác mà không
được hưởng hoặc hứa hẹn
được chút gì về vật chất nơi đây.
Điều họ được hứa hẹn nhiều
nhất và dễ thành hiện thực nhất là nhà tù và
bạo lực, trấn áp.
Cũng không phải ngẫu nhiên, khi
những người dân bị bắt vào nhà tạm giam,
tạm giữ, như bắt quân trộm cướp mà
những người dân đã chứng kiến lại
tiếp tục công việc của họ, coi việc
bị đe dọa, bắt bớ như một diễm
phúc, một vinh hạnh cho mình.
Ở tất cả những hành
động đó, có căn nguyên là NIỀM TIN. Phải
chăng, ngoài chuyện đất đai, tài sản, đây
còn là cuộc sự thách đố và thể hiện
niềm tin?
Lòng tin quả là có sức mạnh
khủng khiếp khi hướng dẫn mục đích hành
động của con người. Cả cuộc chiến
tranh vừa qua, cũng là kết quả của sức
mạnh niềm tin vào một ngày mai tươi sáng khi
nước nhà thống nhất độc lập,
người dân được tự do, hạnh phúc, dân
chủ, nhân quyền, công bằng xã hội được
đảm bảo… theo những lời kêu gọi của
đảng và nhà nước mà đất nước này
đã làm nên một cuộc “chiến tranh thần thánh”.
Ở đó, hàng triệu người đã chấp
nhận bỏ mình với niềm tin và mong ước cho
tương lai đất nước tốt đẹp
hơn.
Thành phố đã làm gì? Giáo dân nghĩ gì? Kết quả
hay hậu quả?
Về phía Thành phố Hà Nội,
cơ quan chức năng, luật pháp những tháng ngày qua
cũng đã khá vất vả, căng thẳng mong tìm
được cách giải quyết ổn thỏa
để vụ việc không còn là một mối quan tâm quá
lớn, để tập trung cho muôn vàn việc khác của
một thủ đô đứng thứ 2 thế giới
về diện tích mới được thành lập. Các
quan chức lo vị trí ghế ngồi công tác, các cơ quan
lo vị trí làm việc, các cán bộ lo chuyện đi làm xa
gần, chuyện chuyển đổi cơ quan, nhân
sự… thì vụ việc Thái Hà quả là không dễ
chịu và không ai muốn kéo dài.
Nhưng sau gần một tháng huy
động hết công suất làm việc của các cơ
quan chức năng, thì kết quả hiện nay có như
những ý muốn của nhà nước hay không? Việc
này cần nghiêm túc xem xét và đánh giá. Để đánh giá
những kết quả, sai lầm hay thành công của các
cơ quan công quyền, chắc cần một thời gian
để có cái nhìn khách quan.
Nhưng sự thực là cho
đến nay, cả hai bên đã đẩy sự việc
đến một tình trạng nguy hiểm và bế tắc
không ai nghe ai. Thực tế chỉ nghe tiếng khóa
loảng xoảng của nhà giam và những lời đe
dọa cứng rắn từ nhà nước cũng như
tiếng đáp lại đồng âm hiệp nhất
của cộng đồng dân Chúa là chấp nhận mọi
thử thách sẽ đến qua những lời cầu
nguyện “Lạy Chúa, con đường nào Ngài đã
đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường...” nghe mà cảm thấy xót xa trong
một đất nước hòa bình độc lập.
Nguy hiểm lớn nhất là sự
bền vững, ổn định lâu dài của xã hội,
của đất nước Việt Nam đã chịu quá
nhiều tai họa, đau thương sau một thời
gian dài đã không được vun đắp, hàn gắn.
Trái lại còn khoét sâu vào những điều mà nhân loại
đang cố tránh, đó là sự đoàn kết dân
tộc, đoàn kết đất nước tạo nên
sức mạnh.
Những ngày này, tinh thần giáo dân
đang bị kích động mạnh bởi hệ
thống truyền thông nhà nước đã phạm
những sai lầm nghiêm trọng với quan niệm
truyền thống từ thời chiến tranh lạnh:
truyền thông một chiều và bóp méo sự thật. Có
thể đó là do sự chỉ đạo, cũng có
thể do những người lính xung kích hăng máu
thiếu suy nghĩ mà không có sự lãnh đạo đúng
đắn của người cầm quân. Nhưng hậu
quả là nhãn tiền.
Hậu quả lâu dài của nó là gì,
chưa thể tính đến và nói hết. Nhưng hậu
quả trước mắt cho Thành phố Hà Nội vốn
đã đông đúc là hàng vạn lượt người
từ khắp muôn nơi, từ thành thị tới
những vùng thôn quê bất chấp khó khăn về kinh
tế, về ngăn cản, về khoảng cách đã
nườm nượp đến Thái Hà để
chứng tỏ tình liên đới và Hiệp thông.
Theo suy đoán của những
người có kinh nghiệm, thì dòng người này sẽ
không chỉ có thế. Nếu sự việc không
được giải quyết nhanh chóng và hợp tình
hợp lý, thì dòng người những ngày tháng tới là khó
kiểm soát. Nhất là khi hầu hết các Giám mục
đã về Thái Hà và Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt
đã đến bày tỏ quan điểm của mình trong
khi hệ thống quan chức và truyền thông đang
muốn kết tội cả bản thân ông và đang đe
dọa những biện pháp cứng rắn hơn. Nhất
là khi những người đã đến được
tận nơi chứng kiến những điều không
như đài, báo nhà nước đã nói thì hệ thống
truyền thông bằng miệng, bằng cách rỉ tai nhau
sẽ phát huy tác dụng và có sức lan tỏa ghê gớm.
Có người cho rằng: Có thể
Thành phố sẽ để cho các giáo dân, tu sĩ mỏi
mệt với những người cầu nguyện
vất vả nắng mưa và xa xôi, rồi sẽ
đến ngày tự tan.
Xin thưa là không. Với những
người Công giáo, họ coi sự vất vả, hi sinh
của họ là niềm vui của sự hiến thân, thì
những sự trông chờ đó là ảo tưởng. Khi
những người dân về Thái Hà không như truyền
thông nhà nước nói là bị lừa bịp, bị
dụ dỗ, thì tinh thần họ càng hăng say hơn, vì
ở đó, họ có dịp chia sẻ, họ có dịp tâm
tình những điều mà không thể nói cùng ai trong
cuộc sống. Có những người cả đời
không thể dành ra một ngày để thăm họ hàng,
con cháu, được đến Thủ đô là mơ
ước, nhưng đây là dịp để họ tham
quan và chứng tỏ niềm tin mến của mình.
Và điều này thì chắc nhiều
quan chức sẽ ít khi ngờ là khi đến đó,
họ coi đó là nhà mình và tài sản của nhà
thờ là của nhà mình,
vì vậy, dù từ đâu tới, họ
vẫn sẵn sàng xả thân để bảo vệ. Nếu không tin điều này,
mời đến Nhà thờ Thái Hà xem cách họ đi
lại, ăn nói và giữ gìn trật tự vệ sinh thì
hiểu. Những người dù gặp lần đầu,
cũng nhìn nhau với ánh mắt trìu mến thân thương
và dễ dàng chia sẻ. Thật sự, đó là một
sức mạnh vô đối.
Đến nay, vụ việc
đơn giản đã bị hình sự hóa, và có nguy cơ
chính trị hóa khi báo chí cho rằng “có những thế
lực đứng đằng sau vụ việc Thái Hà”.
Người ta tự so sánh vụ việc này với
những vụ việc khác nhau xảy ra muôn nơi vạn
nẻo trên đất nước này để tự rút ra
cho mình câu trả lời: Vì sao, sự việc đơn
giản được nghiêm trọng hóa? Có phải vì
đây là tài sản của tổ chức Công giáo nên nó
như vậy hay không? Hay chỉ là cách giải quyết
một vụ việc nhưng không đúng cách?
Người ta cũng
hỏi tại sao trên các báo đài nhà nước, khi mà
họ không thể hiểu được những
điều đơn giản nhất của tôn giáo này
như cầu nguyện và hành lễ, như giáo xứ và
giáo phận mà các nhà truyền thông lại cứ phán bừa
Lời Chúa, rằng Chúa muốn thế này, thế nọ,
việc đưa ảnh tượng Chúa cần
đến nơi nào… Những điều đó
được coi là những lời châm biếm, sỉ
nhục với người Công giáo.
Thậm chí, màn vu cáo những giáo dân
đã “ném ảnh tượng xuống đất rồi
rắc đất cát bẩn lên để quay phim..”
đã tạo nên một tâm lý bất tín nơi họ.
Những người làm công tác truyền thông bất
chấp sự thật đã không biết điều này:
Với người Công giáo thời kỳ bị bách
hại, đã hàng vạn lượt người thà bị
chém đầu mà không bao giờ bước qua hình Thập
Giá được vẽ lên mặt đất, thì chớ
có bày đặt những chuyện khủng khiếp như
trên cho họ. Điều này đã thực sự tạo
cho họ một cú sốc và tâm lý phản kháng mà khó có
thể hóa giải, dù họ không nói ra.
Đó là một sai lầm khó tha
thứ của thứ truyền thông bịa đặt.
Đó cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho dòng
người cứ chảy về Thái Hà không dứt, làm cho
tinh thần giáo dân lên cao khi niềm tin vào truyền thông nhà
nước xuống thấp trong họ.
Đây là một bài toán không dễ
giải chút nào cho hệ thống các cơ quan công quyền,
nếu họ vẫn cứ giải quyết theo cách
“lối cũ ta về”.
Bởi vì con người khác với
loài vật là có suy nghĩ, có tư duy. Vì vậy khi họ
đã xác định là họ đúng, có chính nghĩa mà nhà
nước không thể giải thích cho họ khác đi, thì
có nghĩa là họ chấp nhận tất cả
để bảo vệ công lý, nhất là khi giáo lý đã
đòi buộc họ “Công lý cần nêu cao” và phải là ngôn
sứ của sự thật và tình yêu thương.
Việc sử dụng sức
mạnh của bạo lực, tìm cách đưa họ vào
nhà tù, là cách làm dễ dàng nhất nhưng cũng thể
hiện sự bạc nhược nhất của chính
nghĩa, của công lý trong trường hợp này. Bởi
họ là những người chân yếu, tay mềm, không
một tấc sắt.
Nhưng điều đó làm cho
niềm tin vào sự thật của họ được
vun đắp ngày càng lớn và đẩy vụ việc
đến chỗ bế tắc. Bởi với
người Công giáo, có một quy luật mà qua bao nhiêu
thời đại bị bách hại đã đúc kết:
Sự bách hại làm một người mất đi,
sẽ nảy sinh máu anh hùng tử đạo nơi
nhiều những con người yếu mềm nhất. Vì
vậy họ sẵn sàng chấp nhận: “Lạy Chúa,
xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử
lửa” (Thánh Vịnh
- Chương 26 – 2).
Đó là những bí ẩn, hay còn
gọi là những điều khó hiểu của
người Công giáo mà những người lãnh đạo
nên tìm hiểu.
Cách giải quyết nào cho thấu tình, đạt lý và
nghiêm pháp luật?
Với những người giáo dân,
việc bạo động là điều không bao giờ
họ muốn. Hãy nhìn những buổi cầu nguyện
của họ trong âm thầm, lặng lẽ và trật
tự thì chúng ta có thể thấy điều này. Ngay
cả khi bị bôi nhọ, bị trấn áp, bị
nhục mạ mà họ vẫn cảm thấy vinh quang.
Bởi họ không nhìn nhận vinh quang cho chính bản thân
mình, họ không tìm kiếm điều đó ở thế
gian. Tất cả được họ được
gửi gắm vào nơi Thiên Chúa.
Nhưng, có phải là như thế
thì có thể sử dụng vũ lực với họ?
Điều này là một sai lầm hết sức nghiêm
trọng trong cách hành xử. Nếu không tận diệt
được tất cả người công giáo, thì
chưa có một nhà nước, một thể chế nào
có thể khuất phục họ được bằng
cách đó. Thời Minh Mạng, Tự Đức và các
triều đại phong kiến đã qua, với những
cơn bách hại khốc liệt đã để lại
cho Giáo hội Công giáo Việt Nam hàng trăm vị Thánh
Tử đạo. Những thời đại đó đã
tạo nên một linh địa La Vang được
cả thế giới công nhận mỗi năm thu hút hàng
triệu người hành hương. Chắc không một
chế độ nào muốn để lại cho hậu
thế những vị Thánh và những linh địa ghi
dấu ấn tội ác như trên bằng cách ghi nên
những trang sử “hào hùng” như thế.
Hãy xem, ngay trong chế độ
hiện nay, có những nơi hơn 50 năm, nghĩa là
hơn hai đời người sinh ra và lớn lên, không có
linh mục, không có Thánh lễ, nhưng khi có cơ hội,
thì đoàn chiên Chúa lại trở lại bên những
đấng chăn. Đời sống tôn giáo bất
tử đó nói lên điều gì? Đó là điều
cần suy nghĩ bằng những bộ óc và cái nhìn khách
quan nhất.
Vậy để giải quyết
vụ việc Thái Hà, cần những điều kiện
nào? Điều cần nhất, là hãy để sự
việc về đúng bản chất của nó.
Đừng nên nghiêm trọng hóa những vấn đề
rồi nhiều khi tự mình đánh lừa cảm giác
của mình, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Họ cũng là những công dân,
thậm chí là những công dân tốt. Phải công nhận
một điều là nơi có nhiều người công giáo
thì tệ nạn xã hội, sự suy đồi đạo
đức bị giới hạn đến mức tối
thiểu. Vậy với những nhu cầu của họ
là có thật, việc giáo dân bức xúc khi tài sản
để phục vụ cộng đồng, tập
thể được tư nhân hóa và có nguy cơ chia chác,
bán kiếm lợi cho một nhóm người, sự
phản ứng là điều không có gì chối cãi.
Thật ra, điều này đáng
lẽ ra cần được khuyến khích, khi mà
đảng và nhà nước đang hô hào chống tham
nhũng triệt để.
Giáo dân đã phá hỏng một
đoạn tường rào cũ, được xác
định là giá trị gần 3,5 triệu đồng
(tất nhiên, cần kiểm tra lại cách thẩm
định này) khi họ cho rằng bức tường
đó là xây dựng trái phép, đã bị khởi tố vì
tội “phá hủy tài sản” và bị bắt giam hàng
loạt như những người trộm cướp,
một cách quyết liệt và nhanh chóng. Động tác
đó có làm người dân khâm phục không với hệ
thống công quyền và cán cân công lý hiện tại? Khi mà
ngay cạnh đó, một loạt mấy ngôi nhà, không
chỉ đập mất tường rào, mà còn chiếm
đoạt cả một nửa đường đi
chung, xây sâu vào đất phía trong nơi tranh chấp cả
chục mét lại không thấy nhà nước khởi
tố và bị bắt? Hay chỉ có giáo dân đập
tường mới là vi phạm pháp luật, còn những
quan chức kia, thì được pháp luật miễn
trừ?
Vậy đâu rồi cái khẩu
hiệu “Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ
nghĩa”, đâu rồi cái khẩu hiệu “Mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật”?
Ngoài ra, việc hàng loạt báo chí nhà
nước đã ngày đêm vu cáo, xuyên tạc bẩn
thỉu, bịa đặt ác ý không chỉ với
người dân Thái Hà và hàng ngũ tu sĩ, mà còn là sự
nhục mạ với cả một cộng đồng tôn
giáo, được coi như không có chuyện gì xảy ra.
Đặc biệt, báo chí đã phạm một sai lầm
chết người là kích động hằn thù tôn giáo, vi
phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc phá hoại
tình đoàn kết dân tộc. Dù Thái Hà đã có đơn lên
tận cấp cao nhất đã cả tháng trời qua,
nhưng tiếng kêu của họ như đi vào cõi hư
vô. Những tiếng sỉ nhục vẫn gào thét hàng ngày
bên tai họ, vào tận cung Thánh của Nhà thờ. Sao không
thấy ai xử lý dù luật lệ đã có đầy? Hay
giáo dân và tu sĩ Thái Hà không có quyền công dân? Một chính
quyền không coi trọng nhân dân như vậy, thì hỏi nó
đang phục vụ ai? Trong khi chính những người
dân đó, đang ngày đêm lao động để góp
những đồng tiền của mình nuôi chính quyền
hiện tại.
Trong khi đó một số ít tiếng
nói cất lên từ chính lương tâm mình, từ chính
những sự thật, sự công chính lại đang
bị đe dọa xử lý, lại tù đày, bắt
bớ? Vậy quyền của người dân đâu
mất hết cả? Khi người dân muốn có
tiếng nói của mình, họ biết nói vào đâu?
Những người cầm quyền cao nhất có còn
muốn nghe lời nói thật trong xã hội hay không? Hay
họ chỉ muốn nghe những báo cáo nghe chỉ
sướng cái tai mà sự thật chứa đựng quá
ít ỏi?
Những điều đó, nếu
xảy ra, chắc chắn sẽ lại thêm một lần
phơi bày toàn bộ sự thật về những gì mà
cuộc sống của nhân dân Việt Nam đang có trước
lương tâm mọi người và bạn bè năm châu.
Khi đó, hậu quả cho đất nước sẽ
không chỉ là những việc như hiện tại.
Những cách làm đó, đã
đẩy sự việc đến mức căng
thẳng không đáng có, mà lẽ ra mọi việc chỉ
cần có thiện ý, có thể giải quyết trong
đối thoại hòa bình thì đã xong từ lâu.
Với phương cách của
người Công giáo, theo tinh thần “đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi
lăng nhục” sẽ là cách giải quyết êm
đẹp nhất, thấu lý, đạt tình và nghiêm pháp
luật. Chắc chắn một điều, không có một
cá nhân, tổ chức, tôn giáo hoặc một nhà nước
nào không có những sai lầm. Vấn đề là biết
thành tâm nhìn nhận và sửa chữa những sai lầm
đó ra sao mà thôi.
Đã đến lúc, nếu không nói là
quá muộn, cả hai bên cần một thiện chí thực
tâm.
Mỗi bên, hãy tự nhìn nhận
lại chính mình. Phía Nhà thờ cần nhìn nhận lại
một số việc nên và không nên, đừng để
sự việc đi quá xa những gì mình có thể kiểm
soát. Sự nhẫn nhục bấy lâu nay, là điều ai
cũng hiểu, nhưng không vì thế mà mình để
sự việc ngoài tầm tay. Nhất định không
phục vụ một mục đích chính trị nào như
đường hướng của Giáo hội và không
để những phe phái chính trị có thể lợi
dụng sự kiện này nếu không muốn đi
đến chỗ sai lầm. Nhất là trong giai
đoạn hiện nay, khi đất nước đang
hết sức khó khăn về kinh tế và giặc ngoài
đang lăm le bờ cõi.
Phía nhà nước, cần nhất
vẫn là một sự thiện chí trên tinh thần của
sự thật và công lý để giải quyết vấn
đề này. Không thể dùng những mưu mô hay bất
cứ điều gì ngoài sự tôn trọng nhân dân, tôn
trọng sự thật thì mới giải quyết
được vụ việc êm đẹp.
Nhiều người cho rằng, nhà
nước e ngại nhất là khi giải quyết xong
vấn đề này, sẽ xảy ra những vấn
đề khác tương tự, vì trong quá khứ, đã có
nhiều nơi, nhiều chỗ như Thái Hà. Nhưng tôi
không nghĩ vậy, khi cả hai bên đã có những
hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thì mọi việc
đều có thể dễ dàng thảo luận. Nhất là
với người Công giáo, luôn lấy sự tha thứ là
một điều bắt buộc và là một niềm vui,
luôn lấy sự hi sinh làm lẽ sống và là hạnh phúc,
thì sẽ không có những phức tạp như những lo
ngại nói trên.
Tôn giáo nào, con người nào cũng
cần một đất nước thanh bình, một dân
tộc hùng cường và đoàn kết để tạo
nên sức mạnh.
Hãy mạnh dạn tin ở nhân dân.
Để làm được
điều đó, phải chăng cần những con
người cụ thể trong bộ máy cầm quyền
dám có những tư duy đột phá, dám có những hành
động dũng cảm, đối mặt với
sự thật để thể hiện là một người
mà nhân dân có thể gửi gắm lòng tin nơi mình.
Với mỗi cá nhân trong cộng
đồng Công giáo, là những công dân, cần chấp hành
các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Là
những giáo dân, cần có trách nhiệm và nghĩa vụ
với Giáo hội, xây đắp nên một Giáo hội
vững bền trên cơ sở Sự thật, Công lý và tình
yêu thương.
Hà Nội, Ngày 13 tháng 9 năm 2008
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
|